Skip to content

Google Stadia: Lời giải tuyệt vời cho công nghệ game đám mây?

Google Stadia

Google Stadia – Chơi game trên… Youtube” từng là một trò đùa “dân dã” của game thủ.

Khi tiền thì thiếu, máy thì cùi, console thì không có, nhưng mạng lại khỏe, có lẽ cách “đỡ xót ví” nhất để trải nghiệm một tựa game nóng hổi mới ra là… xem nó trên Youtube!

Những tưởng đây chỉ là một trò đùa vô hại… nhưng không, Google không thích điều này.

Gã khổng lồ đã chính thức “khai tử” trò đùa này tại Game Developers Conference 2019.

Công ty đã công bố Google Stradia – dịch vụ stream game trên đám mây (cloud gaming) tới gần như mọi thiết bị, dù đó có là máy tính, máy tính bảng, điện thoại, hay cả Tivi.

Hơn thế nữa, dịch vụ này sẽ được liên kết với Youtube.

Sau đây, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua những gì chúng ta đã biết về dịch vụ stream game này nhé!


GOOGLE STADIA – CÁI NHÌN TỔNG QUAN

Với tiềm lực hiếm ai bì được về công nghệ mạng máy tính, việc Google mang tới một dịch vụ stream game là điều hết sức đáng chú ý.

Dịch vụ chơi game đám mây Google Stadia sẽ cho phép người dùng đăng nhập từ bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ trình duyệt Chrome, thiết bị Chromecast hoặc sử dụng Chrome OS như Google Pixel và chơi game trên tất cả chúng.

Thậm chí, theo như những gì Google trình diễn tại buổi giới thiệu, khi người chơi dừng chơi ở điện thoại để chuyển qua PC chẳng hạn, họ có thể tiếp tục chơi ở ngay tại thời điểm họ đã ngừng trước đó (tương tự cách làm của Netflix).

Đương nhiên, tất cả các vấn đề như cập nhật, nâng cấp tính năng hay tính toán để chạy game đều được thực hiện bởi các máy chủ của Google thay vì phần cứng của bạn.

Điều đó có nghĩa bạn sẽ loại bỏ đi một đống các vấn đề về kỹ thuật, và không phải bỏ tiền ra để mua những chiếc console hay linh kiện PC đắt đỏ, và có thể dành tiền đó để mua gói mạng xịn hơn chẳng hạn.

Google Stadia sẽ được tích hợp với Youtube, cho phép bạn mở và chơi ngay tựa game mình đang xem chỉ với một cú nhấp chuột.

Thậm chí với những game chơi mạng nhiều người đang được trình chiếu trực tiếp, bạn có thể gia nhập vào game đó luôn.

Google Stadia cũng giúp cho việc chia sẻ các đoạn clip về game trở nên dễ dàng hơn.

Đồng thời, Google cũng giới thiệu mẫu tay cầm chơi game của riêng họ – Stadia Controller.

Nhìn chung, chiếc điều khiển này được thiết kế khá cơ bản với hai cần và các nút hai bên.

Ngoài ra, nó cũng có một số nút với chức năng đặc biệt như ghi lại clip chơi game hay gọi Google Assistant.

Google chưa công bố giá cả cho dịch vụ Google Stadia nhưng gần như chắc chắn nó sẽ được phát hành dưới dạng gói đăng kí.

Dịch vụ này sẽ bắt đầu có mặt tại Mỹ, Canada và một số nước châu Âu vào năm nay.


2. CẤU HÌNH VÀ ĐỘ TRỄ

Theo như lời quảng cáo của Google, Google Stadia sẽ hỗ trợ độ phân giải 4K ở 60FPS và công nghệ hình ảnh HDR. Trong tương lai, dịch vụ này có thể hỗ trợ 120FPS ở mức 8K.

Nhìn chung, với sức mạnh những chiếc máy chủ của Google thì 8K hay 120 FPS cũng không có gì là quá sốc, nhưng đường mạng của bạn có tải được lượng hình ảnh đó không thì lại là “câu chuyện vui vẻ” khác.

Nhà sản xuất game sẽ trực tiếp làm việc với phần cứng tại các trạm máy chủ của Google để tối ưu cho sản phẩm của họ một cách tốt nhất, và cấu hình mỗi máy chủ như sau:

  • CPU: Vi xử lý x86 có tốc độ 2,7 GHz, hỗ trợ AVX2 SIMD và có 9,5 MB bộ đệm L2 + L3
  • GPU: Chip AMD sử dụng bộ nhớ HBM2 với 56 đơn vị tính toán và hiệu suất 10,7 TFLOP
  • RAM + VRAM: 16GB bộ nhớ được chia sẻ chung giữa CPU và GPU với băng thông lên tới 484GB / giây
  • Lưu trữ đám mây SSD
  • Hệ điều hành Linux

Google cũng so sánh sức mạnh hệ thống của mình với PlayStation 4 Pro và Xbox One X.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi máy chủ của Google ăn đứt cả hai, bởi chiếc GPU mà Google Stadia sử dụng có lượng TFLOP và đơn vị tính toán tương tự RX Vega 56.

Hơi lạc đề một chút, nhưng theo “tin đường phố” thì 99% AMD sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phần cứng cho cả thế hệ console tiếp theo của SonyMicrosoft.

Nên khả năng cao cấu hình này sẽ tương đương sức mạnh của thế hệ console sau đó.

Một lưu ý nữa là Google cho phép “gộp” phần cứng. Cấu hình một chiếc máy có thể là như trên, nhưng nhà sản xuất có thể “gộp” nhiều máy lại nếu cần để đưa ra trải nghiệm tốt nhất.

Đồng thời, cấu hình nói trên có thể được nâng cấp lên trong tương lai.

Về phần độ trễ, Digital Foundry đã có một bài phân tích khá cụ thể sau khi được tự tay trải nghiệm Google Stadia.

Tuy chỉ chơi trên một chiếc Google Pixel nhưng trải nghiệm game thực sự rất mượt.

Đồng thời, kết quả đo độ trễ được đúc kết như sau:

  • Google Stadia: 166ms
  • Google Project Stream: 179ms
  • PC @ 30fps: 112ms
  • PC @ 60fps: 79ms
  • Xbox One X: 145ms

Khỏi phải nói, trừ khi bạn là nhân viên của Google và ngồi ngay cạnh đống máy chủ của họ, bạn sẽ không thể nào có được trải nghiệm chơi “trơn tuồn tuột” như những gì được Google trình làng được.

Hơn thế nữa, để tránh “cá mập cắn cáp”, nếu muốn dịch vụ này thực sự cất cánh ở Việt Nam, có lẽ chúng ta phải chờ tới ngày Google đích thân mở trạm máy chủ chơi game tại đây.

3. SỨC MẠNH LIỆU ĐÃ ĐỦ?

Công ty tiên phong trong lĩnh vực game trên đám mây có lẽ là OnLive, và tới giờ, nó cũng đã… xanh cỏ rồi.

Thành lập năm 2003, có lẽ OnLive đã đi quá sớm, trước khi thời đại hay công nghệ cho phép.

“Lag và trễ” có lẽ là hai thứ đã “kéo” OnLive xuống mồ.

Giờ đây, thời đại phát triển, công nghệ mở rộng đã cho phép Google mang tới Google Stadia.

Mặc dù chưa đi vào sử dụng đại trà nhưng những phản hồi từ người chơi sau đợt trải nghiệm thử Project Stream là cực kì tích cực.

Thế nên, rất có thể Google sẽ khắc phục được vấn đề chậm trễ muôn thuở của chơi game trên đám mây.

Suy cho cùng, nếu Google còn “bó tay” thì có lẽ cái ngày game trên đám mây trở thành thứ gì đó đại trà còn xa lắm.

Do vậy, bài toán về công nghệ coi như đã giải xong, hay ít ra đã có lối giải hợp lý.

Thế nhưng bài toán về con người thì sao?

Khái niệm “sở hữu” luôn là một vấn đề tồn tại trên nền thế giới game hiện đại.

Bạn bỏ tiền mua một bản game vật lý… bạn sờ được vào nó, nó là của bạn. Cái đó thật sự quá rõ ràng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Steam và các cửa hàng trực tuyến nói chung đã làm lu mờ khái niệm này.

Bạn làm sao để “chạm” vào bản kỹ thuật số của game?

Có nhiều người không thích điều này và vẫn ưu tiên trải nghiệm vật lý hơn, nhưng số đông vẫn chấp nhận nó.

Dù sao, vẫn còn các tựa game DRM-free và cửa hàng như GOG cung cấp những sản phẩm mà khi bạn đã tải về, bạn có thể chơi ở đâu, tùy bạn, không ai quản.

Còn tới dịch vụ game trên đám mây… bạn thậm chí còn không được tải game về máy mình nữa thì liệu có mấy phần là bạn “sở hữu” sản phẩm đó?

Chưa kể khái niệm “sở hữu” chỉ là một mắt xích nhỏ bé trong một chuỗi các hệ quả nếu thế giới chuyển mình sang lĩnh vực game trên đám mây mà thôi.

Do vậy, đứng sau câu hỏi “Có thể làm vậy không?” mà Google đã gần tìm ra lời giải là một câu hỏi lớn hơn… “Có nên làm vậy không?”.

Bài viết này đã trình bày một “lời giải” cho câu hỏi thứ nhất rồi, nên để bàn về câu hỏi thứ hai, Vietgame.asia xin hẹn độc giả ở bài viết sau vậy nhé!