Vào tháng 8 năm 2020, Epic đã khởi kiện Apple về “hành vi độc quyền” trên App Store, và cùng ngày, hãng cũng kiện luôn Google vì hành vi tương tự.
Hai đơn khiếu nại về cơ bản giống hệt nhau: Bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất ứng dụng phải thông qua hệ thống thanh toán nội bộ của họ — và thu 30% lợi nhuận — Apple và Google đang duy trì độc quyền và ngăn chặn cạnh tranh công bằng.
Theo một hồ sơ mới được giải mật, Google thậm chí còn cân nhắc mua lại Epic để loại bỏ “mối đe dọa” tới vị thế độc quyền.
“Vẫn chưa bằng lòng với các rào cản kỹ thuật mà Google đã dày công bố trí để loại bỏ cạnh tranh, Google sử dụng quy mô, ảnh hưởng, quyền lực và tiền bạc của mình để lôi kéo các bên thứ ba tham gia vào các thỏa thuận chống cạnh tranh nhằm tiếp tục vị thế độc quyền của mình”, dẫn lời tài liệu trong vụ kiện trên.
“Google thậm chí còn thực hiện nhiều dự án nội bộ để ngăn cản những nỗ lực của Epic để mang lại lựa chọn tốt hơn cho khách hàng – điều mà công ty này cho là chẳng khác gì “dịch bệnh” – và đã từng toan tính mua lại Epic để dập tắt mối đe doạ.”
Không biết chính xác tất cả những điều này xảy ra khi nào, và dường như ngay cả Epic cũng không hề hay biết.
Giám đốc điều hành Tim Sweeney cho biết trên Twitter: “Chúng tôi không hề hay biết vào thời điểm đó, và phải nhờ vào Trát của tòa án, chúng tôi mới biết việc Google từng xem xét mua lại Epic để ngăn chặn một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google Play”. “Liệu đây có phải là một cuộc thương lượng ôn hoà, hay là một hành vi độc quyền hung hăng, vẫn chưa rõ ràng.”
Hồ sơ cũng tuyên bố rằng “các nhà quản lý cấp cao của Google Play” đã đưa ra một “thỏa thuận đặc biệt” cho Fortnite nếu họ thông qua Google Play
Cuối cùng, Epic đã từ chối lời đề nghị thỏa thuận của Google, thay vào đó cung cấp phiên bản Android của Fortnite thông qua trang web của riêng mình và qua kênh của Samsung.
Đáp lại, Google đã bắt đầu chia sẻ nhiều thống kê “thú vị” về “các ứng dụng giả mạo” bị Google Play Protect phát hiện được, và thương lượng với các nhà phát triển phần cứng để ngăn chặn hành vi cài ứng dụng từ bên ngoài Google Play.