Grand Theft Auto: San Andreas Remastered – Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2004 trên hệ máy PS2, Grand Theft Auto: San Andreas có thể nói là tựa game mang tính biểu tượng nhất của thương hiệu GTA nói riêng và Rockstar nói chung.
Gọi là như thế, đó là bởi vì Grand Theft Auto: San Andreas đã có những bước nhảy vọt so với phần trước. Chẳng hạn như sự xuất hiện của ba thành phố lớn, hệ thống phát triển nhân vật, các minigame và nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, có lẽ chính vì tính biểu tượng của nó, mà Rockstar đã quyết định “hồi sinh” tựa game để “cầm chân” người hâm mộ trong lúc chờ dự án tiếp theo.
Vào ngày 11 tháng 11 vừa qua, cùng với Grand Theft Auto III và Vice City, Grand Theft Auto San Andreas đã được tút lại cho thế hệ mới và bán theo gói mang tên Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition.
Phiên bản tân trang này được thực hiện bởi Grove Street Game, đây là một studio chuyên “port” (chuyển hệ máy) các tựa game console của Rockstar lên điện thoại.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, có lẽ là do thiếu hụt kinh nghiệm, hoặc có lẽ là do bị công ty mẹ Take-Two ép cho kịp thời gian ra mắt, gói Definitive Edition được phát hành trong tình trạng đầy lỗi cùng nhiều quyết định thiết kế khó hiểu. Đây chắc hẳn là điều mà hầu hết các game thủ đã nghe trong thời gian qua.
Để giải quyết vấn đề trên, Rockstar cho biết rằng họ sẽ cập nhật tựa game với những bản patch trong tương lai gần.
Người viết đề cập đến điều này, đó là vì phiên bản mà người viết sẽ đánh giá là phiên bản 1.03 của tựa game. Liệu phiên bản này đã đủ để giúp cho Grand Theft Auto: San Andreas Remastered đưa đến một trải nghiệm trơn tru?
Vietgame.asia sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này, bằng cách trở lại với bang San Andreas.
NỘI DUNG
5 năm trước khi trò chơi bắt đầu, Carl Johnson – nhân vật chính của chúng ta – đã quyết định thoát khỏi áp lực của cuộc sống tại Los Santos (phiên bản hư cấu của Los Angeles).
Đây là một thành phố bị giằng xé mình bởi các băng đảng, ma túy và cảnh sát bẩn. Nơi các nhà ngôi sao điện ảnh và triệu phú cố gắng hết sức để tránh những kẻ buôn bán ma túy và các tay xã hội đen.
Năm 1992, Carl quyết định về nhà. Nguyên nhân là vì mẹ anh đã bị sát hại, gia đình anh tan nát và băng đảng ngày xưa của anh đang trên bờ vực diệt vong.
Vừa trở lại với thành phố năm xưa, Carl đã bị chặn đường bởi những gã cảnh sát bẩn mà anh quen biết trước đó. Chúng đã gán cho anh tội giết người và buộc anh phải thực hiện những nhiệm vụ mang lại lợi ích cho chúng.
Đây chính là bước đầu tiên trong hành trình đầy gian nan của Carl, một hành hình đưa anh đi xuyên qua ba thành phố là Los Santos, San Fierro (San Francisco) và Las Venturas (Las Vegas).
BẠN SẼ THÍCH
Sắc nét hơn, chi tiết hơn
Điểm tích cực đầu tiên và dễ thấy nhất của Grand Theft Auto: San Andreas Remastered, chính là sự nâng cấp toàn diện về mặt đồ họa.
Hầu hết mọi yếu tố, từ đường phố, xe cộ, mặt đường, cây cối đến quần áo của các nhân vật chính đều được cải thiện hoàn toàn.
Hiệu ứng ánh sáng cũng được thực hiện tốt, với các yếu tố như đổ bóng, ánh sáng từ đèn xe và ánh sáng mặt trời có phần thực tế hơn.
Suy cho cùng, đây cũng không là điều quá ngạc nhiên, vì Groove Street Games đã thay thế nền đồ họa RenderWare cũ kỹ bằng Unreal Engine 4 hiện đại, mạnh mẽ.
Dĩ nhiên, đồ họa của tựa game sẽ không thể nào có thể so với những trò chơi AAA mới nhất, nhưng nếu so sánh giữa bản gốc cách đây 17 năm và bản hiện tại, thì có thể thấy rõ một trời một vực.
Một điểm tương đối quan trọng, đó là trên nền đồ họa mới này, chúng ta cuối cùng cũng được diện kiến dung nhan của Berverly Johnson – mẹ của CJ. Đây là điều gần như không thể ở bản gốc.
Điểm tích cực đầu tiên và dễ thấy nhất của Grand Theft Auto: San Andreas Remastered, chính là sự nâng cấp toàn diện về mặt đồ họa.
Những thêm thắt nhỏ
Nếu độc giả đã xem bài đánh giá Grand Theft Auto III Remastered, thì phân đoạn này có thể lướt qua nhanh. Nguyên nhân là vì những thêm thắt này được áp dụng cho cả ba tựa game trong gói Definitive Edition.
Đầu tiên, đó là bản đồ đã được tích hợp GPS, giúp cho việc di chuyển đến mục tiêu nhiệm vụ dễ dàng hơn.
Thứ hai, đó là trò chơi áp dụng cơ chế chuyển radio cũng như vũ khí từ Grand Theft Auto V, tăng tính thuận tiện cho lúc chọn nhạc khi lái xe hoặc chọn vũ khí khi chiến đấu.
Điểm mới thứ ba, đó là sự bổ sung của cơ chế lưu game tự động sau mỗi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, khi nhiệm vụ thất bại thì chúng ta cũng có tùy chọn để bắt đầu lại ngay, không phải tỉnh dậy ở bệnh viện hoặc đồn cảnh sát.
Thứ tư, đó là thế giới của San Andreas cũng được bổ sung thêm nhiều chi tiết. Những khu vực trống trải (chẳng hạn như garage nhà CJ hay tiệm cắt tóc) được bổ sung thêm những vật dụng linh tinh để tạo cảm giác thực tế hơn, bớt đi cảm giác “vô hồn”.
những thêm thắt này được áp dụng cho cả ba tựa game trong gói Definitive Edition
Thứ năm, đó là khi mua sắm hoặc cắt tóc, trình đơn (menu) cho thấy hình ảnh sản phẩm sắp mua sẽ như thế nào. Đây là một cải tiến nhỏ nhưng có ích vì CJ… thay đồ quá lâu.
Bên cạnh đó, các NPC cũng được đa dạng hóa hơn về mảng quần áo, giúp cho bang San Andreas có cảm giác đông đúc hơn.
Cuối cùng, đó là việc trò chơi có thể chạy ở mức 60 khung hình trên giây… ít nhất là trên dàn PC của người viết (cấu hình cụ thể sẽ được ghi ở dưới).
BẠN SẼ GHÉT
Sự cẩu thả trong cách làm việc!
Trải qua bản update 1.03, phần lớn các lỗi kỹ thuật của tựa game đã được khắc phục, ví dụ như mưa không còn khiến người chơi đau mắt, hay cây cầu… vô hình ở vùng Shady Creeks.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗi thiết kế tồn tại.
Chẳng hạn như tư thế ngồi kì quặc của nhân vật lúc trên xe đạp…
Và xương sống của CJ bị cong vẹo khi ngồi xuống…
Hoặc là mô hình của khẩu súng nằm chệch khỏi tay người cầm…
Hay là việc trò chơi quên rằng CJ đáng ra phải đeo mặt nạ trong lúc làm nhiệm vụ Home Invasion, dẫn đến việc gương mặt của anh dị dạng…
Và người chủ nhà của nhiệm vụ nói trên tuy đang ngủ, nhưng mắt mở thao láo…
Bên cạnh đó, dù đang bị truy nã, thỉnh thoảng các sĩ quan cảnh sát của Grand Theft Auto: San Andreas Remastered cũng quên nhiệm vụ của mình, mặc kệ người chơi và cứ thản nhiên đi dạo trên đường.
Hiện tại người viết vẫn chưa hoàn thành tựa game hoàn toàn, tuy nhiên với số lượng lỗi được tìm thấy chỉ trong vài giờ đồng hồ đầu tiên chơi, thì người viết thực sự quan ngại về cách Rockstar và Take Two định nghĩa “phiên bản đích thực” – Definitve Edition.
Và dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua việc Grove Street Games lạm dụng A.I (trí thông minh nhân tạo) để tự động “nâng cấp” các NPC, dẫn đến việc nhiều nhân vật có diện mạo xấu hẳn so với phiên bản gốc hoặc lạc quẻ hoàn toàn với phong cách nghệ thuật bán thực tế mà trò chơi trước sử dụng.
…với số lượng lỗi được tìm thấy chỉ trong vài giờ đồng hồ đầu tiên chơi, thì người viết thực sự quan ngại về cách Rockstar và Take Two định nghĩa “phiên bản đích thực” – Definitve Edition