Grim Dawn – Khi nhắc đến J-RPG, dường như cái tên đầu tiên hiện ra trong đầu mọi game thủ trên đời đều là Final Fantasy – cũng như khi nhắc đến A-RPG thì Diablo chính là lựa chọn số một vậy.
Thật vậy, tuy không phải là tựa A-RPG đầu tiên trên đời, nhưng Diablo có thể coi là tượng đài hùng vĩ nhất đã thiết lập nên mọi chuẩn mực cho game A-RPG hiện đại.
Noi theo tấm gương của Diablo, Titan Quest đã từng “trỗi dậy” như một thế lực hùng mạnh ngõ hầu đủ tầm đối chọi với bậc đàn anh này.
Người ta kỳ vọng vào một Titan Quest 2, thậm chí có thể là phần ba – nhưng sự đời đâu như mong muốn, khi cơn bão kinh tế suy thoái chẳng chừa một ai.
THQ phá sản (chủ sở hữu thương hiệu Titan Quest), dẫn theo sự sụp đổ của Iron Lore Entertainment (nơi khai sinh ra Titan Quest) – và như vậy, người ta ngỡ rằng biên niên sử hoành tráng của Titan Quest đã mãi mãi chấm dứt.
Nhưng không!
Từ đống tro tàn của Iron Lore, những cựu binh tài năng nhất đã tụ tập lại – và với sự trợ giúp của nhiều anh tài khác từ Blizzard North (nơi tạo ra Diablo huyền thoại) và Irrational Games, họ đã thành lập nên Crate Entertainment, một studio nhỏ bé khởi điểm chỉ với 10 thành viên.
Hun đúc những tinh hoa ngày cũ của Titan Quest và một tinh thần mới, một trái tim mới hừng hực lửa say mê, họ đã tạo nên Grim Dawn – một “đứa con” tinh thần với tầm vóc cơ hồ còn vượt mặt cả “người cha” vĩ đại Titan Quest.
Vậy, thật sự thì Grim Dawn sở hữu những tinh túy gì để có thể hồi sinh một huyền thoại, một pho sử thi đã mất?
Bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
BỐI CẢNH U TỐI CỦA MỘT PHO SỬ THI MỚI
Khi nghe đến cái tên Grim Dawn, có lẽ không cần phải giàu trí tưởng tượng lắm mới mường tượng được rằng đây sẽ làm một tựa game lấy đề tài gì đó rất u ám, rất tăm tối.
Quả thật như vậy, lần đầu tiên một tựa A-RPG với xu hướng “chặt chém” lại có thể chinh phục người chơi nhờ vào cốt truyện kỳ lạ, hấp dẫn và phi thường đến vi diệu.
Cốt truyện của Grim Dawn kể về một thế giới huyễn mộng, nơi mà loài người bị diệt vọng bởi chính sự cao ngạo xem thường tự nhiên của mình.
Khi những vị pháp sư tài ba bị nhấn chìm trong cơn thèm khát tri thức ma thuật của mình, họ đã mở ra những cánh cổng không gian nối nhân giới với Aether – một thế giới quỷ quái đầy ma mị, và đồng thời cũng khép lại trang sử huy hoàng của nhân loại.
Những ác linh ngự trị từ Aether đã theo dòng chảy ma thuật hùng mạnh tại đây tràn vào thế giới loài người, và gieo rắc kinh hoàng chỉ bằng sự hiện diện của chúng.
Không có một xác thân hữu hình, chúng phải ký sinh vào những vật chủ đang tồn tại quanh đó – hay nói khác đi là những con người u mê vì sự tham lam mà trở thành vật tế cho ác quỷ.
Người sống điên loạn tàn sát lẫn nhau, còn người chết “sống lại” trong những hình hài ghê rợn, báo hiệu cho ngày tận thế đến gần.
Hầu như toàn thể nhân loại đều bị quét sạch chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Thành thị trở thành những đống hoang tàn, khắp nơi tràn ngập mùi tử khí và những thây ma vô hồn.
Những cá nhân hùng mạnh nhất của vương quốc đã tụ tập lại trong một nhà tù bỏ hoang để xây dựng nên chiến lũy cuối cùng của nhân loại, và họ tự gọi mình là hiệp hội Devil’s Crossing.
Trong tình cảnh nhiễu nhương đó, sự tồn tại của luật pháp và trật tự bị chà đạp, và những kẻ cơ hội lẫn những tên ác nhân không ngại gì mà tụ về một mối, tạo thành những băng cướp hung tàn bất cần mạng.
Và cơn ác mộng chưa dừng lại ở đó – bởi vì vốn dĩ nhân giới vẫn luôn ngự trị những vị ác thần của riêng mình, chủng tộc Chthonian.
Chẳng hề hài lòng với sự xâm lược của bọn Aethenian, những kẻ “mượn xác” đáng khinh – tộc Chthonian và những tín đồ khát máu bắt đầu khai màn những cuộc tắm máu trên diện rộng để hủy diệt triệt để những “vật chủ” mà bọn Aethenian có thể ký sinh vào – những con người còn sống sót.
Trong thế giới hỗn loạn và chẳng còn hy vọng ấy, nhân vật chính xuất hiện như một điềm báo – nhưng là cho sự cứu rỗi hay sự hủy diệt?
Là kẻ duy nhất bị dịch bệnh Aether ký sinh nhưng lại không biến thành xác sống – nhân vật chính mang trên mình những quyền năng to lớn, nhưng cũng đánh đổi bằng sự nghi kỵ và sự lợi dụng của chính những đồng loại con người khác.
Con đường phía trước sẽ dẫn đến đâu?
Trong thế giới hỗn loạn và chẳng còn hy vọng ấy, nhân vật chính xuất hiện như một điềm báo – nhưng là cho sự cứu rỗi hay sự hủy diệt?
LỐI CHƠI NHẬP VAI – HÀNH ĐỘNG “CHẤT LỪ”
Khi nhắc đến Titan Quest, ngoài một hệ thống nhập vai quy củ tiêu chuẩn được “vay mượn” và “cải tiến” từ Diablo – thì điểm nhấn đáng chú ý nhất có lẽ là cơ chế mô phỏng vật lý cực kỳ tuyệt vời.
Kế thừa tinh hoa đó, không có gì lạ khi Grim Dawn cũng có thể truyền tải đến người chơi những cảm giác chiến đấu chân thật và kịch tính nhất.
Chẳng hạn, việc tấn công và kết liễu một kẻ địch bằng chùy, kiếm, súng hay phép thuật đều mang lại những cảm giác rất khác biệt.
Cảm giác quả chùy nặng nề giáng vào mục tiêu một đòn sát thủ, nghe rõ cả tiếng xương gãy răng rắc và thấy rõ một xác địch bị hất tung lên!
Cảm giác thanh kiếm sắc ngọt, cứa vào da thịt kẻ địch, để lại những vết thương tóe máu và những đòn xoáy kiếm lả lướt cắt xuyên qua đội ngũ địch như rau cải.
Cảm giác tung “chưởng” ra một quả cầu lửa khiến mục tiêu nổ tung và tan xác thành từng mảnh vụn…
Tất thảy đều được Grim Dawn tái hiện một cách chân thật và tuyệt vời!
Tuy cũng kế thừa hệ thống Dual-Class (chức nghiệp kép) trứ danh của Titan Quest, như Grim Dawn đã làm tính năng này chi tiết và hợp lý hơn rất nhiều.
Bởi vì mỗi kỹ năng cần rất nhiều điểm để cộng tối đa, do đó người chơi sẽ phải đi đơn tuyến một thời gian rất dài (khoảng cấp 40) mới nên phát triển thêm một chức nghiệp song song khác.
Người chơi có thể cảm nhận rõ rệt cảm giác “cày được món gì, mang ngay món ấy” và nhân vật của mình mạnh dần lên theo từng giai đoạn
Với 6 chức nghiệp khác nhau hoàn toàn về vai trò và lối chơi, thực sự người chơi luôn gặp tình trạng phải… tạo lại vô số nhân vật để “thí nghiệm” cho bằng hết trước khi chọn cho mình một nhân vật ưng ý.
Một tựa game nhập vai mà không nói đến vấn đề trang bị quả là một thiếu sót – nhưng đối với Grim Dawn mà đề cập đến khía cạnh này thì có vẻ lại quá “lầy lội” khi game có… quá nhiều thứ để nói đến.
Rút kinh nghiệm từ Titan Quest, trong Grim Dawn những trang bị từ cấp xanh lá (Rare) đã tỏ ra rất hữu dụng ngay từ sớm với nhiều chỉ số và kỹ năng bổ trợ.
Người chơi có thể cảm nhận rõ rệt cảm giác “cày được món gì, mang ngay món ấy” và nhân vật của mình mạnh dần lên theo từng giai đoạn chứ không phải cắm mặt “cày” đến đồ cấp Unique hay Legendary mới thấy mạnh.
RẤT-KHÔNG-THÂN-THIỆN
Đối với nhiều người mà nói, thì đa phần họ luôn nghĩ rằng A-RPG chỉ có “cày” – sự thật thì lối tư duy này không hẳn là sai, nhưng Grim Dawn đã mở rộng phạm trù “cày” này lên một cao độ mới.
Người chơi nên chuẩn bị tâm lý mất khoảng… vài tháng để bám trụ cùng Grim Dawn, bởi lẽ game có vô số cách để “níu chân” người chơi mỗi khi họ muốn dứt ra khỏi nó.
Trước hết, phải nói đến hệ thống nhiệm vụ rất xuất sắc của game.
Đa số các tựa A-RPG khác thường làm rất qua loa phần này, và độ đa dạng của nhiệm vụ cũng rất hạn chế: giết X con quái, đem món A lại cho nhân vật B, tìm Y nguyên liệu… Grim Dawn thì khác, bởi vì game đã khéo léo lồng ghép vào những nhiệm vụ “khó ưa” này bằng những câu chuyện riêng về cá nhân của những NPC giao nhiệm vụ.
Thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ, theo dõi hội thoại, tìm kiếm những trang nhật ký/ghi chú ẩn giấu khắp nơi… người chơi sẽ dần dần tìm hiểu được nhiều bí mật về thế giới kỳ lạ này – cả về những ngày huy hoàng xa xưa, cho đến những thảm họa đang hiển hiện trước mắt.
Kế tiếp, là hệ thống Faction (phe phái) cực kỳ thú vị của game.
Tuy người chơi luôn bắt đầu tại hiệp hội Devil’s Crossing, thế nhưng trong quá trình khám phá thế giới, người chơi sẽ có dịp tiếp xúc với rất nhiều thế lực khác, từ bọn cướp Cronley cho đến lữ đoàn du mục.
Mỗi phe phái đều có hệ thống nhiệm vụ riêng biệt và mức độ “tin tưởng” mà người chơi có thể đạt được để “mở khóa” những ưu đãi cao cấp hơn.
Đó có thể là những nhiệm vụ ẩn với phần thưởng cực lớn, hoặc những cửa hàng đồ “độc” chỉ bán cho… khách quen!
Bản thân việc trải nghiệm các hướng xây dựng nhân vật trong Grim Dawn cũng là một đề tài hấp dẫn vô tận.
Người chơi sẽ phải tự mò mẫm, thí nghiệm lần lượt các nút lệnh và các loại công cụ cho đến khi hiểu cái gì dùng để làm gì
Bởi vì ngoài những đường nhân vật sẵn có, người chơi còn có thể khảm thêm các phù ấn, ngọc quý vào trang bị để mở khóa thêm các kỹ năng chủ động/bị động khác.
Thậm chí, có một số vật phẩm đặc thù sẽ cho người chơi thêm những lựa chọn “độc nhất vô nhị” để xây dựng nhân vật – chẳng hạn như con đường chơi… hai tay hai súng mà người viết rất tâm đắc.
Sau cùng, tâm điểm thu hút nhất và cũng “tốn nơ-ron” nhất chính là việc tìm kiếm và khai mở những phong ấn rải rác khắp nơi trên thế giới.
Có những cái nằm “chình ình” giữa đường, mà cũng có những cái giấu sâu trong tận hang hốc nào đó.
Những phong ấn này sẽ “mở khóa” tính năng Devotion rất đặc biệt, giúp người chơi có thể cường hóa nhân vật của mình theo những hướng bổ trợ rất hữu dụng – chẳng hạn như gia tăng chỉ số, hoặc cường hóa thêm một kỹ năng riêng biệt nào đó…
PHONG CÁCH ĐỒ HỌA HẾT SỨC ĐỘC ĐÁO
Có một điều lý thú, đó là nếu hỏi nhiều người câu hỏi “đồ họa trong Grim Dawn xấu hay đẹp”, chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.
Sẽ có những người cho rằng đồ họa trong game quá tối tăm, u ám – hoặc thậm chí còn bị chê là quá giống với dòng The Adventures of Van Helsing.
Đây là một sự thực, bởi lẽ với đề tài hậu tận thế và cái tên là “Grim Dawn” – thì khó có lý do gì để tạo ra một thế giới tươi tắn “trăm hoa đua nở, non nước hữu tình” được cả.
Đối với cá nhân người viết, thì đồ họa của Grim Dawn chỉ có thể dùng một chữ “hoàn mỹ” để diễn tả.
Có thể nó không có được những hình ảnh sống động như thật kiểu Final Fantasy XV (bạn đã trải nghiệm bản demo vừa ra mắt chưa?) hay độ sắc nét biến hóa đến “ảo lòi” của Xenoblade Chronicles X – thế nhưng Grim Dawn vẫn dư sức chinh phục người chơi khó tính nhất với phong cách đồ họa đặc biệt của mình.
Từ tạo hình nhân vật, xây dựng môi trường, cho đến thiết kế phục trang/vũ khí… trong Grim Dawn đều toát lên một cái chất hoang dại và điêu tàn.
Ở đây không có “trai xinh gái đẹp”, càng không có những cảnh trí đẹp mộng mơ.
Ở đây chỉ có những đống hoang tàn đổ nát, vô vàn phế tích vô danh, những bãi tha ma lạnh lẽo, các bãi phế liệu bẩn thỉu…
Thế nhưng, chính nhờ những thứ đó mà người chơi luôn cảm thấy rằng mình đang tồn tại trong một thế giới đã chết, đầy rẫy những bất trắc…
Từ tạo hình nhân vật, xây dựng môi trường, cho đến thiết kế phục trang/vũ khí… trong Grim Dawn đều toát lên một cái chất hoang dại và điêu tàn
Hiệu ứng chiến đấu của Grim Dawn không hề màu mè, hoa mỹ với những đòn sấm sét, băng – lửa… đẹp mê ly. Trừ chức nghiệp Arcanist tỏ ra hơi bị “hoành tráng” với các phép nguyên tố diện rộng, còn lại thì các chức nghiệp khác đều chú trọng tính hiệu quả của kỹ năng hơn là để thể hiện.
Nói như vậy, không có nghĩa là chê phần hiệu ứng chiến đấu của Grim Dawn – mà trái lại, trong cái sự giản dị thô sơ đó, người chơi mới có thể cảm nhận sự tàn bạo đến ghê người của thế giới ma quỷ này.
Grim Dawn không chinh phục người chơi bằng những đồi hoa đầy nắng hay những dòng sông êm đềm thơ mộng – mà người chơi sẽ tìm thấy sự ấn tượng trong những hang động âm u với ánh đèn leo lét, trong những nhà ngục ẩm thấp đầy rẫy quái vật, trong những khu rừng ghê rợn với các dòng sông thẫm màu máu…
Có thể nói, Crate Entertainment đã hoàn thành quá xuất sắc trách nhiệm với khâu đồ họa của Grim Dawn, vừa ấn tượng, lại vừa cực kỳ phù hợp với chủ đề!