Grim Fandango Remastered – Video game là một loại hình nghệ thuật và giải trí được “dẫn dắt” bởi sự phát triển của công nghệ.
Cũng giống như phim ảnh, video game không tốn quá nhiều thời gian để có thể đạt được những thành tựu “vượt bậc” về đồ họa, lối chơi, và nhiều yếu tố khác…
Nhưng bạn có biết điều gì hiện diện trong tất cả mọi loại hình giải trí, kể cả video game, và không bao giờ lỗi thời không?
Đó chính là ngôn ngữ.
Khi ta nhìn vào những tựa game có từ thời “Napoleon cởi truồng”, không khó để nghe được những nhận xét như “đồ họa xấu quá”, “nhân vật di chuyển gượng gạo quá”, “chiến đấu nhàm chán quá”… đơn giản bởi vì, thời gian “giết chết” tất cả!
Nhưng khi nhắc đến ngôn ngữ, thứ luôn hiện diện trong đầu chúng ta từng phút, từng giây, lúc ta giao tiếp, lúc ta suy nghĩ, lúc ta tưởng tượng… thì hẳn chỉ có những con người khô khan mới đánh giá thấp ngôn ngữ.
Bộ tiểu thuyết Lord of the Rings ra đời vào năm 1954, bộ phim Pulp Fiction ra mắt cách đây “ngót nghét” 20 năm, Jimi Hendrix chỉ chơi nhạc trong 7 năm cho đến năm 1970… Chúng đều sống mãi với thời gian, là “biểu tượng” của ba loại hình nghệ thuật khác nhau, và đều có chung một đặc điểm: Tôn vinh cái đẹp của ngôn ngữ.
Mặc dù hiện tại, LucasArts chỉ còn là cái tên mang dáng dấp hoài niệm đối với những ai đã từng say đắm với tài kể chuyện của họ, nhưng di sản của LucasArts sẽ luôn luôn sống mãi.
Và để giúp cho thế hệ “hậu bối” hiểu rõ hơn điều gì đã giúp cho LucasArts dành được “danh hiệu” đó, Tim Schafer và Double Fine Productions đã “tái sinh” một trong những tựa game xuất sắc nhất mọi thời đại, và cũng là “biểu tượng” khi ta nhắc đến cái đẹp của ngôn từ trong video game: Grim Fandango.
BẠN SẼ THÍCH
Tội đồ giữa những “kẻ” thánh thiện
Grim Fandango Remastered lấy bối cảnh tại thế giới của những vong hồn đã chết (Land of the Dead – Eight Underworld), nơi mà những linh hồn đã từ bỏ trần gian phải tìm đến “thiên đường” tại Ninth Underworld.
Những linh hồn thánh thiện sẽ có cơ hội bắt kịp chuyến tàu Number Nine đi tới Ninth Underworld chỉ trong vòng 4 phút, còn những tội đồ sẽ phải vượt qua Land of the Dead trên đôi chân trần trong vòng 4 năm.
Câu chuyện của Grim Fandango Remastered xoay quanh Manuel “Manny” Calavera – cũng là một kẻ “tội đồ” tại Land of the Dead – làm việc với vai trò vừa là “hướng dẫn viên”, vừa là Thần Chết (Grim Reaper) tại công ty Department of Death, với công việc chính là “xét xử” và giúp đỡ những vong hồn đã khuất tại trần gian được tới Ninth Underworld.
Sau khi vô tình biết được kế hoạch của một thế lực ngầm cản đường những vong hồn tốt đẹp tới thiên đường, thông qua một người phụ nữ với “hồ sơ cá nhân” hoàn toàn trong sạch là Mercedes “Meche” Colomar, Manny dấn thân vào cuộc hành trình tìm lại “tấm vé” giúp cho hàng nghìn sinh mệnh bị hàm oan được bước đến ngưỡng cửa thiên đường, và cũng để trả món nợ đã giam cầm mình tại Land of the Dead.
Phiên bản Grim Fandango chính gốc ra đời vào năm 1998, ấy vậy mà đến tận 17 năm sau, trò chơi vẫn giữ được “tinh hoa” nằm trong lối kể chuyện đầy sáng tạo, hấp dẫn, ngẫu hứng và hài hước.
Bạn không cần phải có hiểu biết về tín ngưỡng của nền văn hóa Aztec hay yếu tố “film noir” (phong cách làm phim đen trắng giai đoạn 1940-1960) để hiểu được thông điệp mà trò chơi mang lại, bởi vì tất cả mọi thứ trong thế giới của Grim Fandango đều được “hình tượng hóa” và truyền tải bằng mọi yếu tố: hình sự, bi kịch, hài hước, éo le, hay thậm chí là… tình cảm lãng mạn.
Không khó để nhận ra tâm điểm của Grim Fandango Remastered chính là dàn nhân vật cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là cách mà trò chơi “đặc tả” nhân vật chính.
Phiên bản Grim Fandango chính gốc ra đời vào năm 1998, ấy vậy mà đến tận 17 năm sau, trò chơi vẫn giữ được “tinh hoa” nằm trong lối kể chuyện đầy sáng tạo, hấp dẫn, ngẫu hứng và hài hước
Manny chính là “hiện thân” của tất cả mọi thứ trái ngược với cụm từ “tội đồ” (một sự “trái khoáy” kỳ lạ khi đó là cụm từ được gán ghép cho chính Manny): một kẻ luôn châm biếm và chế nhạo mọi thứ, không người thân, không bạn bè trước kia, không thể nhớ được tội lỗi của mình ở trần gian là gì, một vong hồn hoàn toàn “trắng xóa”, luôn bi quan về số phận của mình, nhưng thực chất lại sở hữu tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm đến người khác, mặc dù đó không phải là bổn phận của anh ta.
Xung quanh Manny không phải chỉ có mỗi “vực thẳm đen tối” như cái cách mà chính gã nhìn nhận về Land of the Dead, bởi vì vẫn còn đó Glottis, một con quái vật thợ cơ khí kiêm nhạc sỹ piano kiêm thủy thủ yêu thích tốc độ và dễ bị tổn thương mặc cho kích cỡ của mình, cũng là người bạn đồng hành thú vị mà không ai muốn từ bỏ.
Thật khó để có thể “bới lông tìm vết” trong câu chuyện “hoàn hảo” của Grim Fandango Remastered.
Cuộc phiêu lưu đáng nhớ trong vòng 4 năm, kéo dài trong suốt thời lượng 8 giờ đồng hồ của trò chơi, mang lại thật nhiều ý nghĩa.
Thế nên bây giờ hãy xét đến lối chơi, “rào cản” lớn nhất của thể loại game phiêu lưu cổ điển đối với đại đa số công chúng.
May mắn thay, lối chơi phiêu lưu giải đố của Grim Fandango Remastered không hề tạo cảm giác “lỗi thời” chút nào, mà trái lại, chúng còn thử thách và có chiều sâu hơn nhiều tựa game phiêu lưu hiện đại bây giờ.
Bạn không cần phải kết hợp bất kỳ đồ vật nào, Manny cũng không “chất” hàng tá đồ vật khác nhau trong túi áo của mình, và trên hết, các câu đố không bao giờ khiến cho người chơi cảm thấy “dài dòng” và kéo dãn mạch truyện một cách không cần thiết.
Sự “lạc lối đến bực mình” là điều không thể tránh khỏi khi chơi game phiêu lưu, và dĩ nhiên Grim Fandango Remastered không phải là ngoại lệ.
Nhưng nếu như so sánh với cái mớ “bòng bong” trong những câu đố đến từ các tựa game của Daedalic, hay cái sự dễ dãi quá đáng mang “nhãn hiệu” Telltale Games, thì có thể coi lối chơi của Grim Fandango Remastered là… không có đối thủ.
Những câu đố trong Grim Fandango Remastered mang tính logic phù hợp với cái cách mà thế giới trong game được xây dựng nên, vì vậy đừng “quan ngại” nếu như trộn nitro vào “thành quả” của Glottis sau khi nôn ọe sẽ tạo ra một “sản phẩm” có khả năng… đóng băng nền đất.
Hãy “nghĩ bên ngoài chiếc hộp” (think outside the box), đơn giản bởi vì chỉ có cách đấy mới giúp bạn vượt qua những thử thách trong Grim Fandango Remastered.
Hình-âm sống mãi với thời gian…
Nghe qua thì có vẻ “hư cấu”, nhưng đúng là như vậy: Sau 17 năm, Grim Fandango Remastered vẫn đẹp đến mức ngỡ ngàng.
Những tòa nhà mang đậm phong cách kiến trúc Art Deco, những địa danh với lối thiết kế độc đáo như Blue Casket hay Edge of the World, cho tới “bến tàu” Number Nine chạm tầng mây…
Mặc dù các địa điểm trong game đều chỉ được trình bày dưới dạng phông nền tĩnh, nhưng sự chi tiết và độc đáo đến mức “khó tin” vẫn tạo nên một sức hút khó cưỡng ở phong cách đồ họa hoàn hảo bậc nhất này.
Người viết tin chắc rằng Grim Fandango Remastered là một trong số những tựa game sở hữu phần lồng tiếng xuất sắc nhất từ trước đến giờ, góp công lớn một phần từ kịch bản cực kỳ vững chắc.
Nghe qua thì có vẻ “hư cấu”, nhưng đúng là như vậy: Sau 17 năm, Grim Fandango Remastered vẫn đẹp đến mức ngỡ ngàng
Kể cả những nhân vật “phụ nhất của phụ” trong game vẫn có thể khiến người chơi phải bật cười, thì thực sự không còn gì để có thể nghi vấn về phần lồng tiếng đạt đến “trình độ điện ảnh” của trò chơi.
Vậy còn âm nhạc thì sao?
Chỉ có một cụm từ để diễn tả: “Thật là tuyệt vời”!
Tiếng sáo và kèn hòa âm thành những giai điệu vui tươi tại… lễ hội của người chết, lặp đi lặp lại như một sự trái khoáy tuyệt diệu, những bản Jazz du dương bên trong Blue Casket như muốn “hớp hồn” những vong hồn với con tim yếu mềm và dễ bị lay động…
Thậm chí, cũng không cần đến những lời ca sâu xa, mà chỉ cần năm câu hát được ngâm nga bởi Chepito cũng đủ để “dính chặt” vào đầu người viết rồi: “This little light of mine, I’m gonna let it shine, let it shine, let it shine, let it shine…“
BẠN SẼ GHÉT
Phiên bản Remaster không có nhiều thay đổi
Với một phiên bản Remaster thì hẳn điều đầu tiên mà nhiều người mong đợi nhất ở trò chơi phải là phần đồ họa, cụ thể hơn là ở mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, thực sự mà nói thì đồ họa của Grim Fandango Remastered không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào, ngoại trừ mô hình nhân vật và các vật thể có thể tương tác được trong game trở nên sắc nét hơn.
Trong khi đó, phông nền của Grim Fandango Remastered tuy cực kỳ đẹp, nhưng chúng lại hơi mờ và có cảm giác thiếu “tự nhiên” khi những mô hình nhân vật trông chỉn chu hơn xuất hiện trên màn hình.
Ngoài ra, do phiên bản game gốc được thiết kế hoàn toàn trên độ phân giải tỉ lệ 4:3, nên nếu người chơi đặt lại mức tỉ lệ màn hình 16:9 hay 16:10 thì sẽ khiến cho màn hình bị “kéo giãn” ra.
Thực sự chúng ta không thể chê trách Double Fine được vì họ không thể nào “vẽ” thêm vào hai bên của màn hình, thế nên người viết khuyên các bạn nên giữ tỉ lệ màn hình 4:3 để trải nghiệm trò chơi một cách hoàn hảo nhất.
Phông nền của Grim Fandango Remastered tuy cực kỳ đẹp, nhưng chúng lại hơi mờ và có cảm giác thiếu “tự nhiên” khi những mô hình nhân vật trông chỉn chu hơn xuất hiện trên màn hình
BÊN LỀ
- Cụm từ “Grim Fandango” có nghĩa là “Điệu khiêu vũ nghiệt ngã”, cụm từ này được Olivia nhắc đến khi cô ngâm khúc thơ nói về tình yêu sét đánh giữa hai sinh mệnh lạc lối trong thế giới của họ, và cuộc hành trình tìm kiếm nửa kia của cả hai người kéo dài trong 4 năm.
- Họ của Manny là “Calavera”, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là là “đầu lâu”.
- Grim Fandango Remastered chịu âm hưởng nặng của “film noir” (thể loại phim hình sự tâm lý cổ điển), hay cụ thể hơn là bộ phim Casablanca: cảnh con ong Terry bị bắt, cảnh bàn quay roulette, cái tên Blue Casket gần giống với Blue Parrot…
- Manny xuất hiện với tư cách là một “cameo” trong tựa game The Curse of Monkey Island, ngồi trong quán ăn của thuyền trường Blondebeard. Guybrush đẩy bộ xương với đầu lâu trông giống Manny, một chiếc huy hiệu rơi xuống bàn được khắc dòng chữ “Ask Me About Grim Fandango”.