Hades – Từ xưa đến nay, trong số các tài liệu ghi chép về tín ngưỡng và tôn giáo, có lẽ thần thoại Hy Lạp là có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ nhất, dù ở phương Đông hay phương Tây.
Nguyên nhân có thể là do các vị thần Hy Lạp tương đối khá “người”, khá “đời thường”, và những pho sử thi hoành tráng có thật trong lịch sử cũng ít nhiều gì thường viện dẫn đến họ.
Thật vậy, thần thoại Hy Lạp còn là đề tài ưa thích của các sản phẩm giải trí như kịch nghệ, sách vở, phim ảnh, hay thậm chí là videogame.
Vì cũng hiếm có một cái đề tài nào vừa sâu rộng mà lại vừa tự do, kiểu như “phàm nhân bợp tai thần thánh” lại là chuyện khá bình thường và không đến nỗi bị team “tôn giáo” lên án mạnh mẽ cho lắm.
Đến từ Supergiant, studio “cha đẻ” của các tựa game indie trứ danh như Bastion, Transistor, Pyre… Hades cũng xoay quanh chủ đề thần thoại Hy Lạp, tuy là theo một góc nhìn rất lạ, rất khác.
Vốn ra mắt từ lâu trên nền Epic Games, nhưng mãi đến ngày 17.09.2020 vừa qua thì đông đảo người chơi trên Steam và Nintendo Switch mới có dịp thưởng thức siêu phẩm này.
Sớm nằm trong “wishlist” của người viết ngay từ cái nhìn đầu tiên, lẽ dĩ nhiên Hades cũng phải có cái gì đó thật sự độc đáo và ấn tượng.
Tuy nhiên, ý kiến cá nhân thì không thể nào bằng một cái nhìn khách quan từ cộng đồng được, vậy nên mời bạn đọc của Vietgame.asia tìm hiểu thực hư về Hades qua bài đánh giá sau đây nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi hành động Roguelike kịch tính
Về cơ bản, cốt truyện trong Hades xoay quanh hành trình đào thoát khỏi địa ngục của Zagreus, cậu “tục tưng” của Chúa tể Địa ngục Hades.
Chắc do dưới đó ít sách vở và không có mạng internet, nên mãi đến sau vài nghìn năm bị “lừa dối” bởi cha mình và Nyx, Zagreus mới biết rằng mẹ ruột của mình thật ra là nữ thần Persephone – và dĩ nhiên là cậu có vô vàn câu hỏi muốn tìm lời giải đáp, nên hành trình “bỏ nhà đi chơi” của Zagreus bắt đầu từ đó.
Cốt lõi về lối chơi của Hades thuộc về dạng game Roguelike, trong đó mỗi một lần đào thoát của Zagreus sẽ dẫn người chơi qua nhiều “cõi” dưới địa ngục, với kết cấu là hàng chục căn phòng kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, và cuối mỗi “cõi” là một con trùm.
Với đặc thù của dạng game Roguelike, người chơi có thể đảm bảo là hầu như không bao giờ hành trình đào thoát của Zagreus bị lặp lại, do bố cục phòng và kẻ địch bên trong sẽ được ngẫu nhiên từ một “bể dữ liệu” cực lớn.
Để vượt qua một phòng, thường thì người chơi phải tiêu diệt hết kẻ địch bên trong, trước khi chọn một trong nhiều cửa để đi tiếp.
Bàn về “cửa”, thì đấy là phần thưởng của mỗi phòng sau khi “dọn dẹp” sạch đám kẻ địch.
Chúng có thể là tiền để mua các nâng cấp tạm, là tinh thể hắc ám để cường hóa Zagreus vĩnh viễn, là châu báu để “độ” lại hoàng cung, hoặc hấp dẫn hơn – là các “lời chúc phúc” từ các vị thần Olympian.
Nhờ sự “se chỉ luồn kim” của Nyx, bà mẹ đỡ đầu của mình, hành trình đào thoát của Zagreus đến tai các vị thần trên đỉnh Olympus, và họ không ngần ngại gì (vài người còn hồ hởi đến mức… thái quá!) mà tìm mọi cách để giúp đỡ thằng cháu/em họ xa mấy tầm đại bác bắn này!
Hệ thống điều khiển của Hades gói gọn trong một đòn đánh thường (tốc độ nhanh, sát thương trung bình), một đòn đánh mạnh (chậm hoặc có phạm vi đặc biệt), “chưởng phép” và lướt.
hầu như không bao giờ hành trình đào thoát của Zagreus bị lặp lại, do bố cục phòng và kẻ địch bên trong sẽ được ngẫu nhiên từ một “bể dữ liệu” cực lớn
Tất cả các phước lành của thần Olympian đều xoay quanh việc cường hóa, thậm chí thay đổi bản chất của các thế đánh này nhằm mang lại cho người chơi vô vàn trải nghiệm thú vị.
Mỗi vị thần Olympus sẽ có những cách cường hoá khác nhau, ví dụ Poseidon có hiệu ứng đẩy lùi, Dionysus rút độc hay Athena là phản đòn… Còn tùy vào việc người chơi chọn cường hóa cho thao tác nào, mà cách vận dụng chúng lại còn biến hoá thêm nhiều.
Về sau, khi “mở khóa” được những phù phép “kép”, thì tính biến thiên của game lại càng được đẩy xa hơn nhiều nữa.
Tuy thiếu đi động tác nhảy, nhưng về phần hành động chặt chém của mình thì Hades không có gì đáng cho người chơi phàn nàn cả.
Zagreus có thể chọn một trong sáu món vũ khí: kiếm, giáo, khiên, cung, nắm đấm hoặc súng cho mỗi lần đào thoát của mình.
Mỗi loại vũ khí có lối đánh hoàn toàn khác nhau, kết hợp với các cường hóa Olympian thì người chơi hầu như có thể trải nghiệm vô số các kiểu xây dựng nhân vật mà chơi “mệt nghỉ” cũng chưa thấy trùng lặp.
Giá trị chơi lại cực cao
Do bản chất là một tựa game dạng Roguelike, vì vậy có thể xem như Hades không bao giờ có kết thúc, dù người chơi có đột phá khỏi địa ngục để lên được mặt đất.
Với độ khó tương đối cao dù chỉ từ những phút đầu tiên, việc người chơi “tử ẹo” để lại hồi sinh trong hoàng cung của địa ngục là quá đỗi bình thường – và dĩ nhiên, mọi nâng cấp trong lần chơi trước đó sẽ bị “tẩy” sạch, phải bắt đầu lại hết.
Và khi phát triển một tựa game như vậy, Supergiant hẳn là phải nghĩ đủ mọi cách để cho người chơi không cảm thấy chán, khi mà cứ phải “tắt thở” liền tù tì như vậy.
Và trước hết, phải nói rõ rằng thật ra trong Hades không phải cứ chết là mất hết – vì thật ra người chơi được giữ lại một số ít vật phẩm từ chuyến đi trước, mà cụ thể là hắc thạch và các “chiến lợi phẩm” sau khi hạ gục trùm ở mỗi “cõi”.
Tác dụng chính là hắc thạch dùng để cường hóa Zagreus trên nhiều phương diện thông qua tấm gương to uỳnh đặt ngay giữa phòng ngủ, mà tác dụng của nó hẳn là không phải để Zagreus tô soi dặm phấn, uốn éo cả ngày rồi.
Các nâng cấp này không nhiều, nhưng thật sự thiết thực, chẳng hạn như tăng lượng máu tối đa, cho phép Zagreus hồi sinh vài lần trong một chuyến đào thoát… hoặc gia tăng tỉ lệ nhận được các bùa phép “xịn”.
Như vậy, người chơi có thể yên tâm là dù chết nhiều nhưng chắc chắn tiến độ “vượt ngục” của Zagreus không hề giậm chân tại chỗ, vì anh ta sẽ càng ngày càng mạnh hơn.
Ngoài ra, các chiến lợi phẩm như chìa khóa, bình máu Titan… còn dùng để mở khóa và nâng cấp các vũ khí (và các dạng thức của chúng), khiến người chơi cảm thấy mình mạnh lên thực sự.
Vâng, chỉ là “cảm thấy” mà thôi.
Vì sao á?
Đơn giản là vì Hades có cơ chế độ khó “động” cực kỳ thú vị.
Người chơi có chỉ số cao đột biến và may mắn xây dựng được một bộ kỹ năng mạnh mẽ ư?
Yên tâm, các căn phòng tiếp theo cũng sẽ có độ khó cao theo tương ứng – từ việc kẻ địch có thêm lớp giáp, xuất hiện các biến chủng lạ… cho đến việc số lượng chúng “đông như quân Nguyên” giết mãi không hết, và các cạm bẫy trong phòng ngày càng dày đặc và nguy hiểm.
Hades có cơ chế độ khó “động” cực kỳ thú vị
“Thua là do chơi dại, thành bại tại kỹ năng” – câu châm ngôn rẻ tiền này chưa bao giờ chuẩn xác hơn nữa khi áp dụng vào Hades.
Bởi vì trang bị hay các loại phù phép sẽ không có nghĩa lý gì khi người chơi di chuyển “ngáo đá”, liên tục trúng đòn vào mồm và “vô tư” kích hoạt các loại bẫy xong đứng đực mặt ra lãnh đủ.
Người chơi muốn đi xa hơn trong Hades?
Thế thì họ thực sự phải nâng cấp nhiều về kỹ năng chơi game của mình, cả về độ linh hoạt của tay lẫn não, cũng như khả năng phán đoán.
Đồ họa độc đáo – xuất sắc
Nhắc đến Supergiant, thì chắc chắn ấn tượng mạnh nhất mà hãng mang lại cho hầu hết người chơi, chính là phong cách đồ họa vẽ tay 2D cực kỳ độc đáo, có 1-0-2.
Đặc biệt, với mỗi một tựa game, Supergiant lại mang đến cho người chơi những trải nghiệm thị giác hoàn toàn khác biệt – chẳng hạn như với Bastion, là những nét cọ thần sầu tạo nên một thế giới bất ổn ẩn sâu bên dưới bộ cánh tươi tắn đẹp đẽ; hay với Transistor thì lại là một thế giới có độ tương phản sáng tối cực mạnh, hệt như những bộ phim trắng đen những năm 60.
Với Hades, thì Supergiant lại mang đến cho chúng ta một âm giới hoàn toàn khác biệt với cách mà sách giáo khoa miêu tả.
Từ cách bài trí trong hoàng cung cho đến ba cõi Tartarus, Asphodel, Elysium – người chơi đều có cảm giác ngỡ ngàng và trầm trồ trong sự thán phục, khi mỗi nơi là một bức tranh điêu khắc hết sức hoàn mỹ.
Sử dụng tông màu rất gắt và với sắc tối u ám chủ đạo, tuy vậy Hades lại không hề buồn bã trầm mặc, mà trái lại nó tỏa ra sự tương phản cực kỳ mạnh mẽ giữa các không gian
Sử dụng tông màu rất gắt và với sắc tối u ám chủ đạo, tuy vậy Hades lại không hề buồn bã trầm mặc, mà trái lại nó tỏa ra sự tương phản cực kỳ mạnh mẽ giữa các không gian, khiến người chơi thật sự cảm thấy nhập tâm cùng vị hoàng tử nổi loạn Zagreus.
Cảnh nền trau chuốt tỉ mỉ đến từng đường nứt trên nền đất, kết hợp với những hiệu ứng chiến đấu loá mắt và gãy gọn, trải nghiệm của người chơi trong Hades chỉ có thể đi từ “mãn nhãn” đến “phê lòi”, chứ khó mà tìm ra được chỗ nào để chê bai.
Phong cách tạo hình nhân vật trong Hades cũng là một điểm cộng lớn, khi mà giờ đây từ “ông già” Hades cùng các ông chú Zeus, Poseidon… cho đến các vị anh chị em họ Olympian như Athena, Ares, Hermes… đều được lột tả cực kỳ thú vị, mỗi người mỗi vẻ.
Họ đều toát lên được cái “thần thái” của những vị thần linh quyền uy với phục sức kỳ dị và khí chất lạ lùng, nhưng lại cũng hết sức “đời thường” với vẻ mặt tinh nghịch và những câu thoại kiểu như “ở nhà cháu tui ngoan lắm”.
Bàn về một tựa game với lối chơi chủ đạo là hành động, chặt chém mà bỏ qua phần diễn hoạt (animation) thì khác nào uống nước chanh mà quên bỏ đường?
Và về mảng này, Supergiant lại một lần nữa chứng tỏ rằng ba tựa game trước đó đạt được thành công vang dội chẳng hề là “rùa”, mà hoàn toàn do chính thực lực phi thường của họ.
Với các diễn hoạt chiến đấu rất gãy gọn, chỉ từ 2 – 3 khung hình cho một động tác, các đòn thế tấn công và thi triển chiêu thức của Zagreus chẳng vì thế mà kém mượt mà, trái lại còn cực kỳ “lực” và chắc chắn, nhằm mang lại những trải nghiệm hành động thỏa mãn nhất cho người chơi.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Supergiant
- Phát hành: Supergiant
- Thể loại: Hành động, Nhập vai
- Ngày ra mắt: 17/09/2020
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 SP1
- CPU: Dual Core 2.4 GHz
- RAM: 4 GB
- VGA: 1GB VRAM
- HDD: 15 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SUPERGIANT – CHƠI TRÊN HỆ PC