Skip to content

Hollow Knight – Đánh Giá Game

Hollow Knight - Đánh Giá Game

Hollow Knight – Bạn có biết điểm chung giữa Metroid, Castlevania và dòng game Souls là gì không?

Tầm ảnh hưởng của chúng lớn đến mức tạo nên những thể loại game phụ mà làng game không thể đặt ra một cái tên chính thống dành cho chúng.

Cuối năm 2014, hãng game độc lập Team Cherry đến từ Australia giới thiệu đến công chúng Hollow Knight – một tựa game được đặc tả là “game phiêu lưu hành động màn hình ngang 2D với đồ họa được vẽ tay…”

Bạn có cảm thấy quen thuộc chứ?

Bởi vì đó cũng là điều mà người viết thắc mắc, Hollow Knight có gì khác so với hàng tá game Metroidvania nhan nhản trên Steam, nó có gì khác biệt so với Salt & Sanctuary, Axiom Verge, Ori and The Blind Forest hay Rogue Legacy?

Thực chất, Hollow Knight có lẽ là một trong những tựa game xuất sắc nhất năm nay, nhưng không phải vì nó làm được điều gì đó sáng tạo tột cùng so với những tựa game cùng thể loại, mà tất cả những gì mà trò chơi thể hiện đều được thiết kế đầy chỉn chu, thông minh một cách kiệt xuất.

BẠN SẼ THÍCH

Bóng tối vĩnh cửu!

Không có lý trí để mường tượng, không có ý chí để phá vỡ, không có giọng nói để khóc thương…

Vương quốc Hallownest một thời phồn thịnh giờ đây chỉ còn tồn tại dưới những hốc sâu và đống đổ nát bên dưới ngôi làng Dirtmouth.

Những loài sinh vật kỳ dị bắt đầu làm tổ trong khắp mọi ngõ ngách, vấy bẩn hư vô bằng sự tồn tại của chúng.

Từ đống tro tàn xuất hiện một hình bóng nhỏ nhoi không thốt ra lời, nhưng đủ dũng khí và bạo gan để đào sâu vào những hang hốc tận cùng của Hallownest và đảo ngược lời nguyền đang kìm hãm nơi đây.

Cuộc phiêu lưu trong Hollow Knight mờ mịt và vô phương hệt như tiền đề trong câu chuyện chính của nó, nhưng qua mỗi thông điệp và những cuộc trò chuyện, nó cứ khiến tục khiến ta muốn đi mãi, đi xa hơn nữa, đi đến nỗi kể cả bóng tối cũng không hề khiến ta lùi bước.

“Cắt một vết sâu nếu như nó cần thiết để mở đường tới mục tiêu của mình”, dẫu cho cuộc hành trình trong Hollow Knight đầy hiểm nguy và trắc trở, bóng ma nhỏ bé của chúng ta không hề đơn thân một cõi.

Những kẻ đối địch trở thành đồng minh đắc lực, những người bạn đồng hành bạo gan với mục đích riêng của mình, tay hiệp sỹ rởm đời luôn gặp phải rắc rối nhưng tự đắc về cái tôi vĩ đại, và dĩ nhiên không hề thiếu những kẻ lừa lọc, xảo trá, hiện nguyên hình một khi thỏa mãn được mục đích của mình.

Hollow Knight không ngần ngại khiến cho bất kỳ trái tim sắc đá nào cũng phải chột dạ, và kể cả khi nó thể hiện một chút gì đó tình cảm hay hài hước trong giọng điệu của mình, thì nó cũng nhanh chóng dập tắt tiếng cười bằng cái sự độc ác thương tâm mà không ai có thể nhìn trước được.

Thật may mắn bởi không phải tất cả mọi câu chuyện hiện hữu trong Hollow Knight đều chơi đùa với cảm xúc của người chơi (nếu như bạn khôn khéo và thực hiện hoặc không thực hiện một yêu cầu cụ thể nào đó), thế nhưng cái sự ngang trái khi mà bạn cho rằng điều mình làm là đúng đắn lại hoàn toàn đổ bể, hay một cái chết nào đó ập đến quá nhanh khiến cho mình không thể làm gì để lay chuyển nó, quả thực là một trò đùa quái ác diễn ra chỉ để khắc sâu vào tâm trí của người chơi.

Những mạch truyện và không khí ảm đạm của Hollow Knight có lẽ không tạo nên ấn tượng sâu đậm đến như vậy nếu như thiếu vắng phong cách đồ họa đầy ma mị và không kém phần quyến rũ.

Hơn 120 nhân vật cùng hàng tá địa điểm khác nhau trong game đều được vẽ tay và đặc tả theo phương thức xấu xí hoặc kinh tởm với độ chi tiết mẫu mực cực kỳ cao thể hiện rõ nét tính cách và hành vi của mình.

dẫu cho cuộc hành trình trong Hollow Knight đầy hiểm nguy và trắc trở, bóng ma nhỏ bé của chúng ta không hề đơn thân một cõi

Toàn bộ những màn chơi trong game không chỉ “đẹp” một cách đơn thuần theo phương diện mỹ thuật, mà nó còn sở hữu độ đa dạng khó tin với cách thức truyền tải bầu không khí theo nhịp độ của game và cảm tính của người chơi – từ một “vườn địa đàng” Greenpath phủ màu xanh lá được phân tách theo nhiều tầng với họa tiết chỉn chu, một City of Tears đầy quyền quý và lộng lẫy nhưng không kém phần mục ruỗng, cho tới những hốc sâu khó thở của Deepnest khi mà những con rết cỡ đại chực chờ “nuốt tươi” những thứ ngán đường chúng.

Âm nhạc của Hollow Knight đượm buồn, đôi khi khắc khổ, có lúc lại mãnh liệt, có khi thống thiết, và cũng không thiếu dư vị dồn dập muốn ta tiếp tục tiến bước.

Mỗi lần đặt chân đến một khu vực mới là âm thanh “gầm rú” phát ra giống như tối hậu thư cho bất kỳ kẻ nào dám bén mảng tới nơi đây.

Mỗi tiếng ngân nga của ông lão vẽ bản đồ cũng là ám hiệu rằng ta không cần phải mò mẫm trong bóng đêm một cách mù quáng nữa.

Và mỗi tiếng xoạc đến từ da thịt bị xé nát của kẻ thù cũng là dấu hiệu cho biết cuộc hành trình này đang gần tới hồi kết.


David đối đầu Goliath

Với tư cách là một tựa game Metroidvania cho phép người chơi tiếp cận các khu vực trong game không cần theo trình tự được sắp đặt sẵn (ngoại trừ một số khu vực nhất định), Hollow Knight hoàn toàn khuyến khích người chơi khám phá thỏa thích theo cách mình muốn.

Một số khu vực xuất hiện khá sớm ở đầu game nhưng có thể bị chặn lại theo nhiều cách khác nhau, và người chơi chỉ có thể thâm nhập chúng bằng các kỹ năng di chuyển đặc biệt mà chỉ có thể lấy được về sau.

Và cũng nhờ vào đặc thù “dị biệt” trong từng khu vực mà công việc “backtrack” trong Hollow Knight không bao giờ khiến người viết cảm thấy chán nản hay tẻ ngắt, bởi những lối đi rõ ràng dẫn tới một khu vực mới nhưng chưa được đánh dấu trước đây hoàn toàn chứa đựng những yếu tố đáng để khám phá, có thể là những mảnh vỡ khi ghép lại sẽ tạo nên nâng cấp thanh máu hoặc thanh năng lượng của người chơi, một NPC ngoài lề nào đó sẽ bán cho bạn những nâng cấp hữu ích hay “mài dũa” chiếc móng của bạn, hay thậm chí còn mở ra khu vực phụ mới.

Đó mới chỉ là một trong số những yếu tố tạo nên lối thiết kế màn chơi đầy kiệt xuất của Hollow Knight.

Nếu như “backtrack” mang đầy sắc thái của Metroidvania cổ điển, thì cung cách dẫn dắt qua các màn chơi lại đậm chất Dark Souls.

Người chơi phải tìm đường đến Cornifer để mua tấm bản đồ, để tìm được vị trí của ông thì người chơi phải lần theo những mẩu giấy được rải trên đường đi, và bản đồ chỉ có thể được “cập nhật” khi người chơi ngồi trên những băng ghế gỗ (cũng là điểm lưu game giống như trại lửa trong Dark Souls).

Nghe qua thì có vẻ phức tạp, song Hollow Knight không hề thiếu các gợi ý về mặt hình ảnh để người chơi đỡ… đau đầu trong lúc khám phá, chẳng hạn như những chiếc ghim băng đánh dấu vị trí băng ghế, NPC và các ngọn cây sở hữu “tinh chất” của mộng tưởng (một trong số những “meta-game” mà người chơi phải thực hiện nếu muốn lấy kết cục chính xác của game).

Thậm chí nếu tinh mắt một chút, người chơi có thể nhận ra những tấm biển chỉ đường tới những khu vực trên, hay các lối đi ở khu vực này bỗng dưng sở hữu đặc thù mỹ quan của khu vực khác, chẳng hạn như một cái hố nhỏ ở City of Tears bỗng dưng… mọc đầy nấm xung quanh là dấu hiệu rằng nó dẫn tới Fungal Wastes.

Hollow Knight

Cái cách mà các khu vực trong Hollow Knight được kết nối với nhau cũng đầy tinh quái và sắc xảo.

Những chiếc thang máy tưởng chừng như không hoạt động thực chất lại dẫn đến một khu vực mà mãi sau này người chơi mới đặt chân đến, các con đường tắt được đặt ở vị trí mà không ai ngờ tới, những cánh cửa khép kín thực chất dẫn đến mộc hốc sâu khác đầy thuận tiện mà người chơi phải tìm ra đúng chiếc chìa khóa để có thể mở toang nó ra.

Cái cách mà Hollow Knight khiến người chơi phải mò mẫm trong bóng đêm vào ban đầu, rồi nằm thuộc lòng từng đường đi ngõ ngách về sau để “phóng như bay” qua từng khu vực một cách điệu nghệ, thật khó để có thể tìm ra được lối thiết kế màn chơi nào linh hoạt đến như vậy.

Dĩ nhiên, không phải toàn bộ mọi màn chơi của game đều hoàn hảo, khu lưu vực Ancient Basin vẫn khiến người viết nhíu mày do buộc phải đi quá sâu mà không hề có điểm dịch chuyển nhanh ở gần đó (cả ba khu vực kết nối với Ancient Basin là Kingdom’s Edge và Royal Waterways cũng không có điểm dịch chuyển, còn ở Deepnest thì nó lại nằm ở… phía bên kia của bản đồ).

Chiến đấu trong Hollow Knight không hào nhoáng và đa dạng như Valdis Story: Abyssal City, mà trò chơi chủ yếu tập trung vào cảm giác “chặt chém” sao cho uy lực và hữu dụng nhất.

Ban đầu, người chơi chỉ có nút nhảy và chém thường với chiếc móng – khởi đầu cực kỳ căn bản với lối chiến đấu đầy hạn chế, rồi bắt đầu mở rộng với nhảy hai bậc, trượt người (dash), “bắn” năng lượng (Vengeful Spirit), hay thậm chí là học thêm chiêu thức chém xoay người hoặc chém gồng.

Do số lượng có hạn của các đòn thế mà nhân vật có thể thi triển, Hollow Knight sở hữu hệ thống vật phẩm đặc biệt được gọi là “bùa chú” (Charm) tạo nên những hiệu ứng khác nhau đầy hữu hiệu cho người chơi.

Một số loại bùa cơ bản cho phép người chơi hút được nhiều năng lượng hơn khi tấn công, Geo (đơn vị tiền trong game) tự động “bay” về người chơi hay tăng sát thương gây ra khi người chơi gần “tử nạn”, cho đến các loại bùa cao cấp như giảm thời gian “gồng” chiêu thức đặc biệt cho chiếc móng hay biến năng lượng từ Vengeful Spirit thành những con… sán gây sát thương cao ở tầm gần.

Hollow Knight

Một số loại bùa thuộc dạng “tiện ích” cho người chơi chủ yếu tập trung vào năng lượng và hồi phục, một số khác tập trung vào phòng thủ cho phép tăng lượng Lifeblood (loại máu “xanh” đặc biệt vượt quá lượng máu ban đầu) hay tỏa “xương rồng” khi địch thủ chạm vào bạn.

Tựu chung, hệ thống bùa chú tạo nên những phương pháp kết hợp vật phẩm đầy đa dạng và cũng đóng vai trò xây dựng nhân vật theo cách mà người chơi muốn.

Dĩ nhiên, với tư cách là một tựa game lấy cảm hứng từ dòng game Souls thì không có lý nào để mà Hollow Knight không khiến người chơi phải… vò đầu bức tai với độ khó kinh dị trong game.

Không có thanh máu như truyền thống mà chỉ có số lượng máu tương ứng với số lần dính đòn, thế nên kể cả những loài sinh vật vô hại nhất trong game cũng hoàn toàn có khả năng tiễn người chơi về băng ghế gần nhất trong một nốt nhạc và buộc phải quay lại khu vực tử nạn để lấy lại số Geo mà mình đánh rơi.

Tất cả những địch thủ và trùm trong game đều khá dễ đoán nếu như người chơi đã quen với cách thức tấn công của chúng.

Nếu như “backtrack” mang đầy sắc thái của Metroidvania cổ điển, thì cung cách dẫn dắt qua các màn chơi lại đậm chất Dark Souls

Đặc biệt với trùm, dẫu cho không sở hữu hai giai đoạn với cách thức ra đòn bất ngờ khiến người chơi phải thốt lên: “CÁI *** GÌ THẾ???” như Dark Souls, nhưng chúng đủ thử thách để không ai có thể diệt trừ ngay trong lần thử đầu tiên và cũng không quá khó để gây thương tích cho phần cứng chơi game (ngoại trừ Radiance, người viết khá tin rằng ai thiết kế Radiance chắc chắn là hậu duệ đích thực của Satan).

Hollow Knight là trò chơi với độ khó cao nhưng không bao giờ khiến người viết cảm thấy nản lòng.

Lối thiết kế màn chơi trôi chảy một cách đáng ngạc nhiên, những trận đấu trùm thử thách và cực kỳ thú vị, “cày cuốc” Geo không hề tốn thời gian (thậm chí là không cần thiết phải cày cuốc), khám phá… có quá nhiều thứ, có quá nhiều nơi đáng để khám phá.

Ở mốc 22 giờ chơi, người viết mới chỉ hoàn thành 60% nội dung của game, vẫn còn hai cái kết đang chờ được khám phá, vẫn còn những đường đi rỗng trên bản đồ, và nếu như dựa theo 22 tiếng đầu tiên thì người viết tin chắc rằng thời gian tiêu tốn cho phần còn lại của trò chơi sẽ không hề vô nghĩa một chút nào.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Team Cherry
  • Phát hành: Team Cherry
  • Thể loại: Hành động | Phiêu lưu
  • Ngày ra mắt: 25/2/2017 (PC)
  • Hệ máy: PC, PS4, XBox One, Switch,

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7
  • CPU: Intel Core 2 Duo E5200
  • RAM: 4 GB
  • VGA: GeForce 9800GTX+ (1GB)
  • HDD: 9 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI TEAM CHERRY CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạch kim 10

Hollow Knight là tuyệt phẩm Metroidvania đương đại với lối thiết kế đầy thông minh khiến cho bất kỳ tựa game nào cùng thể loại cũng phải ngả mũ kính phục.
Đây là tựa game khiến cho mọi công việc tẻ nhạt trở nên đầy hào hứng, những câu chuyện nhỏ bên lề sở hữu tác động không nhỏ tới cảm xúc của người chơi, những thử thách tột cùng đầy cuồn hút, và trên hết, là những trải nghiệm có thể không mới, nhưng lại cực kỳ đáng nhớ, đáng để ta khắc cốt ghi tâm vào tâm trí mình.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ