Inside – Chiến tranh có thể “từng” là thứ tồi tệ nhất mà con người tạo ra, những cuộc chiến tranh đẫm máu, giết chóc hay phá hoại môi trường… Hậu quả mà chiến tranh để lại là vô cùng đau thương, nhưng không phải cứ có hòa bình là có thể mưu cầu được hạnh phúc.
Con người luôn tồn tại với bản chất của họ, những kẻ muốn thống trị, tàn ác và phân chia giai cấp như cách họ từng làm trong hàng ngàn năm qua, xét sâu xa thì đấy cũng chính là cội nguồn của chiến tranh.
Với một xã hội trong tương lai, khi sự giàu nghèo trở thành một ranh giới sống hoặc chết, tầng lớp con người “hạ cấp” bị xem là công cụ lao động, bị đem ra thí nghiệm hay phục vụ cho nhiều mục đích vô nhân đạo khác… kỳ thực thảm cảnh này còn tồi tệ hơn gấp trăm ngàn lần hậu quả một cuộc chiến tranh vũ trang thông thường gây ra.
Lấy cảm hứng từ đề tài trên, Playdead – đội ngũ phát triển từng gây tiếng vang lớn với tựa indie Limbo vào năm 2010 đã đánh dấu sự trở lại của mình trong năm 2016 với Inside.
Trước cả khi ra mắt, Inside được phát triển trong gần 6 năm ròng và đã sớm được người hâm mộ ca tụng là “tựa game indie hay nhất năm”.
Với những thành công vang dội đã đạt được với Limbo trước đây, Inside tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng người hâm mộ.
Playdead sẽ lại một lần nữa khiến game giới phải ngạc nhiên trước tác phẩm của mình như từng làm với Limbo?
Hãy cùng Vietgame.asia đi tìm câu trả lời qua bài viết sau.
CẬP NHẬT: Nếu bạn đã hoàn thành Inside, nhưng vẫn còn lắm thắc mắc? – Hãy cùng Vietgame.asia đến với “Inside – Đâu mới là sự thật?“
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM SỰ GIẢI THOÁT
Nếu bạn đọc từng thử qua Limbo, hành trình của cậu bé trong Inside ít nhiều sẽ gợi lại không ít trải nghiệm quen thuộc (nếu không muốn nói là gần như tương tự).
Cách chơi của game vẫn đi theo hướng phiêu lưu, nặng tính dẫn truyện hơn là tập trung vào các câu đố hóc búa và không quá đề cao kỹ năng điều khiển của game thủ.
Cũng do đó, game thủ tập trung hợp vào cách mà game dẫn dắt họ cuốn theo câu chuyện, khắc họa được nhiều hơn những yếu tố trọng tâm mà cốt truyện game muốn truyền tải.
Mỗi bước chân của cậu bé cũng ngày một nặng nề hơn bội phần bởi những mảnh ghép trong câu chuyện mà game kể ra như những chiếc mũi khoan xoáy xâu vào cảm xúc của người chơi.
Thật khó có thể diễn tả được những điểm hay của Inside bởi sự quyến rũ của game gần như trải đều trong suốt hành trình để người chơi dần ngộ ra về sau và nếu kể ra thì không khác gì… spoil (kể trước tình tiết).
Tương tự với Limbo, hình tượng một cậu bé lạc vào một thế giới đầy rẫy cạm bẫy một lần nữa trở thành “công cụ” để Playdead lôi kéo người chơi vào chuyến phiêu lưu kỳ lạ này, trong một thế giới đen tối, rung rợn như ẩn chứa những bí mật mà chính bạn sẽ vén màn.
Inside không dài, nhưng những mảnh ghép trong toàn bộ hành trình để lại cho người chơi những khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Rất nhiều trường đoạn cay nghiệt về vấn nạn môi trường, dịch bệnh, về sự tàn ác của con người được khắc họa trong nhiều hình tượng rất đời thường.
Lấy ví dụ như trường đoạn xác chết một chú heo bỗng bật dậy chạy loạn khi không chịu nổi đau đớn bởi giòi bọ ký sinh và người chơi phải ra tay “giải thoát” cho nó (ở thế giới thực tại, chính chúng ta vẫn thường sử dụng loài heo trong các thí nghiệm về dịch bệnh).
Hay những chú gà con vàng xinh xắn lang thang bỗng quấn quýt lấy chân cậu bé như một cách mưu cầu hạnh phúc – niềm hy vọng duy nhất mà chúng có thể dựa dẫm ngay tại lúc đó.
Chính con người cũng bị đem ra làm vật thí nghiệm, họ bị biến thành những sinh vật “bị thịt” hết sức tởm lợm, vô hồn và bị khống chế bởi một hệ thống liên kết sóng não nào đó.
Họ là sản phẩm của tầng lớp con người “tiến bộ” với những chiếc mặt nạ đạo đức màu trắng dơ bẩn và hèn nhát đang thao túng tất cả, hả hê với những thí nghiệm vô nhân đạo của mình.
Những cơn mưa đen, những cánh đồng chết, hàng trăm xác động vật và gia súc la liệt trên khắp các nông trại, những nhóm thợ săn ra sức truy lùng và đuổi bắt chính đồng loại của mình, hàng dài “bị thịt” xếp thẳng tắp với dáng đi vật vờ, hoạt động như một con rối bị bỏ bùa… chẳng ai có khả năng thức tỉnh, thế giới như khép kín lại hoàn toàn trong bóng tối.
Chỉ duy có bạn – một cậu bé liều lĩnh đang ngày một tiến sâu hơn vào “trái tim” của bóng đêm và tìm cách giải thoát bản thân hay thực hiện một mục đích nào đó khác nữa.
“Trái tim” của bóng đêm trong Inside nó như thế nào, người viết xin để lại cho bạn đọc tìm hiểu và cảm nhận nó nhé!
[su_quote]chẳng ai có khả năng thức tỉnh, thế giới như khép kín lại hoàn toàn trong bóng tối. Chỉ duy có bạn – một cậu bé liều lĩnh đang ngày một tiến sâu hơn vào “trái tim” của bóng đêm[/su_quote]Chưa dừng lại ở đó, cho đến cuối hành trình, vẫn còn vô vàn câu hỏi, những bí mật chưa có câu trả lời bởi lẽ chính người chơi cũng đang hoài nghi hành trình của mình.
Tất cả như một sự sắp đặt khéo léo, rằng bạn đang thực hiện một cuộc hành trình vô vọng để rồi vỡ òa trong một sự thật khác ở lần chơi tiếp theo.
Với Inside, kết thúc của game không phải là câu trả lời mà người chơi cần tìm kiếm, game đã phá vỡ “bức tường thứ tư” để liên kết với người chơi mạnh mẽ hơn rằng: Chính người chơi – người-điều-khiển, hoặc là ai đó, hoặc cậu bé kia, hoặc tất cả những công dân bị tẩy não trong Inside đều là “công cụ” của Đấng Sáng Tạo (ám chỉ chính Playdead cũng nên).
Nghệ thuật sắp đặt trong Inside nói không ngoa đã đạt đến trình độ rất cao, vừa thâm thúy, vừa chỉ ra được những bài học trong thế giới thực bằng cách khắc họa trong thế giới ảo sống động đến mức khiến người chơi phải sững sờ.
NGHỆ THUẬT CỦA BÓNG TỐI
Một lần nữa, bằng những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc mà Playdead đã rất thành công với Limbo, Inside tiếp tục trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt bởi tính đơn giản đến mức tối đa của nó.
Nền đồ họa của game vẫn trung thành với chất mộc mạc với tông màu xám đen, trắng, pha lẫn chút vàng chói của những ánh đèn, ánh nắng dẫn dắt lấy người chơi.
Sự tối giản này vừa khắc họa được sự bệnh hoạn của loài người, vừa cho thấy được sự mù quáng trong nhận thức của xã hội hay sự chết chóc đang dần xâm lấn tất cả.
Chỉ với hai gam màu sáng và tối, Inside đã phát lên được một bức tranh toàn cảnh về hiện thực và giả dối một cách cực kỳ rõ ràng, nặng tính sắp đặt trong từng khung hình.
[su_quote]Chỉ với hai gam màu sáng và tối, Inside đã phát lên được một bức tranh toàn cảnh về hiện thực và giả dối một cách cực kỳ rõ ràng, nặng tính sắp đặt trong từng khung hình.[/su_quote]Bên cạnh đó, mảng âm thanh của game cũng góp một phần không nhỏ trong cách thể hiện các giá trị nghệ thuật của game.
Toàn bộ game gần như đắm chìm trong một bầu không khí im lặng đáng sợ, đến nỗi khiến người chơi cảm thấy hoang mang khi nghe thấy những tiếng vang lớn – biểu hiện của sự đe dọa hoặc nguy hiểm.
Bầu không khí im lặng đến “điếc tai” này như một thế lực vô hình to lớn nào đó, đang rình rập muốn nuốt chửng lấy người chơi bất cứ lúc nào.
Xen lẫn vào đó là những trường đoạn vội vã, có chút nghẹt thở khi người chơi cố chạy thoát khỏi hiểm nguy với tiết tấu tăng dần, kết hợp cùng những khung cảnh sáng đầy mê hoặc sau khi đã an toàn.
Không hề có lấy một câu thoại, không có một đoạn phim cắt cảnh, sự im lặng của game chính là lời “thì thầm” độc đáo, kể cho bạn nghe từng chương của cậu chuyện trong Inside.
Chỉ còn đó tiếng thở dốc và những bước chân đầy sợ sệt nhưng liều lĩnh của cậu bé khiến người chơi càng rùng mình hơn.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
CHẤT GIẢI ĐỐ YẾU, RẬP KHUÔN “LIMBO”
Vào năm 2010, khi Limbo ra mắt cùng nhiều tựa game từ các nhà phát triển độc lập khác như một cơn sóng đưa thời đại của game indie phát triển huy hoàng như hiện nay.
Limbo trở thành một tượng đài lớn mà khó ai không thể không biết đến khi nói về phân khúc game indie.
Thân là người kế vị, tiếp bước những gì đàn anh Limbo làm được, Inside cũng mang nhiều nét tương tự trong lối chơi, tuy nhiên, vì sở hữu quá nhiều nét tương đồng mà Inside không tạo được dấu ấn riêng, ít nhiều bị nhìn nhận như một tựa game “na ná Limbo”.
Sự rập khuôn này thể hiện rõ ở nhiều mảng khác nhau, từ hệ thống điều khiển, hành động, cho đến những câu đố xuyên suốt quá trình chơi.
Tần xuất xuất hiện những câu đố khá hợp lý, không quá nhiều cũng không quá ít, giữ được tính cân bằng trong nhiều phân đoạn trong hành trình cũng như được sắp đặt rất hoàn hảo.
Dù vậy những thử thách của các câu đố này lại kém thử thách, nếu không muốn nói là đơn điệu.
Quá tập trung tới việc truyền tải câu chuyện khiến Playdead xem nhẹ tầm quan trọng của những câu đố khiến Inside càng trở nênna ná Limbo.
Nếu mảng giải đố không phải là thế mạnh của Inside thì mảng phiêu lưu của game cũng không tỏ ra mấy thử thách.
Màn chơi được thiết kế tuyến tính, thiếu lắc léo, dễ tìm đường và nhất là thiếu trọng tâm.
[su_quote]sở hữu quá nhiều nét tương đồng lại khiến Inside không tạo được dấu ấn riêng đặc biệt mà ít nhiều bị nhìn nhận như một tựa game “na ná Limbo”[/su_quote]Chỉ trừ phân đoạn cuối cùng, Inside mới bắt đầu thay đổi được nhịp phiêu lưu nhàn nhã trước đó.
Những điểm trừ trên có thể không lớn, mà ngược lại với những game thủ không quá khó tính thì màn trình diễn dài khoảng 4 giờ chơi của Inside phải nói là tuyệt vời!
Còn nếu bạn là một game thủ muốn tìm kiếm một tựa game phiêu lưu giải đố cân não, kèm chất phiêu lưu kịch tính thì dường như Inside chưa đạt được độ chín đó.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Playdead
- Phát hành: Playdead
- Thể loại: Phiêu lưu
- Ngày ra mắt: 08/07/2016
- Hệ máy: PC, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 | 8 | 10 (yêu cầu 64-bit)
- CPU: Intel Core 2 Quad Q6600 hoặc AMD FX 8120
- RAM: 4 GB RAM
- VGA: nVidia GeForce 630/650M hoặc AMD HD 6570
- HDD: 3 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- CPU: Intel Core i5-2500K
- RAM: 8 GB DDR3
- Graphics: NVIDIA GTX 970
- HDD: 1TB Blue
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI PLAYDEAD
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- COLORFUL Ra Mắt Dòng Bo Mạch Chủ B860 Series – Tin Gaming Gear
- Team Cherry cập nhật tình hình của Hollow Knight: Silksong! – Tin Game
- Civilization 7 chính thức “gone gold”! – Tin Game
- Corsair Virtuoso Max Wireless – Đánh Giá Gaming Gear
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game