Skip to content

Ion Fury – Đánh Giá Game

Ion Fury

Ion Fury – Cho đến ngày hôm nay, sự tồn tại của Ion Fury có lẽ vẫn là một dấu chấm hỏi lớn dành cho chính công ty chủ quản 3D Realms.

Hình mẫu nhân vật Shelly “Bombshell” Harrison vốn từng được tạo nên với tư cách là “Duke Nukem phiên bản nữ” đáng lý ra đã góp mặt vào một tựa game Duke Nukem mới. Nhưng tất cả mọi kế hoạch của 3D Realms sụp đổ khi công ty trải qua cuộc tái thiết nội bộ lớn vào cuối những năm 2000, cũng như dự án Duke Nukem Forever bị “thai nghén” lâu đến mức không thể chấp nhận được, khiến cho nó được chuyển giao vào bàn tay của Gearbox Software và… có lẽ bạn đã biết phần còn lại.

Có hai mấu chốt lớn xảy đến với 3D Realms sau thất bại của Duke Nukem Forever (mà họ vốn không liên quan).

Vào năm 2010, một nhóm phát triển game độc lập đóng đô tại Henning, Đan Mạch mang tên Interceptor Entertainment hé lộ dự án Duke Nukem 3D: Reloaded – tựa game làm lại (remake) của trò chơi kinh điển cùng tên. Dĩ nhiên, đây là một dự án “fanmade” (người hâm mộ làm) không chính thống và nó nhanh chóng bị Gearbox Software yêu cầu hủy bỏ không lâu. Tuy nhiên nó giúp cho Interceptor lọt vào “mắt xanh” của Apogee Software, và studio này thầu dự án làm lại của Rise of the Triad khá ổn vào năm 2013.

Năm 2014, Interceptor Entertainment công bố hãng đang thực hiện tựa game lớn tiếp theo của 3D Realms mang tên “Bombshell” – một tựa game bắn súng góc nhìn từ trên xuống với sự góp mặt của “nàng Dukette” yêu kiều vốn đã bị lãng quên từ năm 1996. Đáng chú ý hơn, phiên bản Deluxe của Bombshell còn đi kèm với bản beta dành cho tựa game FPS tiền bản của Bomshell được xây dựng trên nền Build engine – quả thực đây là lời đề nghị “trong mơ” dành cho bất kỳ người hâm mộ thứ thiệt nào của Duke Nukem.

Kết quả?

Bombshell ra mắt và… thất bại toàn tập. Nó khá tệ về mặt lối chơi, nó quá nhiều lỗi, giá của nó khá đắt so với số lượng nội dung mà nó mang lại, và đến nay Bombshell vẫn đang nằm chình ình với con số 43/100 đỏ choét trên Metacritic. Ắt hẳn 3D Realms không nghĩ rằng màn “comeback” của mình còn thảm hại hơn cả thất bại của Duke Nukem Forever

Ấy nhưng khoan, họ vẫn còn một vị cứu tinh khác là Ion Maiden – tựa game tiền bản này vốn được chống lưng bởi một nhóm modder kỳ cựu bất ngờ “phình” ra về mặt quy mô và nhanh chóng trở thành một dự án đầu tàu của 3D Realms vào năm 2018. Đến năm 2019, chỉ vài tháng trước khi ra mắt, Voidpoint cùng 3D Realms nhận được một gáo nước lạnh: ban nhạc rock Iron Maiden kiện hai hãng vì cái tên của game quá giống… tên của ban nhạc.

Và nay, cuộc hành trình trắc trở của Shelly Harrison khiến người ta phải nổi đóa sau khi tốn thời gian đọc đoạn mở đầu dài ngoằn của bài viết này đúng như tinh thần trong cái tên mới của trò chơi – Ion Fury.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

“ONE WOMAN ARMY”

Có kha khá cách thức để người chơi vượt qua một màn chơi FPS cổ điển: hoặc cuốn theo tốc độ nhanh đến “nhức óc” trong lúc nhanh chóng biến mọi mục tiêu ở từng ngõ ngách thành cát bụi, hoặc chậm rãi dò xét từng lối đi để thám tính tình hình, hoặc… ghi nhớ vị trí kẻ thù qua mỗi lần “Game Over” rồi tiếp tục cắm đầu qua từng rào cản như thể bạn đang vướng vào trong một vòng lặp thời gian. Tương tự như những người đi trước, Ion Fury không bó buộc bạn vào một lối chơi cụ thể nào. Chỉ có chính kỹ năng của bạn bạn, vài khẩu súng cùng tốc độ sẽ đo lường xem bạn đi xa tới đâu.

Được xây dựng trên nền Build engine, Ion Fury thừa hưởng mọi tinh hoa kỳ quái mà bộ engine này đã đạt được với Duke, Shadow WarriorBlood tận 25 năm về trước: môi trường sở hữu độ cao dàn trải, tương tác với vật thể, mô hình kẻ địch đa chiều, độ chi tiết voxel cao. Mặt kỹ thuật ẩn sau những dòng mã là thứ cuối cùng trong danh sách những thứ mà bạn nên quan tâm về Ion Fury, nhưng ắt hẳn ai cũng sẽ hứng thú khi nhận ra mình có thể đá văng đầu lâu của một tay cuồng giáo. Bạn cũng có thể tận dụng đầu lâu để nhảy lên những bậc cao mà thông thường không thể với tới.

Nhưng khi nói về môi trường của Ion Fury, chắc chắn Build engine góp công nhiều thứ hai chỉ sau họa sỹ. Những mảng màu xanh xám bao bọc chất liệu cứng là thứ mà bạn sẽ chứng kiến nhiều nhất game, nhưng với cách tận dụng họa tiết đầy khéo léo để đa dạng hóa kiểu chất liệu, môi trường trong Ion Fury trở nên sống động hơn hẳn so với các tựa game trên nền Build 20 năm về trước. Với một tựa game kéo dài 12 giờ đồng hồ với 70% thời lượng xoay quanh thành phố công nghiệp viễn tưởng, Ion Fury đắm mình bên trong dòng chảy của âm hưởng những năm 90, nơi mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy những thứ như cyborg, một căn biệt thự bị ám và vài easter egg về Terminator. Tất cả khiến cho âm hưởng của Ion Fury dường như không bao giờ thoái trào.

Ion Fury cũng hoạt động tương tự như một tựa game FPS những năm 90, bởi công việc của bạn chỉ đơn thuần là tìm thẻ màu để mở cửa tương ứng. Nếu bạn không tìm thẻ màu thì có lẽ là bạn đang tìm cách phá hoại hoặc làm nổ tung thứ gì đó đang chặn đường. Nếu bạn không làm nổ tung một thứ gì đó thì chắc là bạn đang tìm kiếm các bí mật trong từng khu vực. Nhân tiện, mỗi khu vực (game có 7 chương, mỗi chương có từ 5 – 6 khu vực) chứa tận 20 đến 27 bí mật, thế nên nếu như bạn thực sự muốn 100% toàn bộ Ion Fury thì người viết hy vọng bạn đã thủ sẵn keycap nút E dự phòng.

Ion Fury

Đó là phần “da”, còn phần “thịt” của Ion Fury là gần như tất cả mọi thứ mà bạn có thể trông đợi ở một tựa game FPS trên nền Build engine. Bạn đã dùng tất cả những loại vũ khí này trong các trò chơi bắn súng trước đây, nhưng một chiếc xe chạy ổn không có nghĩa nó đáng vứt đi chỉ vì nó không tân tiến. Khẩu shotgun đầm tay tầm gần (và có lẽ hơi mạnh quá đáng ở tầm xa) có thể chuyển đổi sang súng phóng lựu bằng chuột phải. SMG có thể chuyển sang chế độ hai tay hai súng. Súng lục ổ quay có thể đánh dấu mục tiêu và tự động xả đạn khi bạn thả chuột phải. Ná Ion có thể gồng và bắn nhiều mũi tên cùng lúc.

Vũ khí trong Ion Fury có lẽ được thiết kế theo tinh thần bó đũa nhiều hơn. Trò chơi muốn bạn lao đầu vào hiểm nguy và dùng phản xạ, kỹ năng nhắm bắn và ứng biến để cho kẻ thù thấy được ai mới là kẻ đứng trên nóc của chuỗi thức ăn, và cảm giác đó chưa bao giờ trở nên nhàm chán trong Ion Fury. Xoay chuyển giữa vài khẩu súng mà bạn có, trong lúc thoắt ẩn thoắt hiện đằng sau vật chắn và mò mẫm những hộp máu trên đường đi nhanh chóng trở thành lối chơi mà người chơi tự đút kết được từ kinh nghiệm, chứ không phải do game hét thẳng vào mặt bạn thông điệp “PHẢI CHƠI NHƯ THẾ NÀY NÀY”. Những cơ chế mới mẻ đối với game trên nền Build như headshot hay túi máu dự trữ càng giúp cho dòng chảy hành động của Ion Fury trở nên suôn sẻ hơn.

Vũ khí có thể ít ỏi nhưng điều tương tự khó có thể áp dụng cho chủng loại kẻ thù trong Ion Fury. Cho dù ý kiến của bạn về kẻ địch sử dụng vũ khí hitscan là gì thì vẫn rất khó để có thể mô tả những mục tiêu mà bạn có thể bắn phá trong trò chơi bằng hai từ “nhàm chán”. Đó là một sự kết hợp giữa các đơn vị bộ binh thông thường, những tay cuồng giáo khoác màu đỏ bắn đạn projectile cực đau, lũ lượt đàn nhện máy vác đầu lâu người bò về phía bạn như thể người bạn đang phủ chocolate và những sinh vật khác khó có thể mô tả cụ thể bằng từ ngữ. Kẻ địch ưa thích nhất của người viết là một tay cyborg (?) có thân thể người nhưng không có da, đầu lâu rực lửa xanh, tấn công bạn bằng một pha tung cước siêu nhí nhố ngay sau khi tàng hình, khi bị hạ thì sẽ quỳ xuống như thể chuẩn bị thực hiện seppuku rồi nổ tung như pháo hoa.

[su_quote]phần “thịt” của Ion Fury là gần như tất cả mọi thứ mà bạn có thể trông đợi ở một tựa game FPS trên nền Build engine[/su_quote]


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

NGÔI SAO SÁNG ĐẾN ĐÂU?

Nếu như xét tổng thể, Ion Fury là một tựa game thỏa đáng từ cốt lõi lối chơi, thiết kế màn chơi, mỹ thuật, âm nhạc, cho đến giá trị chơi lại. Nó là tựa game thương mại đầu tiên trên nền Build trong vòng 20 năm trở lại đây, và nó nguyên gốc vốn không được nhận mức độ đầu tư như thế này từ 3D Realms. Thế nên có thể nói, sự tồn tại của Ion Fury đến nay vẫn là một điều thần kỳ, và chất lượng của nó là bảo chứng cho chính điều thần kỳ đó.

Thế nhưng, người viết thực sự muốn thấy được rằng 5 năm sau, fan của dòng FPS trên nền Build sẽ đặt Ion Fury ở đâu giữa bộ ba huyền thoại Duke NukemShadow WarriorBlood. Đó là bởi, Ion Fury dẫu cho là một tựa game sáng giá, nó lại thiếu vắng nhân tố “wow” khiến người ta phải trầm trồ, hệt như DUSK đã làm được vào năm ngoái.

Điều này có lẽ nằm ở hai khía cạnh lớn nhất của trò chơi. Như đã nói ở trên, dàn vũ khí của Ion Fury đều quen thuộc và chỉ thực sự phát huy hết điểm mạnh khi người chơi chìm vào dòng chảy hành động đầy mạnh mẽ của trò chơi. Việc thiếu vắng một Voodoo Doll hay Shrink Ray khiến cho nhân dạng của trò chơi trở nên ít đặc sắc hơn ít nhiều. Quả bom lăn như bóng bowling là vũ khí sáng tạo nhất trong Ion Fury, nhưng cách thức hoạt động của nó chỉ đơn thuần là “thả rồi quên”, chứ không làm người chơi cười hú hí khi thả một gói Dynamite theo đường vòng cung như trong Blood.

[su_quote]người viết thực sự muốn thấy được rằng 5 năm sau, fan của dòng FPS trên nền Build sẽ đặt Ion Fury ở đâu giữa bộ ba huyền thoại Duke Nukem – Shadow Warrior – Blood[/su_quote]

Lối thiết kế màn chơi của Ion Fury lại có một vấn đề khác. Trò chơi sở hữu độ thử thách khá là không khoan nhượng, khá là may mắn khi game có rất ít bẫy treo so với BloodShadow Warrior, nhưng nó vẫn khá khó đối với dân chơi FPS kỳ cựu ở mức thứ ba (trong tổng số bốn) là Ultra Viscera. Vấn đề ở đây, đó là với việc từng màn chơi sở hữu hơn 20 bí mật và đa phần bí mật sẽ thưởng cho bạn số lượng máu/đạn dược lớn, độ khó của Ion Fury đôi khi trở nên khá mất cân bằng tùy theo số lượng bí mật mà bạn tìm được. Tìm được quá nhiều, game sẽ trở nên hơi dễ quá. Bỏ qua phần lớn bí mật, bạn sẽ trầy trật không ít thì nhiều.

Cuối cùng, Ion Fury cũng mang trong mình âm hưởng sến súa đặc trưng của bộ tam huyền thoại trên nền Build, bao gồm một nhân vật chính ngầu lòi, cứng cỏi và gan dạ. Tuy nhiên, Shelly “Bombshell” Harrison của chúng ta được đút kết từ khuôn của Duke khá nhiều, đến mức người viết thực sự không biết nên gọi cô như thế nào ngoài “Duke Nukem phiên bản nữ”. Trong khi Caleb nổi bật với ngôn từ mỉa mai cùng chiều hướng yêu bạo lực, còn Lo Wang có chiếc lưỡi siêu dẻo và thái độ có phần… biến thái, thì Shelly yêu những câu “one-liner” bước ra từ phim ảnh những năm 80-90, hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình, và dĩ nhiên là luôn phản pháo lời lẽ châm chọc của phe ác – vốn đều là đặc điểm của Duke, nhưng giờ đây kém phô trương và có phần lặp lại hơn.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Voidpoint
  • Phát hành: 3D Realms
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 15/8/2019
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • Requires a 64-bit processor and operating system
  • OS: Windows 10
  • Processor: Intel Core i5, AMD Ryzen or equivalent
  • Memory: 2048 MB RAM
  • Graphics: 1024 MB or more dedicated video memory. NVIDIA or AMD preferred
  • DirectX: Version 9.0c
  • Storage: 100 MB available space

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8GB
  • VGA: ASUS ROG STRIX RX 570 4GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 3D REALMS

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Sau khi vượt qua vô số rùm beng bên ngoài quá trình phát triển, thật khó có thể mường tượng được hơi thở của Ion Fury trong năm 2019, và những hơi thở đó may mắn thay bắt nguồn từ một sản phẩm chất lượng, tận dụng toàn bộ những tinh hoa mà Build engine mang trong mình. Nó có thể không phải là cuộc cách mạng của thể loại FPS cổ điển trong năm nay, nhưng fan của dòng game trên nền Build có rất ít lý do để đòi hỏi thêm sau những gì mà Ion Fury đã làm được.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ