Iron Danger – “Game nhập vai” – chỉ 3 từ vỏn vẹn thôi mà hầu như bao hàm tất cả tinh hoa của cả một ngành công nghiệp vốn đã trải qua 40 năm có lẻ.
Bởi vì, so với các thể loại game khác, game nhập vai (RPG) bàn về sức ảnh hưởng hay số lượng đầu game vẫn bỏ xa – với hằng ha sa số các “biến chủng” và lai tạp, từ nhập vai theo lượt, J-RPG, nhập vai hành động, nhập vai chiến thuật, v.v.
Và vì đã có tuổi đời cũng như bề dày thành tích đồ sộ như vậy, thị phần game nhập vai càng về sau này càng trở nên “khó sống”, khi mà một tựa game mới “chân ướt chân ráo” lên sàn là lại bị đem ra so sánh với những “tiền nhân” đi trước.
Học theo những công thức thành công thì bị chê là ăn cắp, bắt chước, còn làm “dị dị khác khác” mà chẳng may “thọt” thì lại bị gắn cái mác “học đòi”, “làm trò”.
Người nông dân biết sống làm sao giữa cái thời vàng thau lẫn lộn này đây?!
Nói thì nói vậy, chứ dĩ nhiên càng về sau này, muốn tạo nên sự khác biệt để đứng vững được thì chuyện phải làm ra những cái mới, những đột phá lại là chuyện tất yếu.
Và nhân nói đến những thay đổi, cách tân, hoặc sáng tạo trong mảng RPG trong thời gian gần đây, sẽ thật là một thiếu sót nếu không nhắc tới Iron Danger – một tựa game đặc sắc mới ra mắt do Daedalic Entertainment phát hành.
Vậy, Iron Danger có gì hay ho, mới lạ mà lại được Vietgame.asia “chọn mặt gửi vàng”?
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây nhé.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
LỐI CHƠI ĐỘC ĐÁO, SÁNG TẠO
Về cơ bản, Iron Danger là một tựa game nhập vai thời gian thực với góc nhìn isometric (góc nhìn phối cảnh).
Người chơi sẽ điều khiển một hoặc nhiều nhân vật qua từng phân cảnh, với đấu trường là những khu vực được thiết kế cố định trong bản đồ lớn với số lượng kẻ địch/ cạm bẫy được thiết lập sẵn – chứ không phải di chuyển tự do “gặp thằng nào nện thằng nấy” như Diablo hay Grim Dawn.
Mỗi nhân vật trong Iron Danger sở hữu các chỉ số khác nhau để tạo nên cái “chất” của mình, chẳng hạn như ông “tank” thì cao to cục súc, máu trâu giáp dày, còn cô bé pháp sư thì mình dây máu mỏng nhưng “chưởng” phát nào đau phát đấy.
Nhưng, nếu chỉ có vậy thì Iron Danger khác gì với những “người anh em” nhập vai khác?
Nói đến đây, người viết bỗng nhớ đến một vài biến thể của game nhập vai hành động, khi cho người chơi “ngưng đọng” thời gian bất cứ lúc nào để thao tác và ra lệnh cho các nhân vật trong nhóm (như Dragon Age hoặc Aarklash: Legacy).
Những tựa game này đã thổi một làn gió mới vào dòng game nhập vai hành động vốn chỉ toàn kiểu nhấp chuột gõ phím nóng quá đỗi thịnh hành từ trước đến nay.
Vậy, nếu Iron Danger còn tiến một bước xa hơn, khi cho người chơi quyền quay ngược thời gian và can thiệp vào bất cứ thời điểm nào trong quá khứ, để từ đó thay đổi tương lai và cục diễn trận chiến – thì sẽ ra sao?
Vâng, đấy chính là cái cơ chế cốt lõi làm nên chất riêng của Iron Danger đó, khi mà chưa bao giờ người chơi có cảm giác mình có thể hóa thân thành Đốc tờ Thanh… à nhầm, Dr.Strange, người kiên nhẫn ngồi tua hơn 14 triệu khả năng để tìm ra chiến thắng cho đội Avengers như lúc này vậy.
Thông thường trong bất cứ tựa game nào, thì mức độ trừng phạt cho những hành động sai lầm cũng đều rất nặng.
“Sai một ly, đi một dặm” mà, nên dù là những tựa game dễ dãi nhất thì người chơi cũng vẫn chỉ có một số “mạng” nhất định để “làm lại từ đầu”.
Nhưng với Iron Danger, thì chuyện này không còn quan trọng nữa, vì nhỡ “chơi dại” mà chết thì người chơi có thể quay lại bất cứ thời điểm nào trong trận đánh để thay đổi những quyết định then chốt: lúc đó thay vì đỡ đòn thì nên né tránh, hoặc nên chém lan thay vì lao vào… Mỗi quyết định mới sẽ mở ra một tương lai mới, và từ đó thay đổi cục diện trận đấu (tốt hơn hay xấu hơn thì… hạ hồi phân giải).
[su_quote]Thử đi thử lại nhiều cách để tối ưu hóa chiến quả, hoặc tìm kiếm những lựa chọn khác nhau, đã tạo nên ở Iron Danger một cái sức hút kỳ lạ khó cưỡng lại được[/su_quote]Do đó, chơi Iron Danger không tạo nên áp lực ở người chơi quá nhiều hay buộc họ phải vận đủ 12 “thành công lực” để chơi cho mỹ mãn – mà đâu đó người chơi lại có cái xa xỉ là quan sát môi trường chung quanh, bố trí kẻ địch, cạm bẫy hoặc chướng ngại vật, nhằm chuẩn bị cái tâm thế thật vững vàng để “yêu lại từ đầu” nếu lỡ xui mà “tắc ẹo”.
Thử đi thử lại nhiều cách để tối ưu hóa chiến quả, hoặc tìm kiếm những lựa chọn khác nhau, đã tạo nên ở Iron Danger một cái sức hút kỳ lạ khó cưỡng lại được.
Dĩ nhiên, nếu thật sự không có trừng phạt gì thì game lại quá dễ, và nhiều khả năng là người chơi sẽ chán và khô có thể chơi lâu.
Thế nên Iron Danger vẫn có một cơ chế trừng phạt nhất định, đó là cuối màn chơi người chơi chết càng ít thì càng nhận được nhiều điểm kinh nghiệm.
Điểm này dùng để mua/nâng cấp các kỹ năng chiến đấu/hỗ trợ cho nhân vật, và là yếu tố cốt lõi để giúp người chơi qua nổi các màn sau – vì rõ ràng là nếu chỉ số/kỹ năng yếu nhớt thì có thử lại bao nhiêu lần cũng chỉ có một cửa chết thôi.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHIỀU VẤN ĐỀ BẤT CẬP
Nhắc tới Daedalic Entertainment thì chắc chắn không thể quên được một trong các siêu phẩm mà hãng này phát hành – Blackguards.
Cá nhân người viết thì rất thích chơi các tựa game chiến thuật và nhập vai, thế nên dĩ nhiên cũng “bén duyên” với Blackguards ở một chừng mực nào đó.
Thế nhưng, trải nghiệm với Blackguards của người viết khá lưng chừng và không vẹn toàn, bởi lẽ tuy game rất hay – nhưng lại tồn đọng quá nhiều thứ vặt vãnh và lấn cấn rất khó chịu!
Tuy chẳng “dây mơ rễ má” gì với nhau (chung NPH những khác hãng phát triển – NV), thế nhưng có vẻ Iron Danger cũng có cùng cái “huông” với Blackguards, khi ngoài những thừ thú vị hay ho, nó cũng mắc phải kha khá bất cập linh tinh, dù không to tát lắm.
Đầu tiên phải nói đến việc tuyến tính đến mức “thẳng tưng” của Iron Danger.
Chính xác là ngoài tuyến truyện chính bám sát một cốt truyện ở mức trung bình khá, game không hề có một hệ thống nhiệm vụ phụ hay ngoại truyện gì để khám phá hết.
Người chơi chỉ có việc đi qua màn này đến màn khác và theo dõi cốt truyện, còn thì hầu như không có bất cứ thứ gì khác để làm trong Iron Danger.
Kế đến, đó là số lượng lẫn bản chất các loại kẻ địch trong Iron Danger khá là nghèo nàn và ít ỏi.
Ban đầu, chúng vẫn còn tạo được cảm giác mới mẻ và phấn khích nơi người chơi – nhưng càng về sau, chúng chỉ là những phiên bản lập đi lập lại đến nhàm chán, khiến cho những trận đánh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi kẻ địch lẫn trùm hầu như chẳng có thêm “bài” gì mới cả.
[su_quote]Người chơi chỉ có việc đi qua màn này đến màn khác và theo dõi cốt truyện, còn thì hầu như không có bất cứ thứ gì khác để làm trong Iron Danger[/su_quote]Chưa dừng lại ở đó, tuy về mặt tổng thể thì đồ họa của Iron Danger có thể nói là rất khá – nhưng khi “soi” kỹ hơn, người chơi sẽ dễ dàng nhận ra những chỗ cẩu thả trên nền đất, ở các vật thể xung quanh, và cả cảnh quan môi trường nữa.
Khá nhiều chỗ trong game có vẻ như chỉ được tối ưu “qua loa”, dẫn đến việc tốc độ khung hình trồi sụt khá thất thường.
Sau cùng, tuy bản chất là một game nhập vai, thế nhưng lại chẳng hề trọn vẹn khi thiếu đi hệ thống trang bị.
Các vật phẩm duy nhất trong game là những bình thuốc, bình máu, hoặc những thứ có thể… ném được, từ đá cho tới bom.
Người chơi chỉ cảm thấy mình mạnh hơn ở một chừng mực nào đó với hệ thống nâng cấp kỹ năng, còn thì Iron Danger không hỗ trợ thêm bất cứ dạng biến hóa gì có thể thay đổi hoặc tác động đến lối chơi của một nhân vật hết.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Action Squad Studios
- Phát hành: 1C Entertainment
- Thể loại: Nhập vai, Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 25/03/2020
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: 64-bit Windows 10
- CPU: Intel CPU Core i5 3.3GHz / AMD CPU FX-8320
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA GTX 960 3GB / AMD R9 280 3GB
- HDD: 14 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 1C ENTERTAINMENT
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Ubisoft âm thầm ra mắt Captain Laserhawk: The GAME, một game NFT! – Tin Game
- MSI cho ra mắt hai mẫu laptop AI Prestige 13 & Prestige 16 AI+ Evo tại Việt Nam – Tin Gaming Gear
- GSC Game World sẽ cập nhật 3 phần STALKER gốc! – Tin Game
- Team Fortress 2 ra tập truyện cuối cùng… sau gần 8 năm! – Tin Game
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear