Iron Harvest Demo – Sau khi về “dưới trướng” của SEGA, Relic Entertainment gần như chú tâm vào kế hoạch Warhammer 40,000: Dawn of War III và sau này nữa là Age of Empires IV, bỏ rơi “đứa con cưng” Company of Heroes khiến cho nhiều game thủ trung thành của thể loại game chiến thuật thời gian thực (RTS) phải tiếc nuối bởi sự yếu và thiếu của các tên tuổi có chất lượng trong khoảng thời gian suốt từ năm 2013 trở lại đây.
Đến năm 2018, KING Art Games, một cái tên khá quen thuộc với nhiều người hâm mộ của thể loại phiêu lưu lại cho ra mắt trên trang Kickstarter một dự án… game chiến thuật thời gian thực hoàn toàn mới, với phong cách chơi có phần tương tự dòng game Company of Heroes huyền thoại: Iron Harvest, làm ngạc nhiên không ít game thủ và Vietgame.asia cũng đã từng có bài viết giới thiệu về dự án khá thú vị này vào ngay lúc đó.
Những khái niệm (concept) ban đầu ấn tượng đến độ công ty đã nhanh chóng gây quỹ được 1.5 triệu USD cho dự án, thậm chí đủ để chi trả cho việc phát triển các bản nội dung thêm tải về DLC (Downloadable Contents) sau đó.
Trong đợt sự kiện Steam Game Festival: Summer Edition, hãng đã tung ra bản chơi thử Iron Harvest Demo đầu tiên cho công chúng, đem đến những cái nhìn trực quan ban đầu về trò chơi.
Liệu màn trình diễn này có đủ sức làm cho những người hâm mộ khó tính của dòng game thỏa mãn?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. MỘT THẾ GIỚI ĐẬM CHẤT “DIESELPUNK”!
Sau cuộc Đại chiến, những người nông dân quay trở lại cày cấy trên mảnh đất của mình, họ nhặt nhạnh những vật liệu nổ, các mảnh vụn vũ khí, dây thép gai và cả những mảnh đạn trong lúc cày bừa, họ thu lượm chúng và gọi đó là “Iron Harvest”.
Khác với khá nhiều trò chơi lấy bối cảnh của các cuộc chiến tranh có thật, đặc biệt là hai cuộc Thế chiến với ngồn ngộn những tư liệu lịch sử, những khí tài chân thực có thể… sờ tận tay, day tận mặt trong các viện bảo tàng, chiến tranh đã dần trở nên nhàm chán vì bị… “vắt sữa” quá nhiều.
Iron Harvest Demo lại lựa chọn một bối cảnh độc đáo cho riêng mình từ tựa game cờ bàn (board game) thành công và được chuyển thể thành tựa game cùng tên là Scythe, dựa trên những phác họa độc đáo của họa sĩ Jakub Rozalski mô tả về một thế giới ở khung thời gian song song, với bối cảnh sau cuộc Đại Chiến (Great War), nhằm kết thúc mọi cuộc chiến, tương đương bối cảnh thập niên 20 trong dòng thời gian hiện thực.
Đây cũng là thời kỳ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra mạnh mẽ, chuyển mình từ thời đại máy hơi nước sang thời kỳ các cỗ máy sử dụng động cơ đốt trong Diesel, tạo thành một sự sùng bái đối với các cỗ máy to lớn vĩ đại, mà sau này hình thành nên một phong cách nghệ thuật khoa học giả tưởng mới với tên gọi “Dieselpunk”, trở thành một trong ba trụ cột nghệ thuật khoa học giả tưởng lớn đương đại bên cạnh Steampunk và Atompunk rất có ảnh hưởng đến thế giới game ngày nay.
So với hai phong cách nghệ thuật còn lại thường thấy xuất hiện trên các game giả tưởng, phong cách Dieselpunk vẫn là một cái gì đó khá mới mẻ với nhiều game thủ hiện nay.
Phiên bản Iron Harvest Demo sẽ đem lại cho người chơi một thế giới tương phản rõ rệt giữa hai thái cực, một bên là những miền quê yên bình xưa cũ, một bên còn lại là bầu không khí đậm đặc công nghiệp với những cỗ máy bốc khói mù mịt đậm màu chiến tranh.
Có ba phe đã được giới thiệu chính thức bao gồm: phe Cộng Hòa Polonia, phe Đế Quốc Saxony và phe Rusviet với các đơn vị binh lính, công trình kiến trúc phong cách khác nhau.
Theo tiết lộ của nhà sản xuất, sẽ có hai phe phái khác bao gồm Nordic Kingdoms (Khối Bắc Âu) và Togawa Shogunate (nghe tên là biết Nhật) sẽ xuất hiện sau trong phiên bản chính thức hoặc các bản DLC.
2. CHIẾN TRANH VÀ CHIẾM LĨNH
Được thiết kế và phát triển theo mô hình của dòng game Company of Heroes, điều này có nghĩa là với phiên bản Iron Harvest Demo, người chơi phải tập trung vào việc chiến đấu và chiếm lĩnh các khu vực mỏ tài nguyên trên bản đồ, nhằm giành lấy lợi thế chiến thuật nhất định, tạo thành ưu thế áp đảo cho cả trận đánh.
Trong bản chơi thử (demo) lần này, trò chơi trình diễn ba loại tài nguyên chính bao gồm: sắt (Iron), dầu (Oil) và nhân lực (Manpower), với các mỏ dầu và mỏ sắt rải rác khắp màn chơi.
Những mỏ khai thác này hoàn toàn tự động với khả năng nâng cấp đem lại sản lượng khai thác nhiều hơn hẳn so với mức thông thường, cũng có thể bị phá sập hay xây dựng lại để ngăn chặn đối phương đánh chiếm, giành lấy lợi thế thời gian quý giá trên từng động tác chiến thuật.
Trong Iron Harvest Demo, thông thường, các khu mỏ sẽ trở thành chiến trường chính với rất nhiều loại địa hình có thể che chắn được như các hầm hào, công sự, tường gạch hay các công trình bỏ trống được bố trí xung quanh, có thể được người chơi tận dụng trở thành những cứ điểm bố trí phòng ngự đem lại lợi thế cho phe chiếm giữ, buộc phe tấn công phải chiến đấu mãnh liệt, thậm chí là lợi dụng hỏa lực để san bằng tất cả các chướng ngại và công sự để có thể chiếm lĩnh mục tiêu.
Gần như tất cả các công trình, chướng ngại có thể sử dụng được trong màn chơi đều có thể bị phá hủy dưới sự tấn công của hỏa lực mạnh.
3. NHỮNG CON MECH KHỔNG LỒ
Tất nhiên là khi nhắc tới phong cách “Dieselpunk” trong Iron Harvest, chúng ta không thể không kể đến những con Mech khổng lồ với kích thước nhỏ có thể so sánh với một căn nhà, lớn có thể so sánh với một tòa nhà cao tầng với những loại vũ khí, trang bị và áo giáp “thiên kỳ bách quái” mà trí tưởng tượng của con người có thể nghĩ ra được.
Chúng thay thế cho các mẫu xe thiết giáp, xe tăng trong dòng game Company of Heroes để đóng vai trò chủ lực, xương sống cho các cuộc tấn công và phòng thủ khốc liệt nhất.
Nhưng khác với các mẫu chiến xa đôi khi chỉ khác nhau về mặt ngoại hình, các mẫu Mech trong phiên bản Iron Harvest Demo là sở hữu độc nhất, với mỗi phe phái với thiết kế và vũ khí trang bị hoàn toàn khác biệt.
Các mẫu Mech này sẽ quyết định chiến thuật của người chơi với từng phe phái, thay vì phương thức “đè sồn sồn” hàng đống quân đội rồi “lấy thịt đè người” như rất nhiều game chiến thuật thời gian thực khác ra mắt từ trước đến nay.
Cũng chính sự khác biệt trong thiết kế Mech giữa các phe mà game thủ khi chơi Iron Harvest Demo cần phải có các ngón tay “thần sầu” để có thể bố trí chiến trận hợp lý.
CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Iron Harvest Demo chưa cho thấy phần chơi chiến dịch cũng như rất nhiều yếu tố mà nhà sản xuất đã… “hứa” từ trước như các “anh hùng chiến tranh”, thế nhưng phần trình diễn trên thực tế cũng vô cùng “đã”, nhất là với những ai hâm mộ “ruột” của dòng game Company of Heroes trước đây.
Mặc dù các đơn vị quân bộ binh có thiết kế “sàn sàn” như nhau, thậm chí còn có thể “cướp” vũ khí của nhau, thế nhưng sự khác biệt giữa các con Mech khổng lồ đem lại sự khác biệt to lớn trong lối chơi của mỗi phe.
Các trận chiến lớn nhỏ diễn ra gần như liên tục và trải đều khắp mọi địa điểm trên màn chơi, vẫn đảm bảo được cái “chất” mà rất nhiều người hâm mộ Company of Heroes thích thú, đó chính là độ khốc liệt của chiến tranh luôn luôn ở mức cao với hiệu ứng cháy nổ vô cùng mãn nhãn.
Mặc dù vậy, phiên bản Iron Harvest Demo cho thấy còn khá nhiều “sạn” với những lỗi mất vật thể, mất giao diện người dùng (UI), thậm chí là các đơn vị lính bị kẹt đường, hay “đực mặt” ra cho đối phương tác xạ… Có vẻ như nhà phát triển vẫn cần rất nhiều thời gian để “đánh bóng” trò chơi khỏi các lỗi khó chịu này.
Không sở hữu phần chơi chiến dịch, bản Iron Harvest Demo gần như để người chơi… tự mò mẫm các tính năng của trò chơi chứ không có bất kỳ hướng dẫn trực quan nào.
Game cũng sở hữu hai phần chơi thực tế là phần chơi đánh bản đồ Skirmish, với một bản đồ duy nhất và phần chơi Thách thức (Challenge), với một nhiệm vụ thủ căn cứ của phe Cộng Hòa Polonia mà thôi.
KHI NÀO RA MẮT?
Hiện tại, bản thử nghiệm của Iron Harvest Demo đã có mặt trên Steam, để bạn có thế trải ngiệm trò chơi trước ngày game ra mắt.
Theo đúng kế hoạch, trò chơi sẽ được phát hành vào ngày 02 tháng 09 năm nay do Deep Silver phân phối, với hai phiên bản Standard và Deluxe
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game