Journey – Bất kỳ ai trên đời rồi cũng sẽ có một hành trình cho riêng mình với nhiều lý do khác nhau, như tìm về cội nguồn, khám phá thế giới hay thử thách bản thân…
Dù với lý do nào đi nữa, họ cũng sẽ trải nghiệm được những điều mới mẻ trong cuộc sống, có thể thất bại, có thể thành công, nhưng tất cả đều là trải nghiệm khó quên.
Hãng phát triển thatgamecompany cũng có một hành trình đặc biệt như thế.
Được thành lập vào năm 2006 bởi Kellee Santiago và Jenova Chen – khi ấy cả hai chỉ vừa tốt nghiệp thạc sĩ, bằng những ý tưởng sáng tạo và lạ lùng, thatgamecompany đã ngay lập tức được “ông lớn” SCE để ý đến và ký hợp đồng phát hành độc quyền ba tựa game đầu tiên trên PlayStation Network.
Những tưởng đó là một bước đi mạo hiểm của SCE khi đặt niềm tin vào những người còn quá trẻ trong ngành công nghiệp game, nhưng trái lại, cả ba tựa game của thatgamecompany (gồm Flow, Flower, và Journey) đều thành công hơn mong đợi, nhờ vào cách chơi sáng tạo và phá vỡ mọi rào cản thông thường.
Đặc biệt nhất trong số đó chính là Journey, tựa game cuối cùng trong hợp đồng.
Kể từ khi ra mắt đến nay, Journey vẫn luôn nhận được đánh giá rất cao từ người chơi và giới chuyên môn, bởi cảm xúc mà nó mang lại là điều vô cùng kỳ diệu.
Có thể ví Journey chính là “hành trình” đáng nhớ cuối cùng mà thatgamecompany muốn dành tặng riêng cho người chơi PlayStation trước khi trở thành studio độc lập.
Với việc Journey vừa theo bước “đàn anh” để phát hành trên hệ máy PS4 với nhiều nâng cấp, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua những nét nổi bật của tựa game này.
BẠN SẼ THÍCH
Hành trình đầy cảm xúc!
Journey là một tựa game rất đặc biệt.
Nó kỳ lạ ở chỗ, bất kỳ ai chơi qua Journey đều cảm thấy đây là một tựa game giàu cảm xúc, mang đến những rung động khác nhau, và hơn hết đều có được một “hành trình” đáng nhớ.
Thế nhưng, thật khó tìm ra được những từ ngữ để có thể diễn tả chính xác được Journey tuyệt vời như thế nào.
Đến với Journey, nghĩa là người chơi sẽ trải qua một chuyến phiêu lưu với vô số câu hỏi, và câu trả lời, tất nhiên chỉ có thể đến từ chính bản thân.
Bạn sẽ vào vai một nhân vật vô danh, không tên tuổi, không xuất xứ, khoác trên mình một bộ áo kỳ lạ có khả năng bay nhờ vào tấm khăn quàng.
Khung cảnh đầu tiên mà người chơi đặt chân đến là một sa mạc rộng lớn, và nhiệm vụ của bạn rất rõ ràng, phải đến được đỉnh núi đang phát sáng ở phía chân trời.
Đến với Journey, nghĩa là người chơi sẽ trải qua một chuyến phiêu lưu với vô số câu hỏi, và câu trả lời, tất nhiên chỉ có thể đến từ chính bản thân
Đây là ai?
Nơi này là đâu?
Trên đỉnh núi kia có gì?
Hàng loạt câu hỏi ập đến với người chơi trong cuộc hành trình cứ như từng hạt cát li ti trong biển sa mạc.
Người chơi sẽ phải tự tìm câu trả lời cho chính mình, bởi, Journey không hề có bất kỳ câu thoại, cũng như lời giải thích nào, trừ các đoạn cắt cảnh khó hiểu.
Cũng như Flow hay Flower, Journey không theo chuẩn mực thông thường, dù có thể coi đây như là một tựa game phiêu lưu.
Game không hề có chỉ dẫn bạn cần phải đi đâu, vì thế mỗi bước chân mà người chơi đặt đến đều là một hành trình khám phá đầy thú vị.
Không đơn độc
Journey là một hành trình đơn độc, chính vì thế, khi người chơi tình cờ bắt gặp một nhân vật bỗng nhiên xuất hiện, đó sẽ là một cảm giác kỳ lạ đến khó tả đến từ phần chơi mạng, bởi không hề giống với bất kỳ tựa game nào khác.
Journey cho phép bất kỳ ai tham gia vào phần chơi của bạn (hoặc ngược lại), nhưng giới hạn tối đa chỉ 2 người trong một cảnh chơi.
Người bạn đồng hành này có thể xuất hiện ngẫu nhiên ở bất cứ đâu, và khi gặp gỡ được nhau, thì hành trình trong Journey sẽ mang đến một trải nghiệm khác hẳn.
Dù không bắt buộc phải đồng hành cùng nhau, thế nhưng đối với một tựa game giàu cảm xúc như Journey, việc có ai đó để chia sẻ cũng mang đến một cảm giác đặc biệt, nhất là trong những cảnh cuối cùng.
Tất nhiên, game cũng để bạn tự hình dung, do người chơi không thể nói chuyện với bạn đồng hành, cũng như không thể biết tên của họ là gì cho đến khi game kết thúc.
Journey cho phép bất kỳ ai tham gia vào phần chơi của bạn (hoặc ngược lại), nhưng giới hạn tối đa chỉ 2 người trong một cảnh chơi
Họa – âm xuất sắc!
Vốn đã được đánh giá rất cao từ khi được phát hành trên PS3, nay khi “đặt chân” lên PS4, chất lượng đồ họa của Journey lại càng trở nên “mượt mà” hơn với độ phân giải 1080p, cùng tốc độ khung hình 60fps.
Do là một tựa game lấy cái đẹp thị giác làm chủ đạo, nên mọi khung cảnh trong Journey đều mang đến những nét nghệ thuật thuộc vào hàng đỉnh cao, có thể sánh ngang với bất kỳ tựa game AAA nào khác.
Hầu như tất cả mọi nơi trong game, từ sa mạc hoang vu cho đến đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, đều tạo ra những sắc thái thơ mộng khác nhau.
Đó đều là những vẻ đẹp kỳ ảo khiến người chơi không bao giờ quên.
Ngoài ra, khung hình được tăng lên, còn làm cho một số trường đoạn – chẳng hạn như trượt cát dưới ánh hoàng hôn – trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.
Do là một tựa game lấy cái đẹp thị giác làm chủ đạo, nên mọi khung cảnh trong Journey đều mang đến những nét nghệ thuật thuộc vào hàng đỉnh cao
Tất nhiên, phần họa là cần thiết nhưng đủ để khiến Journey trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nếu như không có sự tồn tại của phần âm.
Tuy game không hề có một câu thoại nào, nhưng với những bản nhạc đầy mê hoặc lòng người của nhà soạn nhạc Austin Wintory, người chơi vẫn có thể cảm nhận đầy đủ không khí về từng khung cảnh huyền ảo trong Journey.
BẠN SẼ GHÉT
Quá ngắn…
Mang đến nhiều cảm xúc, và đó cũng chính là lý do Journey để lại nhiều tiếc nuối đối với người chơi khi game quá ngắn.
Thời gian hoàn thành game trung bình chỉ bằng độ dài của một bộ phim điện ảnh thông thường, nghĩa là từ 2 đến 3 tiếng.
Hơn nữa, với mục đích nghệ thuật hóa tựa game, Journey cũng không có những câu đố làm “đau đầu” người chơi.
Dù có hạn chế nhỏ như trên, nhưng trên thực tế, giá trị chơi của Journey vẫn rất cao, bởi mỗi lần chơi lại là bấy nhiêu lần bạn có được những cảm xúc khác nhau trong cuộc hành trình đáng nhớ này.
Mang đến nhiều cảm xúc, và đó cũng chính là lý do Journey để lại nhiều tiếc nuối đối với người chơi khi game quá ngắn