Layers of Fear – Làm ra một tựa game kinh dị có khả năng “ghi điểm” ngay từ giây phút người chơi hòa mình vào môi trường của game tựa như nấu được một bát phở “đúng bài” vậy.
Chỉ cần một trong những bước trên bị thiếu hụt hay thêm thắt quá nhiều sẽ khiến tựa game ấy trở nên nhàm chán trong mắt người chơi, mặc cho cái mác kinh dị nó đang có trên mình.
Layers Of Fear, một trong những tựa game kinh dị mở màn cho năm 2016 đến từ hãng Bloober Team – có lẽ đang “mắc kẹt” trong tình huống ấy.
Thế nhưng chớ vội đánh giá tựa game này chỉ qua vài dòng mở đầu, vì bây giờ Vietgame.asia sẽ cùng bạn đọc phân tích những gì game đang mong đợi người chơi khám phá.
BẠN SẼ THÍCH
Mỗi góc phòng chứa nhiều bí ẩn
Đúng với tên gọi của game, Layers Of Fear lần lượt dẫn dắt người chơi trải qua từng giai đoạn cuộc đời của một vị họa sĩ vô danh trong chính ngôi nhà của ông.
Mỗi bước chân qua từng căn phòng của ngôi nhà chứa đựng nhiều bí ẩn đen tối mà người chơi cần phải tìm hiểu, nhằm khám phá các khu vực khác.
Sau mỗi giai đoạn người chơi trải qua, một món đồ nhất định của giai đoạn đó sẽ xuất hiện nhằm giúp nhân vật chính hoàn thành nhiệm vụ duy nhất trong game: vẽ nên bức họa cuối cùng của mình bằng những vật dụng được ẩn giấu rải rác trong từng giai đoạn cuộc đời của ông.
Người chơi có thể tương tác với phần lớn các cánh cửa và tủ trong Layers Of Fear nhằm tìm kiếm các lá thư, mảnh báo hay đồ vật liên quan đến gia đình của vị họa sĩ.
Ngoài việc đơn thuần tìm chìa khóa để mở cửa và thu thập các vật dụng liên quan đến nhân vật chính, một số căn phòng mà người chơi đi qua đòi hỏi việc tương tác các vật dụng khác nhau hay thậm chí thay đổi hướng nhìn nhằm “mở khóa” đường đi tiếp theo: một chiếc máy phát nhạc thời xưa sẽ khiến môi trường xung quanh trở nên biến dạng dựa trên cách chơi nhạc; hay chỉ với căn phòng bị ngăn cách bằng cửa sổ mà người chơi có thể bước vào trong đấy một khi… xoay lưng lại…
Mỗi căn phòng như thế đòi hỏi người chơi cần phải quan sát kỹ nhằm tìm ra cách giải đố thích hợp, thế nhưng trong mỗi góc phòng tưởng chừng chưa đủ ma mị ấy còn ẩn chứa những bóng ma bí ẩn và búp bê chỉ chực chờ… dọa “mất hồn” người chơi ngay khi mất cảnh giác – một trong những công thức kinh điển trong phần lớn các tựa game kinh dị hiện nay.
những bóng ma bí ẩn và búp bê chỉ chực chờ… dọa “mất hồn” người chơi ngay khi mất cảnh giác
Một bức họa đẫm máu…
Một họa sĩ đầy tài năng cùng với người vợ có tài ca hát – một cặp đôi tưởng chừng hoàn hảo khiến ai cũng phải trầm trồ khi nhắc đến, thế nhưng đằng sau ánh hào quang ấy lại chứa đựng đầy bi kịch: đứa con gái được sinh ra phải chịu những trận mắng mỏ của ông bố nát rượu và đánh mất dần tài năng thi họa, trong khi người mẹ phải níu kéo gia đình trước nguy cơ mọi thứ sụp đổ.
Tệ hơn nữa, người họa sĩ nổi tiếng một thời giờ đây còn phải chống chọi với bệnh tật và mang trên mình dấu hiệu tâm thần, khiến các tác phẩm về sau của ông trở thành trò cười cho thiên hạ.
Người vợ thậm chí còn bị chính ông hắt hủi sau một vụ cháy nhà khiến khuôn mặt bà bị biến dạng.
Bi kịch chồng chéo lên bi kịch trong ngôi nhà tưởng chừng đầm ấm và yên bình này.
Giờ đây khi mọi thứ xung quanh đang sụp đổ, khát vọng cuối cùng của người họa sĩ lúc ấy là làm ra một tác phẩm để đời, thế nhưng tác phẩm này vẫn phải toát lên được nét lập dị lẫn nghệ thuật trong ấy – một bức họa dành cho người vợ của mình sau bao năm tháng phải chịu khổ cực vì ông, sẽ được làm ra bởi 6 vật dụng đặc biệt, và 6 vật này tượng trưng cho 6 giai đoạn mà người chơi sẽ phải trải qua để thu thập nhằm hoàn thành tác phẩm cuối cùng này.
Giờ đây khi mọi thứ xung quanh đang sụp đổ, khát vọng cuối cùng của người họa sĩ lúc ấy là làm ra một tác phẩm để đời cuối cùng
Thiết kế nội thất và phong cách của những năm thế kỉ 19 cùng với bầu không khí kinh dị đan xen khiến Layers Of Fear phần nào đó trông như một Amnesia mang tính nghệ thuật nhưng vẫn gây “rợn tóc gáy” người chơi.
Mảng đồ họa lẫn âm thanh trong game được đầu tư tương đối tốt dưới sự hỗ trợ của Unity Engine nhằm mang lại nét đồ họa “photorealistic” (trông chân thật như ngoài đời) nhất có thể – từ những góc phòng dưới ánh đèn mờ chiếu sáng những vết màu nước khô cho đến các bức họa được treo khắp căn nhà…
Sức mạnh đồ họa đến từ phiên bản Unity 5 mới nhất khiến tựa game trông như một thước phim kinh dị, mà trong đó người chơi sẽ phải tự tay “tua” phim nhằm xem đến giây phút cuối cùng.
BẠN SẼ GHÉT
Lối chơi thiếu chiều sâu và lặp lại
Như đã ví von, một bát phở không được nêm nếm và nấu đúng bài sẽ khiến bát phở ấy trở nên nhạt nhẽo, cũng như một tựa game không được đầu tư đồng đều về nhiều mặt.
Layers Of Fear đã mắc phải sai lầm này khi ngoài việc chỉ di chuyển, nhìn và tương tác với một số đồ vật nhất định trong game, người chơi không cần phải động não hay làm gì khác cho đến giây phút cuối cùng!
Các câu đố đòi hỏi người chơi phải tương tác với đồ vật hay di chuyển sang các điểm khác nhau trong căn nhà quá dễ đoán và chỉ giúp người chơi kích hoạt các hoạt cảnh nhằm sang vị trí khác trong màn, khiến game trông trở nên tuyến tính và gò bó một cách không cần thiết.
ngoài việc chỉ di chuyển, nhìn và tương tác với một số đồ vật nhất định trong game, người chơi không cần phải động não hay làm gì khác
Tệ hơn nữa, “bát phở” này còn bị nêm quá nhiều “bột ngọt” mang tên: jump-scare (hù người chơi bất chợt).
Với mật độ từ… 5 đến 10 phút một lần, việc áp dụng jump-scare quá nhiều khiến mỗi lần bước qua căn phòng mới trong game đầy chán nản vì không biết trước được game sẽ… hù người chơi kiểu gì tiếp theo: từ những bức tranh bất thình lình biến dạng, bóng ma xuất hiện sau lưng cho đến tiếng động bất thình lình phát ra phía sau lưng…
Layers Of Fear đã vô tình trở thành một tựa game “nhạt” về mảng kinh dị một cách đáng tiếc, dù vẫn mang trên mình bầu không khí u ám mà một tựa game kinh dị cần phải có.
Thậm chí chỉ cần trải qua một nửa game là người chơi đã có thể đoán trước… 90% cốt truyện mà không thật sự cần phải đi đến màn cuối cùng.
Lồng tiếng “thiếu muối” và lỗi đồ họa
Nếu mảng âm thanh trong Layers Of Fear được đầu tư tốt bao nhiêu thì mảng lồng tiếng trong game đi ngược lại bấy nhiêu, nhất là giọng của nhân vật chính xuyên suốt game gần như vô hồn và bộc lộ cảm xúc rất giả tạo, dù đang trong giai đoạn tuyệt vọng hay lo lắng của nhân vật.
Một số lỗi vặt trong mảng đồ họa như khử răng cưa còn kém và thậm chí tụt khung hình xảy ra không quá thường xuyên, nhưng cũng đủ để khiến quá trình trải nghiệm game trở nên khó chịu.
giọng của nhân vật chính xuyên suốt game gần như vô hồn và bộc lộ cảm xúc rất giả tạo, dù đang trong giai đoạn tuyệt vọng hay lo lắng