Skip to content

Live A Live – Đánh Giá Game

Live A Live

Live A Live – Hồi đầu năm 1990, Squaresoft (tiền thân của Square Enix) đang say sưa với những thành công liên tiếp của dòng Final Fantasy.

Cụ thể, Final Fantasy VI ra mắt đầu năm 1994 đã đạt được thành công vang dội trên cả quê nhà và thị trường quốc tế, trở thành tựa game bán chạy nhất tại Nhật Bản năm 1994.

Trên đà thắng lợi, Square liên tiếp thử nghiệm những mô-típ mới, và một trong số đó là Live A Live. Đáng tiếc thay, Live A Live chưa bao giờ đạt được thành công như kỳ vọng tại Nhật Bản, và hệ quả là game không được ra mắt ở thị trường quốc tế.

Gần 30 năm sau, hưởng ứng trào lưu remake, remastered, Live A Live bất ngờ tái xuất với một diện mạo vô cùng mới, sẵn sàng cho khán giả toàn cầu diện kiến một tựa game bị lãng quên. Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu liệu tựa game này có thành công không qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện đi trước thời đại

Thực ra, để nói chính xác thì Live A Live không có một mạch truyện liền mạch, mà lại có tới 7 mẩu chuyện rời rạc khác nhau kể về 7 nhân vật trải dài từ thời tiền sử tới tận... tương lai xa, và một mẩu chuyện sẽ được mở khoá sau khi hoàn thành 7 mẩu kia.

Mỗi mẩu chuyện kể về một nhân vật khác nhau, từ một cậu bé tiền sử thời còn chưa có ngôn ngữ cho tới nhập vai thành một con robot ở năm xa tít tắp nào đó (cần nhớ rằng tựa game gốc ra mắt vào đầu thập niên 90, do đó định nghĩa tương lai công nghệ của họ sẽ rất khác với tương lai công nghệ của chúng ta).

Dường như những mẩu chuyện này không có tí ăn nhập nào với nhau cả, nhưng mọi thứ sẽ dần được hé lộ qua mạch truyện đặc biệt.

Live A Live - Đánh Giá Game

Điểm đặc biệt ở đây là những mạch truyện này không hề giống nhau một chút nào, không chỉ về cốt truyện, mà còn về cơ chế, lối chơi, cách thức kể chuyện, và cả những yếu tố hoàn toàn không thể lường trước được.

Chẳng hạn, xuyên không tới thời tiền sử bạn sẽ phải “đoán” hướng đi tiếp theo rất nhiều vì mấy nhân vật thời tiền sử còn chẳng nói được câu nào, chỉ biết chỉ trỏ chỉ trỏ, còn ở thời hiện đại, thay vì đi khám phá Tokyo thì bạn sẽ lần lượt chiến đấu tay bo với các đối thủ theo một format không khác gì một tựa game đối kháng (dù sao thì nhân vật chính trong phần này được sáng tạo bởi Ryouji Minagawa, người sau này làm việc với tựa game Tekken).

Đi tới mỗi thời kỳ, người viết không chỉ đơn thuần “nhập vai” làm một nhân vật khác, mà cảm giác dường như đang hoà nhập với thời kỳ đó, con người ở thời kỳ đó, thế giới ở thời kỳ đó. Nhờ sự kết hợp hài hoà của khung cảnh xung quanh và sự nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu lịch sử của mỗi thời kỳ (tất nhiên là trừ các thời kỳ hiện đại), người chơi sẽ có cảm giác như thực sự được lên một cỗ máy thời gian để đi xuyên qua toàn bộ lịch sử của trái đất.

Live A Live - Đánh Giá Game

Cốt truyện của mỗi phần còn có nhiều diễn biến cực kỳ khó lường, tới mức đôi lúc người viết còn tự hỏi không biết họ có hút cái gì ở trụ sở Square để nghĩ ra những cú twist người thường không thể nào nghĩ ra được như vậy. Nhưng đó lại là một phần của trải nghiệm: bạn không thể biết được chuyện gì sẽ diễn ra, vô hình chung lại tạo ra một cảm giác hết sức cuốn hút, không thể ngừng chơi tiếp, để xem có điều gì bất ngờ.

Cùng với thời lượng không quá dài của mỗi chương, Live A Live cảm giác như một series dài tập kiểu như Death, Love & Robot, mỗi tập gói gọn cốt truyện trong chính nó, cực kỳ hấp dẫn và lôi cuốn, nhưng không hề bị kéo dãn hay trở nên nhàm.

Dẫu vậy, chúng thực chất lại không hề rời rạc. Để tránh spoil, người viết sẽ chỉ nói chung là tất cả mọi hành động, mọi kết thúc, đều có một sợi dây liên kết, tuy ẩn mà hiện. Không tới mức như Octopath Traveler, nhưng rồi mọi chuyện đều sẽ được sáng tỏ theo một cách mà bạn khó lường tới nhất.

Ngoài ra, những hành động của bạn xuyên suốt 7 thời kỳ cũng sẽ ảnh hưởng tới kết thúc, và đương nhiên có nhiều kết thúc cho người chơi tha hồ nghiên cứu (hé lộ nhỏ: bạn có thể đóng vai làm kẻ xấu rồi cho nổ hết sạch!).

Nói tóm lại, Live A Live có một mạch truyện không tuyến tính, nhưng chính nhờ bố cục như vậy, kèm với sự sáng tạo và chi tiết trong mỗi câu chuyện nhỏ, đã tạo nên một trải nghiệm cuốn hút, dồn dập, không có khoảng dừng. Nếu nhớ rằng tựa game này được ra mắt lần đầu vào thập niên 90, thì người viết có cảm giác tựa game… quá đi trước thời đại của nó.

Live A Live có một mạch truyện không tuyến tính, nhưng chính nhờ bố cục như vậy, kèm với sự sáng tạo và chi tiết trong mỗi câu chuyện nhỏ, đã tạo nên một trải nghiệm cuốn hút, dồn dập, không có khoảng dừng


Live A Live - Đánh Giá Game

Lối chơi: đơn giản mà đa dạng

Live A Live có một cơ chế chiến đấu tương đối đơn giản: khi chiến đấu người chơi vào một sàn đấu, và mỗi khi di chuyển trên sàn đấu này người chơi sẽ tăng một thanh na ná như ATB ở các game Final Fantasy.

Khi thanh ATB này đầy thì người chơi có thể sử dụng chiêu thức, và có chiêu dùng nhiều phần của thanh, có chiêu lại chỉ dùng có chút xíu.

Ngoài ra, không hề có một tài nguyên nào khác, bạn sẽ không cần phải lo về MP hay điểm kỹ năng, nên những trận chiến đấu nói thực ra là giống việc… giải đố hơn, khi người chơi cố gắng “điều” nhân vật của mình tới vị trí thích hợp, làm sao vừa nằm ngoài tầm với của địch, khiến địch tốn một lượt để di chuyển, mà vẫn có thể xài chiêu được.

Hầu như không có nhiều biến thể cho cơ chế chiến đấu cơ bản này, mà sự đa dạng lại chính là nằm trong sự đa dạng về nhân vật đã kể ở trên.

Live A Live - Đánh Giá Game

Tỉ như khi người viết chơi ở thời kỳ Hiện Tại (là những năm đầu 90), thì nhân vật chính thay vì tăng cấp học chiêu thì lại có kỹ năng… ăn cắp chiêu của người khác, bằng cách dính chiêu đó một lần. Trong đó có một kỹ năng của một địch thủ dùng Muay Thái (có lẽ, người viết không giỏi võ lắm), mà khi đánh trúng địch sẽ đẩy lùi địch ra xa một ô.

Việc học được chiêu này sẽ khiến cho trận chiến cuối cùng trở nên vô cùng dễ thở, khi tất cả những gì bạn cần làm là… đá liên tục cho quái trùm bị đẩy ra xa, và tốn một lượt để tiến lại gần nhân vật chính. Đó là một ví dụ về việc “giải đố” trong Live A Live.

Với sự đa dạng của các thời kỳ và các nhân vật, thì việc “giải đố” này cũng trở nên rất đa dạng và hấp dẫn, ít nhất là hấp dẫn hơn nhiều những tựa game đòi hỏi người chơi “cày sấp mặt” chỉ để học được một vài chiêu thức.

Ngoài chiến đấu thì mỗi nhân vật sẽ có một kỹ năng, một cơ chế riêng riêng. Pogo, cậu bé thời tiền sử, có khả năng “nhìn” thấy quái thú bằng cách… ngửi ngửi, và quái sẽ xuất hiện dưới hình dạng những đám bụi trôi lượn lờ. Sundown Kid, nhân vật chính trong mạch truyện thời kỳ miền viễn tây, thì lại có cơ chế đặt bẫy để bẫy băng đảng cướp trước khi chúng tới.

Một mạch truyện khác, thời Edo Nhật Bản, thì lại bắt người chơi nhập vai một chàng ninja thâm nhập vào một toà lâu đài của một lãnh chúa độc ác. Ở đây, trò chơi thậm chí còn… “đếm xác”, xem bạn đã giết bao nhiêu nhân vật phản diện (và điều này sẽ có hậu quả về sau tuỳ theo lượng “xác” bạn đã “xử lý”). Điều này thúc đẩy người chơi vận dụng kỹ năng lén lút của chàng ninja Oboromaru này, cố gắng giải những câu đố để có thể né tránh chiến đấu và không phải sát hại linh hồn nào cả.

Nói tóm lại, cơ chế chiến đấu và lối chơi của Live A Live thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng với sự đa dạng của dàn nhân vật và sự sáng tạo của người làm game, đã giúp cho người viết có những trải nghiệm mới mẻ, không bị nhàm chán xuyên suốt quá trình chơi game.

Với sự đa dạng của các thời kỳ và các nhân vật, thì việc “giải đố” cũng trở nên rất đa dạng và hấp dẫn.


Đồ họa và âm nhạc đều ổn

Có thể nói, việc sử dụng công nghệ HD-2D để làm lại những tựa game cũ là một nước đi hái ra tiền của Square Enix.

Với phong cách đồ hoạ này, Live A Live không chỉ nắm giữ được linh hồn của một tựa game thời đại game 16-bit, mà vẫn mang tới một hơi thở hiện đại, với những mặt nước lấp lánh, với mặt trời toả những tia nắng xuyên qua những tán cây cao vút, với những toà nhà lấp ló ánh đèn điện.

Đây không phải lần đầu Square Enix thử sức với phong cách này, trước đó ta có Octopath Traveler hay Triangle Strategy, và sắp tới chúng ta sẽ có Dragon Quest III bản làm lại, tuy nhiên Live A Live lại vô tình là tựa game để Square Enix phô trương khả năng làm game HD-2D, với những mẩu chuyện trải dài trên nhiều thời kỳ khác nhau.

Mỗi thời kỳ đều được chăm chút kĩ lưỡng, dù bạn có đang ở thời Trung Hoa Đế Quốc, hay thời kỳ đồ đá, hay tương lai viễn tưởng, thì bạn cũng sẽ bị hớp hồn bởi những cảnh quan được vẽ rất tinh xảo, đầy đủ phối cảnh, hiệu ứng, làm nền cho những ‘sprite’ nhân vật 16-bit của chúng ta, khiến người chơi chỉ muốn chụp màn hình thật nhiều.

Âm nhạc cũng là một điểm mạnh của Live A Live, bạn sẽ dễ dàng nhận ra phong cách soạn nhạc của Yoko Shimomura, nay đã được làm lại với chất lượng cao hơn. Mỗi thời kỳ đều có những bản nhạc – cả trong và ngoài chiến đấu – sao cho khớp với thời kỳ đó, và theo đánh giá chung của người viết, có rất ít bản nhạc nghe không vừa tai.

Live A Live không chỉ nắm giữ được linh hồn của một tựa game thời đại game 16-bit, mà vẫn mang tới một hơi thở hiện đại.


BẠN SẼ GHÉT

Hầu như ít thử thách

Tất nhiên, khái niệm “thử thách” trong JRPG hầu như chỉ do người dùng… tự tạo ra, đối với một tựa game JRPG thông thường không có kiểu quái đồng bộ theo level của người chơi thì bạn chỉ cần cày thật nhiều là có thể “ủi” như xe lu từ đầu game tới cuối game.

Nhưng với bố cục phân mảnh của Live A Live và mỗi câu chuyện chỉ được gói gọn trong thời gian tối đa là tầm 4h (có mạch truyện chỉ cần nửa tiếng là xong), thì Square Enix dường như đã hy sinh mất sự thử thách trong chiến đấu, để đạt được sự đa dạng về chiến thuật và lối chơi.

Xuyên suốt quá trình chơi, người viết gặp rất ít trở ngại trong chiến đấu, có lúc thì nhân vật chính quá bá đạo chẳng cần làm gì cũng đấm lủng quái trùm, có lúc thì bộ kỹ năng của nhân vật lại tạo ra một số lỗ hổng rất dễ khai thác trong chiến đấu, như ví dụ người viết đã kể ở trên.

Nếu bạn muốn một tựa game thử thách, hay bạn thích cày cuốc, thì Live A Live không hẳn là một lựa chọn tốt cho bạn.

Square Enix dường như đã hy sinh mất sự thử thách trong chiến đấu, để đạt được sự đa dạng về chiến thuật và lối chơi.

Lồng tiếng

Không phải là người viết chê lồng tiếng của tựa game tệ – thực ra chất lượng lồng tiếng của Live A Live là rất cao – tuy nhiên người viết cảm thấy việc lồng tiếng cần phải được đa dạng hoá thêm.

Cụ thể, game cho người dùng lựa chọn giữa tiếng Anh và tiếng Nhật. Cả hai đều không tệ, cho tới khi bạn nghe được anh chàng ninja xổ một tràng tiếng Anh, ông thầy võ thuật người Trung xổ một tràng tiếng Nhật, hay những tay súng miền viễn Tây nói chuyện bằng tiếng “quý bửu”, thực sự có một đôi chút tụt hứng cho người viết.

Giá như Square Enix chịu chơi hơn, thuê diễn viên lồng tiếng khớp với từng thời kỳ, từng quốc gia, thì đây sẽ là một tựa game tuyệt vời hơn.

Chất lượng lồng tiếng của Live A Live là rất cao – tuy nhiên người viết cảm thấy việc lồng tiếng cần phải được đa dạng hoá thêm.

Vàng 9.5

Với những mẩu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, một hệ thống chiến đấu và lối chơi tuy đơn giản mà đa dạng, khó lường, một nền đồ hoạ HD-2D đẹp mỹ miều, Live A Live là một bản làm lại hoàn hảo của một tựa game bị quên lãng, và không thể thiếu trong bộ sưu tập của những người đam mê JRPG "retro".

Thông tin

  • Live A Live
  • Nhà phát triển
    Square Enix
  • Nhà phát hành
    Square Enix
  • Thể loại
    JRPG
  • Ngày ra mắt
    27/07/2022
  • Nền tảng
    Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SQUARE ENIX. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.