Logo Final Fantasy – Như đã được giới thiệu ở bài viết “Top 5 game Final Fantasy tệ nhất”, dòng game huyền thoại Final Fantasy lấy sự thay đổi làm cốt lõi. Liên tục cải tiến, thử nghiệm những công thức mới, khám phá những khả năng mới… không có phiên bản nào là giống y chang phiên bản nào, thậm chí là cả những hậu bản trực tiếp.
Mỗi tựa game đều mang trong mình bản sắc riêng của nó, tràn ngập những ý tưởng mới: những địa danh kỳ lạ, những kiểu tóc không giống ai, những cái tên đọc líu cả lưỡi…. Do đó mà việc làm sao minh họa cho một tựa game Final Fantasy, vừa thể hiện được những bản chất tinh túy riêng lại vừa mang linh hồn của cả dòng game nghe chừng như một việc không tưởng….
Trừ khi bạn là Yoshitaka Amano, nhà thiết kế tài ba đã thổi hồn vào những logo của Final Fantasy.
Mỗi tựa game, ngoài dòng chữ Final Fantasy quen thuộc còn được vẽ thêm một bức họa chi tiết mô tả một phần quan trọng nào đó trong trò chơi, và được thiết kế chi tiết nhất để làm sao “tóm gọn” được màu sắc của bản Final Fantasy đó.
Thoạt nhìn thì chỉ có vẻ khá đẹp mắt, tuy nhiên có nhiều lúc sau khi bạn đã thưởng thức trò chơi thì bạn mới thực sự nhận ra được ý nghĩa tiềm tàng ẩn sau những logo này, và nhiều khi bạn cũng phải “động não” một chút mới có thể hiểu “thông suốt” ý nghĩa của chúng.
Sau đây Vietgame.asia sẽ giúp các bạn phần nào giải đáp các thắc mắc ẩn sau những logo này.
LƯU Ý: Việc giải thích ý nghĩa của chúng đôi khi sẽ phải đi kèm với tiết lộ thông tin cốt truyện. Độc giả cân nhắc trước khi đọc!
FINAL FANTASY I
Chắc hẳn đã có nhiều người biết về câu chuyện hồi sinh của Square với Final Fantasy I.
Năm 1987 Square bị đẩy xuống bờ vực phá sản và chỉ có làm ra một tựa game “hit” thì may ra họ mới có thể xoay chuyển tình hình.
Thật may là Final Fantasy I đã thành công và sản sinh ra hơn… 100 hậu bản, tạo nên một đế chế hùng mạnh.
Thực ra, logo Final Fantasy khi mới phát hành vốn rất chi là giản đơn.
Một dòng chữ Final Fantasy, nhấn mạnh bởi 2 chữ F cách điệu và chữ T phóng lớn, với hình đại diện là một thanh kiếm và một chiếc rìu cùng với quả cầu tiên cho thấy một tòa nhà có lẽ là Đền thờ Hỗn độn, nơi diễn ra những trận chiến cuối cùng của Final Fantasy I.
Sau này, khi Square Enix chuyển thể Final Fantasy I lên các nền tảng khác nhau, họ mới sử dụng logo đã được “quy chuẩn” với hàng chữ quen thuộc và hình vẽ nhân vật chính – anh hùng vô danh được gọi là Chiến binh Ánh sáng, với tông màu xanh lam nhạt thể hiện Chiến binh đang bước vào trận chiến cuối cùng (tông màu của nền gạch nơi trận chiến cuối cùng diễn ra là màu xanh lam).
Khá đơn giản, phải không nào?
FINAL FANTASY II
Logo ban đầu của Final Fantasy II được làm cách điệu đến… lóa cả mắt, y như cách Square “cải biến” hệ thống chiến đấu chẳng ai muốn đụng tới trong tựa game này.
Thực tế logo này được vẽ mô phỏng hình dáng của một con rồng, nếu bạn để ý kỹ bạn sẽ thấy vây rồng và mắt rồng ở chữ F trong Final.
Về sau, logo của Final Fantasy II được “chuẩn hóa” như bình thường: thay vì thể hiện vị anh hùng cứu thế giới, lần này Amano đã quyết định vẽ Hoàng Đế của vương quốc Bóng đêm Palamecia – nhân vật phản diện chính của Final Fantasy II – trong một tư thế khá “ngầu” cùng nụ cười khinh bỉ.
Nói chung cũng tương đối đơn giản, không có gì màu mè cả.
FINAL FANTASY III
Tương tự như Final Fantasy II, ban đầu logo của Final Fantasy III cũng được cách điệu theo kiểu dáng một con rồng (đây là thời kỳ mà Dragon Quest – Dấu ấn Rồng thiêng – đang vô cùng thịnh hành ở Nhật Bản, do đó có lẽ ít nhiều Final Fantasy muốn “ăn theo”).
Và cũng như bao bản “lạc loài” khác, logo cũng được chuẩn hóa khi “ra lò” trên các nền tảng khác.
Logo quay về thể hiện Chiến binh Ánh sáng Luneth với một tư thế múa kiếm nhìn qua thì rất ngầu nhưng ngẫm lại thì khá là… vô dụng.
Dù sao thì đi kèm với hai phiên bản tiền nhiệm, logo của Final Fantasy III cũng rất đơn giản, phản ánh chính xác sự đơn giản trong lối chơi, nhân vật, cốt truyện…
FINAL FANTASY IV
Không biết vì thiếu vốn hay nghĩ người dân phương Tây không thích chơi game nhập vai theo lượt, mà Square đã không “xuất xưởng” Final Fantasy II và III ở thị trường Tây phương.
Tới Final Fantasy IV thì họ lại quyết định “thử” ra mắt xem phản ứng game thủ ra sao, nhưng lại không muốn mất công “dịch” hai phiên bản kia.
Thế là cuối cùng Final Fantasy IV ra mắt ở Mỹ với cái tên… Final Fantasy II để tránh gây đứt mạch.
Phiên bản Nhật thì được làm “đúng quy trình”, với sự hiện diện của chàng kị sĩ Kain Highwind.
Kain không phải là nhân vật chính mà cũng chẳng phải là phản diện chính, nhưng những hành động của anh có thể nói là một mình xoay chuyển cục diện của cốt truyện.
Đấy là chưa kể đến 15 năm anh thầm lặng yêu nàng Rosa Farrell, để rồi nhìn Rosa theo đuổi… người bạn tâm giao Cecil Harvey của mình.
Quả thực, Kain xứng đáng có vị trí trên logo của một trong những tựa game Final Fantasy kinh điển.
Phiên bản Mỹ, tức Final Fantasy II thì không được như vậy: nó chỉ đơn giản là dòng chữ với hai chữ F được phóng đại, chữ T thay bằng một thanh kiếm cắm xuống.
Khi Square Enix ra lò phiên bản “làm lại” của Final Fantasy IV trên Nintendo DS, Kain đã bị thay thế bởi phản diện chính Golbez.
Golbez chính là kẻ đã “giật dây” cho những hành động phản trắc của Kain Highwind, sát hại vô số người vô tội chỉ vì tư thù cá nhân (mặc dù thực tế Golbez cũng là bị “giật dây”).
Không phải là những anh hùng, mà chính những hành động của Golbez mới là thứ ảnh hưởng chính tới cốt truyện của Final Fantasy IV.
Do đó, vị trí trên logo của Golbez có lẽ còn xứng đáng hơn cả Kain Highwind.
FINAL FANTASY V
Không có gì đáng nói nhiều với logo của Final Fantasy V, chỉ đơn giản là một con rồng bay với cái đuôi cuốn quanh chữ A.
Rồng bay là một loài sinh vật sắp tuyệt chủng trong Final Fantasy V. Nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng chủ yếu là do cỏ rồng, một loài thực vật đáng ra là thuốc chữa bách bệnh cho rồng nhưng bị đột biến thành một con quái vật giết chết bất cứ con rồng nào tới gần. Bấy giờ, mỗi vùng đất trên thế giới của Final Fantasy V chỉ còn một con rồng sót lại.
Loài rồng bay này đóng vai trò rất lớn trong mạch truyện của Final Fantasy V, là phương tiện giúp người chơi di chuyển nhanh chóng giữa các vùng đất và cũng tạo ra nhiều nút thắt quan trọng. Mạch truyện có nhiều nhân vật bị mắc kẹt ở những nơi hiểm trở, và không ai khác chính những chú rồng bay này đã giúp cho câu chuyện không kết thúc quá sớm.
FINAL FANTASY VI
Final Fantasy VI có thể nói là một trong số những tựa game Final Fantasy hay nhất, nếu không phải là tựa game Final Fantasy xuất sắc nhất.
Khi những trò chơi nhập vai khác thời bấy giờ vẫn còn trong lối mòn quen thuộc: tới thành phố, nhận nhiệm vụ từ người dân, vào hang ổ quái trùm, tiêu diệt quái trùm, rồi đi tới thành phố khác, cứ thế lặp lại, thì Final Fantasy VI đã thay đổi tất cả.
Bạn trộm quần áo của các tiểu thương để trà trộn.
Bạn bắt cá để cứu ông già sắp chết.
Bạn là nhân vật chính nhưng thua kẻ xấu và bị đánh tan tác.
Và chắc hẳn bất cứ ai chơi qua Final Fantasy VI đều sẽ nhớ đến cảnh nhà hát Opera khi nàng tướng quân Celes Chere cất lên giai điệu “Aria di Mezzo Caratterre”, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử dòng game này.
Final Fantasy VI bản ở Nhật và các bản “tái xuất xưởng” sau này mô tả nhân vật nữ chính Terra Branford đang cưỡi một cỗ máy chiến tranh Magitek Armor của phe Đế quốc Gestahlian.
Thực tế Terra là một á thần (half-esper) và lúc đó đang chịu sự khống chế của Đế quốc, nơi đang giam giữ rất nhiều thần để khai thác năng lực phép thuật của họ.
Terra sớm phá khỏi vòng khống chế của Đế quốc, thức tỉnh tiềm năng phép thuật của á thần và tiến tới giải quyết xung đột giữa Đế quốc và phe Kháng chiến, tuy rằng nàng sẽ phát hiện nhiều bí mật đen tối trên đường đi.
Hồi đó Square không phát hành Final Fantasy V ở phương Tây, do vậy để tránh đứt gãy mạch của dòng game khi ra mắt trên toàn cầu, trò chơi lại mang tựa… Final Fantasy III.
Logo bản gốc “ngầu” bao nhiêu thì nhìn logo bản phương Tây lại thấy “trẻ con” bấy nhiêu: vẫn là chữ Final Fantasy cách điệu với thanh kiếm thay cho chữ T và minh họa thêm bằng một con Moogle và bóng đen nhìn qua giống với phản diện chính của trò chơi – Kefka Palazzo.
Dù sao thì chất lượng rõ ràng là quá chênh lệch, thật may Final Fantasy VI là phiên bản cuối cùng được phát hành riêng rẽ như vậy
FINAL FANTASY VII
Final Fantasy VI có thể là phiên bản xuất sắc nhất, nhưng Final Fantasy VII mới là phiên bản nổi tiếng nhất của dòng game này. Là tựa game đầu tiên cán mốc 10 triệu bản bán ra, Final Fantasy VII đã gây được tiếng vang lớn nhờ nền đồ họa tiên tiến và cốt truyện xuất sắc.
Logo của Final Fantasy VII khá dễ hiểu.
Đó là hình vẽ của Meteor, phép thuật hắc ám được Sephiroth sử dụng nhằm phá hủy hành tinh Gaia.
Khi bị tổn thương, hành tinh sẽ tiết ra nguồn năng lượng Lifestream để cố gắng tự hồi phục, và Sephiroth dự định bắn phá Gaia để hấp thụ nguồn năng lượng này và trở thành đấng toàn năng.
Có thể nói Meteor chính là lý do cho hành động của mọi nhân vật trong game, vì Sephiroth đã điều khiển Cloud như một con rối nhằm mang cho hắn Materia Đen cần thiết để sử dụng Meteor, và chính Cloud đã ngăn cản và đánh bại Sephiroth, nhờ đó phép thuật phòng ngự tối thượng Holy có thể tới chặn đứng Meteor.
Thông tin thú vị là họa sĩ Yoshitaka Amano đã vẽ tới hơn… 50 bản logo khác nhau xoay quanh chủ đề Meteor, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó không ổn.
Cuối cùng thì ông đưa hết tất cả bản mẫu cho giám đốc điều hành bấy giờ là Yoshinori Kitase để giám đốc tùy ý chọn.
Bộ phim hoạt hình vi tính Final Fantasy VII Advent Children được Square Enix phát hành vào năm 2005.
Lấy bối cảnh hai năm sau sự kiện chính của Final Fantasy VII, Midgar đã bị phá hủy do hậu quả va chạm giữa Meteor và Holy, và những người sống sót phải dạt ra thành phố ngoại vi Edge.
Một chứng bệnh nan y vô phương cứu chữa tên là Geostigma xuất hiện, và Cloud lại một lần nữa đi tìm giải pháp…
Logo của Final Fantasy Advent Children thoạt nhìn thì khá giống với Meteor với nhiều chi tiết hơn, nhưng thực tế lại khác hẳn: đây là một bản vẽ chi tiết của thành phố Midgar, với bốn ô lục giác nổi bật phía trên là thành phố Edge, nơi diễn ra sự kiện trong phim.
BÀI MỚI NHẤT
- Assassin’s Creed Shadows đã cho phép đặt hàng trước! – Tin Game
- Corsair Nautilus 360 RS ARGB – Đánh Giá Gaming Gear
- Fanthful công bố hàng hóa được cấp phép chính thức của Astro Bot! – Tin Game
- South of Midnight ấn định ngày ra mắt! – Tin Game
- David Haddad, Chủ tịch Warner Bros. Interactive Entertainment, rời khỏi công ty! – Tin Game
- Final Fantasy VII Remake Phần 3 sẽ “không phải game độc quyền PS6” – Tin Game