Mad Max – Đối với những người đam mê điện ảnh, có lẽ thương hiệu “Mad Max” không phải là một cái tên quá xa lạ khi nó được dẫn dắt bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn George Miller trong vòng ba thập kỷ.
Đối với thế hệ công chúng thời nay, cái tên Mad Max mới chỉ thật sự “bùng nổ” khi Mad Max: Fury Road vực dậy thương hiệu này sau 30 năm “ngủ đông”.
Thế nhưng, đối với phần lớn giới game thủ thì có lẽ câu hỏi chung sẽ là: Mad Max là… cái vẹo gì vậy?
Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi vì tựa game Mad Max duy nhất từng xuất hiện lại là trò chơi hành động lấy góc nhìn từ trên xuống trên hệ máy NES ra mắt vào năm… 1990.
Còn những loạt game lấy nguồn cảm hứng từ chính Mad Max thì sao? Fallout, Wasteland hay Borderlands đều gặt hái rất nhiều thành công rồi.
Đó là lý do vì sao có rất nhiều hoài nghi được đặt ra xung quanh dự án tiếp theo của Avalanche Studios với cái tên “cộc lốc” – Mad Max, khi trò chơi chỉ là người “đến trễ”, và mặc dù ra mắt tận 3 tháng sau khi Mad Max: Fury Road được công chiếu cùng với lời xác nhận “không phải là game ăn theo phim”, thế nhưng Warner Bros lại tự làm khó mình khi phát hành tựa game cùng ngày với “bom tấn” Metal Gear Solid V: The Phantom Pain.
Với mọi sự chú ý đang đổ dồn về Big Boss và những người bạn, liệu Mad Max có thể toàn vẹn trên con đường tới Valhalla phủ ánh bạc kim, hay lại đón nhận những tràng trách móc “MEDIOCRE!!!!” từ những người hâm mộ?
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA LỬA VÀ CÁT
Lại là một ngày đẹp trời tại vùng đất chết, lại là tiếng rú ga inh ỏi cùng với cát bụi xóa mù quang cảnh sau lưng, và Max lại bị… chôm xe lần thứ hai trong năm nay.
Tạm biệt chiếc V8 Interceptor và đến với “cỗ máy” Magnum Opus dưới hình hài của một đống… sắt vụn, có thể nó không phải là một chiếc War Rig, nhưng hãy chuẩn bị và sẵn sàng với nó, bởi Magnum Opus cùng với gã thợ máy đồng hành Chumpbucket sẽ là hai nhân tố mà bạn sẽ không thể tách rời trong suốt 30 giờ đồng hồ tiếp theo tại sa mạc đầy hiểm nguy.
Chưa đến lúc Mad Max thể hiện bộ mặt hoàn hảo nhất của mình trong những pha hành động mãn nhãn trên những chiếc “xế hộp”, thì trò chơi đã cho thấy tiềm năng cực lớn trong cơ chế “phát triển” nhân vật (progression), mà “nhân vật” đó ở đây không chỉ là Max, mà còn là chiếc Magnum Opus.
Thoạt đầu, lối điều khiển của Magnum Opus không khác gì một chiếc… xe lu tự chế.
Nó chậm chạp (vì thiếu động cơ V6), nó “bo cua” quá đà (vì bánh xe bám đường kém), nó… tanh bành sau khi rơi tự do 2 mét (vì bộ giảm xóc là đồ bỏ đi), đơn giản là vì Magnum Opus chỉ là một cục… sắt vụn có gắn động cơ.
Thế nhưng chỉ sau một vài nâng cấp, từ nhỏ nhặt như khung xe, giáp trụ, lốp xe, cho đến động cơ và những món vũ khí như lao móc, pháo phun lửa, hỏa tiễn “cầm tay”… mỗi nâng cấp đều giúp cho Magnum Opus tiến gần hơn đến đích đến trở thành con “xế hộp” mạnh mẽ nhất tại vùng đất chết.
Với hơn 15 bộ phận, 50 nâng cấp khác nhau cùng với hệ thống “Archangel” mang đến vô số cung cách nâng cấp cho Magnum Opus, bạn sẽ cần phải tốn kha khá thời gian để chăm chút cho con “chiến mã” của mình và chắc chắn trò chơi sẽ đền đáp xứng đáng thành quả của bạn, thể hiện rõ nhất trong những pha hành động cháy nổ tưng bừng đậm đặc phong cách Mad Max.
Nhưng Mad Max không chỉ bao gồm một gã râu rậm với bản mặt cau có cùng với chiếc xe của hắn, mà thế giới “điên rồ” trong game chứa đựng hàng tá danh sách cần đánh dấu “tick” và bạn sẽ là người thực hiện những công việc trong các danh sách đó.
Vâng, Mad Max lại là một trong số những tựa game vận dụng phong cách thiết kế game thế giới mở “hiện đại”, nơi mà bản đồ của người chơi sẽ bị phủ kín bởi cả trăm biểu tượng xanh đỏ tím vàng – biểu thị cho những thứ mà người chơi có thể “động tay chân”.
Thế nên, nếu như bạn đã quá chán nản với công thức trên thì có lẽ Mad Max không phải là tựa game dành cho bạn, bởi trò chơi là tập hợp hằng hà sa số các “cliché” khác nhau của thể loại game hành động thế giới mở hiện nay, với rất ít cải tiến hay bất kỳ yếu tố mới mẻ nào.
Và đó cũng chính là điểm mạnh nhất của Mad Max: Trò chơi không cố gắng trở thành một “tuyệt phẩm” được treo trong tủ kính như Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, mà nó chỉ tập trung nâng tầm những thế mạnh sẵn có của chính mình mà thôi.
Bản đồ của Mad Max được chia ra thành 5 khu vực chủ đạo, với 4 phần được cai quản bởi 4 “thành trì” (Stronghold) từ phía đồng minh của Max và Chumpbucket, khu vực cuối cùng là Thị Trấn Xăng – Gas Town, cũng là “pháo đài” của Scabrous Scrotus, con trai thứ ba của Immortal Joe.
[su_quote]Mad Max không chỉ bao gồm một gã râu rậm với bản mặt cau có cùng với chiếc xe của hắn, mà thế giới “điên rồ” trong game chứa đựng hàng tá danh sách cần đánh dấu “tick” và bạn sẽ là người thực hiện những công việc trong các danh sách đó[/su_quote]Trong cuộc hành trình “rửa hận”, người chơi sẽ cần phải giúp đỡ những đồng minh đẩy lùi mối đe dọa từ Scrotus thông qua vô số các hoạt động khác nhau.
Kéo lùi chỉ số “nguy hiểm” sẽ giúp cho người chơi mở khóa các nâng cấp mới cho Magnum Opus, hoàn thành các mục tiêu Challenge khác nhau sẽ giúp nâng cấp danh hiệu Legend và mang đến các nâng cấp khác nhau cho riêng Max.
Và dĩ nhiên, để có thể giành được những nâng cấp này, bạn sẽ cần rất nhiều… phế liệu, cũng là đơn vị “tiền tệ” duy nhất (ngoại trừ điểm Attrition dành cho một số nâng cấp đặc biệt) trong Mad Max.
Thật vậy, để thu thập đủ số phế liệu mà mình cần, bạn sẽ phải “đốt cháy” những quãng đường mà mình bước chân qua, làm cho máu đổ sau lưng mình.
Từ việc phá hoại những trại lọc dầu, đánh sập đoàn xe hộ tống, săn lùng những tên đầu sỏ “Top Dog” tại các khu trại lớn, tham gia những cuộc đua Death Run không có bất kỳ luật lệ nào… cho đến những nhiệm vụ phụ Wasteland Mission sở hữu những kịch bản riêng “không đụng hàng”, rồi đến các hoạt động nhỏ lẻ hơn như gỡ mìn, hay triệt hạ những tay lính bắn tỉa và bù nhìn.
Đa số những hoạt động này tuy lặp lại khá nhiều, nhưng chúng góp phần mang đến một trải nghiệm dài hơi, không “lê thê”, đủ đặc sắc và cuốn hút.
Với một nền tảng được dựng sẵn theo một khuôn mẫu nhất định, điều cuối cùng mà Mad Max cần thực hiện tốt chính là lối chơi, hay cụ thể hơn là hai cơ chế chiến đấu chính trong game, và thật may mắn rằng trò chơi thực hiện rất tốt ở cả hai mặt này.
Đối với các trận đấu tay bo, chắc hẳn cái nhìn đầu tiên của đa số người sẽ là: “Lại nhái theo cơ chế chiến đấu của Batman Arkham!”.
Tuy nhiên, khác với phong cách đánh có phần hoa mỹ và “ảo tung chảo” của gã hiệp sỹ bóng đêm, cận chiến trong Mad Max có phần mạnh mẽ hơn, tàn bạo hơn và cũng “thô” hơn, bởi vì một lẽ đơn giản: Max và mọi đối thủ khác trong game không phải là các võ sư.
Sẽ không ai phán xét bạn nếu như một tên War Boy lao người tới còn bạn thì đang chuẩn bị rút khẩu… shotgun ra và tọng cho hắn một viên vào mồm, và cũng đừng ngạc nhiên khi đang vật người thì bị hai hay ba tên địch khác “bu hôi” khiến cho mình không thể chống đỡ được.
Chiến đấu trên xa lộ lại mang đến một thử thách thú vị không nhỏ, bởi kịch bản “1 cân 5 hoặc hơn” sẽ là điều mà người chơi cần phải chuẩn bị đón nhận trong toàn bộ thời gian chơi game.
Nhưng cho dù có bị áp đảo về số lượng đi chăng nữa, thì người chơi vẫn có đủ cơ hội để “tàn phá” đội quân của địch mà không bị một vết trầy, nếu có đủ khéo léo trong tài cầm lái của mình.
Tông thẳng bằng mũi xe hoặc vụt sang hai bên, phá tan một chiếc xe không giáp chỉ với một quả hỏa tiễn Thunderpoon, đốt cháy những kẻ xấu số mò đến hai bên của Magnum Opus, chiếc móc câu có thể kéo rời lốp xe, cửa xe hoặc thậm chí là tài xế trên xe địch…
Và đó là tất cả những gì mà Mad Max mang đến cho người chơi.
Sau khi hoàn thành phần cốt truyện chính trong 22 giờ đồng hồ, người viết thật sự giật mình khi nhận ra mình mới chỉ hoàn thành 35% lượng nội dung mà trò chơi mang lại, và người viết chắc chắn sẽ không từ bỏ sớm cuộc chơi đầy thú vị này.
KHÔNG ĐIỂM DỪNG…
Thế giới trong Mad Max cực kỳ rộng lớn, nhưng sự đa dạng đến mức khó tin trong quang cảnh sa mạc mà ban đầu tưởng như trông thật chán chường và tẻ nhạt sẽ là thứ gây ấn tượng mạnh nhất đến với người chơi.
Bạn sẽ không chu du giữa hàng trăm bãi cát trong suốt thời lượng của Mad Max, mà tất cả các khu vực và địa danh trong game đều đắp trên mình những “thuộc tính” riêng độc đáo.
Tông màu chuyển dần từ ánh vàng đậm nóng bức của cát bụi sang màu xám và nâu của đồi núi.
Những khu trại và thành trì kiên cố nằm rải rác tại từng khu vực, có nơi giấu mình trong xác một con tàu đồ sộ, có nơi nằm bên trong tàn tích một nhà máy điện nguyên tử, nơi khác thì lại được bao quanh bởi những khu lọc dầu, đầm lầy úa vàng của lưu huỳnh, hay những tồn dư còn sót lại của nền văn minh nhân loại trước kia.
[su_quote]Bạn sẽ không chu du giữa hàng trăm bãi cát trong suốt thời lượng của Mad Max, mà tất cả các khu vực và địa danh trong game đều đắp trên mình những “thuộc tính” riêng độc đáo[/su_quote]Với những gì mà vùng đất chết trong Mad Max đã thể hiện, thật khó để có thể tìm được bất kỳ vùng đất nào mang lại cảm giác kỳ vĩ và chân thực một cách giật mình như vậy.
Không phải Fallout, cũng không phải RAGE, chỉ có Mad Max mới đủ “tự tin” khoác lên mình cái bản chất bụi bặm, “điên rồ” và đầy mộng ảo như thế.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỊP ĐỘ KÉM, CỐT TRUYỆN THIẾU CÔ ĐỘNG
Câu chuyện của tất cả các bộ phim Mad Max chưa bao giờ được coi là “canon” một cách chính thống, thế nên tựa game cùng tên cũng không phải là ngoại lệ.
Mặc dù sở hữu một số liên hệ nhỏ tới Mad Max: Fury Road, song chúng không thể nào vớt vát lại cách truyền tải câu chuyện hời hợt kéo dài trong vòng… 75% thời lượng đầu tiên trong trò chơi, bởi vì đến mãi về sau khi đỉnh điểm được đẩy lên cao trào sau một bước ngoặt khá là… dễ đoán, thì cốt truyện của trò chơi lúc đó mới đáng để người chơi bận tâm.
Toàn bộ dàn nhân vật của Mad Max cũng là một vấn đề đáng nói.
Thế giới của Mad Max đầy rẫy sự “điên rồ”, nhưng Avalanche Studios có lẽ đã vận dụng khái niệm đó một cách hơi quá đà, khi những nhân vật “không điên thì cũng chả bình thường” trở thành dạng “khuôn mẫu” mà người chơi sẽ luôn luôn gặp phải đến mức chán ngán.
Ngoại trừ Max, đến cả Chumpbucket – nhân vật được xem là ít “điên” nhất cũng là một gã cuồng tín, ám ảnh về chiếc Magnum Opus và coi Max như một vị thánh (Saint) được gửi đến để thực hiện sứ mệnh cao cả đối với chiếc xe đó.
[su_quote]Cung cách xây dựng hình tượng nhân vật Hope trong 20 giờ đồng hồ của Mad Max kém rất xa so với Furiousa và 5 người vợ của Immortan Joe trong Mad Max: Fury Road[/su_quote]Còn những đồng minh tại các thành trì, bạn sẽ gặp họ đôi ba lần trong cốt truyện chính và các nhiệm vụ Wasteland Mission rồi… hết, họ chả đóng vai trò quan trọng nào trong cuộc hành trình của Max cả, kể cả một sự giúp đỡ “tí ti” trong trận đánh cuối cùng cũng không có.
Bên cạnh đó, vai trò của nữ chính trong game – Hope, có lẽ cũng chả cần nhắc đến nhiều.
Không phải vì Hope quá thiếu điểm nhấn, mà là vì đối với cá nhân người viết thì cung cách xây dựng hình tượng nhân vật Hope trong 20 giờ đồng hồ của Mad Max kém rất xa so với Furiousa và 5 người vợ của Immortan Joe trong Mad Max: Fury Road.
Không những chỉ là tuýp nhân vật “mỹ nhân chờ đợi anh hùng giải cứu” quá nhàm tai và ngán ngẩm, mỗi khoảnh khác Hope và Max trò chuyện trên màn hình mang lại cảm giác ngượng ngùng một cách kỳ quặc, thiếu vắng bất kỳ sự kết nối tự nhiên nào theo lẽ thường.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Avalanche Studios
- Phát hành: Warner Bros Interactive Entertainment
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 01/09/2015
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: 64 bit: Win 7 SP1, Win 8.1, Win 10
- CPU: Intel Core i7-3770, 3.4 GHz/AMD FX-8350, 4.0 GHz
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 760 (3 GB Memory)/AMD Radeon HD 7970 (3 GB Memory)
- HDD: 32 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
- RAM: 16 GB
- VGA: ASUS ROG RX 570 4GB
- SSD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI INGRAM MICRO GAMES – CHƠI TRÊN HỆ PC