Mafia III – Có một điểm tương đồng nổi bật giữa dòng game Mafia và bộ tiểu thuyết Godfather (Bố Già), đó chính là khả năng truyền tải trải nghiệm về thế giới ngầm của các gia đình tội phạm Ý một cách sống động và thuyết phục nhất.
Tuy không phải là dòng game thế giới mở xuất sắc nhất, bởi lẽ vẫn còn rất nhiều các khía cạnh của dạng game đó mà Mafia chưa khai thác hết được, thế nhưng loạt game này lại cực kỳ thành công trong việc phác họa hình ảnh về giới xã hội đen, đem lại trải nghiệm cốt lõi vô cùng ấn tượng, dễ dàng để lại dấu ấn cho bất kì ai một lần chơi thử.
Trở lại với phiên bản thứ ba sau một khoảng thời gian dài vắng mặt, những nhà làm game đã táo bạo rời bỏ thời kỳ và khung cảnh đặc trưng của dòng Mafia.
Liệu quyết định “mang lại một luồng gió mới” này có đem đến sự đột phá thành công cho dòng game hay không?
Vietgame.asia sẽ cho bạn câu trả lời dưới đây.
BẠN SẼ THÍCH
Bối cảnh sống động mới của dòng game Mafia
Thành phố New Bordeaux trong Mafia III được xây dựng dựa trên hình ảnh của New Orleans.
Không những lấy bối cảnh ở cái nôi của văn hóa da màu tại Mỹ mà Mafia III còn diễn ra ở một thời điểm cực kì thú vị: cuối thập niên 60 khi mà phong trào Hippie và cuộc cách mạng tình dục đang lan tỏa mạnh mẽ.
Bên cạnh đó còn là làn sóng phản đối chính trị, “dư chấn” của cuộc chiến bên kia bờ Đại Tây Dương.
Chính những yếu tố trên đã góp phần tạo nên một bối cảnh bất ổn của xã hội với tâm điểm là sự mâu thuẫn: mâu thuẫn trong chính trị, tư tưởng, tôn giáo và còn cả sắc tộc.
Chúng đã được nhà làm game khéo léo lồng ghép vào như là những “gia vị” giúp “đậm đà” sự phong phú của game.
Người chơi sẽ cảm nhận được chúng khắp nơi ở trong Mafia III, từ những phản ứng giữa các nhân vật, cách ăn mặc, âm nhạc và cả khung cảnh cũng khu phố thuộc các tầng lớp khác nhau.
Mafia III còn diễn ra ở một thời điểm cực kì thú vị: cuối thập niên 60 khi mà phong trào Hippie và cuộc cách mạng tình dục đang lan tỏa mạnh mẽ
Chưa dừng lại ở đó, sự mâu thuẫn còn chính là nút thắt rất quan trọng của các tình tiết trong Mafia III khi mà song song với các bước tiến trong văn hóa đó là sự suy tàn của thế giới ngầm.
Đứng trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội, thế hệ cũ của giới tội phạm đang đấu tranh kịch liệt và không từ mọi thủ đoạn để thích nghi.
Các cuộc thanh toán xảy ra khi sự bất đồng quan điểm leo thang và ở giữa tất cả các yếu tố trên chính là nhân vật Lincoln Clay.
Diễn xuất tuyệt vời và lối dẫn truyện độc đáo!
Mafia III là một trong số ít những game có những màn diễn xuất từ nhân vật tuyệt vời nhất trong những năm gần đây, có thể dễ dàng vượt mặt các đối thủ game AAA nặng ký khác như Grand Theft Auto V, Metal Gear Solid V và thậm chí là cả The Witcher 3.
Đóng góp cho sự thành công trong diễn xuất này phải nhắc tới vai trò của đạo diễn Haden Blackman.
Vốn là tác giả kịch bản và đạo diễn cho hàng loạt sản phẩm Star Wars của hãng game LucasArts.
Blackman đã không ngần ngại tập hợp một ê-kíp diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp từ Hollywood để mang lại sức sống cho các nhân vật trong Mafia III.
Đặc biệt hơn nữa là sự trở lại của Rick Pasqualone, người lồng tiếng cho nhân vật chính của Mafia II: Vito Scaletta.
Để có thể tạo lên sự thuyết phục của nhân vật và thể hiện sự tuyệt vời trong lồng tiếng, chính là khả năng mô phỏng đồ họa của bộ máy (engine) game.
Các cử chỉ nét mặt của nhân vật rất chi tiết và tự nhiên, cảm xúc được biểu hiện rất rõ và thuyết phục ở mọi cảnh quay khiến cho người chơi có thể cảm nhận được sự đặc trưng của từng nhân vật trong game, ví dụ như Lincoln Clay với tính tình nóng nảy nhưng ngay thẳng hay John Donovan lươn lẹo và ma mãnh.
Cuối cùng và ấn tượng nhất chính là các nhân vật trong Mafia III đều có giọng miền với các khẩu âm đặc trưng – một điều được coi là xa xỉ, kể cả với các game AAA và điển hình là Hitman.
Trong Mafia III, bạn có thể dễ dàng nhận ra đủ loại giọng điệu khác nhau đến từ mọi miền như Pháp, Ý (hiển nhiên rồi nhỉ), miền nam nước Mỹ, Mỹ Latin và cả Haiti.
Mafia III là một trong số ít những game có những màn diễn xuất từ nhân vật tuyệt vời nhất trong những năm gần đây, có thể dễ dàng vượt mặt các đối thủ game AAA nặng ký khác như Grand Theft Auto V, Metal Gear Solid V và thậm chí là cả The Witcher 3
Dù bị ảnh hưởng bởi phong cách dẫn truyện của phim tội phạm Mỹ, điển hình như Goodfellas, thế nhưng Mafia III vẫn tạo ra được lối đi riêng cho mình.
Mafia III đã rất thông minh khi xây dựng câu truyện trả thù của nhân vật Lincoln Clay dựa trên lời khai của đặc vụ CIA John Donovan trước hội đồng và phỏng vấn của các nhân vật phụ.
Cách thức truyền tải mạch truyện này tuy không hề mới trong làng giải trí điện ảnh, thế nhưng nhà làm game đã vận dụng nó một cách tài tình để truyền tải cốt truyện của game, phụ thuộc vào quyết định hành động của người chơi sẽ ảnh hưởng tới các tình tiết của lời khai cũng như cốt truyện.
BẠN SẼ GHÉT
“Mất chất” dòng game Mafia
Nhà phát triển Hangar 13 sau khi thay thế 2K Czech đảm nhiệm phát triển dòng game Mafia đã thay đổi và thậm chí lượt bỏ đi ba yếu tố chủ đạo tạo nên cái chất của dòng game Mafia nổi tiếng một thời.
Mafia vốn là dòng game với nội dung cốt lõi là tạo ra một trải nghiệm sống động và thuyết phục về lối sống của giới tội phạm ngầm ở Mỹ.
Với hai phiên bản trước đó thành công phác họa cuộc đời thăng trong danh hoa, tiền bạc và trầm trong bi kịch, chết chóc của hai tên côn đồ Tommy Angelo và Vito Scaletta, cùng với những cái kết đầy ý nghĩa và để lại dấu ấn trong lòng người chơi.
Yếu tố truyền thống đó hoàn toàn không hề có trong Mafia III, người chơi sẽ chẳng cảm nhận được gì ngoài sự trả thù quá đáng và vô nghĩa đối với Lincoln Clay.
Không hề có trải nghiệm thăng trầm, sợ hãi, bức xúc, gò bó, hối hận hay tiếc nuối.
Những cảm xúc chủ đạo mà bất kì các sản phẩm giải trí nào về giới tội phạm Mỹ luôn nhắm tới để truyền tải cho khán giả.
Tại sao sự trả thù của Lincoln Clay là vô nghĩa với người chơi?
Vì đơn giản là nhà làm game chưa thật sự xây dựng được mối liên kết giữa người chơi và các nhân vật mà Lincoln Clay yêu mến, động lực khiến hắn dốc toàn bộ công sức để trả thù cho cái chết của họ.
Những nhân vật phụ chủ chốt như cha nuôi của Lincoln, Sammy Robinson chỉ xuất hiện vỏn vẹn chưa đầy 15 phút trong các đoạn cắt cảnh.
Tuy với diễn xuất tuyệt vời thế nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để người chơi có thể cảm nhận được sự quan trọng của những mối quan hệ, dẫn tới các hành động trả thù cho Sammy tạo cho người chơi một cảm giác vô nghĩa, một điều mà đáng lẽ ra một tựa game Mafia phải làm đúng.
Không hề có trải nghiệm thăng trầm, sợ hãi, bức xúc, gò bó, hối hận hay tiếc nuối. Những cảm xúc chủ đạo mà bất kì các sản phẩm giải trí nào về giới tội phạm Mỹ luôn nhắm tới để truyền tải cho khán giả
Truyền tải động lực của sự trả thù vốn là điểm rất mạnh của dòng game Mafia.
Như trong Mafia II, khi mà cái chết của Henry Tomasino khiến cho người chơi phải sững sờ và lặng người khi Vito gửi lời “hỏi thăm” từ Salieri tới Tommy Angelo.
“Made man” vốn là tiếng lóng ám chỉ việc một người được gia nhập hội kín của giới tội phạm Ý – không hề có trong Mafia III và còn tệ hơn là ý nghĩa thứ hai của nó: “địa vị của một người đàn ông” – cũng bị lượt bỏ đi hoàn toàn bởi nhà sản xuất.
Những việc làm như mua quần áo, nhà cửa và tân trang xe tuy không gây ảnh hưởng nhiều tới lối chơi, thế nhưng chúng lại đóng vai trò rất quan trọng ở sau “hậu trường”.
Bên cạnh việc tạo lý do cho người chơi liên tục phải tìm cách kiếm tiền, chúng tăng trải nghiệm của người chơi và giúp bạn tạo cho mình môt dấu ấn riêng.
Bằng việc lượt bỏ hoàn toàn các khả năng này, nhà phát triển đã vô tình giảm chiều sâu của game và khiến hành động “cắm đầu” trả thù của Lincoln Clay tạo cảm giác bồng bột, nóng nảy và vô nghĩa. chả khác gì một con thú điên với những kỹ năng chết người với đầu óc biết tính toán.
Một cảm giác giả tạo và nhàm chán, vốn đã là dấu ấn của các sản phẩm như Watch Dogs hay Far Cry 4.
Điểm cuối cùng sẽ gây bức xúc không kém cho người hâm mộ dòng game Mafia, chính là hệ thống cảnh sát… ngu học “tuyệt vời” của Mafia III.
Còn đó ấn tượng khi lần đầu tiên nộp phạt 50 USD cho cảnh sát khi vượt quá tốc độ cho phép trong thành phố, những cơ chế tuyệt vời của cảnh sát trong các bản game Mafia trước đây hoàn toàn không tái xuất hiện, mà thay vào đó là hệ thống AI vớ vẩn, cứng nhắc đỉnh cao của cảnh sát trong Mafia III.
Bạn có thể tư do phóng tốc độ vượt mặt xe tuần, thoải mái va chạm và thậm chí là cướp xe của dân thường trước mặt cảnh sát nhưng chẳng phản ứng gì, thế nhưng chỉ cần quệt nhẹ xe là rút súng ra bắn trả ngay lập tức!
Cơ chế truy đuổi cũng được thiết kế rất kém thông minh và dễ dàng bị người chơi lợi dụng.
Chỉ cần người chơi chạy ra hơn khoảng 1 cây số khỏi vùng phạm tội là lập tức xe tuần sẽ được gọi về.
Thế nhưng nếu còn lảng vảng quanh đó thì cố gắng đợi tới… mùa quýt nhé!
Thiếu kinh nghiệm trong thiết kế nhiệm vụ phụ
Trung bình thì giữa các màn chơi chính được thiết kế kĩ lưỡng với đoạn cắt cảnh sống động, người chơi sẽ phải làm tới 10 nhiệm vụ phụ lặp lại hoàn toàn giống nhau và tổng số nhiệm vụ phụ lập lại cho tới thời điểm người viết làm bài này đã vượt quá 40.
Chưa bao giờ kể từ game Watch Dogs mà người viết bị “tra tấn” như thế này.
Hangar 13 đã đạt tới đỉnh cao của sự lười biếng trong thiết kế nhiệm vụ phụ và đây chính là lý do chính tạo ra điểm trừ lớn nhất của Mafia III.
Sự vụng về này đã vô tình chèn nén các điểm nhấn ấn tượng của chuỗi nhiệm vụ chính, đồng thời khiến cảm nhận “ngọn lửa” của sự trả thù của Lincoln vụt tắt, khi mà bạn bị bắt phải thực hiện lại liên tục những nhiệm vụ theo cùng một mô típ và cách thức.
Đã có rất nhiều cách mà nhà phát triển đã có thể tận dụng để sử dụng chuỗi nhiệm vụ phụ như một cơ hội để xây dựng chiều sâu cho thế giới của Mafia III, như những gì mà The Witcher 3 làm với mảng nhiệm vụ phụ của mình, hay Metal Gear Solid V sử dụng nhiệm vụ phụ để giúp Big Boss mở khóa những nâng cấp, tạo ra những cách thức chơi mới.
Thế nhưng hãng lại chọn sử dụng chúng để thúc đẩy diễn biến của game, điều mà người chơi bắt buộc phải làm đi, làm lại gần 10 lần giống nhau như đúc.
Hangar 13 đã đạt tới đỉnh cao của sự lười biếng trong thiết kế nhiệm vụ phụ và đây chính là lý do chính tạo ra điểm trừ lớn nhất của Mafia III