Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, “Marvel” có lẽ đã trở thành một trong những từ khóa “nóng” nhất trên mạng internet. Vốn là một dòng truyện tranh có lịch sử lâu đời nói về các siêu anh hùng cơ bắp đậm chất Mỹ, Marvel có một lượng người hâm mộ riêng tuy không hề ít, nhưng cũng chưa thực sự ở tầm mức phủ sóng toàn cầu như bây giờ.
Nguyên nhân do đâu?
Cũng không khó lắm để tìm hiểu ngoài lề một chút về cái gọi là MCU (Marvel Cinematic Universe – Vũ trụ điện ảnh Marvel), một phiên bản giải trí được biến tấu cho phù hợp hơn với thị hiếu của đông đảo khán giả từ mọi lứa tuổi.
Bắt đầu từ sự thành công của Iron Man (2008), hàng loạt chuỗi phim sau đó – từ phim riêng nói về từng anh hùng như Iron Man, Captain America, Spider-Man, Ant Man, Thor… cho đến siêu phẩm hội tụ mang tên Avengers – hầu như tất cả đều đại thắng và mang về cho Marvel (nay trực thuộc Disney) một số tiền khủng khiếp.
Tuy được điều chỉnh khá khác biệt so với nguyên tác (truyện tranh, hoạt hình), nhưng chính nhờ sự biến tấu này mà MCU có sức tiếp cận mạnh mẽ hơn đáng kể, dẫn đến thành công to lớn của ngày hôm nay.
Và dĩ nhiên, cũng như mọi sản phẩm điện ảnh ăn khách khác, Marvel cũng có rất nhiều tựa game “ăn theo” từ hàng nhái cho đến chính hãng – trong đó, phiên bản có tính gần giống nhất với MCU chính là dòng Marvel Ultimate Alliance, vốn ra mắt lần đầu hồi năm 2006.
Gặt hái khá nhiều thành công trên các hệ máy PlayStation 3, PC, Xbox 360 chính là điều kiện thôi thúc để Marvel Ultimate Alliance 2 (2009) tiếp tục ra mắt – thế nhưng rủi ro thay, là nó đã nhận khá nhiều “gạch đá” từ phía cộng đồng do lối chơi và góc nhìn bị thay đổi quá nhiều.
Vì vậy, tưởng chừng như một đế chế tham vọng mới để Marvel chiếm lĩnh thị trường game chính thống đã chấm dứt tại đó…
Tuy nhiên, chỉ là “những tưởng” mà thôi, khi mà hồi năm 2018 vừa rồi giới hâm mộ Marvel lại đột nhiên trở nên “nóng” lên bất thường khi biết tin phiên bản tiếp theo có tên Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order sẽ được ra mắt ĐỘC QUYỀN trên hệ máy Nintendo Switch vào ngày 19.07.2019.
Dù do Team Ninja và Koei Tecmo chịu trách nhiệm phát triển, nhưng với sự giám sát chặt chẽ của Nintendo, người ta tin rằng Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order sẽ là một siêu phẩm bom tấn đáng giá.
Thực tế liệu Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order có đáp ứng được sự kỳ vọng to lớn này không, khi mà giờ đây lượng người hâm mộ của Marvel toàn cầu đã tăng đột biến nhờ vào MCU?
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia cùng tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
SIÊU ANH HÙNG TỤ HỘI
Như chính cái tên của dòng game đã gợi ý, “Liên Minh Tối Thượng”, thì cũng không cần phải là một thiên tài lắm để đoán ra được Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order sẽ mang lại cho người chơi một danh sách dài ngoằng những tên tuổi lớn đã từng “làm mưa làm gió” trong các siêu phẩm điện ảnh thuộc MCU.
Thật vậy, một phần lớn trong danh sách anh hùng của Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order bao gồm toàn những cái tên đã quá quen thuộc với khán giả gần xa như: Captain America, Thor, Hulk, Black Widow, Hawkeye, Iron Man, Captain Marvel…
Điều thú vị nhất, đó là so với hai phiên bản tiền nhiệm vốn thiết kế nhân vật dựa trên các nguyên tác truyện tranh, thì tạo hình của các siêu anh hùng trong Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order lần này lại dựa trên thiết kế nhân vật của MCU.
Dễ dàng nhận thấy được chính là các màn “quay tay cùng búa” đậm chất Chris Hemsworth – người đóng vai Thor, hoặc các màn “múa lụa” bắn laser tá lả của Iron Man, vốn được thể hiện rất rõ ràng qua các bộ phim đã thống trị phòng chiếu từ 10 năm qua.
Với cơn sốt mang tên “đường thốt nốt” Thanos cùng 6 hòn đá Vô Cực vốn được thiết kế khéo léo để lộ diện qua từng phần phim lẻ, để rồi kết thúc cao trào qua hai phần cuối cùng của Avengers là Infinity War và Endgame, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order cũng khôn ngoan khi xây dựng bối cảnh và cốt truyện chính của mình xoay quanh chủ đề này.
Cốt truyện của Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order bắt đầu khi nhóm Vệ Binh Ngân Hà (Star-Lord, Rocket, Gamora, Groot và Drax) tình cờ khám phá ra một đại chiến hạm của người Kree ẩn giấu trong một khối thiên thạch.
Với tính cách tò mò (nhiều chuyện) cùng một ít máu phiêu lưu (hám tiền) cố hữu, hội này đã nhất trí “ghé thăm” vào đây, để rồi phát hiện ra một kế hoạch động trời nhằm chống lại Thanos của liên minh Ronan và Nebula.
Trong lúc tranh chấp, các tử đệ của Thanos thuộc bộ ngũ The Black Order bất ngờ xuất hiện, và Star-Lord với độ “óc” thần sầu của mình (như chúng ta đã từng được chứng kiến trên phim) đã giải quyết bằng cách đem cả bọn cùng 6 hòn đá Vô Cực xuống… Trái Đất, và tệ hại hơn nữa khi đích đến lại là The Raft, nhà tù đặc biệt đang giam giữ vô số những tên tội phạm có siêu năng lực nguy hiểm.
Tiền đề này khiến cho người chơi có cái cớ để đi thu thập lại 6 hòn đá Vô Cực vốn rơi tứ tán khắp nơi trên Trái Đất, và tránh bị The Black Order cướp đi. Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, vì nơi hạ lạc của những hòn bi đồ chơi nhiều màu này, vì cớ gì đó, lại toàn là trong tay những tên ác nhân số dzách của địa cầu mà cả công an quận cũng không dám đụng vào!
Do đó, bối cảnh của Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order sẽ trải dài qua rất nhiều địa danh nổi tiếng trong phim, từ tòa tháp Stark cho đến học viện Xavier, từ Wakanda ẩn mình cho đến Asgard rực rỡ.
Và dĩ nhiên, thiết kế này cũng không ngoài mục đích tạo điều kiện cho người chơi gặp gỡ thêm nhiều anh hùng khác để thu phục họ vào đội ngũ của mình, làm giàu thêm danh sách của “Liên Minh Tối Thượng”.
Những cái tên ít nổi tiếng hơn sẽ dần dần xuất hiện thêm về sau, chẳng hạn như Psylocke, Storm, Black Panther, Elsa Bloodstone, Ghost Rider, Spider-Gwen… và khi chơi tới nơi tới chốn, vượt qua các thử thách khó nhằn, thì thậm chí những nhân vật thiện-ác khó phân như Magneto hay Loki cũng đều nằm trong tầm với của người chơi.
HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU MÃN NHÃN, HẤP DẪN!
Nếu người ta hỏi nhau rằng ra rạp xem MCU vì cái gì, thì có lẽ không ai đủ “bệnh hoạn” để trả lời bằng những đáp án “ấm ớ” kiểu như vì giá trị nhân văn hay triết lý cuộc sống đâu nhỉ?
Vâng.
Câu trả lời chính xác luôn luôn là: cháy nổ, phá hoại, đánh đấm, và (dĩ nhiên) là hài nhũn não. Vì vậy, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order chọn cho mình lối chơi tương tự như phần đầu, đó là hành động thuần túy có pha nhẹ một chút yếu tố nhập vai – và đổ thêm vào một tấn hiệu ứng chiêu thức màu mè hoa lá hẹ!
Với hai kiểu ra đòn nặng – nhẹ với ưu nhược khác nhau, người chơi có thể thi triển hàng loạt combo đấm đá rất lực “đấm liên tục vào mồm không trượt phát nào” – và dĩ nhiên, chúng chỉ là tiền đề cho những biến hóa vi diệu hơn đằng sau nữa.
Chẳng ai yêu thích một siêu anh hùng chẳng biết làm gì ngoài thượng cẳng chân hạ cẳng tay cả – vì vậy, đánh thường chẳng qua để hồi năng lượng cho các đòn thế siêu cường rất lực sau đó mà thôi.
Thích cày nát đối thủ bằng những đòn búa tạ sấm sét rung màn hình? Thor luôn túc trực 24/7 để phục vụ “tận răng”.
Cảm thấy hứng thú hơn với công nghệ cao và đậm chất cơ khí? Công ty Stark đã có mặt tại Việt Nam!
Còn nếu cảm thấy những thứ đó đã quá thường, cần thêm một chút “lửa” để hâm nóng bầu không khí? Ghost Rider cùng màn đua xe nẹt pô luôn sẵn sàng thể hiện.
Mỗi anh hùng có 4 kỹ năng khác nhau sẽ được mở khóa khi lên cấp 5, 10, 15 và 20. Các kỹ năng này lại có thể được cường hóa bằng điểm kỹ năng khi lên cấp sau đó – chúng có thể là giảm năng lượng tiêu hao, tăng sát thương hay thêm hiệu ứng gì gì đó.
Chung quy lại thì hệ thống nâng cấp này khá vừa vặn, không quá phức tạp nhưng cũng đủ để người chơi cảm thấy sự khác biệt giữa nâng hoặc không.
Đặc biệt hơn, đó là giờ đây mỗi chiêu thức đều được gán cho một hoặc nhiều “thuộc tính”/ “hình thức thể hiện” – và chúng có thể tương tác với nhau theo nhiều cách không ngờ tới.
Chẳng hạn những chiêu lốc xoáy sẽ trở thành bão băng/lửa/điện khi tung ra cùng lúc với các đòn có thuộc tính nguyên tố, hoặc khi Captain America giơ khiên ra thủ mà Iron Man bắn laser thì tia laser sẽ tán xạ ra khắp nơi… Vì vậy Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order cho phép người chơi lựa chọn giữa việc sử dụng tuyệt chiêu đơn lẻ hoặc chỉ dùng các chiêu có tính phối hợp với nhau.
Với một tổ đội 4 người, trong đó các thành viên có thể do người chơi thay đổi để điều khiển ngay trong trận đấu, thì tính biến hóa (và màu mè) của những trận đánh trong Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order được nâng lên một tầm cao khác, mãn nhãn hơn, sướng tay hơn, và cũng loạn xà ngầu hơn.
Tuy vậy, nếu ai đó nghĩ rằng game siêu anh hùng là chơi không cần não, chỉ cần “spam” nút xả chiêu tá lả âm binh là được – thì nguyên lý đó có vẻ không đúng lắm với Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order.
Xuyên suốt quá trình chơi từ phần cốt truyện chính cho đến các thử thách phụ (Infinity Trial), người chơi sẽ liên tiếp gặp phải nhiều loại kẻ địch với tính chất đặc thù mà phải khôn khéo dùng nhiều cách khác nhau mới tiêu diệt được, chứ không phải chỉ “chầy cối” bằng sát thương là xong.
Chẳng hạn như bọn Sentinel cực khỏe, cực trâu, nhưng lại sợ chính cục “Core” trong người của đồng loại mình – hoặc như kẻ địch ở Dark Dimension lại cực kỳ nguy hiểm nếu không biết cách dùng hắc thạch để hút sát thương của chúng.
Về cơ bản, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order được thiết kế để ép người chơi phải thích nghi với nhiều tình huống khác nhau, cũng như phải trải nghiệm nhiều đội hình khác nhau để phù hợp theo từng thời điểm.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
TÍNH CÂN BẰNG KÉM
Lẽ dĩ nhiên khi chơi một tựa game mà trong đó có vài chục người tự xưng là “siêu anh hùng”, thì yếu tố cân bằng bỗng chốc sẽ trở nên khá là nực cười – chuyện đó ai cũng thể hiểu và thông cảm.
Thế nhưng, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order cũng mang cái sự mất cân bằng của mình vượt quá khỏi tầm vũ trụ, khi game bộc lộ ra khá nhiều sự phi lý trong thiết kế – tuy không nặng đến mức phá nát chính mình, nhưng cũng khiến trải nghiệm của người chơi trở nên kém phần trọn vẹn.
Trước nhất, về các anh hùng trong game có sự thiên lệch khá rõ ràng về giá trị sử dụng. Ví dụ về sau với sát thương đột biến của kẻ địch, việc người chơi mất máu nhiều trở nên khá bình thường, nhưng chỉ có hai thành viên là Scarlet Witch và Doctor Strange là có khả năng hồi máu.
Vấn đề ở đây là lượng máu hồi được cực kỳ ít ỏi, không đến 1/10 máu mất đi mỗi khi người chơi xui rủi ăn đòn – trong khi nó chiếm mất 1 ô chiêu thức khiến cho 2 nhân vật này bị hụt sát thương đáng kể khi so với mặt bằng chung.
Hoặc như Captain America được thiết kế để “tank” (cận chiến), nhưng cơ chế gốc của Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order lại là kẻ địch sẽ bu vào đánh nhân vật nào đang được người chơi điều khiển – thế nên trừ phi trực tiếp cầm Captain America để đưa mặt cho chúng đánh, còn thì chuyện tank trở nên khá vô nghĩa.
Kế đến, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order có một hệ thống nâng cấp chung sẽ ảnh hưởng đến chỉ số của toàn bộ anh hùng trong danh sách.
Danh sách này gồm nhiều chốt chặn nhỏ sẽ tiêu tốn một loại điểm (có được khi bất kỳ nhân vật nào lên cấp), khi tăng điểm dọc theo một hướng thì từ trung tâm sẽ mở khóa thêm 6 bảng điểm khác theo hình lục giác nữa, mỗi bảng sẽ xoay quanh theo một thiên hướng phụ thuộc vào chỉ số (ví dụ màu đỏ là tăng máu, màu tím tăng sức mạnh, màu cam tăng trí tuệ, màu xanh lá tăng phòng thủ, màu vàng tăng kháng phép, màu xanh dương tăng năng lượng).
Vấn đề ở đây là người chơi sẽ cần một số điểm khổng lồ mới tăng đầy một bảng (kỹ năng độc quyền trong bảng đó chỉ mở khóa khi đã tăng đủ hết các chốt chặn). Với việc các anh hùng càng lên cấp cao càng khó lên tiếp, việc mở khóa 3 bảng thôi đã được xem là một kỳ công tiêu tốn rất nhiều giờ cày cuốc!
Tiếp theo, như đã đề cập ở trên, hệ thống chiêu thức của các anh hùng trong Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order tuy không quá nông cạn, nhưng cũng chưa đủ độ sâu đến khiến nó trở nên ý nghĩa trên đường dài.
Ở cấp 20, các anh hùng sẽ mở khóa đủ 4 kỹ năng, và ở cấp 30 sẽ có đủ điểm để tăng hết các bổ trợ của một kỹ năng. Với mô thức chung là hầu như chỉ có từ 1 – 2 chiêu được dùng chính cho mỗi anh hùng, người chơi thường sẽ ưu tiên tăng bổ trợ cho chúng trước – đồng nghĩa với việc chỉ ở khoảng cấp 40 là sức mạnh của các nhân vật đã chững lại rồi.
Sau cấp 60 khi các kỹ năng đã đầy đủ bổ trợ, số điểm kỹ năng nhận được khi lên cấp sẽ trở thành vô nghĩa khi không còn biết dùng vào việc gì, mà cũng chẳng hề có tính năng chuyển hóa nó thành một đơn vị khác (điểm để tăng vào mạng lưới sức mạnh chẳng hạn).
Sau cùng, đó là dựa trên chủ đề đá Vô Cực, Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order cho người chơi nhặt được các loại đá đủ màu để đeo vào người, cường hóa chỉ số hoặc chiêu thức.
Với các cấp bậc đá từ E đến S+, người chơi có tùy chọn nâng cấp nhiều đá cùng màu cấp thấp lên cao, nhưng việc này tương đối khó khăn khi phải thỏa nhiều điều kiện lặt vặt như bột đá, đá nền… Vấn đề là, trừ khi chênh lệch cấp đáng kể (cấp D so với A), còn lại thì sự khác biệt của từng cấp không thật sự đáng chú ý, trong khi công sức nâng cấp rất cực khổ.
Chưa nói đến việc ở khoảng gần cuối game khi mở khóa ra các viên đá 7 màu với chỉ số cực khủng hoặc nhiều kỹ năng tích hợp, hầu như chẳng ai còn sử dụng các loại đá kia nữa, mặc dù chúng vẫn rơi lộp độp, gây rác kho (và người chơi cũng chẳng có tùy chọn nhặt hay không nữa).
THÔNG TIN
- Sản xuất: Team Ninja
- Phát hành: Nintendo
- Thể loại: Nhập vai – Hành động
- Ngày ra mắt: 19/7/2019
- Hệ máy: Switch
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- DirectX: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- SSD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ SWITCH