Skip to content

Mary Skelter 2 – Đánh Giá Game

Mary Skelter 2

Mary Skelter 2 – Trong hằng hà sa số các thể loại video-game trên đời, có lẽ game nhập vai (RPG) là dòng game chính thống có nhiều biến thể nhất. 

Chỉ riêng chuyện nó chia thành các trường phái “nhập vai kiểu Nhật” (J-RPG), “nhập vai phương Tây”, nhập vai chặt chém (ARPG), nhập vai theo lượt… là đủ thấy sự biến thiên rất rộng về mặt luật chơi, cũng như về đề tài.

Trong đó, nhập vai theo lượt (turn-based) là dạng cổ điển nhất, với đặc thù không chú trọng về tốc độ xử lý và phản xạ của người chơi – mà nó chủ yếu xoáy sâu về các luật chơi phức tạp chồng chéo, đậm tính tư duy chiến thuật.

Một trong những dạng nhập vai theo lượt khá lâu đời và cũng tương đối kén người chơi, chính là phong cách “mò hầm ngục” (Dungeon Crawler).

Dungeon Crawler (lần mò trong hầm ngục) – nghe tên đã biết, thường nó sẽ xoay quanh lối chơi khám phá các mê cung rộng lớn, xen kẽ vào đó là các sự kiện/chốt bẫy/kho báu, và dĩ nhiên không thể không kể đến những trận đánh theo lượt thường diễn ra một cách ngẫu nhiên. 

Một vài cái tên tiêu biểu không thể không nhắc đến của dòng game đặc biệt này là Shin Megami TenseiEtrian Odyssey.

Lần đầu ra mắt trên các hệ máy PS Vita và PC, Mary Skelter: Nightmares là một thử nghiệm mới đến từ Compile Heart với mong muốn kết hợp phong cách Dungeon Crawler cùng với một dạng chủ đề mới lạ: các nhân vật lấy ý tưởng từ truyện cổ tích (Snow White, Cinderella, Little Mermaid…) trong cách thiết kế đậm chất anime Nhật Bản. 

Thành công nhất định của nó đã tạo tiền đề để phiên bản tiếp theo có tên Mary Skelter 2, sẽ ra mắt trên các hệ máy Nintendo Switch và PS4 vào ngày 22-10-2019.

Vậy, liệu một phiên bản mới của một dạng game cũ, có thể dẫn đến một kết quả như thế nào? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

LỐI CHƠI CUỐN HÚT CÓ CHIỀU SÂU

Cốt truyện của Mary Skelter 2 tiếp nối theo phần đầu Mary Skelter: Nightmares, nói về cuộc chiến của các “thánh nữ” Blood Maiden nhằm giải phóng nhân loại khỏi sự cầm tù của The Jail – một vùng đất ma quái đầy hiểm nguy và bất trắc.

Mary Skelter 2 sẽ dẫn dắt người chơi vào hành trình của Otsuu – “chàng công chúa” quyền uy cùng “người tình định mệnh” Little Mermaid, trong công cuộc tìm kiếm những đồng minh Blood Maiden mới khi lực lượng chiến đấu cũ đã tổn thất quá nhiều qua những cuộc chiến trước đó.

Lối chơi chính của Mary Skelter 2 không thoát ly nhiều khỏi cái khuôn mặc định của phong cách game “mò hầm ngục” (Dungeon Crawler), khi phần lớn thời gian của người chơi sẽ dành để khám phá các mê cung 3D dưới góc nhìn của người thứ nhất.

Tuy vậy, việc khám phá và ghi chép lại bố cục của các mê cung không phức tạp và bắt buộc như dòng game Etrian Odyssey, mà nó chỉ dừng lại ở việc đủ khiến người chơi phải đi lòng vòng để tìm được đích đến sau cùng mà thôi – và điều này đối với nhiều người là một “sự cứu rỗi”.

Tại sao lại nói như vậy?

Bởi lẽ, vốn dĩ dạng game Dungeon Crawler rất kén người chơi vì tính chất “tìm đường” rất nặng của mình.

Những ai không có hứng thú/kiên nhẫn để hoàn thành 100% việc khám phá một bản đồ sẽ dễ cảm thấy chán và “đuối” trong công cuộc mò mẫm đường đi, và đan xen với việc quái vật trong đây lại xuất hiện theo kiểu chạm trán ngẫu nhiên, thành ra việc Mary Skelter 2 tinh giản khá nhiều về mặt quy mô và độ lắc léo của các mê cung là một tín hiệu tốt.

Về mặt chiến đấu, các trận đánh trong Mary Skelter 2 sẽ diễn ra theo lượt với các kẻ địch xuất hiện ở phương chính diện. 

Người chơi có các tùy chọn cơ bản của một tựa J-RPG như đánh thường, sử dụng kỹ năng/vật phẩm hoặc bỏ chạy. 

[su_quote]Mary Skelter 2 tinh giản khá nhiều về mặt quy mô và độ lắc léo của các mê cung là một tín hiệu tốt[/su_quote]

Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì Mary Skelter 2 sẽ chẳng khác gì hằng hà sa số các tựa game J-RPG khác trên thị trường cả. 

Vì thế, đương nhiên game cũng phải có những điểm nhấn nổi trội nhằm tạo ra sự khác biệt.

Về cơ bản, các Blood Maiden sở hữu một chế độ “hóa chaos” giúp họ tăng mạnh chỉ số và có thêm nhiều ưu thế vượt trội khi chiến đấu – gọi là Masscare Mode. 

Khi Overkill (gây sát thương nhiều hơn lượng máu còn lại của địch) hoặc dùng các nguyên tố khắc chế, thanh Masscare của mỗi nhân vật sẽ dần được tích lũy, và khi đầy thì có thể kích hoạt trạng thái Masscare Mode.

Trong trạng thái này, các Blood Maiden sẽ được tăng cường chỉ số, hồi máu khi đánh thường, và sẽ tạm “mở khóa” thêm các kỹ năng cực mạnh mà bình thường không thể sử dụng được.

Có thể nói, Masscare Mode là chìa khóa để giúp người chơi chiến thắng những trận đánh khó nhằn, là “át chủ bài” của mọi trận đấu  – NHƯNG – nó lại đi kèm theo một hệ lụy khá là nhức nhối. 

Mỗi Blood Maiden sẽ được cường hóa khi “tắm máu” bọn kẻ địch Marchen, thế nhưng chính thứ máu này cũng là một loại chất độc, khiến Blood Maiden dễ dàng bị “tha hóa”. 

Nói cho dễ hiểu, kích hoạt Masscare Mode sau khi các Blood Maiden bị ăn đòn quá nhiều, bị chết, bị dính trạng thái xấu… sẽ có tỉ lệ biến họ thành Blood Skelter, một dạng “cuồng nhân” cực kỳ nguy hiểm – cho cả kẻ địch lẫn… đồng đội. 

Bởi lẽ, Blood Skelter ngoài việc sở hữu chỉ số còn vượt trội hơn Masscare Mode, lại còn có tiết mục đánh “hên xui” bất kể địch ta.

Và với chỉ số vốn dĩ khá “mỏng manh” của các nàng Blood Maiden liễu yếu đào tơ, rất có thể một đòn đạn lạc này sẽ “dọn sạch” cả đội mà chẳng cần kẻ địch phải động đến một ngón tay. 

Tuy nhiên, đây cũng chính là một cơ chế khá thú vị khiến người chơi phải nhức đầu tính toán, nhằm duy trì trạng thái Masscare Mode sao cho hiệu quả nhưng không đến mức phải biến thành Blood Skelter.


HÌNH ÂM ẤN TƯỢNG

Nhằm tạo nên sự khác biệt so với các tựa game cùng phong cách Dungeon Crawler khác trên thị trường, Mary Skelter 2 ngoài việc sử dụng một cốt truyện – chủ đề khá là “đắc đíp”, thì nó còn tạo ra điểm nhấn trong việc xoay quanh 12 nhân vật Blood Maiden trong cốt truyện. 

Bằng cách kết hợp những mẫu thiết kế nhân vật rất độc đáo, nửa Tây nửa Nhật, cùng với cách đặc tên thú vị khi cho các Blood Maiden những cái tên khá quen thuộc trong văn hóa cổ tích thế giới như Little Mermaid (Nàng Tiên Cá), Red Riding Hood (Cô Bé Quàng Khăn Đỏ), Snow White (Bạch Tuyết)…

Vốn là một hãng game nổi danh với tiết mục “chiều người hâm mộ hết cỡ” (fan-service), thế nên chuyện Compile Heart sở hữu các họa sĩ tài hoa với khả năng thần sầu cũng không có gì quá lạ lùng nữa. 

Kết quả là Mary Skelter 2 sở hữu dàn nhân vật rất độc đáo và đẹp mắt, mỗi người một vẻ và chỗ hay ho là không hề “đụng hàng”. 

Dù sở thích của người chơi là… nho, cam, bưởi hay dưa hấu; thùy mị, tinh nghịch, sang chảnh hay “bánh bèo”, Mary Skelter 2 đều có thể đáp ứng được hết.

Tuy các nhân vật nữ của Mary Skelter 2 chỉ chủ yếu xuất hiện trong các đoạn hội thoại, thế nhưng độ diễn hoạt khá đa dạng về tình cảm, sắc thái, cùng nhiều chi tiết lặt vặt khác cũng có thể dễ dàng chinh phục bất cứ người chơi khó tính nào.

[su_quote]Mary Skelter 2 sở hữu dàn nhân vật rất độc đáo và đẹp mắt, mỗi người một vẻ và chỗ hay ho là không hề “đụng hàng”[/su_quote]

Các mê cung trong Mary Skelter 2 cũng là một điểm sáng đáng khen, khi cả ngoại hình lẫn thiết kế của mỗi mê cung đều mang sắc thái hết sức khác biệt. 

Chẳng hạn như với mê cung đầu tiên, người chơi như lạc vào thế giới cổ tích trong “Alice in Wonderland” với các họa tiết “cơ rô chuồn bích” và sắc “tím hường mộng mơ”. 

Hoặc mê cung thứ hai lại dẫn dắt người chơi vào một thế giới dưới nước vô cùng lộng lẫy mà chẳng hề kém sắc thái thần bí.

Hình đã tốt, nhưng phần âm trong Mary Skelter 2 cũng chẳng hề kém cạnh gì. 

Trước tiên phải nói đến khâu lồng tiếng cực kỳ “có tâm” và chất lượng – hầu hết các đoạn hội thoại chính trong game đều được lồng tiếng chỉn chu cho mọi nhân vật có tham gia với chất lượng rất cao. 

Điểm tuyệt vời nhất là Mary Skelter 2 hỗ trợ lồng tiếng đầy đủ ở cả hai thứ ngôn ngữ Anh và Nhật, càng khiến người chơi có nhiều cảm thụ khác nhau khi chơi ở thứ tiếng nào đi nữa.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
Mary Skelter 2
Untitled 01

VÀI BẤT CẬP “NHO NHỎ”

Song song với các ưu điểm nổi bật, Mary Skelter 2 vẫn còn tồn động một vài khuyết điểm nho nhỏ, tuy “miễn cưỡng” có thể chấp nhận được, nhưng chúng vẫn quá “lồ lộ” để mà có thể hoàn toàn bỏ qua. 

Đầu tiên phải nói đến ngay nhược điểm chí mạng của thể loại game “mò hầm ngục” (Dungeon Crawler) của mấy anh Nhật – chính là việc sắp qua năm 2020 đến nơi rồi mà vẫn còn sử dụng cơ chế chiến đấu ở góc nhìn chính diện.

Chỗ dở cố hữu của J-RPG theo lượt chính là nằm ở chỗ nhịp game quá chậm chạp, buồn ngủ – hiểu được điểm này nên nhiều hãng game đã “chữa bệnh” với các trận đánh nảy lửa với các góc quay camera đa chiều, phô diễn các tư thế và tuyệt kỹ “ngầu lòi” của cả hai phe. 

Việc vẫn sử dụng góc nhìn chính diện “cổ lổ sĩ” đã khiến cho giá trị quan (ít nhất là về mặt cảm thụ thị giác) của người chơi Mary Skelter 2 bị giảm sút đáng kể – đặc biệt là khi game đã dày công thiết kế dàn nhân vật quá đẹp và quá thú vị, nhưng lại… không có đất diễn!

[su_quote]độ khó khá là kinh dị, đôi lúc mang tính trừng phạt khá nặng nề của Mary Skelter 2[/su_quote]

Kế đến, là cơ chế quản lý nhân vật – trang bị – chỉ số – kỹ năng… của Mary Skelter 2 bị làm cho phức tạp hóa lên một cách không cần thiết. 

Thay vì tập trung vào việc quản lý theo chức nghiệp và cây kỹ năng truyền thống, Mary Skelter 2 lại chia nhỏ chúng ra thành nhiều thành phần phức tạp, đi kèm với một bài hướng dẫn gián đoạn vừa dài vừa không trực tiếp, người chơi rất khó nắm bắt hết trong cùng một lúc được.

Sau cùng phải nói đến độ khó khá là kinh dị, đôi lúc mang tính trừng phạt khá nặng nề của Mary Skelter 2

Ngay từ những giờ chơi đầu tiên, người chơi sẽ phải chạm những cái ngưỡng cấp độ ép họ phải quay về lại những bãi đầu game để… cày cấp. 

Chưa dừng lại ở đó, với Mary Skelter 2, ngoài cơ chế biến hình Blood Skelter khá “đau hông” đã đề cập ở trên, phiên bản này còn giới thiệu thêm một nhân vật “bên lề” là Jack – và oái oăm thay, anh chàng này cũng có cùng cơ chế “stress quá hóa khùng” của các Blood Skelter, thậm chí còn tệ hơn khi trạng thái hóa khùng này sẽ biến hắn thành Jack The Ripper, một con quỷ với khả năng “đấm phát chết luôn” cả… đội nhà!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Compile Heart
  • Phát hành: Idead Factory International
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 22/10/2019
  • Hệ máy: Switch, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI IDEA FACTORY INTERNATIONAL

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ SWITCH

Bạc 8.5

Mary Skelter 2 là một tựa game độc đáo, hấp dẫn cả về lối chơi lẫn đồ họa, rất xứng đáng với giá tiền 39.99 USD của mình (nếu tính cả việc game khuyến mại thêm phiên bản đầu Nightmares kèm theo thì lại là quá hời - NV).



Tuy không phải không có khuyết điểm, nhưng đại đa số trong đó chủ yếu thuộc về những đặc thù cốt lõi của phong cách “mò hầm ngục” (Dungeon Crawler) chứ không phải do Mary Skelter 2 kém cỏi – thế nên nếu đã yêu thích thể loại game này, hoặc đã “miễn nhiễm” với các bất cập cố hữu của J-RPG, thì Mary Skelter 2 chính là một cái tên phải có trong bộ sưu tập của các game thủ sừng sỏ “yêu cái đẹp”.