Skip to content

Mega Man 11 – Đánh Giá Game

Mega Man 11

Mega Man 11 – Ngày dự án Kickstarter cho Mighty No. 9 được công bố cũng là ngày những người yêu thích dòng game Mega Man đã hi vọng.

Họ đặt niềm tin vào Keiji Inafune, một “công thần” gạo cội của dòng game, tin vào Comcept, công ty mà Inafune thành lập sau khi rời Capcom, tin vào Kickstarter, nơi đã giúp Concept gây dựng gần 4 triệu USD cho Mighty No. 9, và trên tất cả, tin vào một sản phẩm “kế tục tinh thần” của dòng game Mega Man, thứ mà có lẽ lúc đó Capcom đã phần nào lãng quên.

Và lúc Mighty No. 9 ra mắt, rất nhiều người đã cảm thấy “vui”. “Vui” không phải vì Mighty No. 9 là một thành công mĩ mãn, mà “vui” vì… sự thất vọng dai dẳng kéo dài 3 năm ròng đã kết thúc.

Tựa game cũng đã trở thành một tượng đài, chỉ khác thay vì là biểu tượng của Mega Man thời đại mới, Mighty No. 9 là hiện thân của bài học: càng quá kì vọng thì càng dễ dẫn tới thất vọng. Thất bại lớn nhất của Mighty No. 9 có lẽ không nằm ở cơ chế, đồ họa hay thiết kế.

Đương nhiên cả ba mặt trên của game cũng chẳng có gì đặc sắc thật, nhưng thứ đã biến game trở thành trò hề chính là sự thất vọng tràn trề giữa những lời hứa “hươu vượn” từ Comcept và sản phẩm cuối cùng ra mắt người chơi.

Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Cũng nhờ thất bại ấy mà game thủ mới khắc cốt ghi tâm rằng: Chỉ có Capcom mới làm được game Mega Man.

Và rồi Mega Man 11 được công bố… Một cái tin đã tạo ra biết bao xáo trộn cảm xúc trong lòng người hâm mộ.

Một mặt, ai ai cũng cảm thấy tươi vui, phấn chấn. Đương nhiên rồi, một dòng game đã theo chân họ từ tuổi thơ sắp có hậu bản thì ai chả hứng khởi.

Tuy nhiên, đi liền với đó là sự lo lắng, bồn chồn. Thất bại của Mighty No.9, sản phẩm của một trong những “ông tổ” dòng Mega Man vẫn còn đó. Hơn thế nữa, tựa game liền trước Mega Man 10 đã ra mắt từ tận 2010.

Chưa kể, Mega Man 11 sẽ là tựa game đầu tiên sử dụng đồ họa 2.5D tân tiến, trong khi Mega Man 10 tuy ra mắt vào 2010 nhưng lại sử dụng đồ họa… 8-bit.

Quá nhiều thử thách, quá nhiều đổi mới và hoài nghi, liệu Mega Man 11 có đạt tới thành công như mong đợi, hay sẽ lần theo vết xe đổ của Mighty No. 9?

Hãy để bài đánh giá sau từ Vietgame.asia làm rõ điều đó nhé!

BẠN SẼ THÍCH

TRUNG THÀNH VỚI MEGA MAN

Miêu tả một cách đơn giản nhất về Mega Man 11: đây là sản phẩm cực kì “trung thành” với những tiền bối của nó. Y hệt những gì bạn đã làm khoảng… 10 lần trước: đi cảnh để đánh các tên trùm, sau đó hạ gục tiến sĩ Wily, và xong game.

Kết cấu phần đánh trùm có lẽ là quá quen thuộc với người yêu thích dòng game. Trong Mega Man 11 sẽ có tất cả 12 tên “đầu sỏ” chờ đợi bạn, với 8 trùm thường (Robot Masters) và 3 trùm thêm đặc biệt.

Hạ các tên trùm thường sẽ mang tới cho Mega Man những khả năng mới khác nhau, và mỗi tên trùm thường này sẽ “khắc” với một khả năng nào đó từ một tên trùm khác. Do vậy, có một thứ tự đánh trùm tối ưu mà nếu bạn tuân thủ sẽ khiến tựa game trở nên khá đơn giản.

Sau đó sẽ là các màn chơi đặc biệt với những tên trùm thêm. Đặc điểm của chúng là không có điểm yếu rõ rệt như 8 tên trùm thường kia, nhưng vẫn có 1,2 đòn đánh nào đó gây sát thương cho chúng nhiều hơn các đòn khác. Và với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, bạn sẽ chẳng phải tốn mấy công sức để Google ra điểm yếu của tất cả những tên trùm ấy.

Mặc dù các tên trùm được thiết kế khác biệt, nhưng nếu chơi ở cấp độ khó bình thường và biết được đòn đánh yếu điểm của chúng, bạn có thể nhắm mắt cũng hạ gục những tên trùm trong chưa tới một phút. Thành ra những trận đánh trùm đều khá dễ dàng, nếu không muốn nói là thiếu đặc sắc.

Chỉ có những trùm thêm mới mang tới những thử thách thực sự, bởi chúng ít bị ảnh hưởng từ các đòn đánh và cần sự khéo léo. Có lẽ khó ăn nhất là tên Yellow Devil MK-III. Tuy nhiên, do bạn luôn có thể tích trữ các bình máu và lực trước khi lâm trận nên gần như chẳng có tên trùm nào có thế làm khó bạn một khi đã chuẩn bị mọi thứ kĩ càng.

Y hệt những gì bạn đã làm khoảng… 10 lần trước: đi cảnh để đánh các tên trùm, sau đó hạ gục tiến sĩ Wily, và xong game

Tiếp đó là thiết kế các màn chơi. Đa số các màn chơi đều có những cơ chế đặc biệt gì đó gắn liền với khả năng của tên trùm ở cuối. Ví dụ như màn băng của Tundra Man có mặt đường đi khá trơn trượt, màn lửa trại của Torch Man có những bức tường lửa ngợp trời, màn bóng của Bounce Man có những bức tường bóng đàn hồi, màn nước của Acid Man có những kẻ thù với khả năng biến nước thành acid để tấn công bạn…

Khác với những tên trùm, các chiêu thức mà bạn cóp nhặt được thường sẽ không mấy cần thiết khi vượt qua những màn chơi. Một chút khéo léo và kĩ năng là quá đủ để bạn tự tin điều khiển Mega Man vượt qua hầu hết các thử thách.

Tuy nhiên, cũng có một số khu vực mà nếu sở hữu khả năng đặc biệt nào đó sẽ khiến bạn dễ thở hơn, chẳng hạn những tháp lửa ngợp trời chết chóc của Torch Man có thể bị kìm hãm bởi xoáy bang lạnh giá Tundra Storm, có được sau khi bạn đánh bại Tundra Man.

Ngoài ra, nếu bạn muốn tăng tính thử thách cho game thì nên chọn một độ khó cao hơn mức Bình thường để trải nghiệm nhé!

Tóm lại, Mega Man 11 cũng mang tới những màu sắc riêng, nhưng cái hồn, cái cơ chế chính thì vẫn là của dòng game Mega Man, của những gì bạn đã chơi 10 lần trước đó. Và quả thật, đối với những người yêu thích dòng game, vậy là đã đủ rồi.


ĐÔI NÉT ĐẶC SẮC

Mega Man 11 quả thực không có quá nhiều biến động so với những người anh em của nó, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là game thiếu hoàn toàn những điểm nhấn đặc trưng.

Điều đầu tiên phải kể tới là đồ họa. Như đã nói, đây là sản phẩm Mega Man đầu tiên được thổi hồn trên nền đồ họa 2.5D. Nó có phải là yếu tố gì đó giúp tạo nên một trải nghiệm nổi bật? Không.

Thậm chí mang tiếng là 2.5D nhưng tựa game còn chẳng có một khu vực nào tận dụng được chiều không gian 3D. Tất cả dường như chỉ là đi cảnh màn hình ngang thuần túy.

Thế nhưng ít ra Mega Man 11 cũng đã mang tới cho chúng ta một góc nhìn đồ họa mới về dòng game này.

Đổi mới đáng kể tiếp theo trong game là cơ chế Double Gear. Đúng như tên gọi, cơ chế này mang tới cho Mega Man hai luồng sức mạnh mới. Một sức mạnh có thể ngưng đọng thời gian và khiến cho vạn vật trừ chính bản thân Mega Man di chuyển thật chậm rãi, còn sức mạnh kia sẽ “cường hóa” cậu và thi triển các đòn tấn công mạnh hơn.

Đặc biệt, nếu Mega Man sắp hết sinh lực, bạn có thể thi triển cả hai cùng một lúc và biến cậu ta thành một “cỗ máy tử thần”… Có lẽ cơ chế Double Gear là điểm nhấn sáng giá nhất trong Mega Man 11.

Double Gear là một phát kiến độc đáo với hai chức năng tuyệt vời để hỗ trợ hai mặt quan trọng của game: đi cảnh và đánh trùm. Dừng thời gian có thế giúp bạn dễ dàng vượt qua những bức tường chông, những bờ vực sâu thẳm, hay tháp lửa ngợp trời. Còn cường hóa tấn công sẽ giúp bạn thi triển những đòn đánh “hoang tàn” hơn, hạ gục những tên trùm chỉ trong nháy mắt.

Cuối cùng, phòng thí nghiệm của Dr. Light sẽ cung cấp cho bạn mọi món đồ hay sự trợ giúp cần thiết như thêm máu, thêm lực, cứu nguy khi ngã vào chông hay rơi xuống vực… Nên nhớ rằng một khi bạn sử dụng hết mạng trong game thì sẽ bị đẩy về từ đầu màn chơi, chứ không phải từ điểm lưu gần nhất, và độ khó càng cao, bạn sẽ có càng ít điểm lưu.

Mega Man 11

Do vậy, nếu bạn gặp phải khó khăn nào đó trong game hoặc chuyển qua chơi mức độ khó hơn thì luôn cần sự chuẩn bị, và bạn có thể “mua” các sự trợ giúp đã nói bằng Screw (đơn vị tiền tệ chính của game).

Một chút lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân cho những ai muốn cày Screw: nơi cày tốt nhất có lẽ là màn chơi thứ 10, sau khi bạn đánh bại 8 con trùm và Yellow Devil MK-III. Ở ngay gần đầu màn chơi có một khi vực chứa rất nhiều tổ ong máy, và những con ong sẽ bay ra liên tục. Bạn chỉ cần ngồi đó rồi nhấn liên tục một kĩ năng gì đó để “thảm sát” bọn ong liên tục, và chúng sẽ rớt ra đủ thứ: Screw, hồi lực, hồi máu, mạng… nhìn chung là bạn sẽ chẳng bao giờ lo bị… thảm sát, và có thể tăng Screw cực kì dễ dàng.

Double Gear là một phát kiến độc đáo với hai chức năng tuyệt vời để hỗ trợ hai mặt quan trọng của game: đi cảnh và đánh trùm

BẠN SẼ GHÉT

Mega Man 11

THIẾU VẮNG SỰ MỚI MẺ

Quả thực, trước những kì vọng và áp lực từ người hâm mộ, một tựa game đủ tốt, một giải pháp an toàn đúng là lựa chọn hàng đầu. Và Capcom đã chọn con đường ấy khi xây dựng một tựa game với không quá nhiều đổi thay so với các tiền bản.

Thế nhưng chắc chắn rằng nếu cấu trúc và cách chơi của một game từ năm 1987 cũng na ná với một game ở 2018 thì tựa game ấy cũng hơi thiếu vắng sáng tạo đấy.

Nhìn sang người “anh em” Mega Man X, chỉ từ Mega Man X4 tới Mega Man X8 thôi cũng đã có đủ thứ khác biệt: đồ họa 2.5D và 3D đan xen, nhân vật mới, các bàn chơi chứa đầy bất ngờ, trùm thêm, thậm trí thêm sau cả trùm cuối… Những thay đổi đó bước đầu có thể khiến một số người chơi kì cựu thấy “lạ”, nhưng về lâu dài, nó cũng cho thấy tựa game đang phát triển theo những hướng đa dạng hơn.

Mega Man 11

Còn những gì Mega Man 11 đã làm chỉ đặt nửa bước chân khỏi cái vòng di sản mà “tiền bối” của nó đã dựng nên, nên game khó mà có thể chạm tay vào nhiều người chơi mới để mở thật rộng cộng đồng.

Dù sao cũng hi vọng Capcom đã “lỡ” mở rộng những di sản cũ như Mega ManOnimushaDevil May Cry… rồi thì cũng đừng quên Mega Man X.

15 năm chờ đợi cho Mega Man X9 là đủ lắm rồi.

nếu cấu trúc và cách chơi của một game từ năm 1987 cũng na ná với một game ở 2018 thì tựa game ấy cũng hơi thiếu vắng sáng tạo đấy

7.5

Nếu bạn đã có thể chơi tựa game này 10 lần thì chẳng có lý do gì mà không thế chơi nó lần thứ 11 cả.

Thông tin

  • Mega Man 11
  • Nhà phát triển
    CAPCOM
  • Nhà phát hành
    CAPCOM
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    03/10/2018
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7
  • CPU
    Intel Core i5-3470 3.20GHz
  • RAM
    4GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 650
  • Lưu trữ
    11GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • Lưu trữ
    Samsung 950 Pro 256GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên PC.