Heroes VI – Trong lịch sử của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, chưa có dòng game nào mà trắc trở và khó khăn như dòng Heroes of Might & Magic được tạo dựng bởi hãng 3DO, nhất là sau khi nó đã đi qua “đỉnh cao” của mình là phiên bản Heroes III ra mắt cách đây… hơn 14 năm!
Với tham vọng làm sống lại tượng đài một thời của làng game, Ubisoft đã mạnh dạn tung ra phiên bản thứ 6 với tên gọi Might and Magic: Heroes VI.
Một cách ám chỉ, trò chơi sẽ tìm lại chính mình bằng cách học hỏi những thành công trước đó, cũng như mang lại những cải tiến đáng nhớ để thu hút game thủ thế kỷ 21.
Might and Magic: Heroes VI đi theo một cốt truyện hoàn toàn khác so với các phiên bản Heroes of Might & Magic trước.
Trò chơi xoay quanh thế giới thần thoại Ashan với những câu chuyện muôn màu các sắc thái “hỷ nộ ái ố”. Nó có thể là những bản hùng ca, một âm mưu thâm độc hay đơn giản là câu chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật anh hùng trong game.
Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh bản chính Might and Magic: Heroes VI, Ubisoft đã ra mắt thêm hai nội dung tải về (DLC) gồm: Pirates of the Savage Sea Adventure Pack và Danse Macabre Adventure Pack; cùng một phiên bản mở rộng mang tên Shades of Darkness.
Hai bản DLC mở ra hai màn chơi chiến dịch nhỏ, còn bản Shades of Darkness đem đến hai màn chơi chiến dịch mới cho phe Dungeon (hay Dark Elf) và phe Necropolis (hay Undead).
Tất cả được “đặc cách” gói lại trong một bản game duy nhất để cho fan sưu tầm, mang tên Might and Magic Heroes VI: Complete Edition.
Liệu trò chơi có đáng giá hay không? Liệu những màn chơi trong Might and Magic: Heroes VI cùng các gói tải về, lẫn bản mở rộng của nó có cuốn hút được bạn?
Bài đánh giá sau của Vietgame.asia sẽ cùng bạn tìm hiểu phiên bản Might and Magic Heroes VI: Complete Edition.
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện thần thoại đậm chất sử thi
Sự kiện trong Might and Magic: Heroes VI diễn ra trước bản thứ năm khoảng… 400 năm. Câu chuyện bắt đầu khi Slava, bá tước vùng Griffin, bị ám sát bởi chính người con của mình, Anastasya.
Và khi máu đã đổ thì tất sẽ có xung đột. Cả vùng đất dậy sóng với vó ngựa chinh chiến nhằm tìm bằng được hung thủ thật sự đằng sau vụ mưu sát.
Bên cạnh câu truyện chính, hãng sản xuất lồng vào những mối hiểm nguy tiềm ẩn khác như cuộc xâm lăng của quân đoàn quỷ dữ, âm mưu thâm hiểm của đội quân bóng tối và tham vọng của binh đoàn xác sống (Undead) nhăm nhe chinh phục toàn cõi Ashan.
Với một cốt truyện có chi tiết được lồng ghép đa tầng, Might and Magic: Heroes VI thật sự ấn tượng trong cái nhìn đầu tiên. Đây cũng là một yếu tố làm cho trò chơi có một độ sâu nhất định, kích thích game thủ trong hành trình khám phá vùng đất Ashan bốn thế kỷ trước.
Một bài học lịch sử về thế giới thần thoại vô tiền khoáng hậu.
Với một cốt truyện có chi tiết được lồng ghép đa tầng, Might and Magic: Heroes VI thật sự ấn tượng trong cái nhìn đầu tiên
Lối chơi truyền thống với nhiều đổi mới
Với lối chơi không khác gì so với truyền thống trước kia, tức điều khiển quân theo lượt, chờ từng ngày để lấy khoáng sản, xây nhà; chờ từng tuần để tuyển mộ quân đội, Might and Magic: Heroes VI bước đầu đã hoàn thành bước “tìm về chính mình” mà bản thân đã đặt ra.
Game cho người chơi 5 chủng tộc/thành để lựa chọn gồm Con Người – Human (phe Haven), Xác Sống – Undead (Necropolis), Quỷ Dữ – Demon (phe Inferno), Chằn Tinh – Orc (phe Stronghold) và loài Mãng Xà – Naga (phe Sanctuary).
Bốn trong năm chủng tộc kể trên đều đã xuất hiện trong các phiên bản trước, duy chỉ có loài Naga, lấy hình tượng từ văn hóa Nhật Bản, là mới toanh trong phiên bản này.
Ngoài ra ở phiên bản mở rộng Shades of Darkness, người chơi còn được phép “vào vai” loài Dark Elf (phe Dungeon). Phe Dungeon với lối chơi đầy toan tính và đậm chất chiến thuật, là điểm nhấn mới lạ nhất trong bản Might and Magic: Heroes VI Complete Edition này.
Game xoáy trọng tâm nhiều hơn vào các vị anh hùng dẫn dắt quân đội. Họ giờ đây có sức mạnh hơn, có sức ảnh hưởng nhiều hơn, thay vì chỉ là “bình phong” đứng làm cảnh, thi triển phép thuật như trước kia.
Bên cạnh những yếu tố truyền thống, game cũng giữ lại và cải tiến những yếu tố đã từng làm nên thành công trước đó.
Có thể nói, hãng sản xuất đã chăm chút rất nhiều vào khía cạnh “ANH HÙNG” và thực hiện khá hoàn hảo!
Game xoáy trọng tâm nhiều hơn vào các vị anh hùng dẫn dắt quân đội. Họ giờ đây có sức mạnh hơn, có sức ảnh hưởng nhiều hơn, thay vì chỉ là “bình phong” đứng làm cảnh, thi triển phép thuật như trước kia.
Mỗi chủng tộc trong game cũng có những đặc tính và kỹ năng riêng biệt nhằm hỗ trợ cho lực lượng của mình. Ví dụ, tướng thành Necropolis sẽ có khả năng hồi sinh quân đội, hay tướng Haven thì ban phép, khiến cho mọi sát thương lên một đơn vị lính nào đó sẽ bằng “zero”, thành Dungeon thì giúp quân mình tàng hình, v.v.
Một trong những điểm sáng trong việc cải tiến cách chơi chính là hệ thống “Tears và Blood”. Bằng những hành động của mình, người chơi có thể lựa chọn cho vị tướng của mình đi theo hướng Tears (nặng về hỗ trợ, phòng thủ,…) hay Blood (thiên về tấn công).
Ở mỗi hướng, từng chủng tộc có những kỹ năng khác nhau, làm tăng thêm giá trị chơi lại cũng như tính chiến thuật của trò chơi.
Màn chơi nhiều thử thách
Một điểm đáng giá của Might and Magic: Heroes VI và các phiên bản mở rộng của nó là màn chơi chiến dịch được thiết kế chi tiết, nhiều ngóc ngách để game thủ khám phá.
Bên cạnh việc ẩn chứa nhiều bí ẩn, hãng sản xuất còn xếp vào từng màn chơi hàng trăm các thử thách để người chơi thỏa sức vận dụng kỹ năng quân sự, cũng như tài quản lý của mình.
Thử thách trong game có nhiều dạng. Phần lớn là những quái thú cản đường hay canh giữ một kho báu nào đó. Ít hơn nữa là những nhiệm vụ đòi hỏi người chơi phải thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó. Hoặc ly kỳ hơn là những trận đấu trùm gây cấn, với con số quân đội tham gia có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn đơn vị.
Cách sắp xếp màn chơi của Might and Magic: Heroes VI cũng đưa đến một thử thách nhất định cho người chơi. Bạn phải cân nhắc giữa việc thực hiện nhiệm vụ phụ, khám phá bản đồ để tìm những món trang bị mạnh mẽ; hay là tập trung quân đội nghiền nát kẻ thù.
Từng màn chơi của game là một cuộc đấu trí, đòi hỏi người chơi phải cân bằng giữa khám phá, phát triển và chiến đấu để đạt được thắng lợi cuối cùng. Và nói thật, điều này cực kỳ “khó nhai” trong Might and Magic: Heroes VI.
Từng màn chơi của game là một cuộc đấu trí, đòi hỏi người chơi phải cân bằng giữa khám phá, phát triển và chiến đấu để đạt được thắng lợi cuối cùng
BẠN SẼ GHÉT
Tinh giản lối chơi quá đà
Bảng kỹ năng được “cải lùi” theo hướng đơn giản hóa triệt để, kết hợp giữa hệ thống phép thuật lẫn kỹ năng hỗ trợ quân đội. Việc này khiến cho bất cứ vị anh hùng nào cũng có thể học được những loại phép hay kỹ năng mà mình thích chỉ với một cú kích chuột.
Bạn không còn phải dẫn tướng mình đi loanh quanh khắp bản đồ chỉ để tìm học phép hay kỹ năng ở các phiên bản trước. Vô hình trung, nó làm cho tướng nào cũng tương tự như tướng nào, chỉ khác chăng là họ là tướng của các chủng tộc khác nhau mà thôi.
Bên cạnh đó, còn có một số kỹ năng hoàn toàn vô dụng như Diplomacy hay Siege Master. Hai kỹ năng trên chẳng ảnh hưởng gì đến khả năng đối ngoại cũng như công thành của quân đội bạn cả.
Vậy thì chúng được để vào làm chi? Thật khó hiểu!
Ngoài ra, game loại bỏ hoàn toàn những pha cướp mỏ bất ngờ, quấy rối hậu phương địch bằng việc giới thiệu hệ thống Fort.
Giờ đây, ở mỗi vùng đất sẽ có một chốt canh. Bạn chỉ có thể chiếm được hết các mỏ khoáng sản trong vùng đất đó khi mà bạn đã chiếm được “tòa thành mini” này.
Tất nhiên, việc này hoàn toàn không dễ dàng. Người chơi phải dốc toàn lực của mình để… đánh chiếm Fort của đối phương, thay vì trước đó để dành lực lượng để tiêu diệt thành chính của địch thủ. Chất chiến thuật vĩ mô của Might and Magic: Heroes VI vì thế cũng “chết đi một ít”.
Không thể đưa tướng đi “đánh chui” mỏ khoáng sản, game cũng đưa ra một phương thức khác nhằm “xoa dịu” người chơi, đó là việc cho tướng học kỹ năng… phá mỏ! Trên lý thuyết, đây là một ý tưởng hay nhưng mà thực tế cho thấy, nó được thực hiện quá tồi, đầy tốn kém. Người chơi phải tốn đến những ba thứ: tốn tiền để tạo tướng, tốn điểm kỹ năng để học cách “phá mỏ”, rồi tốn thời gian dẫn tướng đi “phá”.
Trong khi đó, với bằng ấy thời gian bạn có thể điều tướng lĩnh, tập trung quân đội, luyện kinh nghiệm và đánh thẳng Fort của đối phương. Một việc lợi cả trăm đường! Vừa có tướng mạnh, vừa có khoáng sản dài hạn.
Đây là một trong những “cải lùi” không đáng hoan nghênh nhất của Might and Magic: Heroes VI.
Người chơi phải dốc toàn lực của mình để… đánh chiếm Fort của đối phương, thay vì trước đó để dành lực lượng để tiêu diệt thành chính của địch thủ
Bảng kỹ năng được “cải lùi” theo hướng đơn giản hóa triệt để, kết hợp giữa hệ thống phép thuật lẫn kỹ năng hỗ trợ quân đội
Game đầy lỗi!
Một trong những điểm khó có thể chấp nhận nhất của Might and Magic: Heroes VI và các phiên bản tiếp theo của nó là game vẫn đầy những lỗi.
Xuyên suốt trò chơi, game thủ sẽ gặp… “vài tá” những lỗi khó chịu như đơn vị quân không sử dụng được kỹ năng đặc biệt, sử dụng những kỹ năng mà bản thân chúng không có, mô hình nhân vật, địa hình hiển thị không đúng, v.v..
Nặng nề nhất là việc đôi khi game… đứng hình “bất tử” khiến cho người chơi phải “phát khóc” vì lỡ quên không sao lưu dữ liệu. Đó là trường hợp xui xẻo nhất, nếu may mắn, game sẽ cho bạn chơi tiếp tục sau khi để bạn ngồi chờ trước màn hình đen… vài chục phút!
Uplay (hệ thống chơi game của Ubisoft) cũng là thứ khiến cho tác giả “ức chế” hơn cả khi nó chẳng đóng góp gì cho trò chơi nhưng lại đòi hỏi nhiều thứ: thông tin người dùng, bảo mật, dữ liệu. Nó còn làm chậm quá trình khởi động/thoát game một cách đáng kể và hoàn toàn không cần thiết.
Một trong những điểm khó thể chấp nhận nhất của Might and Magic: Heroes VI và các phiên bản tiếp theo của nó là game vẫn đầy những lỗi
Nhiều thử thách khó một cách vô lý!
Dù rằng các màn chơi trong game có nhiều thử thách khiến cho chúng trở nên hấp dẫn và thú vị, chúng lại được sắp xếp một cách thiếu cân nhắc dẫn đến thiệt thòi không đáng có cho người chơi.
Đơn cử một ví dụ, khi bắt đầu màn chơi bạn có thể vừa nhâm nhi trà, vừa cầm chuột điều quân khiển tướng với những trận thắng giòn giã. Nhưng khi đến giữa màn hay gần cuối màn, bạn không có thời gian để mà cầm chuột nữa (nói gì đến uống trà) vì phải bắt tay vắt óc, nhấn nút lưu game (SAVE) liên tục ở mỗi kỳ đụng độ.
Độ khó của màn chơi được tăng lên một cách bất ngờ, khiến cho phần lớn người chơi khó mà trở tay kịp.
Ở phần mở rộng Shades of Darkness, độ chênh lệch giữa đầu màn và cuối màn còn khốc liệt hơn trước đó, khiến cho cả những game thủ gạo cội cũng phải ngao ngán
Cách duy nhất để bạn có thể sửa sai đó là… chơi lại từ đầu hoặc là vạch sẵn một đường lối chiến lược trước mỗi màn chơi. Đây là một việc gần như bất khả thi đối với phần lớn game thủ mới chơi phiên bản Might and Magic: Heroes VI lần đầu.
Độ khó của màn chơi được tăng lên một cách bất ngờ, khiến cho phần lớn người chơi khó mà trở tay kịp
Cách truyền tải cốt truyện thiếu sức sống
Game giới thiệu một cốt truyện khá ấn tượng, tuy nhiên cách thể hiện lại không tương xứng. Mờ nhạt, kém ấn tượng chính là cảm nhận mà người viết đọng lại sau khi hoàn thành phần chiến dịch của Might and Magic: Heroes VI, cũng như các bản DLC và mở rộng của game.
Tội đồ đầu tiên là các đoạn cắt cảnh (cut-scene) kém sức sống, sơ sài khiến cho người chơi chỉ muốn nhấn nút “BỎ QUA!”.
Kế đến là cách lồng ghép lời thoại quái gở (ngay giữa màn chơi với những ô chữ nhật nhạt nhẽo), lúc mà người chơi đang tập trung suy tính các nước đi tiếp theo của mình. Tất nhiên, ai mà có thời gian để mà đọc ngoài việc nhấn… “BỎ QUA!”.
Thứ ba, lồng tiếng nhân vật không lột tả được tâm trạng của chính nhân vật đó. Người chơi khó mà biết nhân vật đang buồn, hay đang khóc. Chỉ khi đọc lời thoại thì may ra mới hiểu được nhân vật đang bị cái gì, có gì xảy ra, v.v.. Tuy nhiên, lời thoại dài dòng văn tự, “cải lương” quá nhiều khiến cho người chơi lại bấm nút “BỎ QUA!” một lần nữa.
Với một cốt truyện thần thoại đậm chất sử thi như thế, đáng lẽ ra hãng sản xuất phải chăm chút tỉ mỉ việc thể hiện câu chuyện ra cho người chơi, làm động lực để họ thích thú, khám phá trò chơi. Nhưng không, vì một lý do nào đó (tài chính, nhân lực?), họ lại không làm như thế.
Phần nghe lại chẳng khá khẳm gì hơn. Các nhân vật trong game được lồng tiếng như trong tuồng… “cải lương”. Một nhân vật xấu xa, có khuôn mặt u ám, bặm trợn lại nói chuyện như một chàng hoàng tử, và ngược lại.
Hiệu ứng lồng tiếng cho các đơn vị lính cũng tương tự. Những chàng kỵ sĩ mạnh mẽ, những tên lính Dark Elf bí ẩn lại có tiếng hò reo xung trận… như đứa con nít hay tệ hơn, một cô gái ở tuổi dậy thì!
các đoạn cắt cảnh (cut-scene) kém sức sống, được thực hiện sơ sài khiến cho người chơi chỉ muốn nhấn nút “BỎ QUA”