[rs_section_heading style=”style6″ heading=”CALL OF DUTY: BLACK OPS 4 BETA”]Đến hẹn lại lên, trước khi từng phiên bản Call of Duty ra mắt vào cuối mỗi năm, những người hâm mộ lại được dịp tham gia đợt thử nghiệm dành cho phần chơi mạng vào mùa hè để có được cái nhìn “chân thực” nhất về những gì mà mình sẽ thưởng thức vào tháng 11 (với năm nay thì lại là tháng 10). Người lạc quan thì dựa vào nó để quyết định có nên mua game hay không, kẻ hoài nghi thì cho rằng nó chỉ là chiêu bài quảng bá thường thấy của Activision bởi “có phản hồi bấy nhiêu cũng chả làm game khá hơn đâu”.
Tuy nhiên, với Call of Duty: Black Ops 4 thì đợt thử nghiệm kỳ này lại có sức nặng hơn thông thường. Trở thành mũi nhọn chính của toàn bộ sản phẩm kỳ này khi mà phần chơi đơn bị loại bỏ, thế nên không phải ngẫu nhiên mà nó nhận được nhiều sự cách tân nhất, đủ để bước xa khỏi những khuôn mẫu thường thấy của Call of Duty. Được Treyarch gán cho danh xưng “trò chơi Call of Duty mang nặng tính thi đấu nhất trong toàn bộ dòng game”, liệu phiên bản thử nghiệm của Call of Duty: Black Ops 4 đã làm được gì để bộc lộ những tố chất mà nhà phát triển đã tận dụng vào nó?[su_heading style=”line-blue” size=”35″]XEM THÊM[/su_heading][timeline post=”150577, 149379″][rs_section_heading heading=”1″]Thay đổi đầu tiên và cũng dễ nhận ra nhất của Call of Duty: Black Ops 4 là bước đầu trong việc mở rộng khoảng cách kỹ năng của từng cá nhân: tăng thời gian hạ thủ kẻ địch (“Time to Kill” – TTK).
Làm thế nào để tăng TTK? Đơn giản thôi, đó là tăng… lượng máu cơ bản của từng người chơi. Không cần phải mất quá nhiều thời gian để con số 150 HP chứng tỏ độ hữu dụng của mình khi mà những trận đấu súng giờ đây không còn kết thúc trong tích tắc, tưởng thưởng cho bất kỳ ai sở hữu khả năng di chuyển đầy linh hoạt, quyết định trong chớp mắt và chiến đấu một cách thông minh: nhấn nút “hồi máu thần kỳ” trước hay nạp đạn trước? Tiếp tục tấn công hay ngừng chiến? Hành động hồi máu tưởng chừng như chỉ là một thay đổi cho có lệ, cuối cùng lại có khả năng xoay chuyển cục bộ của từng cuộc chạm trán.[rs_section_heading heading=”2″]Gia tăng TTK không đồng nghĩa với việc làm nó trở nên thiếu nhất quán. Quyết định khá tồi đầu tiên của Treyarch là nhét vào Call of Duty: Black Ops 4 một món trang bị Gear có khả năng chặn sát thương từ súng: áo giáp (body armor). Dẫu cho giáp không thể hồi lại sau khi đã “ăn” đủ đạn cũng như khả năng chặn sát thương được đo bằng tỷ lệ ngẫu nhiên, nó vẫn không có chỗ trong một trò chơi mà không có bất kỳ nhân tố nào được phép gây cản trở trực tiếp đến khả năng đấu súng. Có một lý do nhất định mà Juggernaut và Painkiller bị loại bỏ khỏi dòng game này kể từ sau hai phiên bản Modern Warfare đầu tiên.
Áo giáp là một món trang bị mang lại lợi thế cho người chơi nhưng không tương xứng với mức độ kỹ năng yêu cầu. Dẫu cho một số loại vũ khí có thể sử dụng đạn xuyên giáp AP Round, nhưng điều này chỉ dẫn vấn đề “lấy khí độc trị nấm độc” trầm trọng hơn. Nó có thể là một công cụ hay ho trong chế độ Zombies hay Blackout, nhưng với cách thức hoạt động của nó ở thời điểm hiện tại, thì có lẽ Treyarch nên loại bỏ áo giáp hoàn toàn khỏi phần chơi PvP đi thì hơn.[rs_section_heading heading=”3″]Từ trước đến giờ, người viết vẫn luôn hy vọng rằng Treyarch sẽ làm điều gì đó điên rồ và sáng tạo như cái cách mà Infinity Ward thực hiện với những khẩu súng góp mặt trong từng tựa game Call of Duty của họ – dẫu cho bạn có thích Call of Duty: Infinite Warfare hay không, thì thật khó để chối bỏ rằng khẩu súng trường tự động Type-2 với khả năng bẻ đôi thành hai khẩu SMG nhỏ nhắn là thứ “ngầu” nhất quả đất.
Việc Call of Duty: Black Ops 4 được chỉ định mang tính thi đấu đội cũng đồng nghĩa với hy vọng những khẩu súng “ảo lòi” tan biến, nhưng điều đó không có nghĩa quân trang của trò chơi này nghèo nàn hơn so với trước. Ngoài những khẩu SMG “tàn phá” ở tầm gần và Assault Rifle mạnh mẽ ở từng mặt như thường lệ, trò chơi “hào phóng” dành tặng một phân lớp Tactical Rifle riêng dành cho những khẩu súng trường bán tự động và bắn 3 hoặc 4 viên qua mỗi lần bóp cò, và chúng không hề tồi chút nào! Trong đó bao gồm ABR 233 là một khẩu súng có “da thịt” của AUG nhưng khai hỏa với độ chuẩn xác chẳng kém M16A4 huyền thoại trong Modern Warfare 2.
Nhân tiện lại nói về Modern Warfare 2, đây cũng là lần đầu tiên sau 9 năm mà Call of Duty quyết định “đạp” những khẩu shotgun xuống hàng ghế dự bị của vũ khí phụ, nhưng điều đó không có nghĩa chúng trở nên vô dụng. MOG12 là khẩu shotgun nạp từng viên (pump-action) duy nhất trong bản thử nghiệm này với độ tỏa đạn cực cao và khả năng hạ địch đáng tin cậy với hai phát bắn, với nhược điểm nằm ở chính băng đạn chỉ chứa được 4 viên và không có Extended Mag. Hy vọng rằng phiên bản chính thức sẽ mang lại nhiều “tình yêu” dành cho shotgun hơn – một khẩu súng bắn đạn slug tương tự KSG trong Black Ops 2 chẳng hạn?[rs_section_heading heading=”4″]Ở khía cạnh đáng quan ngại hơn, hiện tượng Quickscoping đã quay trở lại và… đồi bại gấp trăm lần trong Call of Duty: Black Ops 4. Súng tỉa “sát giới” ở cả tầm gần, trung và xa luôn là vấn đề nan giải trong các tựa game của Treyarch, điển hình với những khẩu súng như P-06 hay Locust sử dụng nòng ngắm ELO gần như tàn phá Black Ops 3 trên PC. Và thật đáng thất vọng khi mà nó vẫn tái diễn trong phiên bản thứ tư của dòng game này.
Có ba vấn đề chính với khẩu súng tỉa Koshka trong Call of Duty: Black Ops 4: thứ nhất, nó có thể được trang bị Quickdraw để tăng tốc độ ngắm; thứ hai, nó có thể được trang bị nòng ngắm Tritium hay đơn giản chỉ là nòng ELO đổi tên với tầm nhìn không bị cản trở; thứ ba, nó có một món Operator Mod tăng độ chính xác khi vừa bật nhắm. Tất cả những điều này khiến cho Koshka trở thành một khẩu… shotgun lợi hại hơn cả hai khẩu shotgun chính thống trong trò chơi. Nếu như Treyarch thực sự muốn đẩy mạnh khía cạnh thi đấu một cách nghiêm túc, thì có lẽ họ nên bắt đầu công cuộc cân bằng dàn vũ khí trong game – bắt đầu với Koshka ngay từ bây giờ.[rs_section_heading heading=”5″]Các Specialist đã được cải biên phù hợp cho lối chơi nặng tính chiến thuật đồng đội của Call of Duty: Black Ops 4. Người chơi có thể sử dụng cả vũ khí lẫn khả năng đặc biệt (thay vì chỉ được chọn một trong hai như trong Black Ops 3), lượng thời gian thu nạp khá lâu nhưng có thể được rút ngắn bằng trang bị Gear Equipment Charge.
Một số thay đổi lớn và cũng dễ nhận thấy nhất là những vũ khí đặc biệt của Specialist đã được giảm thiểu độ tàn phá cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ việc loại bỏ khả năng đu tường/nhảy cao. Súng phun lửa của Purifier yêu cầu người chơi giữ hồng tâm lên mục tiêu lâu hơn đôi chút, súng điện Tempest của Prophet không còn khả năng tự động “tích điện” lên kẻ thù xung quanh mục tiêu bị bắn trúng, Nomad vẫn giữ nguyên vai trò đặt bẫy nhưng vũ khí bị “hạ cấp” thành Mesh Mine – một loại mìn được kích hoạt bằng nhiều đầu nối với nhau qua laser.
Các gương mặt mới của Call of Duty: Black Ops 4 cũng được thiết kế để trám đầy phần còn lại của lối chơi tổ đội. Recon với khả năng “hack” xuyên tường và bắn phi tiêu tạo nên vòng tròn phá vỡ Fog of War trên bản đồ trong khoản thời gian ngắn. Crash cung cấp thêm đạn và hồi máu lên đến 200 HP cho cả đội. Ajax là nhân vật mở đường vững chắc khi được trang bị lựu đạn gây choáng 9-Bang và khiên chống đạn gắn SMG. Cuối cùng, Torque cực kỳ mạnh mẽ ở mặt phòng thủ với rào chắn tỏa nhiệt (tương tự Guardian) cùng dây kẽm gai chặn lối đi và giảm thiểu khả năng di chuyển của kẻ thù.[rs_section_heading heading=”6″]Có lẽ ai đó nên nhắc nhở Treyarch rằng “nếu nó không hư hỏng thì đừng cố sửa chữa nó”. Nỗ lực cách tân Call of Duty: Black Ops 4 trở nên quá đà với sự xuất hiện của một cơ chế mới: Fog of War. Nôm na là giờ đây, toàn bộ bản đồ được che phủ bằng một lớp màn xám xịt, được “soi sáng” bằng một khoảng không gian xung quanh người chơi (và đồng đội) và bất kỳ kẻ thù nào bước vào không gian này sẽ bị lộ mặt trên bản đồ. Mục tiêu của cơ chế này là mô phỏng góc nhìn của người chơi trên bản đồ, thế nhưng nó lại có hai vấn đề: thứ nhất, nó bao bọc cả phía sau lưng của người chơi, giờ đây tất cả mọi người nghiễm nhiên sở hữu một công cụ anti-bắn lén rất ư là… không công bằng; thứ hai, nó hiện rõ vị trí kẻ địch phát ra âm thanh – kể cả khi ở phía sau bức tường.
Fog of War là một ý tưởng hay ho, nhưng nó không nên mô phỏng “mắt sau gáy” của người chơi như trong tình trạng hiện tại. Cách thức hoạt động của cơ chế này cũng gián tiếp vô hiệu hóa Dead Silence, Ghost, nòng giảm thanh, gỡ bom lén trong Search and Destroy, và toàn bộ những người chơi theo phong cách Sam Fisher. Hy vọng Treyarch sẽ giới hạn phạm vi của Fog of War và tinh chỉnh tối đa tác động của cơ chế này trong phiên bản hiện tại.[rs_section_heading heading=”7″]Call of Duty: Black Ops 4 giới thiệu một chế độ mới toanh lấy cảm hứng từ Escalation trong Gears of War 4: Control là thể thức chơi dạng tấn công – phòng thủ với hai cứ điểm rộng mà cả hai phe có thể áp sát trong cùng thời điểm, số lần mà các thành viên của hai phe được hồi sinh bị giới hạn, đồng hồ đếm ngược sẽ dừng khi cứ điểm đang bị tranh giành, và phe tấn công sẽ được thưởng thêm thời gian nếu chiến thành công điểm thứ nhất. Điểm đặc sắc nhất của Control không phải là sự mới mẻ đơn thuần, mà chủ yếu bởi gần như toàn bộ màn chơi và các kỹ năng của Specialist được thiết kế dựa theo chế độ này.
Các cứ điểm là những vùng chiến đa dạng với đủ cơ hội cho từng cá nhân “bung lụa” khả năng của bản thân và cả nhân vật của mình. Mô-típ công thủ quen thuộc này hẳn không còn xa lạ với các “thần dân” của Rainbow Six: Siege và giờ đây chúng được vận dụng khá tốt trong Call of Duty: Black Ops 4, ví dụ như Battery với trang bị chất nổ “tận răng” dễ dàng phá vỡ rào chắn của Torque, hay thiết bị hồi máu TAK-5 của Crash loại bỏ tình trạng tổn thương (Wounded) cho đội khi dính lửa từ Reactor Core của Firebreak. Các sự kết hợp Specialist cùng lối thiết kế màn chơi “hợp cạ” với chế độ chủ chốt chắc chắn sẽ mang lại những chiến thuật đẹp mắt, rất khác với lối chơi Call of Duty thông thường mà chúng ta sẽ được chứng kiến trong phiên bản chính thức.[rs_section_heading heading=”8″]Một chế độ chơi mới mà người viết không nghĩ là mình lại muốn có trong Call of Duty: Black Ops 4 lại gây bất ngờ lớn: Heist, thế thức chơi theo hiệp và không có hồi sinh tương tự như Search and Destroy, nhưng mang nhiều nét tương đồng với chế độ thi đấu truyền thống của Counter-Strike khi vận dụng cơ chế tiền tệ và quản lý tài nguyên.
Toàn bộ người chơi sẽ bắt đầu trận đấu với súng lục và $250, mục tiêu của cả hai đội là tóm lấy gói tiền trong màn chơi và mang nó đến vị trí tập kết, gây sát thương và hoàn thành hiệp đấu sẽ mang lại số tiền nhiều hơn, cho phép mở khóa thêm vũ khí, Perk, trang bị hay thậm chí là Scorestreak dành cho những hiệp sau. Đây cũng là chế độ duy nhất sở hữu cơ chế “Down But Not Out” (nhân vật bị bắn hạ sẽ không ngồi nhìn màn hình mà sẽ… trườn bò trong một khoản thời gian ngắn, chờ đồng đội tới cứu), và người chơi sẽ phải thu thập các túi hồi máu lẫn đạn được đặt rải rác trong màn chơi chứ không được cung cấp sẵn.
Một mô-típ không mới nhưng được thực hiện khá chỉn chu, Treyarch chỉ cần kết thúc hiệp đấu nếu một đội đã bị hạ toàn bộ, và bổ sung số hiệp (hiện tại một trận Heist sử dụng thể thức Best of 7 – yêu cầu thắng 4 hiệp để thắng toàn trận) để kéo dài trận đấu và Heist rất có tiềm năng trở thành một trong những chế độ chơi được mến mộ nhất trong toàn bộ dòng game này.[rs_section_heading heading=”9″]Về mặt lý thuyết thì đáng lý ra lối thiết kế màn chơi tập trung vào cứ điểm của Control gián tiếp phục vụ cho bất kỳ chế độ chơi nào lấy mục tiêu trên chiến trường làm chủ đạo. Thế nhưng, đây lại là năm đầu tiên mà người viết không thực sự thích thú với Domination trong Call of Duty, chủ yếu bởi nhịp độ của trò chơi dàn trải không đều trên toàn bộ bản đồ – đặc biệt với quy mô 5 chọi 5 ở thời điểm hiện tại khiến cho phòng thủ ở bất kỳ điểm nào giờ đây cũng trở thành “cực hình” đúng nghĩa, do từng đội không có đủ nhân lực để luân chuyển công thủ linh hoạt mà không nhất thiết phải hy sinh điểm mà đội của mình đã chiếm. Một số màn chơi như Frequency và Seaside cũng đặt vị trí điểm và đảo ngược phía hồi sinh khá là… ba chấm.[rs_section_heading heading=”10″]Hệ thống Pick 10 của Call of Duty: Black Ops 4 cũng đón nhận kha khá cải tiến mới, chủ yếu nằm ở khe chứa phụ kiện thứ hai của vũ khí. Giờ đây, một số loại phụ kiện sở hữu phiên bản cấp 2 với tính năng vượt trội so với công dụng của phụ kiện gốc, ví dụ như Fast Mags là loại băng đạn đặc biệt giảm thời gian thay đạn khá quen thuộc, thì phiên bản nâng cấp của nó mang tên Speed Reloader dành riêng cho khẩu shotgun MOG12 sẽ cho phép khẩu súng này “tống” toàn bộ bốn viên đạn vào súng trong một lần nạp. Nhược điểm? Bạn sẽ tốn 3 trong tổng số 10 Pick, một dành cho Wildcard Primary/Secondary Gunfighter, một dành cho phụ kiện cấp 1 và một dành cho phụ kiện cấp 2.
Một Wildcard mới toanh khác được giới thiệu với mục đích cải thiện cách thức hoạt động của vũ khí: Operator Mod, được mở khóa khi vũ khí đạt cấp độ tối đa, chiếm hai khe phụ kiện thứ hai của Primary/Secondary Gunfighter và yêu cầu sử dụng Wildcard Operator Mod. Mỗi món Operator Mod sở hữu công dụng riêng với độ hữu dụng tùy vào góc nhìn của từng người: Dragon Breath của MOG12 bắn đạn lửa và áp trạng thái tổn thương lên kẻ địch, ngăn chặn khả năng hồi máu trong vài chục giây tương tự như Reactor Core. Belt Fed của Cordite tống thẳng 600 viên đạn vào khẩu SMG này và thay thế băng đạn bằng cơ chế quá tải nhiệt sau khi khai hỏa liên tục. Skull Splitter mang đến cho Mozu khả năng “headshot phát chết luôn”. Có thể nói phần lớn sự sáng tạo về thiết kế vũ khí của Treyarch đã “bay” thẳng vào Operator Mod.[rs_section_heading heading=”11″]Việc Operator Mod chiếm tận 3 Pick là một sự đánh đổi rất cần thiết khi nó buộc người chơi phải xây dựng Class xoay quanh chính bản thân vũ khí đó. Tuy nhiên, có một điều khá kỳ quặc là không phải khẩu súng nào cũng được ưu ái trao tặng cho Operator Mod.
Đến đây, có lẽ Treyarch cần phải tiếp tục xem xét lại vấn đề cân bằng vũ khí trong Call of Duty: Black Ops 4 sau khi vận dụng một khái niệm khá hay ho trên lý thuyết nhưng cách thực hiện chưa thực sự thỏa đáng: mỗi khẩu súng giờ đây sẽ sở hữu một lượng trang bị chỉ dành riêng cho chính bản thân nó. Không phải khẩu AR nào cũng có nòng Holographic, không phải khẩu SMG nào cũng có laser, không phải khẩu Tactical Rifle nào cũng có đạn phá giáp. Thay đổi này được thực hiện để đẩy mạnh vai trò và tô đậm phong cách chơi của từng khẩu súng, tuy nhiên cái cách mà Treyarch phân tách trang bị chưa được rõ ràng. Rampart 17 là một khẩu súng trường tự động nổi bật ở sát thương cao và tốc độ bắn thấp nên không có Rapidfire là điều dễ hiểu, nhưng tại sao nó lại không có báng súng (stock)?
Điều này tạo nên một rào cản cứng nhắc khi người chơi lựa chọn vũ khí, và đi ngược lại lối xây dựng nhân mềm dẻo vốn có của Call of Duty nói riêng và Black Ops nói chung. Treyarch nên thiết kế thêm các loại phụ kiện thường “độc quyền” cho súng hệt như Operator Mod hơn là tháo gỡ phụ kiện cơ bản thì hơn.[rs_section_heading heading=”12″]Treyarch hứa hẹn rằng sẽ đầu tư nghiêm túc cho phiên bản PC của Call of Duty: Black Ops 4, đặc biệt khi nay tựa game “nghỉ chơi” với Steam và “cặp kè” với Battle.net, và họ đã không hề thất hứa. Thời gian nạp màn chơi nhanh như chớp, khung hình trên cả mức ổn thỏa và không bị khóa cứng ở 91 như trước , tùy chọn điều khiển đầy chi tiết cho phép người chơi lựa chọn cách thức nhấn chuột khi sử dụng vũ phí/kỹ năng của Specialist (sẽ còn tuyệt vời hơn nếu trò chơi cho gán nút riêng)… Đây đơn giản là trải nghiệm Call of Duty mượt mà nhất kể từ sau Call of Duty: Ghosts đối với người viết, và phiên bản này sẽ hoàn hảo hơn về mặt kỹ thuật nếu…[rs_section_heading heading=”13″]… Treyarch tiếp tục chỉn chu giao diện và trải nghiệm người dùng.
Đầu tiên, màn hình Create-a-Class của Call of Duty: Black Ops 4 sử dụng không gian chưa thực sự ổn thỏa, với một nữa phần trên của màn hình chỉ được dùng để hiện mô hình vũ khí, trang bị hoặc Perk. Khoảng trống này hoàn toàn có thể được dùng để hiển thị thông số và dữ kiện về công cụ mà người chơi trỏ chuột vào.
Thứ hai, giờ đây khi lựa chọn hồi sinh, người chơi sẽ được diện kiến… toàn phần bản đồ trước khi nhấn Space và tiếp tục chiến đấu. Lý do cho sự tồn tại của bản đồ là để người chơi có thể lựa chọn vị trí hồi sinh gần thiết bị Tactical Beacon của Seraph (hoạt động tương tự Tactical Insertion như trước đây, chỉ khác là giờ đây đồng đội có thể sử dụng). Nhưng chức năng này hoàn toàn có thể được đơn giản hóa bằng cách thêm hai nút bấm, một dùng để quan sát vị trí của Tactical Beacon, và một dùng để lựa chọn hồi sinh tại vị trí thiết bị này. Sự hiện diện của bản đồ là không cần thiết.
Cuối cùng, màn hình lựa chọn Specialist và Class cũng có thể được tối giản đôi chút bằng cách tách hai phần này sang hai phía cân bằng nhau khi người chơi nhấn nút Esc, thay vì phải nhấn nút Class rồi mới tiếp tục chọn Class mình muốn. Ngoài ra, giao diện luân chuyển Class ở dạng nút cuộn trái-phải chưa thực sự tối ưu cho chuột khi chơi trên PC.[su_divider]Dẫu cho có thể nó sẽ không xoay chuyển góc nhìn của những người “ngoại đạo”, phiên bản thứ 15 của dòng game Call of Duty vẫn mang lại sức hút từ vòng lặp lối chơi hấp dẫn đến mức khó tả, giờ đây được khéo léo lồng ghép những nhân tố tuy vay mượn từ các trò chơi khác được thực hiện đầy trơn tru và tinh tế. Treyarch đang nắm trong tay một sản phẩm có tiềm năng trở thành tựa game Call of Duty chơi mạng xuất sắc nhất trong những năm gần đây, và người viết sẽ trông đợi tích cực về một phiên bản Call of Duty: Black Ops 4 “bá cháy” khi trò chơi ra mắt chính thức vào ngày 12/10 sắp tới.
Ngoài ra, nếu như bạn là “con chiên” của thể loại đấu trường sinh tử Battle Royale, thì đừng xóa bộ cài game của bản thử nghiệm vội, bởi chế độ chơi Blackout sẽ chính thức hé mở trực tiếp đến với giới mộ điệu vào tháng 9 sắp tới.[su_divider]