Skip to content

Monster Hunter: World – Đánh Giá Game

Monster Hunter: World

Monster Hunter: WorldMonster Hunter là một trong các dòng game đình đám và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ  nhất trên khắp thế giới, cùng lượng người hâm mộ đông đảo đồng hành cùng cái tên này xuyên suốt 15 năm qua.

Sau khi ra mắt các phiên bản Monster Hunter độc quyền cho “gia đình” Nintendo và gặt hái được nhiều thành công, Capcom chính thức tiến thêm bước nữa khi quyết định “đàn áp” đa hệ với phiên bản mới toanh sở hữu cái tên đầy tham vọng: Monster Hunter: World.

Được đánh tiếng tại kỳ hội chợ E3 2017, Capcom hứa hẹn Monster Hunter: World là sự trở lại đầy mạnh mẽ khi giới thiệu lối chơi hào nhoáng, có chiều sâu mà ngay cả game thủ “già gân” lẫn những người còn lạ lẫm với dòng game cũng có thể tham gia được, đan xen đó là nền tảng đồ họa khá ấn tượng khi bước chân lên hệ máy console đời mới cũng như PC – riêng phiên bản dành cho PC sẽ ra mắt vào mùa thu 2018 tới.

Vậy liệu rằng, Monster Hunter: World sẽ trình diễn ra sao dưới góc nhìn của giới mộ điệu “tân binh”?

Mời bạn đọc cùng “mổ xẻ” trò chơi qua bài đánh giá sau của Vietgame.asia!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT THẾ GIỚI “MÀU MỠ”, VẪY GỌI CÁC THỢ SĂN CHINH CHIẾN!

Trước khi chạm tay Monster Hunter: World, người viết cũng có những “sợ hãi” nhất định, nhất là ở lối chơi vì danh tiếng với từ “khoai” của nó.

Ấy vậy mà ngay từ những giây phút đầu tiên, trò chơi đã chứng minh rằng người viết đã nhận định sai!

Vì khác với những phiên bản trước, Monster Hunter: World có màn chào hỏi ban đầu hết sức ấn tượng với chất “phim” của những đoạn cắt cảnh nhịp nhàng, được gầy dựng kĩ càng và sở hữu những góc quay như phim Hollywood.

Chưa kể, bản thân trò chơi cũng trở nên thân thiện hơn, sở hữu nhiều tính năng tiện dụng hơn, phù hợp hơn với nhiều đối tượng người chơi khác nhau.

Ngay sau nền nhạc hùng hồn, người chơi sẽ được thả ngay vào trình tạo nhân vật chi tiết của Monster Hunter: World.

Người chơi sẽ được lựa chọn giới tính cho nhân vật, sau đó sẽ tới những tùy chỉnh như màu da, mắt, tóc tai, mũi, miệng… để tạo dấu ấn riêng trong suốt hành trình của trò chơi.

Và khác với bản thử nghiệm, Monster Hunter: World còn cho phép người chơi tùy chỉnh cả bé mèo Palico – bạn đồng hành bất ly thân, siêu dễ thương và đầy hữu ích của nhân vật chính.

khác với những phiên bản trước, Monster Hunter World có màn chào hỏi ban đầu hết sức ấn tượng với chất “phim” của những đoạn cắt cảnh nhịp nhàng

Sau khoảng 30 phút hướng dẫn sơ bộ đầy kịch tính, người chơi sẽ được đưa tới “Tân Thế Giới” của Monster Hunter: World, cũng như tham gia vào the Research Commission (nôm na là “Ủy ban nghiên cứu”) để nắm bắt thông tin về những vùng đất mới, thông qua căn cứ chỉ huy trung tâm tại vùng Astera.

Cũng tại Research Commission, người chơi sẽ thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt hoặc săn bắt các loài quái thú lớn để bảo vệ Commission và hẳn nhiên, học tập về chúng.

Ở căn cứ chỉ huy trung tâm của Astera cũng như vài trung tâm nghiên cứu khác, người chơi sẽ được giao nhiều nhiệm vụ chủ yếu qua ba mục: Post a New Quest, Join a Quest và Online Sessions.

Có thể tóm gọn, mục Post a New Quest sẽ chia ra thành Assigned, Optional, Investigations và Events.

Người chơi sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính theo cốt truyện trong Monster Hunter: World để tăng hạng trong mục Assigned, vài nhiệm vụ phụ chia theo cấp độ trong mục Optional, các nhiệm vụ mang tính săn bắt để phục vụ cho nghiên cứu thì thuộc về mục Investigations, và như tên gọi “Events” – mục này chủ yếu là các sự kiện đặc biệt để tặng các món đồ hiếm hoặc tiền… để người chơi có thêm đồ để rèn và nâng cấp sau này.

“Join a Quest” là mục chơi cho phép người chơi tham gia các nhiệm vụ của người chơi khác, cũng được chia ra thành hai mục nhỏ là “Available Quests” – có các mode tương tự mục Post a New Quest, và “Respond to SOS” – nơi người chơi sẽ tham gia vào các mục “cầu cứu tức thời” của người chơi khác.

Mục còn lại là Online Sessions là nơi tổng hợp trong phần tìm kiếm để người chơi tham gia cùng.

Hầu hết các nhiệm vụ đều được giao trong một khoảng thời gian nhất định, cùng với vài quy định như không bị “xỉu” quá ba lần hay không kịp thời gian thì sẽ bị cho là không hoàn thành được nhiệm vụ, và phải làm lại nếu người chơi muốn.

Chính vì thế, Monster Hunter World đòi hỏi người chơi luôn tập trung và vận dụng kĩ năng tốt để hoàn thành.

 

 

 

Bản thân Monster Hunter: World là tựa trò chơi nhập vai hành động, nhưng nhân vật của chúng ta sẽ không lên cấp (level) như những tựa game khác, mà người chơi sẽ được lên hạng (rank) thông qua làm các nhiệm vụ chính trong mục “Assigned”.

Nhìn chung, việc lên hạng trong trò chơi chủ yếu là để “mở khóa” các nhiệm vụ khác, chứ không đóng vai trò quan trọng như tăng điểm kinh nghiệm để nâng cấp nhánh kĩ năng của riêng nhân vật, hay tặng điểm để tăng các thuộc tính nội tại (intrinsic attributes).

Chỉ số nhân vật được thể hiện qua việc người chơi được trang bị những gì mà thôi (nhưng điều này không có nghĩa là trò chơi không có chiều sâu nhé!).

Người chơi được lựa chọn một trong các vũ khí phù hợp với lối chơi của bản thân. Người viết thì “lỡ tay” chọn món vũ khí mang tên “Insect Glaive” ngay từ đầu vì sự “cool ngầu” của “ẻm”, cũng như xem qua video trình diễn đòn đánh liên hoàn bay lên trên không tả xung hữu đột đầy ấn tượng, nhưng thực chất nó cũng là một trong những vũ khí khó dùng nhất của Monster Hunter World. Nhưng không sao, đã đâm lao thì theo lao, chịu khó sẽ thành công!Các vũ khí của Monster Hunter World nhìn chung có thể chia ra thành ba nhóm: Light Weapons (vũ khí hạng nhẹ), Heavy Weapons (vũ khí hạng nặng) và Technical Weapons (vũ khí thiên về khuynh hướng mang tính “kỹ thuật”). Tổng cộng 14 món vũ khí sẽ được chia đều cho mỗi nhóm, và sẽ định hình phong cách chiến đấu của người chơi, bởi nó sẽ theo suốt người chơi trong cuộc hành trình, để tiện cho việc nâng cấp sau này cũng như buộc người chơi thuần thục kĩ năng mà vũ khí đó mang lại. Tuy nhiên, Monster Hunter World không khóa người chơi vào một vũ khí duy nhất, mà vẫn có thể thay đổi vũ khí hoặc trang bị mà không có vấn đề gì xảy ra cả. Giới hạn duy nhất đó là người chơi phải cày cuốc đồ riêng để nâng cấp loại vũ khí đó thôi.

Các vũ khí trong Monster Hunter World cũng không chỉ dừng lại ở đặc điểm từ các đòn liên hoàn khác nhau, mà còn nằm ở cả “chiến lược” khi giao chiến với các quái vật to lớn. Từ thời gian ra đòn nhanh chậm, khả năng tầm xa lẫn cận chiến, cho đến “buff” năng lượng để gây ra lượng sát thương cao hơn thông thường. Việc thuần thục được kĩ năng, cũng như dần nâng cao tay nghề và vận dụng được đặc điểm riêng biệt của từng món vũ khí mà người chơi sử dụng, rất ư là sảng khoái và xứng đáng thời gian người chơi bỏ ra!

Bên cạnh đó, môi trường cũng có những “đóng góp” nhỏ trong việc đưa ra chiến lược, đặc biệt nếu như người chơi đánh lẻ. Ví như bắn dụ quái vật A gặp quái vật B cho chúng tẩn nhau, chờ thời cơ để “tóm cổ” một trong hai, hay sử dụng các ụ đá có thể rơi từ trên cao xuống để gây sát thương lên mục tiêu mà mình đang săn… Các vật dụng cũng tỏ ra hữu dụng không kém khi có thể gây tê liệt, choáng, hay khiến quái vật… chìm vào giấc mộng. Tùy vào tình hình, người chơi sẽ có những phương án chiến đấu khác nhau để hoàn thành mục tiêu, và nếu cảm thấy “chưa” quá thì đừng ngại ngùng né tránh chúng một chút, rồi bắn tín hiệu cầu cứu (SOS) để người chơi khác tham gia cùng nhiệm vụ với bạn.

Khi chơi đơn, người chơi sẽ được bé mèo Palico song hành, bé sẽ hỗ trợ đắc lực không chỉ gây thu hút quái vật trong lúc chiến đấu (để người chơi có thời gian suy nghĩ tác chiến), mà đôi khi còn cứu nguy người chơi khỏi một tràng càn quét từ quái, nhất là khi bị rơi vào trạng thái choáng, bé mèo sẽ quay trở lại và hất người chơi xuống đất để… đánh thức. Hoặc đôi khi gần hết máu, bé sẽ phóng vật phẩm hồi máu tới người chơi để tiếp tục chinh chiến. Nhưng nếu như có từ ba tới bốn người trong một nhóm, thì các bé mèo nhà ta sẽ không xuất hiện, mục đích là để cân bằng số lượng phụ trợ trong một nhiệm vụ.

Nhờ vậy, lối chơi của Monster Hunter: World trở nên cực kì phong phú với các diễn biến thay đổi linh hoạt. Và cũng tùy vào vũ khí mà người chơi cũng sẽ có những món nâng cấp phụ, như Insect Glaive có thể nâng cấp bọ để tăng sát thương bên cạnh tăng chỉ số chiến đấu tạm thời, và tạo ra các “vùng ảnh hưởng” nhỏ như độc tố hay bắn ra “hương” để hồi máu cho nhân vật. Monster Hunter World là một trò chơi tập trung chủ yếu vào lối chơi cộng tác, nên hầu như ở tất cả các nhiệm vụ chính lẫn phụ, người chơi đều hoàn toàn có thể bắn SOS để người chơi khác cùng tham gia.

Đây cũng là một trong những trò chơi hiếm hoi mà người viết hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi chơi cùng người chơi khác. Việc chu du và chiến đấu, hợp tác ra đòn để săn bắt hoặc giết các quái thú mang tới một cảm giác rất thích thú, tương trợ lẫn nhau để hoàn thành các nhiệm vụ khó nhằn, tạo nên một sợi dây gắn kết không nhỏ làm nên thành công từ yếu tố cộng đồng của cả Monster Hunter nói chung, lẫn Monster Hunter World nói riêng.

Các loài quái vật trong Monster Hunter World, cũng như trong bao tựa game Monster Hunter khác, vô cùng đa dạng về chủng loài, đòn đánh, cũng như cách thức sinh sống riêng biệt. Vì thế, càng về sau, người chơi cần tìm hiểu kĩ hơn về các món vật dụng để giảm bớt “căng thẳng”, cũng như mang tới sự tươi mới trong phong cách chiến đấu của chính mình.

Để săn được chúng, trước tiên người chơi phải “đánh hơi” được dấu chân của loài quái vật mà mình đang săn, trò chơi “nhắc” thông qua các hạt nhỏ màu xanh lá. Sau đó, dấu chân này sẽ dẫn tới nơi trú ẩn của chúng. Ngoài ra, các hạt màu xanh lá này cũng báo cho người chơi biết các vật dụng mình có thể nhặt được trong tại khu vực đó.Bên cạnh vũ khí, giáp trụ cũng là yếu tố tối quan quan trọng. Khi săn thành công một loài quái vật mới, người chơi sẽ mở khóa một loại giáp tương ứng với các chỉ số ảnh hưởng khác nhau. Các chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các loài quái vật có các thuộc tính như lửa, nước, điện…

Chẳng hạn như nếu người chơi đánh hạ một con rồng phun lửa, giáp có chỉ số kháng lửa quá yếu thì người chơi nên cân nhắc thay một bộ giáp khác hoặc kết hợp chung với nón, quần có yếu tố kháng lửa mạnh để đấu con rồng đó. Cho nên, việc “kết hợp” các món đồ giáp như mũ, áo quần cũng là một trong những “câu đố” nhỏ dành cho người chơi khám phá. Ngoài ra cũng nên để ý chỉ số phòng thủ vì chúng sẽ giảm độ sát thương từ quái vật, có thể gia tăng khi nâng cấp các món đồ giáp (bé mèo Palico của người chơi cũng sẽ được “hưởng xái” theo đó!).

Monster Hunter World còn có một khu để các người chơi gặp gỡ nhau, tham gia các đấu trường (Arena) để thi thố, chia sẻ thành tích, cũng như tham gia đấu vật tay nếu thích. Trò chơi cũng cho phép người chơi “nâng cấp” phòng ốc cho đẹp, tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhoi, nhưng cũng cho thấy Capcom cũng để ý tới những tiểu tiết để tăng chiều sâu về trải nghiệm cho trò chơi.

 

 

 

 

BẠN SẼ GHÉT

VÀI TỒN ĐỌNG ĐÁNG NÓI…

Người viết không hề phủ nhận Monster Hunter World sở hữu bộ cánh có thể nói là đẹp về tổng quan.

Khung cảnh tỉ mỉ với các khu vực mà người chơi đặt chân qua đều được thể hiện chi tiết với cây cối xum xuê, các loài thực vật lạ mắt nhưng cũng thân quen, đi kèm các hiệu ứng môi trường chi tiết kĩ càng, các hiệu ứng hình ảnh thời thượng thường thấy ở các tựa trò chơi AAA hiện nay.

Nhưng sẽ không ít lần, các vân bề mặt thiếu chi tiết “trôi nổi” đâu đó trong môi trường và các đoạn cắt cảnh nói chung sẽ đập vào mắt người chơi.

Những loài quái vật được thiết kế chi tiết và vô cùng công phu, đẹp và hoàng tráng.

Nhưng cũng dính không thoát khỏi không ít lỗi kĩ thuật ảnh hưởng tới chuyển động, khiến chúng diễn hoạt đôi khi có vẻ hơi thô cứng do môi trường có tầng tầng lớp lớp phức tạp.

Engine MT Frameworks của Capcom khá tốt, dễ ứng dụng thêm nhiều hiệu ứng, tinh chỉnh mới. Chính vì vậy, nếu so với những sản phẩm trước đây của hãng thì Monster Hunter World sở hữu nền tảng đồ họa vượt trội về mặt công nghệ.

Tuy nhiên, tốc độ khung hình trồi sụt thường xuyên cũng là điểm cần đáng lưu tâm.

Âm thanh và nhạc nền của Monster Hunter World không có gì để bàn cãi, khiến người viết chỉ có thể thốt lên hai chữ: “Tuyệt vời!” mà thôi.

Từ tiếng gào thét đầy đáng sợ của “khủng long bạo chúa” Anjanath, cho tới âm điệu kì lạ phát ra từ Kulu-Ya-Ku… đi cùng tiếng vọng “miền hoang dã” đều được đầu tư tỉ mỉ cẩn thận.

Có điều, nhân vật chính của chúng ta vẫn lặng câm như hến. Một điều khá lạ lùng khi mà trò chơi “spin-off” Monster Hunter: Stories lại cho phép nhân vật chính cất tiếng nói.

Điểm thứ hai mà người viết cảm thấy đáng tiếc ở Monster Hunter World, đó chính là cốt truyện.

Đúng là dòng game Monster Hunter nói chung, chưa bao giờ đặt nền tảng cốt truyện lên đầu, mà chủ yếu thu hút ở nền tảng lối chơi hấp dẫn và gây nghiện cao.

Từ những giây phút đầu tiên ở các đoạn trailer giới thiệu, Monster Hunter World cho ta thấy một phiên bản có lẽ sẽ có một nền tảng cốt truyện ổn thỏa, đặc biệt khi trò chơi mang tới những vùng đất vô cùng thú vị để khám phá cùng một vài nhân vật xuất hiện bí ẩn, trông có vẻ “cool ngầu” và cần thời gian để tìm hiểu thêm.

Nhưng không, họ chỉ xuất hiện cho có lệ cùng vài tình tiết đậm “phong cách” phản ứng thái quá trong vài đoạn cắt cảnh.

Hầu hết, những phân đoạn cắt cảnh dẫn chuyện chủ yếu là để đưa người chơi tới một vùng đất mới, và chiến đấu với loài quái vật nào đó thôi, chứ về phát triển nhân vật thì hầu như không có, vẫn còn nhiều bỏ ngỏ đáng tiếc.

Thậm chí, nếu như người chơi muốn tìm hiểu về vùng đất này, loài quái vật kia ra sao thì cũng bó tay, bởi trò chơi không có được một cái “bách khoa toàn thư” để người chơi đọc được.

Hầu hết, những phân đoạn cắt cảnh dẫn chuyện chủ yếu là để đưa người chơi tới một vùng đất mới, và chiến đấu với loài quái vật nào đó thôi, chứ về phát triển nhân vật thì hầu như không có, vẫn còn nhiều bỏ ngỏ đáng tiếc

Điều đó khiến cho người viết cảm thấy Monster Hunter World vẫn còn có nhiều tiềm năng, nhưng có lẽ do tập trung chiều lòng người hâm mộ, cũng như cân nhắc không nên thay đổi quá nhiều để tránh bị “lạc tông”, nên trò chơi chưa khai thác hết mình những khía cạnh này.

Hoặc do người viết đã quá quen với những tựa game nhập vai khác nên cũng hơi chạnh lòng khi thấy có sự thiếu thốn về mặt cốt truyện chăng?

Tiếp theo, cũng không hẳn là một điểm quan trọng lắm, vì nếu xét về dòng Monster Hunter thì điều này là bình thường, nhưng người viết cũng xin bày tỏ một chút quan điểm cá nhân.

Đó chính là sự đa dạng về nhiệm vụ có vẻ hơi “khiêm tốn” trong Monster Hunter World, vì nếu loại trừ mục Assigned theo cốt truyện chính, thì hầu hết các nhiệm vụ còn lại dành cho người chơi cũng chỉ là… tiêu diệt A, bắt B, tìm nguyên vật liệu này kia hoặc đi khám phá một chút để… “xơi tái” C.

Ngay cả mục Events, cũng là… diệt A, diệt B, sau đó về lại trung tâm, rèn ra đồ xịn và tiếp tục như thế.

Không phủ nhận là người viết hoàn toàn quên lãng sự lặp đi lặp lại này, do hệ thống lối chơi được thực hiện kỹ lưỡng, và cực kì gây nghiện khi xoay quanh việc săn thú và rèn đồ xịn để hạ quái mạnh hơn.

Nhưng sau một thời gian, người viết chợt nhận ra sự lặp lại trong hệ thống nhiệm vụ cũng không phải là một điều hay ho cho lắm.

Tuy nhiên, Monster Hunter World cũng có vài mini-game nhỏ để ai có hứng thú thì xả stress đôi chút cũng được, không thì cứ cùng bè bạn tung hoành ngang dọc thôi cũng đủ thú vị hằng ngày rồi!

Bạc 8.5

Tuy rằng, Monster Hunter World còn vài điểm mà người viết thiết nghĩ trò chơi đáng lẽ có thể làm tốt hơn, nhưng về tổng thể trải nghiệm thì Monster Hunter World hoàn toàn có thể khiến bạn gây nghiện hàng giờ liền, nhất là một khi đã quen với cơ chế lối chơi của trò chơi.
Monster Hunter World vẫn là một trò chơi hay, xứng đáng "múc" về để cày kéo cùng bạn bè, nhất là dịp Tết sắp tới thì game thủ chúng ta tha hồ cùng nhau chinh chiến nhé!

Thông tin

  • Monster Hunter: World
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    26/01/2018
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.