MSI MAG CoreLiquid 240R – Trong số các hãng sản xuất linh kiện tên tuổi trên thị trường hiện nay, MSI có thể xem như hơi chậm chân đôi chút so với những ASUS hay Gigabyte trong công cuộc “lấn sân” vào thị trường tản nhiệt nước AIO đầy sôi động để phục vụ cho các mẫu CPU càng ngày càng lớn và tỏa nhiều nhiệt với những ASUS ROG Ryujin hay AORUS Liquid Cooler 360 giúp “hạ nhiệt” cho những cỗ máy chơi game hàng đầu.
Mới vừa qua, “team rồng” mới tung ra các mẫu tản nhiệt nước cho riêng mình với tên gọi MAG CoreLiquid cùng hai phiên bản với kích thước bộ giải nhiệt (Radiator) lần lượt là 240mm và 360mm với thiết kế khá lạ, tách biệt so với phần đông các mẫu tản nhiệt nước AIO đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Vietgame.asia cũng vừa có dịp “trên tay” bộ tản nhiệt nước AIO đời mới này với phiên bản MSI MAG CoreLiquid 240R. Đây sẽ là sản phẩm “chủ lực” của MSI trong thời gian tới phục vụ cho các fan của hãng tạo ra những cỗ PC mạnh mẽ và cao cấp với hệ sinh thái của riêng mình.
Vậy mẫu tản nhiệt này có thiết kế như thế nào? Hãy cùng nhóm đến với bài “đập hộp” sản phẩm các bạn nhé!
MSI MAG CORELIQUID 240R – THIẾT KẾ ĐỘC ĐÁO
MSI MAG CoreLiquid 240R thoạt nhìn không khác quá nhiều những mẫu tản nhiệt nước tầm trung AIO đang có mặt trên thị trường với thiết kế mang tính chất tiêu chuẩn, không quá “sang chảnh” với màn hình LCD (hay OLED) như trên một số mẫu tản nhiệt cao cấp gần đây như AORUS Liquid Cooler 360 hay NZXT Kraken Z63, nhưng vẫn được chế tạo vô cùng quy chuẩn.
Thậm chí với cái nhìn đầu tiên, người viết có cảm giác mẫu tản nhiệt nước AIO “đời mới” này của “team rồng” khá giống với mẫu tản nhiệt nước ID-Cooling ZoomFlow mới ra mắt gần đây với các ống dẫn cao su bọc vải dù và các khớp nối bọc kim loại “gia cố” chắc chắn để tránh “bục ống” dưới áp lực cao của các dòng máy bơm thế hệ mới.
Đi sâu vào chi tiết, có thể thấy mẫu tản nhiệt nước của MSI được chế tạo khá tốt, các mắt lưới tản nhiệt cứng cáp, lớp vỏ của bộ giải nhiệt được sơn lót, sơn phủ nhiều lớp đem lại cảm giác chắc chắn, nhưng vẫn đôi chút chưa “đã mắt” như cách mà Asetek gia công cho các bộ tản nhiệt nước AIO “bất chấp phí tổn” đang sốt xình xịch trên thị trường hiện nay.
Dễ thấy điều này ở những chi tiết rất nhỏ như “vành” của bộ giải nhiệt khá dày thay vì được thiết kế khéo léo để tăng tối đa diện tích tấm tản nhiệt, hay logo MSI được in bóng “chìm nghỉm” giữa tông màu đen nhờ của cả bộ tản nhiệt chứ không dập chìm sắc cạnh đầy ấn tượng và dễ nhận biết ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bộ “vớt nhiệt” cũng là loại hình thông thường với kết cấu lớp ngoài bằng vỏ nhựa, bao bọc lõi đồng và các lá vớt nhiệt được chế tạo dưới dạng các vẩy siêu nhỏ bên trong, phía trên hoàn toàn không có bất kỳ kết cấu bơm tích hợp nào mà chỉ có hệ thống đèn LED RGB bên dưới logo rồng của hãng mà thôi, rất khác biệt so với cách bố trí bơm tích hợp trên phần lớn các mẫu tản nhiệt nước AIO còn lại trên thị trường hiện nay.
Hệ thống bơm của MSI MAG CoreLiquid 240R bị “di dời” ra giữa radiator, khá giống với mẫu “tản nhiệt nước mini” NZXT Kraken M22 mà người viết vô cùng yêu thích, “bại lộ” đơn vị gia công cho MSI kỳ này chính là Apalcool, một công ty gia công khá trẻ có trụ sở tại Thẩm Quyến đang giữ bằng sáng chế cho thiết kế này.
Thiết kế bơm tích hợp bên trong buồng tháp giải nhiệt Radiator đem lại lợi ích vô cùng to lớn, đó là bơm có thể hoạt động ở tốc độ cao hơn mà không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ từ CPU, đó là chưa kể bơm còn “tận dụng” được luồng gió từ quạt tản nhiệt để giảm bớt nhiệt do chính máy bơm sinh ra khi vận hành, từ đó, tăng tuổi thọ bơm.
[su_quote]Thiết kế bơm tích hợp bên trong buồng tháp giải nhiệt Radiator đem lại lợi ích vô cùng to lớn[/su_quote]Mặc dù chưa có dịp thực sự “cày bừa” cùng với mẫu tản nhiệt nước đời mới này của MSI trong thời gian dài, thế nhưng mẫu NZXT Kraken M22 mà người viết sử dụng liên tục trong hơn 2 năm với tần suất cao vẫn không gặp bất kỳ trục trặc nào dù là rất nhỏ.
Mặc dù vậy, thiết kế này phô bày ra 1 vấn đề nhỏ cho những người dùng… lười vệ sinh máy khi mà khu vực máy bơm trên tản nhiệt đóng bụi vô cùng nặng nề và rất khó vệ sinh từ bên ngoài.
Thử nghiệm nhanh mẫu tản nhiệt AIO này với một trong những mẫu CPU “hot” nhất hiện nay là Intel Core i7 10700K ở tốc độ 5GHz, khả năng hoạt động vô cùng đáng tin cậy.
Khi mới bắt đầu ép xung, nhiệt độ của CPU nhanh chóng bị đẩy lên mức 83 độ C ở các nhân, nhưng sau đó nhanh chóng được “kéo tụt” xuống mức khoảng 75 đến 77 độ C và giữ nguyên ổn định trong suốt thời gian thử nghiệm stress test.
Về tổng thể, có thể thấy MSI không định sử dụng MSI MAG CoreLiquid 240R để cạnh tranh với các mẫu tản nhiệt nước hàng đầu được chế tạo tỉ mỉ và trang bị màn hình tích hợp đang có mặt trên thị trường hiện nay. Với thiết kế độc đáo tích hợp bơm trong radiator, có lẽ hãng hướng mẫu tản nhiệt nước AIO này đến phân khúc trung cao cấp với những người chuộng hiệu quả hoạt động và sự bền bỉ khi sử dụng lâu dài hơn là vẻ hào nhoáng của những dàn máy cao cấp.
TỔNG QUAN
Về tổng thể, có thể thấy MSI MAG CoreLiquid 240R là một mẫu tản nhiệt nước được thiết kế, chế tạo rất tốt so với mặt bằng chung tản nhiệt nước AIO vốn đang bị các hãng sản xuất Trung Quốc chiếm lĩnh.
Dù có vài yếu tố nhỏ không bì được với các dòng tản nhiệt nước AIO “đỉnh cao”, nhưng những gì mà “đại diện” của MSI cho thấy vẫn vô cùng ấn tượng, đủ sức “gánh” được những hệ thống PC mạnh mẽ và các CPU “lò nung” hàng đầu hiện nay.
Việc lựa chọn một công nghệ hoàn toàn mới mẻ, khác biệt so với phần lớn các sản phẩm khác trên thị trường, cũng như việc xây dựng hình tượng của sản phẩm hướng tới người dùng ưa chuộng sự bền bỉ hơn là “nhồi nhét” những tính năng cao cấp cũng cho thấy MSI đã rất thấu hiểu người dùng, đặc biệt là các fan trung thành của hãng.
BÀI MỚI NHẤT
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear
- Sonic the Hedgehog 4 sẽ khởi chiếu trong năm 2027! – Tin Game
- COLORFUL Giới Thiệu Dòng Bộ Nhớ iGame Shadow DDR5 – Tin Gaming Gear
- STALKER 2: Heart of Chornobyl “vá” hơn 1800 lỗi trong bản cập nhật 1.1! – Tin Game
- Netflix đang cân nhắc thực hiện phim chuyển thể STALKER! – Tin Game