MSI Optix MAG271CQR – Thị trường màn hình chơi game cao cấp gần đây gặp phải những “chấn động” không nhỏ khi các dòng sản phẩm giá rẻ của các hãng ít tên tuổi đến từ Trung Quốc cạnh tranh mãnh liệt cả về tính năng lẫn mức giá, khiến cho các hãng sản xuất tên tuổi kỳ cựu phải đi tìm hướng đi riêng cho mình.
Có hãng như AORUS tập trung vào phân khúc màn hình chơi game cao cấp với nhiều tính năng “cơm thêm” như chống ồn chủ động ANC (Active Noise Cancelling), ASUS phải phân tách hai dòng sản phẩm TUF và Strix riêng biệt để tập trung vào hai hướng phát triển thiết kế toàn diện và tập trung tính năng đơn giản.
Còn riêng MSI, hãng cũng tìm kiếm “lối ra” để gia tăng giá trị cho các sản phẩm của mình mà một trong những sản phẩm mới nhất mà “team rồng” ra mắt năm nay chính là mẫu màn hình chơi game MSI Optix MAG271CQR.
Đây là phiên bản nâng cấp của dòng sản phẩm MSI Optix MAG271CR mà nhóm đã có dịp giới thiệu với độc giả với một số yếu tố mới mẻ và mức giá cao hơn … chút đỉnh.
Liệu những nâng cấp mới trên sản phẩm này có thật sự đáng giá cho người dùng phải “móc hầu bao”?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
MSI Optix MAG271CQR – MỘT THIẾT KẾ LINH HOẠT
Là một bản nâng cấp nhẹ về mặt tính năng, MSI Optix MAG271CQR gần như chẳng có gì khác biệt khi so sánh với “đàn anh” MSI Optix MAG271CR trước đây, vẫn giữ một thiết kế mang tính linh hoạt ở chừng mực nhất định.
Sản phẩm vẫn sử dụng chân chống dạng chữ V, khá chiếm diện tích mặt bàn, đi kèm với đó là trục khuỷu có khả năng nâng lên, hạ xuống hay ngửa ra – gập vào một góc linh hoạt từ -5 độ đến 20 độ, thuận tiện cho cả người quen làm việc ngồi ở vị trí thấp, hay đứng từ trên cao nhìn xuống màn hình.
Thiết kế này khá tương tự với mẫu màn hình ASUS TUF GAMING VG32VQ đã được Vietgame.asia giới thiệu gần đây và cũng là thiết kế chân đế màn hình tiêu chuẩn.
Tuy không thể xoay ngang được một góc 90 độ như ở các màn hình dành cho thiết kế, thế nhưng kiểu thiết kế trục khuỷu này đủ linh hoạt cho hầu hết các mục đích sử dụng hàng ngày.
Khác với một sản phẩm đến từ dòng TUF tập trung vào tính năng hiển thị, MSI Optix MAG271CQR có nhiều “đất diễn” hơn khi MSI trang bị cho sản phẩm một dải đèn LED RGB ngay phía sau màn hình.
Dải đèn LED này được trang bị công nghệ Gaming Echo độc đáo, giúp tạo ra các hiệu ứng phản xạ lại tình huống trong game hay khi nghe nhạc. Tính năng này có phần giống với tính năng Ambilight trên các mẫu TV đắt tiền do Philips sản xuất, thế nhưng với công suất khá thấp của dải đèn trang trí thì hiệu quả đạt được không thật sự “chấn động” như các sản phẩm “hàng hiệu” đến từ Hà Lan mà chủ yếu là mang mục đích trang trí.
Cạnh bên của màn hình còn được trang bị một giá treo tai nghe tiện dụng cho các game thủ muốn… “nghỉ tai” khi cần thiết. Đây cũng là một trong các thiết kế riêng đặc sắc của các màn hình chơi game đến từ “team rồng” trong thời gian vừa qua.
Với menu OSD (On Screen Display) điều khiển bằng chương trình trên máy tính, MSI đã “cắt giảm” hầu hết các nút bấm phía sau màn hình, chỉ để lại một cần điều khiển nhỏ cho người dùng khi cần thiết.
Với chương trình này, người dùng có thể dễ dàng điều chỉnh trực quan các thông số của MSI Optix MAG271CQR từ độ sáng đến độ tương phản, các thiết lập màu sắc, hiệu ứng hồng tâm, hiệu ứng đèn Gaming Echo… đơn giản chỉ bằng vài cái nhắp chuột.
Thậm chí người dùng còn có thể tự tạo, chia sẻ với bạn bè hay tải các thiết lập có sẵn trên mạng về để sử dụng. Mọi chi tiết có thể tìm hiểu thêm tại đây: Hướng dẫn sử dụng chương trình Menu OSD cho màn hình chơi game MSI.
MSI Optix MAG271CQR – KHẢ NĂNG THỂ HIỆN KHÁ
Đến với chất lượng hiển thị của MSI Optix MAG271CQR, ấn tượng đầu tiên của người viết chính là hai điểm cải thiện của phiên bản này so với MSI Optix MAG271CR trước đây bao gồm độ phân giải và độ sáng tổng thể.
Đối với hầu hết các màn hình cao cấp hiện nay, độ phân giải Full HD 1080p đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng, nhất là các màn hình có kích thước từ 27 inch trở lên, thế nên MSI nâng cấp sản phẩm lên độ phân giải 1440p (2560×1440) là vô cùng đáng hoan nghênh.
Nhờ đó mà hình ảnh trở nên mịn hơn, chữ viết sắc nét hơn, nhất là trên một màn hình có kích thước đến 27 inch như MSI Optix MAG271CQR thì độ phân giải 1080p đã có phần không đủ dùng khi người dùng ngồi với khoảng cách 1m đổ lại trước màn hình.
Điểm gây chú ý thứ hai chính là độ sáng màn hình đã được nâng từ mức 300cd/m2 quen thuộc lên mức 400cd/m2, đủ sức đạt chuẩn HDR400 theo tiêu chuẩn của Vesa, thế nhưng vì một lý do nào đó mà MSI Optix MAG271CQR vẫn chưa đạt được chuẩn này cũng như chuẩn FreeSync 2 đến từ AMD.
Thế nhưng không phủ nhận được là hình ảnh trên màn hình rất ấn tượng với màu sắc rực rỡ, độ tương phản cao tạo ra ấn tượng rất mạnh cho người dùng, nhất là trong các cảnh ngoài trời với ánh sáng gắt và các màu sắc được tự do thể hiện trên màn hình.
Độ “rực rỡ” và ấn tượng mạnh này có thể xem như tương đương với màn hình 4K HDR “giá mềm” đến từ BenQ là BenQ EW3270U mà Vietgame.asia từng giới thiệu đến bạn đọc.
Những tính năng khác như tốc độ quét hình cao 144Hz, tính năng chống xé hình AMD FreeSync/G-Sync Compatible hay tính năng đáp ứng nhanh 1ms đem lại những trải nghiệm game mượt mà theo tiêu chuẩn của các màn hình chơi game cao cấp hiện nay.
Nhìn chung, chất lượng hiển thị của MSI Optix MAG271CQR ở mức khá so với mặt bằng chung các màn hình chơi game hiện nay với độ phân giải cao, độ sáng ấn tượng và khả năng hiển thị mượt mà trong phân khúc màn hình chơi game trung cấp.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
MỘT SỐ “HẠT SẠN” CÒN LẠI
Mặc dù có những nâng cấp sáng giá so với người tiền nhiệm, thế nhưng MSI Optix MAG271CQR vẫn không tránh khỏi một số “hạt sạn” đáng làm người dùng phải cân nhắc trước khi móc hầu bao.
Là một sản phẩm có độ cong 1800R, MSI Optix MAG271CQR vẫn không “thoát” ra được vấn đề hở sáng muôn thuở của nhóm màn hình này. Tuy vậy, MSI đã có những cải thiện nhất định để tránh hiện tượng loang màu gây khó chịu ở khu vực viền màn hình.
Vấn đề thứ hai nằm ở mức giá của sản phẩm có phần khó cạnh tranh với một vài “đối thủ” khác, chẳng hạn như ASUS TUF VG27AQ ở mức giá cao hơn đôi chút nhưng được ứng dụng tấm nền màn hình IPS cho màu sắc chính xác hơn, tốc độ quét hình lên đến 165Hz và đạt chứng nhận HDR400 hay một ACER VG271UP có mức giá “bám đuôi sát nút” với những lợi thế tương tự.
Trong khi đó, “cơm thêm” độc quyền Gaming Echo lại không thật sự nổi bật đủ để thuyết phục người dùng đến với MSI Optix MAG271CQR.
GIÁ THAM KHẢO
10,400,000đ
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game