MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio – Sau khi cho ra mắt một loạt các sản phẩm RTX 2060 Super và RTX 2070 Super, phải đến tận đầu tháng 8 này thì phiên bản cao cấp nhất trong dòng sản phẩm RTX Super (sau khi có xác nhận phiên bản RTX 2080 Ti Super không tồn tại) là RTX 2080 Super mới chính thức “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam.
Trong đó, sau phiên bản Founder Edition (FE) do chính NVIDIA chế tạo được công bố cách đây không lâu thì MSI là hãng đầu tiên cho ra mắt dòng sản phẩm sử dụng chip xử lý đồ họa RTX 2080 Super do hãng tự thiết kế (custom) tại thị trường Việt Nam với tên gọi MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio.
Với “truyền thống” một vài năm trở lại đây thì dòng sản phẩm Gaming X Trio sẽ được định hướng dành cho game thủ với nhiều món “ăn chơi” quen thuộc cùng với khối lượng thuộc loại “khủng long” nhất trong phân khúc sản phẩm card đồ họa cao cấp.
Vậy MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio có thật sự “đáng tiền” hay lại là một “quả bom xịt” so với các bậc “đàn anh” đi trước? Trước khi đến với bài đánh giá chi tiết, hãy cùng Vietgame.asia “đập hộp” sản phẩm các bạn nhé!
MSI RTX 2080 SUPER GAMING X TRIO – CỖ “CHIẾN XA” BỌC THÉP
Ấn tượng đầu tiên của người viết khi được “trên tay” chiếc card đang “sốt xình xịch” này chính là ấn tượng mà nó đem lại… giống hệt như sản phẩm “đàn anh” MSI RTX 2080 Gaming X Trio đã từng được giới thiệu cách đây hơn nửa năm cả về vỏ hộp, thiết kế lẫn “độ nặng cân” của card.
Thật vậy, vỏ hộp của MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio vẫn là tông màu … xanh chuối quen thuộc, vẫn sản phẩm với ba quạt tản nhiệt Gaming X Trio, vẫn tên gọi “màu mè”… và tất tần tật chẳng có một điểm khác biệt nào so với phiên bản trước đây ngoài dòng chữ Super bé xíu kế bên tên chip xử lý đồ họa cũng… tí hon nốt, đặt ở một vị trí chẳng lấy gì làm bắt mắt.
Khi mở hộp, sản phẩm vẫn đập vào mắt với thiết kế to, dài, “nạc” vô cùng quen thuộc trên các “đàn anh” đi trước, chuyển đổi hẳn từ thiết kế TwinFrozr của cac card đồ họa GeForce Series 10 sang thiết kế ba quạt với tản nhiệt thuộc hàng “khủng long” và sức nặng đủ để làm cong oằn bất kỳ bo mạch chủ nào, dù là phiên bản được “gia cố” tối đa bằng các ngàm thép.
Chính vì thế mà khi tung sản phẩm ra thị trường, MSI đã “tặng kèm” một cây… chống card giúp đỡ toàn bộ trọng lượng của sản phẩm xuống sàn case thay vì chỉ đơn giản là “tựa” vào bo mạch chủ và khe cắm trên vách case như các card đồ họa thông thường.
Trên thực tế, người viết cho rằng với khối lượng thuộc hàng “khủng long” như thế, người dùng nên sử dụng các case hiện đại cho phép dựng card thẳng đứng qua tấm chuyển chữ L. Điều này sẽ đảm bảo mỹ quan hơn rất nhiều và cũng giảm tải cho bo mạch chủ.
Tuy vậy, mặt nạ trước của MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio mặc dù cũng sở hữu các đèn LED RGB rải rác, nhưng với phương án dựng đứng card lên vẫn sẽ không “đẹp lung linh” được như các sản phẩm được tích hợp đèn LED RGB lên các quạt tản nhiệt trên sản phẩm của AORUS, trong khi phần đỉnh card, nơi được bố trí đèn LED RGB “chủ lực” lại bị che đi ít nhiều.
[su_quote]người viết cho rằng với khối lượng thuộc hàng “khủng long” như thế, người dùng nên sử dụng các case hiện đại cho phép dựng card thẳng đứng qua tấm chuyển chữ L[/su_quote]
“ÁO GIÁP” TẬN RĂNG
Sở hữu một chip xử lý đồ họa mạnh mẽ đến gần “đụng nóc” là RTX 2080 Super, hiển nhiên MSI phải trang bị cho sản phẩm một bộ tản nhiệt mạnh mẽ với nhiều ống dẫn nhiệt được mạ nikel sáng bóng, các lá tản nhiệt cũng làm lớn và dày đặc với kích thước chiếm 2.7 chuẩn PCI Express thay vì chỉ 2 khe như các card đồ họa thế hệ trước, “che lấp” cả khe PCI Express 16x kế cận nếu các bạn vẫn còn sử dụng các mẫu bo mạch chủ thiết kế theo kiểu truyền thống.
Để bảo vệ cho bo mạch PCB khỏi khối lượng nặng nề của bộ tản nhiệt, hãng lại tiếp tục trang bị cho MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio một “giáp lưng” thuộc loại siêu dày, siêu cứng với hai màu và hai hoa văn khác nhau cùng các đường cắt xẻ chính xác để chống đỡ cho bo mạch.
Kết quả là MSI lại tiếp tục … lún sâu hơn vào “vũ trang” cho sản phẩm khi phải sử dụng đến … hàng chục ốc kết nối để đảm bảo tản đều lực tác dụng từ phía tản nhiệt ra toàn bộ tấm giáp lưng chịu lực. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người dùng khi muốn “tháo giáp” để vệ sinh, tra lại keo tản nhiệt và “bảo dưỡng” khi cần sau một thời gian sử dụng.
[su_quote]MSI lại tiếp tục … lún sâu hơn vào “vũ trang” cho sản phẩm khi phải sử dụng đến … hàng chục ốc kết nối để đảm bảo tản đều lực tác dụng từ phía tản nhiệt ra toàn bộ tấm giáp lưng chịu lực[/su_quote]
Những chi tiết khác đều không có nhiều thay đổi so với phiên bản trước đó. Hãng vẫn sử dụng cấu hình cấp điện 8+8pin so với cấu hình 6+8pin trên phiên bản FE, để đảm bảo cấp điện cho nhân xử lý đồ họa RTX 2080 Super vốn được hãng ép xung nhẹ sẵn lên mức 1845MHz so với mức vốn đã khá cao của phiên bản FE ở 1815MHz.
Với cấu hình cấp điện này, người dùng vẫn có thể yên tâm hơn khi ép xung sản phẩm lên các mức cao hơn nữa, nhất là khi bộ tản nhiệt mới Gaming X Trio đã tỏ ra hoạt động khá hiệu quả trên “đàn anh” của dòng card là MSI RTX 2080 Ti Gaming X Trio.
Các cổng kết nối vẫn được giữ nguyên so với các phiên bản trước với ba cổng DisplayPort 1.4a, một cổng HDMI 2.0b và một cổng USB Type C dành cho các màn hình cao cấp đang xuất hiện ngày một nhiều hiện nay.
Sản phẩm vẫn duy trì khả năng kết nối SLI với nhiều card đồ họa khác cho các giải pháp xử lý đa card đồ họa, thế nên các “rân chơi” và người dùng chuyên nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng các dàn máy trăm triệu để chơi game và xử lý các tác vụ đồ họa nặng theo nhu cầu của mình.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, MSI RTX 2080 Super Gaming X Trio chẳng có bao nhiêu khác biệt với các sản phẩm “đàn anh” đi trước. Cũng vẫn thiết kế to, dài, “nạc” đến độ phải dùng đến “chân chống”, MSI vẫn cho thấy sự tự tin của mình với thiết kế Gaming X Trio. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở sức mạnh xử lý và giá bán của sản phẩm có thật sự đủ hấp dẫn để người dùng phải “móc hầu bao” hay không mà thôi!
THIẾT BỊ ĐƯỢC MSI HỖ TRỢ