NanoApostle – Lối chơi “boss rush” có lẽ đã không còn quá xa lạ với các game thủ, đặc biệt là những tựa game có độ thử thách cao.
Đúng như tên gọi của nó, đây là kiểu chơi dành cho game thủ “hardcore” xoay quanh các trận đánh trùm, chúng sẽ liên tục xuất hiện lần lượt và bạn sẽ phải hạ gục toàn bộ. Chúng đòi hỏi người chơi phải nắm rõ các cơ chế game, điểm yếu của trùm và có tính kiên nhẫn cao để có thể hoàn toàn làm chủ được nhịp độ trận đấu.
Có rất nhiều những “cái tên” quen thuộc sở hữu lối chơi này, một số thì đưa vào như một phần chơi chính của game, chẳng hạn như dòng game Mega Man, Cuphead, hay Shadow of the Colossus. Một số khác thì biến nó thành những màn chơi phụ, không bắt buộc (The Binding of Isaac, Dead Cells…)
NanoApostle, đến từ nhà phát triển 18Light Game, cũng không là ngoại lệ khi sử dụng “boss rush” làm lối chơi chính của game, bạn sẽ chỉ tập trung vào đánh liên hoàn những con trùm mà không cần quan tâm bất kỳ điều gì khác.
Thế nhưng, đây không phải là một thể loại “dễ xơi”, bởi game cần phải đảm bảo các trận chiến này phải thật sự hấp dẫn và thử thách.
Liệu NanoApostle có đáng để trải nghiệm qua? Hãy cùng Vietgame.Asia điểm qua bài đánh giá sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
NHỮNG “ĐIỆU NHẢY” VỚI TRÙM
Bước vào NanoApostle, bạn tỉnh dậy trong hình hài của cô gái Anita, vốn bị mất trí nhớ và đã ngủ đông trong một quãng thời gian dài. Cùng với thực thể máy móc Kuro được trang bị trong người, Anita chiến đấu để tìm lại sự tự do cho riêng mình. Sau mỗi màn đánh trùm, phần ký ức của Anita dần được hồi phục, những đoạn hồi tưởng hiện lên nhằm vén màn những điều kỳ lạ tại đây.
Phần cốt truyện của game không thật sự quá nổi trội, nhưng vẫn đủ dùng để khiến người chơi có thể “cảm” được trong thời lượng ngắn. Cốt truyện xoay quanh ba nhân vật chính: Anita, Kuro và Wendy – vốn là một thí nghiệm sinh học giống như Anita. Mọi khung hội thoại xảy ra sau khi hạ gục trùm đều bao hàm ba nhân vật, khiến cho từng cá thể đều có “đất diễn”.
“Thực đơn chính” của NanoApostle nằm ở phần chiến đấu.
Game tập trung vào lối chơi “boss rush”, nôm na là bạn sẽ chiến đấu với một chuỗi những con trùm từ đầu tới cuối, không hề có bất kỳ những kẻ địch nhỏ nào cản đường. Lối chiến đấu của game không quá khó để làm quen, bởi chúng chỉ xoay quanh những động tác đơn giản thường gặp trong các tựa game hành động: tấn công, đỡ đòn, né và chưởng.
Mỗi con trùm sẽ có một lối tấn công khác nhau, bạn sẽ cần tận dụng các động tác này để phản ứng cho phù hợp. Một số con trùm sẽ buộc bạn phải liên tục đỡ và phản đòn. Một số lại cần bạn phải sử dụng các đòn đánh xa một cách chuẩn xác để ngăn chặn các đòn tấn công khó nhằn. Chỉ cần trật một nhịp, bạn chắc chắn sẽ bị “bón hành” liên tục bởi những tên trùm này, hệt như các tựa game “Souls-like”!
Dẫu các con trùm có to lớn cỡ nào, chúng vẫn luôn có “tử huyệt”, mang tên Destruction Point. Khi những yếu điểm này được lộ ra, đòn đánh của bạn sẽ trở nên cực kỳ chí mạng. Không chỉ vậy, chúng sẽ lập tức bị choáng trong chốc ít để bạn có thể thỏa thích “xả” sát thương.
Càng về sau, trùm còn được tích hợp một số cơ chế mới để luôn tạo ra thử thách mới mẻ cho người chơi, buộc bạn phải thay đổi cách chiến đấu liên tục. Dĩ nhiên, Anita và Kuro cũng có khả năng tùy biến sức mạnh thông qua các điểm mà cô tích lũy được khi hạ gục trùm, đa phần các tùy chỉnh này đều buộc người chơi phải đánh đổi, chẳng hạn như đòn cận chiến tăng tầm đánh và phá được đạn nhưng đánh chậm hơn.
Về mặt hình ảnh, thoạt đầu, phong cách đồ họa pixel và tạo hình nhân vật trong NanoApostle không để lại nhiều ấn tượng, thế nhưng, sự chỉn chu trong thiết kế lại bộc lộ cực rõ qua diễn hoạt của trùm và các hiệu ứng trực quan (visual cue), góp phần tô điểm cho chất lượng trận đấu – vốn là điểm “ăn tiền” của game.
Mặc dù nhịp độ trận đấu rất nhanh, mọi thông tin xuất hiện trên màn hình được làm rất rõ ràng và người chơi hoàn toàn có thể “học” được nhịp đánh của chúng. Điều này đảm bảo mọi thất bại mà bạn gặp phải trong game là do kỹ năng của bản thân, và khiến cho cảm giác chinh phục được trùm trở nên “phê” gấp bội!
Để tô điểm cho trận đánh thêm phần kịch tích, phần nhạc của NanoApostle đã làm xuất sắc vai trò của mình, bởi những âm điệu vang lên trong trong trận đánh đều tạo cảm giác gây cấn và ly kỳ, như thể muốn hòa người chơi vào một bản nhạc chết người và khiến cho bạn nhảy múa với những con trùm vậy!
sự chỉn chu trong thiết kế lại bộc lộ cực rõ qua diễn hoạt của trùm và các hiệu ứng trực quan (visual cue), góp phần tô điểm cho chất lượng trận đấu – vốn là điểm “ăn tiền” của game
BẠN SẼ GHÉT
ĐÁNG CÂN NHẮC
Trước hết, phải khẳng định rằng NanoApostle đánh vào một tệp người chơi “ngách”, những người thích được thử thách với các trận đánh trùm liên hoàn và game đã làm rất tốt vai trò của mình. Những điểm trừ sau đây chỉ mang tính “vặt lá tìm sâu” mà bạn có thể cân nhắc trước khi “xuống tiền”, bởi trò chơi có mức giá khá “chát” (19.99 đô hay 260,000 đồng khi chưa giảm giá).
Dẫu biết rằng chất lượng sẽ luôn hơn số lượng, nhưng việc game sở hữu thời lượng chơi khiêm tốn chưa tới 10 giờ chơi sẽ không thật sự thỏa đáng lắm với giá tiền. Bởi ở phân khúc này, thật sự người dùng sẽ có rất nhiều lựa chọn khác đáng để cân nhắc, chẳng hạn như một tựa game “bom tấn” giảm giá sâu, hoặc những tựa game độc lập khác sở hữu nhiều nội dung hơn.
Tiếp đến, phần nhiệm vụ tập huấn (Training Missions) có phần không ăn nhập với “thực đơn chính” của NanoApostle. Bạn có thể sử dụng chúng để tập luyện phản xạ hay các thao tác cơ bản trong game, nhưng chả có nghĩa lắm khi bạn có thể… chơi đi chơi lại các màn đánh trùm nhiều lần và tập luyện ngay trong các màn chơi đó, vừa tiết kiệm thời gian, vừa có ý nghĩa hơn.
Cuối cùng, dù game sở hữu đa dạng nâng cấp để bạn tùy biến, nhưng trong đó có một số lại mạnh hơn rất nhiều so với phần còn lại, đặc biệt là các kỹ năng thiên về sát thương. Một khi đã quen sử dụng chúng, bạn sẽ thấy game trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
phần nhiệm vụ tập huấn (Training Missions) có phần không ăn nhập với “thực đơn chính” của NanoApostle