Skip to content

Need For Speed Payback – Đánh Giá Game

Need For Speed Payback

 

Nếu như phải nhận xét ngắn về Need For Speed, thì có lẽ lựa chọn của người viết đó là: nó là một dòng game cố tình không muốn “lớn lên” cùng với khán giả của nó.

Dẫu cho có tuổi đời lên đến 23 năm, có lẽ phần đông người hâm mộ của Need For Speed sẽ đồng ý rằng loạt game này đã ngừng… khá khẩm kể từ sau năm 2007 hoặc 2008. Không phải rằng những tựa game Need For Speed hiện đại không hay (phiên bản Hot Pursuit hiện đại và hai tựa game Shift vượt xa đề tài thế giới ngầm vẫn được người hâm mộ tán dương nhiệt liệt), mà là cái phong cách “xì-tin” ầm ĩ dành cho giới trẻ với cá tính nổi loạn của nó thật sự không mấy thuyết phục đối với giới mộ điệu thuộc thế hệ hiện đại, nếu không muốn nói là lỗi thời.

Đó là chưa kể… ai mà lại chơi game đua xe vì cốt truyện chứ? Và cho dù dòng game rất đáng khen khi luôn luôn tạo cho mình điểm nhấn riêng với đề tài và mạch truyện cho từng phiên bản, thì sự thật phũ phàng rằng cốt truyện của Need For Speed chưa bao giờ chạm được tới mức trung bình (chứ đừng nói là tạm được) vẫn cứ nằm chưng hửng ở đó.[su_spoiler title=”CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM” open=”yes” style=”modern-dark” icon=”chevron-circle”]

  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8 GB
  • Graphics: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • HDD: 1TB
  • Mouse: Logitech G102 Prodigy
  • Keyboard: Cougar Attack X3
  • Gamepad: Xbox One Controller for Windows

[/su_spoiler]Và thế là sau một năm “nghỉ dưỡng” với phiên bản mang cái tên cộc lốc Need For Speed không mấy thuyết phục ra mắt năm 2015, Ghost Games thông báo rằng dòng game đua xe “to xác nhưng não nhỏ” này sẽ quay lại và… “phục thù” trong năm 2017, thế nên cái tên Need For Speed Payback chẳng hề giấu diếm sự tự tin của hãng phát triển trong việc giành lại con tim của người hâm mộ.

Và, thật bất ngờ, bởi người viết dẫu cho sở hữu độ kỳ vọng phải nói là ở mức cực thấp dành cho trò chơi, thế nhưng rốt cuộc Need For Speed Payback đã quá sức thành công trong việc khiến người viết khẳng định rằng mình đã… đúng khi cho rằng Ghost Games không biết làm game Need For Speed. Sau 20 tiếng đồng hồ “phục thù”, cái tên Need For Speed Payback cuối cùng đã được làm sáng tỏ – “Pay” là vì theo EA, sản phẩm của họ phải làm sao để người chơi có được “cảm giác thỏa mãn với sự kiêu hãnh và thành tựu (sense of pride and achievement)” mà người chơi đạt được, thông qua việc… cày cuốc và thanh toán cho những bộ phận nâng cấp xe đắt đỏ bằng đồng tiền khó kiếm. Còn “back” ở đây là một nửa của từ “backfire”, bởi cho dù kế hoạch vực dậy dòng game này của EAGhost Games là gì đi chăng nữa, thì nó cũng đã phản chủ toàn phần.[su_heading style=”line-blue” size=”35″]XEM THÊM[/su_heading][timeline post=”136338, 136180″][su_divider][su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

THƯỞNG LÃM “THUNG LŨNG VẬN MAY”

Đầu tiên, hãy điểm qua những cái mà Need For Speed Payback thực hiện khá khẩm nhất. Bối cảnh chính của game – Fortune Valley, là một vùng đất hoang dã sở hữu 3/4 quy mô thuộc về sa mạc Liberty, núi Providence, hẻm vực Silver Canyon, và phần còn lại thuộc về “kinh đô cờ bạc” Silver Rock. Thành phố Silver Rock thật sự không nổi bật cho lắm với cấu trúc và thiết kế giống như một sự kết hợp “nửa nạc, nửa mỡ” của Las Vegas và New Mexico. Thưởng lãm thiên nhiên tại Fortune Valley thú vị hơn rất nhiều, đặc biệt khi các cung đường cheo leo quanh những dãy núi vẫn mang lại cảm giác tự do đến mức khó tả, còn khu sa mạc Liberty sẽ khiến người chơi dường như có cảm giác rằng biên giới trong Need For Speed Payback gần như là vô tận.

Sự đa dạng trong các sự kiện của Need For Speed Payback cũng thể hiện rõ mục đích thỏa mãn những người hâm mộ yêu thích Need For Speed vì nhiều lý do khác nhau của Ghost Games. Đua làn thẳng (drag), đua đường đất (offroad), đua tính giờ (time trial), đua theo thể thức thông thường (sprint), tẩu thoát khỏi cảnh sát (runner)… và với tư cách là một người rất khoái đua lết bánh (drift) từ phiên bản Need For Speed: Underground 2 cho tới nay, thì thật sự hơi khó để người viết không bộc lộ đôi chút sự thiên vị về phương thức lết bánh có phần hơi phóng đại quá mức của Need For Speed Payback.[su_quote]Sự đa dạng trong các sự kiện của Need For Speed Payback cũng thể hiện rõ mục đích thỏa mãn những người hâm mộ yêu thích Need For Speed[/su_quote]Và dĩ nhiên không thiếu các nhân tố mang tính “filler” của thể loại game thế giới mở hiện đại, từ các điểm Speed Trap/Speed Run/Jump/Drift Zone yêu cầu người chơi thực hiện các hoạt động tương ứng, các đồng xu (Chip) đóng vai trò là vật phẩm mang tính sưu tầm, cũng như những tấm biển hiệu (Collectible) chờ đợi người chơi phá hoại theo phong cách của Burnout. Có người sẽ thích chúng, có người sẽ ghét chúng, cá nhân người viết thì không màng đến chúng lắm, bởi dù sao thì game vẫn cho lựa chọn ẩn các nội dung “filler” này khỏi bản đồ, và thật sự chúng cũng chẳng làm phiền người chơi nhiều lắm.[su_divider][su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]Need For Speed Payback - Đánh Giá Game

NEED FOR SPEED: MAGIC THE GATHERING?

Đây là một tựa game đua xe ra mắt trong năm 2017, thưa quí vị và các bạn. Đây là thành quả của một nhà phát triển bắt tay vào phát triển một tựa game đua xe, nhưng thay vì làm sao để mảng đua xe thật sự vượt trội, thì cái mà chúng ta nhận được là một trò chơi với cảm giác đua xe chỉ ở mức tàm tạm, và phần còn lại của trò chơi được trám đầy bởi những… “thứ” như thế này.

Nâng cấp xế hộp trong Need For Speed Payback không còn dừng lại ở việc thay thế phụ tùng và tùy chính cho hợp ý người chơi nữa, mà giờ đây nó bị giản lược thành những… tấm thẻ bài với các chỉ số khác nhau. Chúng ta có những bộ phận rất đỗi bình thường như hộp số, ống bô, xi lanh, bộ điều khiển động cơ, turbo tăng áp ảnh hưởng lên mã lực, tốc độ tối đa, 0-60, độ bén khi bo cua hay sức chứa/tổng lưu lượng của nitro. Tất cả đều ở đây, thế thì có gì phải phàn nàn? Đó là bởi các tấm thẻ bài tượng trưng cho những bộ phận giờ đây đóng góp vào một chỉ số tổng duy nhất là cấp độ (Level), và con số này là thứ duy nhất mà bạn nên quan tâm, chứ không phải là các chỉ số ám thị hành vi của chiếc xe.

Điều này nảy sinh ra một vấn đề mới: những chiếc xe giờ đây không được phân biệt bằng cách thức hoạt động hoặc hiệu suất của nó, mà điểm khác biệt rõ nhất của chúng thật ra nằm ở một chỉ số cứng nhắc giống như Power Level trong Destiny. Các loại phương tiện trong Need For Speed Payback vốn đã được phân ra cho từng thể thức khiến cho cấp độ này càng trở nên thừa thãi, bởi vì không có ai mà “rảnh hớn” mang Panamera Turbo đi đua đường đất cả.Need For Speed Payback - Đánh Giá GameHệ thống này còn nảy sinh ra một vấn đề mới: nó khiến cho việc xây dựng một bộ sưu tập xế hộp trở nên cực kỳ mất thời gian và tiêu tốn rất nhiều công sức của người chơi. Bản cập nhật được tung ra vào ngày 19/11 cải thiện độ “rùa bò” trong việc nâng cấp xe bằng cách tăng số tiền mà người chơi nhận được thông qua mỗi sự kiện. Ví dụ như trước đây nếu như hoàn thành một cuộc đua chỉ cho người chơi khoảng 7,000-10,000 Bank, không đủ để mua một tấm thẻ bài Speed Card (thường có giá trên 12,000 với những tấm thẻ từ khoảng cấp 7-8 trở lên), thì nay một sự kiện sẽ mang về khoảng 20,000 Bank. Nghe thì nhiều nhưng thực chất chúng chỉ phục vụ cho mỗi chiếc xe mà người chơi sử dụng để hoàn thành sự kiện, bởi yêu cầu cấp độ từ các sự kiện mới tăng một cách chóng mặt khiến cho việc mua thẻ bài mới để thay thế cho bộ phận cũ dường như là việc làm được thực hiện một cách thường xuyên sau các cuộc đua.

Sẽ không có gì đáng nói lắm nếu như nguồn cung thẻ bài đến từ chính việc hoàn thành cuộc đua cho người chơi nâng cấp xuôi dòng như vậy, do độ ngẫu nhiên từ việc rút thẻ bài dường như rất ít khi đứng về phía người chơi. Không ít lần người viết nhận được những tấm thẻ rất… cùi so với bộ phận trên xe của mình. Và vì một lý do nào đó mà Need For Speed Payback buộc người chơi rút một trong ba tấm thẻ bài ở cuối cuộc đua, nhưng không cho người chơi cơ hội sử dụng các Token (đơn vị tiền tệ phụ nhận được từ các thùng Shipment lẫn lên cấp độ Racer) để rút thẻ một lần nữa để đổi lấy tấm ưng ý.[su_quote]các tấm thẻ bài tượng trưng cho những bộ phận giờ đây đóng góp vào một chỉ số tổng duy nhất là cấp độ (Level), và con số này là thứ duy nhất mà bạn nên quan tâm, chứ không phải là các chỉ số ám thị hành vi của chiếc xe[/su_quote]Need For Speed Payback cho người chơi thực hiện Side Bet, là các yêu cầu phụ được thực hiện trong quá trình đua, nếu làm được thì số tiền mà người chơi nhận được đôi khi sẽ gấp rưỡi tổng phần thưởng từ sự kiện, nhưng nếu không thì coi như bạn mất toi khoản chi được đặt cược. Vấn đề ở đây là game sẽ lấy tiền đặt cược ngay khi bạn quyết định thực hiện ở đầu cuộc đua, chứ không phải là sau khi hoàn thành cuộc đua, dẫn đến việc người chơi sẽ dễ mất tiền oan nếu như dính phải các cuộc đua thuộc dạng khó nhằn, phải thử lại nhiều lần.

Vấn đề khiến người viết bực mình nhất, đó là Need For Speed Payback không cho phép người chơi hoán đổi thẻ bài giữa những chiếc xe với nhau, dẫu cho chúng có cùng thuộc một loại (class) đi chăng nữa. Người viết dành khá nhiều thời gian để “cày cuốc” cho hai chiếc Dodge Challenger SRT8 và Honda S2000, nâng cấp độ của cả hai chiếc lên tới 260, và dĩ nhiên trong lúc “cày cuốc” có chừa ra những tấm thẻ cũ đã được thay thế bằng thẻ có chỉ số tốt hơn. Và người viết thật sự cực kỳ thất vọng khi phát hiện ra rằng game không cho phép mình áp những tấm thẻ đó vào chiếc Nissan Skyline GT-R phiên bản R34 mới được rinh về với tổng thiệt hại 93,000 Bank. Đến hiện tại, nó vẫn nằm chễm chệ ở cấp độ 160 và người viết không thể tài nào sử dụng nó do các sự kiện yêu cầu cấp độ vượt quá xa so với tổng chỉ số của chiếc Nissan Skyline, và những cửa tiệm bán thẻ nâng cấp vì một lý do nào đó mà chúng chỉ cung cấp thẻ đủ để tăng một hoặc hai cấp độ.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Token để “quay số” thẻ bài được thiết kế như máy đánh bạc. Vâng, người viết không đùa đâu.[su_divider]

QUÁ NHANH, NHƯNG KHÔNG… QUÁ NGUY HIỂM

Có lẽ có một sự mỉa mai nhất định về mối lương duyên giữa Need For Speed và Fast & Furious mà thực sự không quá khó để nhận thấy. Loạt phim hành động nổi tiếng với độ… “tự sướng về mặt thị giác” cực cao do Vin Diesel cầm trịch khởi đầu với cảm hứng từ phong cách bụi bặm của Need For Speed thời bấy giờ, rồi bắt đầu chuyển mình thành một phim hành động siêu-anh-hùng-giả-dạng-dân-thường cực kỳ ăn khách, trong khi Need For Speed mãi vẫn không thể vật lộn để thoát khỏi cái bóng quá lớn của chính mình. Thế nên vì một lý do nào đó mà Ghost Games quyết định tựa game mới nhất của hãng sẽ trở thành một phiên bản… “fanfiction” tệ hại của Fast & Furious.

Dòng phim Fast & Furious chưa bao giờ có cốt truyện được liệt vào hàng “khá khẩm”, nhưng có một điều mà nó làm rất tốt đó là xây dựng cá tính và mối quan hệ của các nhân vật chính (một phần cũng được củng cố nhờ vào một tuyến truyện kéo dài 5-6 phần phim, chứ không hề độc lập qua từng phiên bản như Need For Speed). Trong khi đó, Need For Speed Payback cố gắng muốn người chơi gắn kết với những nhân vật một chiều và… nhảm ruồi của mình với “zero” nỗ lực từ kịch bản. Ví dụ như nhân vật chính Tyler Morgan của chúng ta là một chàng trai lái xe rất giỏi, và, ừm… cậu ấy biết lái xe, và, ừm… cậu ấy biết nhiều về xe cộ lắm, và, ừm… Còn gì nữa nhỉ… Thật sự xin bạn đọc thứ lỗi, vì người viết cố lắm cũng không thể nhớ nỗi đặc điểm nổi bật nào ở nhân vật chính của chúng ta ngoài việc Tyler là tay lái xuất sắc nhất tại Silver Rock. Đa phần hội thoại trong game xoay quanh Tyler diễn ra như thế này:

  • Nhân vật A: “Ê Tyler, muốn selfie không?”
  • Tyler: “Tôi là tay đua xuất sắc nhất ở thành phố này.”
  • Nhân vật B: “Tyler, mang xe của tôi về lại đây được không?”
  • Tyler: “Tôi là tay đua xuất sắc nhất ở thành phố này.”
  • Nhân vật C: “Ăn sáng chưa Tyler?”
  • Tyler: “”Tôi là tay đua xuất sắc nhất ở thành phố này.”
  • Nhân vật D: “Thằng cha đấy bị gì vậy?”
  • Nhân  vật E: “Tyler là tay đua xuất sắc nhất ở thành phố này.”

(có phóng đại đôi chút nhưng… bạn hiểu ý người viết như thế nào rồi đấy)Need For Speed Payback - Đánh Giá Game[su_quote]Need For Speed Payback cố gắng muốn người chơi gắn kết với những nhân vật một chiều và… nhảm ruồi của mình với “zero” nỗ lực từ kịch bản[/su_quote]Các nhân vật đồng hành cùng Tyler như Mac, Jess và The Gambler không đến nỗi nực cười như thế, nhưng nhìn chung, họ vẫn không qua khỏi ranh giới một chiều, do cách thức xây dựng nhân vật lẫn hội thoại thực sự chỉ ngang bằng phim hạng B. Câu chuyện của Need For Speed Payback xoay quanh một chiếc Koenigsegg bị đánh cắp, một tổ chức chuyên sử dụng quyền lực của mình để xoáy kết quả các cuộc đua về ý mình, và ba người bạn với khả năng lái xe phi thường đến mức… phi lý trên một cuộc hành trình “páo thù” với động cơ và cách thức thực hiện sáo rỗng nhất một cách có thể.

Người viết rất muốn nói thêm về cốt truyện của trò chơi, nhưng cuối cùng lại… dừng lại vì thực sự câu chuyện của nó đáng quên và tẻ ngắt đến mức tìm ra đặc điểm gì về nó để pha trò gây cười cũng khó. Need For Speed Payback về bản chất là một tựa game phá logic đến mức “over the top”, nhưng cái sự nghiêm túc thái quá trong những diễn biến của câu chuyện một lần nữa cho thấy rằng Ghost Games chưa hiểu được tông điệu lẫn tầng lớp người chơi mà mình muốn nhắm đến.

Đó là chưa kể… AI ĐÓ NGỪNG NGAY VIỆC MẤY ĐOẠN PHIM CẮT CẢNH GIÁN ĐOẠN ĐUA XE TRONG NHIỆM VỤ CHÍNH ĐƯỢC KHÔNG?Need For Speed Payback - Đánh Giá GameKể cả khi bạn phớt lờ được câu chuyện ngớ ngẩn và hệ thống nâng cấp xe theo phong cách *** ** người chơi, thì Need For Speed Payback vẫn sở hữu vô vàn lối thiết kế kỳ quặc và phi logic nhất một cách có thể.

Đầu tiên, ai đó ở Ghost Games vừa mới kết hôn với vòng tròn Checkpoint sao? Tại sao gần như 90% cuộc đua trong game buộc người chơi phải chạy qua Checkpoint giống như đút ngón tay vào nhẫn cưới? Có cảm giác như Need For Speed Payback không tin tưởng thị giác và phản xạ của người chơi, thế nên dẫu cho đánh dấu cung đường được chỉ định bằng cả lô mũi tên màu mà đến cả Stevie Wonder không muốn cũng phải thấy, cũng như tô màu rất rõ cho đường đi trên minimap, nhưng trò chơi vẫn đặt rất nhiều Checkpoint trên đường đi giống như hướng dẫn cho em bé vậy. Thậm chí chúng còn chẳng quan tâm bạn đi qua Checkpoint ở hướng nào, dẫn đến việc người viết rất hay đua lết bánh lố ra khỏi đường đua, rồi đi… ngược chiều để đụng Checkpoint và quay đầu xe lại.Need For Speed Payback - Đánh Giá GameNeed For Speed Payback - Đánh Giá Game

Thứ hai, cảnh sát trong Need For Speed Payback chỉ hiện diện trong ba trường hợp: trong các sự kiện Runner, trong một số nhiệm vụ chính, và khi người chơi kích hoạt những chiếc thùng Bait Crate.

Cảnh sát sẽ không rảo quanh những cung đường trong thế giới mở nữa, và nếu như người chơi kích hoạt các sự kiện có cảnh sát dí theo, thì chúng ta sẽ được diện kiến hệ thống truy bắt “nhất quả đất” trong bất kỳ trò chơi nào từ trước đến giờ: chạy qua toàn bộ các… Checkpoint trước khi hết giờ và cảnh sát sẽ tự động buông tha cho bạn.

Và nếu như bạn đang đón nhận thêm một tin xấu nữa thì đừng lo, người viết sẽ không làm bạn thất vọng: các cuộc truy đuổi này chẳng bao giờ kéo dài quá… một phút.

Có lẽ cụm từ cảm thán “Ôi mẹ ơi!” là vẫn không đủ để mô tả A.I trong Need For Speed Payback.

Chúng “rubberband” (xe A.I cố tình được game “ăn gian” tốc độ để vượt qua người chơi) nhiều đến nỗi Michael Schumacher cũng phải than trời!

Xe cảnh sát không chỉ hiếu chiến, mà nói thẳng ra là chúng cố… tự sát chỉ để buộc người chơi dừng lại, bằng cách kết hợp “rubberband” lẫn chèn gọng kềm, khiến người chơi kẹt cứng bằng mọi giá.

Cuối cùng, nếu muốn xây dựng mảng đụng xe, hãy để lại phần đó cho “những tay phá xe chuyên nghiệp” Criterion Games.

Các sự kiện Runner trong Need For Speed Payback thực sự đáng chán, không phải vì thiếu tốc độ, mà là vì vô hiệu hóa các xe truy đuổi dễ tới mức nực cười.

Tại sao một chiếc Audi R8 V10 có thể “đập tan” BMW X6 M chỉ bằng ba phát đụng xe?

Những chiếc xe của các nhân vật chính có “aura” phá xe mạnh mẽ đến mức… xe tăng có lẽ cũng phải cúi đầu thán phục!


  • Sản xuất: Ghost Games
  • Phát hành: EA
  • Thể loại: Đua xe
  • Ngày ra mắt: 10/11/2017
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
  • OS: 64-bit Windows 10
  • CPU: Intel i5 4690K @ 3.5GHz or AMD FX 8350 @ 4.0GHz 
  • RAM: 8GB
  • HDD: 30GB
  • VGA: AMD Radeon™ RX 480 4GB, NVIDIA GeForce® GTX 1060 6GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EA

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

4.5

Need For Speed Payback là tựa game nhắc nhở chúng ta rằng công cuộc tìm kiếm trò chơi Need For Speed đáng giá tiếp theo vẫn còn đang tiếp diễn. Ghost Games đã thử vận may của họ với màn "phục thù" rất có tiềm năng trong sản phẩm mới nhất của họ, nhưng không may rằng họ đã đặt cược sai phía, và kết quả mà chúng ta nhận được là một "quả đắng" không thể cứu vãn loạt game lâu đời này.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ