Skip to content

Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered – Đánh Giá Game

Wrath of the White Witch Remastered

Wrath of the White Witch RemasteredLàm mới game (Remastered) khởi nguồn từ một ý tưởng tốt khi đem những tựa game cũ cải tiến lại một chút về đồ họa cho đỡ “đau mắt” và mang chúng lên những nền tảng cao cấp hơn.

Thực tế hiện tại, chúng ta có những bản Remastered vô cùng chất lượng và đủ sức sánh vai với cả những tựa game mới phát hành như Final Fantasy VIII Remastered, Day of the Tentacle Remastered , God of War III Remastered

Thế nhưng, cái gì quá cũng sinh ra biến tướng, Remastered từ lâu đã thành “mỏ vàng” kiểu mới. Nhà sản xuất chỉ cần bỏ ra một nguồn vốn không quá cao mà vẫn đủ sức ăn lời phè phỡn với việc phát hành lại một tựa game cũ đã có sẵn một lượng người hâm mộ đông đảo.

Và phũ phàng thay, không thiếu những “mỏ vàng” lại trở thành “mỏ xịt” khi sở hữu bản làm lại có chất lượng còn tệ hơn bản gốc mà điển hình như những cái tên Dark Souls Remastered, Sniper Elite V2 Remastered

Quay lại với tựa game ngày hôm nay, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered thực tế lại là một bản làm mới của… một bản làm mới từ tựa game gốc là Ni no Kuni: Dominion of the Dark Djinn trên hệ máy Nintendo DS (còn phiên bản được làm mới hiện tại là từ Ni no Kuni: Wrath of the White Witch trên hệ máy PS3).

Trải qua gần một thập kỉ bị quên lãng cho tới khi được “khai quật”. Liệu trong lần ra quân lần này Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered có đem lại những cảm xúc như những gì tựa game đã làm được từ 10 năm trước?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
Wrath of the White Witch Remastered

QUYỂN SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG DÀNH CHO BẤT CỨ AI!

Không cố tỏ ra giấu diếm hay đánh lừa người chơi, câu chuyện của Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered rất cởi mở. Người chơi dễ dàng biết được mình đang làm gì, phải làm gì và sẽ làm gì.

Khởi đầu của game khá nhẹ nhàng, người chơi sẽ nhập vai cậu bé Oliver cùng mẹ sống trong một thành phố nhỏ tên Motorville. Ở giai đoạn này thì bạn chủ yếu đi loanh quanh mua đồ vặt cho mẹ, gặp những người hàng xóm để hóng chuyện, nghe những câu chuyện về chiếc xe tự chế của ông anh Philip (lâu lâu bạn sẽ gặp vài “hiện tượng lạ” như thấy hào quang hay gì đấy nhưng đừng quan tâm).

Sau khi tốn một mớ thời gian mà người viết tưởng như “đang chơi nhầm thể loại game” thì câu chuyện của chúng ta bắt đầu chuyển biến một cách 180 độ khi mẹ của Oliver hy sinh để cứu con mình.

Oliver trong cơn đau buồn vì mất đi người mẹ thân yêu đã vô tình giải trừ phong ấn cho Drippy, một tiên nhân tới từ thế giới khác nhưng bị giam hãm trong lốt… một con thú nhồi bông!

Drippy thuyết phục Oliver rằng thế giới của cậu và ông ta là hai thế giới liên kết với nhau thông qua hành lang phép thuật, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi một người trong thế giới của Oliver sẽ có một bản sao của chính mình (gọi là Soulmate) trong thế giới của Drippy.

Mẹ của Oliver có Soulmate là đại pháp sư Alicia – người đang bị giam cầm bởi hắc phù thuỷ Shadar và nếu cậu giải cứu thành công Alicia thì rất có thể mẹ của cậu sẽ quay lại dương gian.

Chuyến phiêu lưu vĩ đại của cậu bé Oliver bắt đầu từ đây. Oà vào thế giới mới, game sẽ cung cấp cho bạn quyển sách hướng dẫn phù thuỷ (Wizard’s Companion) với mọi thứ được mô tả rất chi tiết từ công dụng của từng loại phép thuật, những con quái sẽ yếu ớt với phép nào, kháng phép nào…

Thế nhưng, nói là như thế nhưng không có nghĩa là game “cầm tay chỉ việc” mọi thứ, hướng dẫn được đặt ra nhưng người thực hiện là bạn.

Các cơ chế trong game được làm rất thủ công và cầu kỳ, ví dụ như đứng trước cái rương bị khóa – bạn phải phù phép mở khóa, gặp một cây nấm con – bạn phù phép thời gian cây sẽ lớn lên, các nhiệm vụ sẽ chỉ dẫn nơi bạn cần đến nhưng bạn phải tự mò con đường tới đích…

Với việc mọi thứ đều được làm một cách chi tiết và dày đặc như vậy nên gần như một nửa thời lượng game là xoay quanh việc hướng dẫn người chơi học cách… sử dụng các tính năng của game sao cho đúng.

Kết hợp với nhịp độ chậm chạp của lối chơi, mỗi chương hồi đầu tiên trong Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered đều tỏ ra từ tốn với đầy đủ mở đầu, diễn biến, kết quả và lồng ghép vào trong là những nhiệm vụ phụ với những phần thưởng đáng để bạn chạy lòng vòng cả ngày (ngoài những phần thưởng có sẵn, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ phụ bạn sẽ nhận được tem, khi tích đủ tem bạn sẽ dùng để đổi lấy các kỹ năng đặc biệt như nhảy cao, chạy nhanh, phát hiện vật phẩm…).

Nhẹ nhàng, phiêu du là thế, nhưng sau khi trải qua nửa đầu game “cưỡi ngựa xem hoa” thì nửa sau của câu chuyện bắt đầu diễn tiến càng lúc càng nhanh cả về lối chơi lẫn cốt truyện.

Lý do đơn giản là vì tuy đi theo lối đánh theo lượt nhưng Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered không phải độc phong cách truyền thống mà lai tạp trong mình ảnh hưởng của phong cách ADB (Active Time Battle) – cơ chế đã làm nên thương hiệu của Final Fantasy XII: The Zodiac Age và dòng game Xenoblade.

Cũng chính vì sự lai tạp đó mà các lựa chọn trong game trở nên ứng biến và linh hoạt hơn, với bọn quái nhép thì không sao nhưng tới bọn trùm thì bạn cần phải di chuyển liên tục để né chiêu và quan sát, đưa ra các câu lệnh một cách hợp lý.

Hệ thống bạn đồng hành (Familiar) khiến mọi thứ vốn dĩ đã rắc rối nay còn rối rắm hơn nữa. Về cơ bản, Familiar là các ma thú do bạn “cảm hoá” hoặc tự nguyện theo bạn với các sức mạnh và kỹ năng khác nhau.

Bạn phải luân chuyển thường xuyên giữa các Familiar cho các chiến thuật khác nhau, giữa các Familiar lại có khả năng tương tác với nhau (và tương tác với chủ nhân), mỗi “bạn đồng hành” lại có thanh thể lực khác nhau và nếu cạn thanh thể lực thì chúng sẽ phải tạm nghỉ…

[su_quote]dù ít nhưng những cú bện xoắn trong cốt truyện sẽ khiến bạn “ố á” liên tục[/su_quote]

Với 3 nhân vật chính trong tổ đội, mỗi người lại có tới 3 bạn đồng hành, mỗi bạn đồng hành lại có thể điều khiển như người chơi, rồi đấy mới chỉ là cơ chế chiến đấu còn bên cạnh là hàng tá thứ như hệ thống vật phẩm, hệ thống phép thuật, hệ thống chiến thuật…

Thật sự mà nói thì việc bạn tự trầm trồ khen ngợi bản thân mỗi khi xong một con trùm sẽ là một việc… hết sức bình thường!

Tuy câu chuyện trong game diễn ra thẳng đuột nhưng không có nghĩa là không có các nút thắt mở, trái lại dù ít nhưng những cú bện xoắn trong cốt truyện sẽ khiến bạn “ố á” liên tục.

Một nhân vật tưởng chả có gì là đặc biệt lại trở nên vô cùng đặc biệt, một nhân vật tưởng chừng đặc biệt lại… chả có quái gì đặc biệt!

Đi hết câu chuyện trong game người chơi như hóa thân thật sự vào cậu bé Oliver với đủ mọi cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố.

Từ một cậu nhóc ham chơi thành một người đầy trách nhiệm với việc gánh lấy việc cứu cả hai thế giới trên vai.


CHOÁNG NGỢP TỪNG KHUNG HÌNH

Nếu bạn đang băn khoăn về vẻ đẹp 10 năm tuổi của Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered thì yên tâm, bạn sẽ phải mắt chữ A mồm chữ O khi tận hưởng khung cảnh của tựa game.

Với phần tạo hình được làm theo phong cách Ghibli, bạn chắc chắn sẽ có một phiếu quay lại tuổi thơ một cách đầy thi vị.

Phong cách Cel Shading được vận dụng và tối đa hóa toàn bộ sức mạnh trong Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered.

Thật sự người viết không còn cách nào ngoài việc cực kỳ nể phục cách dùng màu của các nghệ sĩ khi mà chỉ bằng cách dùng hai khối màu đơn sắc nguyên bản, một sáng, một tối đã làm nổi bật cả thế giới cầu kỳ và chi tiết.

Thảo nguyên rộng lớn, thành phố Motorville nhỏ nhắn xinh xắn, vương quốc Ding Dong Dell tràn ngập các ngõ ngách bé xíu, Al Mamoon cháy bỏng… tất cả đều sống động và như nhảy múa trước màn hình!

[su_quote]Chỉ bằng cách dùng hai khối màu đơn sắc nguyên bản, một sáng, một tối đã làm nổi bật cả thế giới cầu kỳ và chi tiết[/su_quote]

Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered còn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi phần âm nhạc tới từ Joe Hisaishi – phù thủy đứng sau những Princess Mononoke, Spirited Away, Howl’s Moving Castle

Âm nhạc trong game sẽ khiến bạn man mác một sự hoài cổ nhưng không hề buồn chán, quá cổ điển hay triết lý mà nó gần giống như những bài đồng dao trẻ con hơn.

Âm nhạc, hình ảnh, cách kể chuyện khiến người lớn dễ dàng tìm thấy bản thân mình khi còn là một đứa trẻ khao khát những chuyến phiêu lưu. Còn những đứa trẻ thì cảm thấy như mình lớn lên và vỡ òa ra một thứ gì đó giữa những cánh đồng cỏ…


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
Wrath of the White Witch Remastered

“CỔ LỖ SĨ”

Vốn dĩ là một game làm mới, nghĩa là Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered cũng chẳng có nhiều thay đổi quan trọng trong lối chơi hay những thứ tương tự từ tựa game gốc.

Đơn cử như việc cày cấp chẳng hạn, game giữ luôn cái phong cách “cày tới chết” của thể loại game nhập vai thời kỳ đầu.

Các trận đánh tiếp diễn liên tục trừ khi bạn chạy trốn (nếu không nâng tốc độ thì đừng mơ thoát khỏi bọn quái – NV) hoặc khoảng cách kinh nghiệm quá lớn giữa hai bên. Nếu không có vật phẩm hỗ trợ hoặc kỹ năng thì thật khó để tản bộ ngắm cảnh mà quái không nhảy xồ vào bạn!

Khó chịu nữa là nhân vật hoặc bạn đồng hành tham gia tổ đội muộn vẫn nằm ở… cấp độ 1, đồng nghĩa với điều đó là bạn phải “cày chay” nhân vật đấy từ đầu (vẫn có tí dễ thở là nhân vật bị thọt kinh nghiệm sẽ nhận gấp đôi kinh nghiệm so với bình thường, kể cả kinh nghiệm nhận từ đồng đội).

Thế nhưng nói là như vậy nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các thành viên trong đội vẫn là một thứ khó lấp đầy nhất là vào cuối game khi các trận chiến bắt đầu trở nên khó khăn hơn (vẫn có một số mẹo bạn có thể dùng để giải quyết vấn đề cấp độ như đi săn ma thú Toko hoặc Ulk, cố gắng cày tem để đổi lấy Crackerjack – một kỹ năng bị động giúp tăng kinh nghiệm).

[su_quote]Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered cũng chẳng có nhiều thay đổi quan trọng trong lối chơi hay những thứ tương tự[/su_quote]

Những cảnh trong thành phố Motorville vẫn bị khóa góc quay, tuy nó không thực sự quan trọng trong việc cảm nhận cốt truyện nhưng cảm giác thì vẫn khó chịu khi nhân vật của bạn bị khuất giữa những ngôi nhà.

Chức năng chiến thuật (tactic) khá ngu ngơ, nếu không nằm trong tay bạn để điều khiển thì các nhân vật tự động chỉ phăm phăm lao vào địch để… tự sát dù đó có là lựa chọn phòng thủ hay tấn công.

Một số chỗ vẫn bị tụt khung hình nhẹ như khi ở Al Mamoon hoặc Hamelin.


THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A    
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A   
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4

Vàng 9.0

Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered quá tuyệt vời trên mọi phương diện, mọi thứ trong game đều hài hòa với nhau, tôn vẻ đẹp của nhau lên một cách xuất sắc nhất.



Nếu bạn đang tìm một tựa game hoài cổ nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu hay đơn giản là muốn thưởng thức một câu chuyện phiêu lưu, cổ tích nhưng cũng ngập tràn lãng mạn, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered chắc chắn là một cái tên không hề uổng phí cho sự lựa chọn của bạn.