Skip to content

NZXT H510 Elite – Đánh Giá Gaming Gear

NZXT H510 Elite – Đánh Giá Gaming Gear

NZXT H510 EliteNZXT là một trong những “thế lực” lâu đời trong số các nhà sản xuất linh kiện vi tính cao cấp mà khi nhắc tới họ, người ta nghĩ ngay đến những sản phẩm được thiết kế độc đáo theo một hướng riêng, ít “chạy theo” các xu hướng loạn thất bát tao trên thị trường.

Nói như vậy không có nghĩa là các sản phẩm của hãng lỗi thời, hay không bắt kịp thời đại. Gần như mỗi năm, NZXT đều cập nhật các sản phẩm của mình để bắt kịp thị hiếu của thị trường với các sản phẩm được nghiên cứu, phát triển và sản xuất riêng biệt mà không cần “dựa dẫm” quá nhiều vào các nhà sản xuất “đại trà” OEM như cách mà các hãng công nghệ thường làm để cắt giảm giá thành sản xuất.

Kết quả là “bộ sưu tập” các sản phẩm của hãng ngày một dày thêm với rất nhiều các chi tiết, phụ kiện và thiết bị, dù đắt đỏ, nhưng vẫn vô cùng cuốn hút người dùng bởi thiết kế sang trọng và hiệu suất hoạt động cao hơn hẳn các sản phẩm cùng loại đến từ các nhà sản xuất khác.

Trong năm 2019 này, hãng đã bắt tay làm mới lại dòng “H Series” và cho ra mắt một mẫu sản phẩm nâng cấp cho dòng sản phẩm H510 với tên gọi NZXT H510 Elite mang trong mình nhiều công nghệ mới, thiết kế mới để vươn tầm lên phân khúc sản phẩm trung – cao cấp hiện nay.

Liệu rằng với những nâng cấp nhẹ nhàng và mức giá tăng lên… gấp đôi so với sản phẩm nguyên mẫu, NZXT H510 Elite có đạt được chất lượng xứng đáng với giá tiền mà người dùng bỏ ra?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

NZXT H510 ELITE – ĐẸP “ẤN TƯỢNG”

Như đã nói ở trên, các sản phẩm của NZXT đều rất đẹp, đẹp bởi sự đơn giản về thiết kế với các đường nét thẳng, các góc cạnh vuông vức thay vì cố gắng dùng các đường vát chéo, các gờ nổi hay khung trang trí ra vẻ hầm hố để hút ánh mắt người nhìn…

Nếu tinh ý, bạn sẽ luôn nhìn thấy các mặt phẳng, các hình vuông, hình chữ nhật đều tăm tắp trên các sản phẩm của hãng, và chính những đường nét thẳng thớm và mặt phẳng sử dụng các tông màu tối giản đã làm nên nét đẹp rất riêng của hãng sản xuất đến từ nước Mỹ này.

Điều này giúp cho các sản phẩm của hãng rất dễ dàng “thích nghi” với nhiều điều kiện không gian khác nhau mà vẫn không có cảm giác đối lập đến thiết kế của môi trường xung quanh, dù đó là phòng game, phòng khách, hay thậm chí trên bàn làm việc sang trọng của “sếp lớn” trong các tập đoàn toàn cầu.

NZXT H510 Elite cũng thừa hưởng tất cả những yếu tố rất đặc sắc này, không chỉ trong thiết kế, chế tạo sản phẩm mà thậm chí ngay cả trong cách “đóng hộp” sản phẩm với tông màu trắng – tím quen thuộc theo hình dạng vỏ case với “cửa sổ” trưng bày “lực lượng hùng hậu” các sản phẩm của NZXT bên trong.

Tiến hành mở hộp sản phẩm, NZXT H510 Elite “xuất hiện” với tông màu đen nhám với chất liệu kính ở mặt trước và mặt bên, trong khi các chi tiết khung viền, các tấm vỏ bọc ngoài đều được gia công từ chất liệu sắt vô cùng vững chãi và chắc chắn.

[su_quote]Điều này giúp cho các sản phẩm của hãng rất dễ dàng “thích nghi” với nhiều điều kiện không gian khác nhau mà vẫn không có cảm giác đối lập đến thiết kế của môi trường xung quanh[/su_quote]

Khác với Lian-Li, một hãng chuyên “chơi” với chất liệu nhôm khi chế tạo các mẫu case cao cấp với mức giá đắt đỏ, NZXT vẫn sử dụng chất liệu sắt thông thường như nhiều hãng sản xuất thùng máy khác hiện nay, nhưng không có nghĩa là sản phẩm có chất lượng thấp.

Các chi tiết đều được thiết kế và gia công với độ chính xác cao, dù là đường bo nhẹ tại các góc nhọn, hay các lỗ thông gió “giăng giăng” khắp từ cạnh bên, mặt trên, đến tận mặt đáy của thùng máy với những lỗ khoan có kích cỡ vừa vặn, không quá to để có thể lọt bụi và cũng không quá nhỏ như nhiều hãng sản xuất khác khiến các lỗ thông gió chỉ ở mức… trang trí.

Không những vậy, thiết kế khéo léo cùng với khả năng chế tạo tinh xào khiến cho các khu vực này vẫn chịu lực tốt, đủ sức “gá” vào các radiator tản nhiệt mà không gặp hiện tượng cong, chùng như với các thùng máy giá rẻ thông thường.

Chưa kể đến là công nghệ sơn của NZXT được thực hiện công phu, đảm bảo được chất lượng sơn trên từng chi tiết dù sử dụng trong thời gian dài với nhiều lớp sơn lót, sơn bảo vệ và sơn phủ bề mặt được thực hiện vô cùng nghiêm túc, giảm khả năng trầy sơn khi có va chạm nhẹ cũng như bảo vệ tốt chất liệu sắt bên trong.

Mặt sau của thùng máy cũng được nâng cấp nhẹ với khe cắm cho phép người dùng có thể “xoay dọc” card màn hình thông qua cáp chữ L theo xu hướng thịnh hành hiện nay. Tuy nhiên, phụ kiện này không kèm theo thùng máy và người dùng có thể mua riêng ở ngoài để “trưng bày” card đồ họa của mình, nhất là với các sản phẩm của AORUS có trang bị đèn trên cánh quạt.

Điểm sáng giá nhất trên NZXT H510 Elite chính là hai mặt kính cường lực dày 4mm được xử lý màu tối ở mặt bên và mặt trước máy thay cho lớp vỏ tôn sắt trên phiên bản H510 thông thường, với các góc cạnh được xếp gọn trong các khung kim loại hay hơi thụt lùi nhẹ đôi chút vào sau khung viền, bảo vệ an toàn cho các khu vực này, vốn là các khu vực dễ vỡ nhất trên các tấm kính cường lực nổi tiếng bền bỉ.

Điều này cho thấy hãng đã rút ra những kinh nghiệm nhất định khi dòng sản phẩm bậc phổ thông NZXT S340 Elite của hãng được thiết kế theo phương thức thông thường, “phơi” các góc, cạnh của tấm kính cường lực ra ngoài, rất dễ vỡ vụn với các va đập nhẹ vào các vị trí này với khá nhiều “báo lỗi” trên thị trường thế giới.

Thậm chí cách bắt ốc của tấm kính cường lực cũng được thay đổi triệt để so với các mẫu thùng máy trước đây khi làm theo dạng “kẹp viền”, hạn chế tối đa việc khoan lỗ lên trên tấm kính, giảm thiểu tối đa các vị trí mỏng manh có thể gây tổn thương cho toàn bộ tấm kính, khiến chúng khó “tự hủy” hơn so với cách bắt và siết ốc đè lên trên lỗ khoan như truyền thống.

Nhìn chung, về mặt thiết kế và chất lượng gia công bề ngoài, NZXT H510 Elite tỏ ra là một sản phẩm tốt, được “chăm chút” đủ từ các chi tiết nhỏ để đảm bảo độ bền cho sản phẩm, nhưng vẫn giữ được độ đơn giản, lịch lãm, sang trọng theo cái “chất tối giản” mà NZXT hướng tới.


HỆ SINH THÁI CAM

Thực ra thì từ khá lâu rồi, NZXT đã tự xây dựng cho mình một “hệ sinh thái” phần cứng và phần mềm riêng biệt với tên gọi CAM, thế nhưng đến tận NZXT H510 Elite, hãng mới chính thức tích hợp công nghệ này vào trong thùng máy vừa xuất xưởng.

Nếu so sánh với nhiều phần mềm khác thì NZXT CAM là một chương trình tổng hợp đặc biệt, là “trái tim” của hệ sinh thái NZXT với khả năng can thiệp vào rất nhiều hoạt động của máy như theo dõi tốc độ của CPU và GPU, dung lượng ổ cứng, thay đổi hiệu ứng đèn màu, tốc độ quạt… và thậm chí còn hỗ trợ ép xung mạnh mẽ tương tự như các trình điều khiển Afterburner đến từ MSI hay ASUS GPU Tweak.

Điểm đặc sắc của trình điều khiển này chính là bạn “nắm” tất cả các thông số cũng như hoạt động hệ thống để có thể tiến hành can thiệp trực tiếp mà không phải thông qua một trình điều khiển thứ hai.

Thậm chí người dùng có thể tự thiết lập các chế độ quạt thông minh cho các quạt do NZXT sản xuất, đặc biệt là các thế hệ quạt thông minh NZXT Aer và đèn LED nền RGB Strip.

“Điểm sáng” lớn nhất của NZXT H510 Elite so với phiên bản thông thường chính là hệ thống điều khiển phức hợp có thể hoạt động cùng chương trình CAM với hai quạt NZXT Aer 140mm và hai dây đèn LED RGB Strip mà nếu mua riêng lẻ, hệ thống này có thể “ngốn” của người dùng lên đến gần 100USD.

Bù lại, ngoài khả năng trình diễn ánh sáng RGB đẹp mắt, người dùng có thể hiệu chỉnh hoạt động của từng quạt với các thiết lập khác nhau cho phù hợp với “kịch bản tản nhiệt” đã đề ra, từ đó tạo ra các luồng gió ổn định trong lòng máy, giải nhiệt cho các thiết bị không sở hữu quạt tản nhiệt rời.

Phải biết rằng, NZXT Aer là dòng quạt tản nhiệt tốt nhất hiện nay với khả năng điều khiển thông minh, áp lực gió và dung tích không khí thổi qua trong mỗi phút thuộc loại cao nhất trên thị trường hiện nay. Dĩ nhiên, đây cũng là dòng quạt tản nhiệt thuộc loại đắt đỏ nhất khi mua lẻ bên ngoài.

Những chi tiết còn lại khá tương đồng với phiên bản thông thường khi sở hữu lòng máy rộng rãi, đủ chỗ cho các bo mạch chủ chuẩn ATX, các vị trí để gắn ổ cứng và nguồn đều được “che dấu” hợp lý, khiến cho thùng máy khá gọn gàng nếu chỉ nhìn từ phía trước.

Hệ thống quản lý cáp cũng là một điểm sáng khác trên NZXT H510 Elite với các dây dán đơn giản và các “đường dẫn” được thiết kế sẵn cho phép người dùng đi dây gọn gàng, dù là các dây này nằm ở mặt sau, bị che khuất bởi phần “khó thấy” của thùng máy.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

“ĐỘ MỞ” CỦA CAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHỎ

Nếu so sánh với các phần mềm điều khiển khác trên thị trường thì NZXT CAM là một “trái tim” đúng nghĩa của toàn bộ hệ sinh thái khi đem đến cho người dùng một khung điều khiển duy nhất mà không bị phân tán ra các trình điều khiển riêng biệt cho các tính năng như các hãng sản xuất khác.

Thế nhưng chính bản thân CAM cũng có giới hạn của mình khi đây là một nền tảng tương đối “đóng”, ít giao tiếp với các sản phẩm của hãng khác để có thể tạo nên một hệ thống đồng bộ duy nhất về hiệu ứng đèn cho các thiết bị ngoại vi và màn hình.

Về điểm này thì tính năng Aura Sync của ASUS có độ “phủ sóng” tốt hơn khi rất nhiều sản phẩm đến từ các hãng khác đều được “cấp phép” để có thể hoạt động trơn tru, đồng bộ về màu sắc với các sản phẩm chính hãng.

[su_quote]Thế nhưng chính bản thân CAM cũng có giới hạn của mình khi đây là một nền tảng tương đối “đóng”, ít giao tiếp với các sản phẩm của hãng khác[/su_quote]

Thêm vào đó, một vấn đề nho nhỏ khác nằm ở cách thiết kế khoang chứa bộ nguồn của NZXT H510 Elite. Cách thiết kế này từng được đánh giá cao trong suốt một thời gian dài vì khả năng “giấu dây” hiệu quả của nó.

Thế nhưng khi đến lượt xu thế “bộ nguồn màu mè” lên ngôi thì thiết kế này lại che mất phần đẹp đẽ và “sặc sỡ” nhất của bộ nguồn.

Chẳng hạn như với người viết sử dụng mẫu nguồn ASUS Thor 850W có màn hình OLED hiển thị công suất hoạt động của hệ thống và các trang trí LED RGB thì các trang trí này bị… quay mặt vào trong, làm giảm ít nhiều giá trị của một bộ nguồn cao cấp.

Tuy vậy, những điểm trừ nhỏ này không thật sự đáng kể với người dùng. Nếu bạn yêu thích phong cách độc đáo của NZXT, muốn tìm kiểm một sản phẩm thùng máy chất lượng và thông minh trong phân khúc trung – cao cấp thì đây là sự lựa chọn hợp lý của bạn!

GIÁ THAM KHẢO: 3,890,000Đ


HỖ TRỢ THIẾT BỊ

CỬA HÀNG THAM KHẢO

THÔNG TIN SẢN PHẨM

  • Tên sản phẩm: NZXT H510 Elite
  • Nhà sản xuất: NZXT
  • Xuất xứ: Mỹ
Bạc 8.0

NZXT H510 Elite sở hữu thiết kế tối giản với khả năng gia công cao cấp, các chi tiết nhỏ đều được chăm chút tỉ mỉ, cùng với "gói nâng cấp" đèn NZXT Aer và hệ thống điều khiển thông minh NZXT CAM tỏ ra "sáng giá" rất nhiều so với các phiên bản NZXT H510 truyền thống. Tuy vậy, hệ thống này vẫn chưa thực sự tương thích với các thiết bị ngoại vi, cũng như thiết kế hộc chứa bộ nguồn dạng kín vẫn là những điểm trừ nho nhỏ cho một bộ thùng máy "chất lượng" trong phân khúc trung - cao cấp.