Skip to content

Prince of Persia: The Lost Crown – Đánh Giá Game

Prince of Persia: The Lost Crown

Prince of Persia: The Lost Crown – Không biết đã bao lâu rồi Ubisoft đã không còn mặn mà với những huyền thoại đã giúp họ từ những ngày đầu gầy dựng tên tuổi? Splinter Cell? Lần cuối chúng ta gặp chàng Sam là đúng một thập niên trước. Beyond Good and Evil? Lời hứa về phần hậu bản đã bắt đầu từ… năm 2008, còn Prince of Persia – cái tên đặt nên nền móng cho “cục vàng” Assassin’s Creed sau này? Thời gian “hứa hẹn” của nó chắc cũng na ná với người anh em Beyond Good and Evil vừa kể…

Cũng đã quá lâu rồi kể từ lần cuối cùng bản game Prince of Persia 2008 thực sự làm được một cái gì đó độc đáo và mới lạ. Những hậu bản sau đó của dòng game liên tục chỉ là những cơn “trầm cảm” dành cho người hâm mộ không hơn không kém. Đỉnh điểm có lẽ là màn tái khởi động gây tranh cãi của Prince of Persia: The Sand of Time Remake, khi trông nó chẳng khác gì một bước thụt lùi về nhiều mặt, dù chỉ mới chỉ hé lộ trailer.

Trong cơn phẫn nộ đấy, “cơn bão dislike” từ người hâm mộ lại tiếp tục giáng xuống Prince of Persia: The Lost Crown – một phiên bản “tua ngược” về thời hoàng kim của thương hiệu đình đám này, khi cho rằng nó chẳng phải là Prince of Persia mà họ biết.

Nhưng liệu người hâm mộ đã thực sự hiểu về “khởi nguyên” của chàng hoàng tử mà họ từng hâm mộ hay chưa?

Với nhiều fan gạo cội, có lẽ Prince of Persia: The Lost Crown mang nhiều sự tri ân hơn là nỗ lực cố gắng hồi sinh thương hiệu. Và cũng có lẽ với tâm lý đó, người hâm mộ mới lẫn cũ đã phải bất ngờ bởi những gì mà Prince of Persia: The Lost Crown thể hiện.

Vietgame.asia cũng vậy!

BẠN SẼ THÍCH

ĐOẠT LẠI NGAI VÀNG, TRỞ LẠI THỜI HOÀNG KIM

Kể từ lần ra mắt đầu tiên tại sự kiện Summer Game Fest, Prince of Persia: The Lost Crown đã không may nhận được sự “ghẻ lạnh” từ giới game thủ, bởi trái với kỳ vọng rằng chàng hoàng tử sẽ có một bản làm lại đúng nghĩa. Nhưng không, Ubisoft đã mạnh dạn đem đến một thứ… “cổ”, nhưng không đồng nghĩa với “cũ”. 

Prince of Persia: The Lost Crown mang đến ba phần hoài cổ từ phiên bản Prince of Persia 1989 huyền thoại và bảy phần tân thời chẳng kém các tựa “metroidvania” đình đám hiện nay như Ori and the Will of the Wips, Hollow Knight hay Blasphemous. Đồng thời, như một dấu hiệu hồi sinh của dạng game hành động “platform” màn hình ngang (side-scrolling), sự chuyển mình từ phong cách hành động góc nhìn thứ ba sang góc nhìn hoài cổ này cũng sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ hơn khi kết hợp với những di sản mà Prince of Persia từng đặt nền móng.

Tuy nhiên trước hết Prince of Persia: The Lost Crown có một điểm gây “sốc” người hâm mộ: game không kể tiếp câu chuyện về chàng hoàng tử Dastan, mà thay vào đó nhân vật chính Sargon mới là nhân vật chủ đề. Không mang danh một hoàng tử, cũng không đánh mất vương miệng, nhưng yếu tố về thời gian vẫn là chủ đề chính trong bối cảnh của game. Tuy nhiên, Sargon cũng chẳng có khả năng kiểm soát thời gian mà ngược lại toàn bộ hành trình phiêu lưu của người chơi lại bị tác động rất lớn bởi thời gian.

Dù vậy, cách mà Ubisoft kể câu chuyện trong Prince of Persia: The Lost Crown lại tuyến tính và dễ hiểu đến bất ngờ mà vẫn đầy đủ các cú “quay xe” (plot twist) khét lẹt!

Cách kể chuyện tuyến tính này liên kết chặt chẽ với tiến trình phiêu lưu theo phong cách đậm chất “metroidvania”: Đòi hỏi người chơi phải “mở khóa” (unlock) các kỹ năng cần thiết để quay lại các khu vực cũ nhiều lần, nhằm mở các lối đi mới. Từ đó cài cắm và phân cốt truyện theo từng giai đoạn, kể từng mảnh ghép và cho người chơi một cái nhìn đa chiều hơn về các nhân vật, bối cảnh và câu chuyện xảy ra trước cả khi sự kiện trong Prince of Persia: The Lost Crown bắt đầu.

Ý nghĩa về dòng thời gian nhờ vậy mà cũng trở nên thú vị hơn, không phân nhánh như cách “đa vũ trụ” bị lạm dụng trong các tác phẩm khác. Cho dù bạn có là một game thủ “tuổi teen”, hay đã ngoài tam tuần cũng sẽ vẫn thấy cách xây dựng cốt truyện này rất chỉn chu và đủ thú vị để cùng Sargon phiêu lưu đến cuối hành trình mà không cần phải quá đau đầu suy nghĩ.

Ngoài cách kể chuyện gần gũi, Prince of Persia: The Lost Crown còn mang đến một hệ thống thiết kế bản đồ “tân cổ giao duyên” vô cùng ấn tượng: vừa mới, vừa cũ. Những kỷ niệm về các pha hành động “đi ngang” từ chạy tường, đu xà, phi thân hay vượt qua các cạm bẫy của phiên bản Prince of Persia 1989 một lần nữa được tái hiện dưới một nền đồ họa mới tuy không quá xuất sắc nhưng cực kỳ nhẹ nhàng và có phong cách mỹ thuật đậm chất… anime.

cách mà Ubisoft kể câu chuyện trong Prince of Persia: The Lost Crown lại tuyến tính và dễ hiểu đến bất ngờ mà vẫn đầy đủ các cú “quay xe” (plot twist) khét lẹt!

Trên bàn cân so sánh, tuy khó có thể bì được với Hollow Knight, song thiết kế bản đồ của Prince of Persia: The Lost Crown có thể còn tốt hơn cả dòng game Ori nổi tiếng. Vô vàn cạm bẫy được thiết kế rất thông minh, bắt người chơi phải có một khả năng điều khiển linh hoạt ở mức tốt trở lên, mới mong mở được toàn bộ bản đồ của game.

Nhà sản xuất còn… dúi luôn vào tay người chơi một hệ thống đánh dấu trên bản đồ cực kỳ thông minh mà người viết nghĩ những game thuộc thể loại metroidvania khác cũng nên học hỏi. Đó là “chụp ảnh” lại hoặc đánh dấu những chỗ mà người chơi cần phải nhớ trên bản đồ, để biết ở đấy còn có những bí mật gì chưa được giải đáp. Nếu bạn đang trong kỳ “bị dí deadline” công việc và phải bỏ dở Prince of Persia: The Lost Crown trong một thời gian (như người viết), thì khi quay lại vẫn hoàn toàn có thể bắt kịp nhịp chơi và thông tin tiến độ trước đây. Rất hay!

Đổi lại, nếu game thủ quá… hậu đậu, game có luôn hệ thống “skip” (bỏ qua) để người chơi có thể tiếp tục mạch truyện chính mà không phải bị kẹt ở đâu đó quá lâu. Dĩ nhiên, nếu cho rằng bản thân là một tay chơi sành sỏi của Hollow Knight, Prince of Persia: The Lost Crown cũng không ngại cho người chơi thêm một sự lựa chọn tắt hết các chức năng hỗ trợ, kể cả chỉ đường, nhằm mang đến một trải nghiệm phiêu lưu và nhập vai tốt nhất có thể.

Hệ thống chiến đấu của Prince of Persia: The Lost Crown cực kỳ nhuần nhuyễn với thiết kế rất thông minh, khi cận chiến chỉ cần một nút duy nhất để tạo thành các chuỗi combo phức tạp, không cần “đòn mạnh” hay “đòn nhẹ” rườm rà. Chỉ khi nào cần thực hiện các chiêu thức đặc biệt mới yêu cầu người chơi kết hợp thêm chức năng khác (nhảy, lướt). Đổi lại, các chức năng như bắn cung, ném đồ sẽ được bố trí ở hai nút riêng biệt khác mà đôi khi người chơi… cũng chẳng cần phải quá bận tâm trong quá trình đấu kiếm.

Prince of Persia: The Lost Crown

Tuy dễ làm quen là thế, song để thành thục và “bán hành” cho trùm hay bất kỳ một tên lính nào cũng không hề là điều dễ dàng, một phần là bởi Prince of Persia: The Lost Crown có độ khó rất cao, ngay cả khi chỉ chơi ở mức trung bình! Đỡ đòn đúng thời điểm đỡ (parry) cũng là một kỹ năng mấu chốt giúp Sargon chiếm lấy lợi thế rất lớn trong chiến đấu khi vừa khiến đối thủ thất thế, vừa “sạc” lại được thanh năng lượng thi triển bộ tuyệt chiêu mạnh mẽ.

Đặc biệt là ở các pha đấu trùm, đây mới là lúc cái “chất anime” của game được thể hiện. Người chơi sẽ phải thực sự tập trung cao độ, vận dụng hết tất cả kỹ năng đến mức không dám… “chớp mắt” mới có thể “cân kèo” được chúng. Nhưng cũng đừng lo, hệ thống trừng phạt của Prince of Persia: The Lost Crown khá là… dễ dãi nên việc duy nhất người chơi cần tập trung là “khám mồm boss” hết khả năng của mình. Thành quả sẽ là một trận chiến long-trời-lở-đất, các đòn thế uy lực và dứt khoát chẳng khác gì cuộc chiến của những… siêu Sayan bước ra từ bộ truyện Dragon Ball hay cuộc đại chiến Chén Thánh trong Fate/stay Night mà ở đó đấu trường cũng phải… nát bét!

Thực sự, hệ thống chiến đấu mà đặc biệt là đấu trùm của Prince of Persia: The Lost Crown quá tuyệt, mãn nhãn và thực sự đã tay! Người viết đã thực sự bất ngờ trước toàn bộ các màn đấu trùm của game và các pha cắt cảnh ấn tượng của nó, nhất là khi nó được chỉ đạo bởi một nhà sản xuất game phương Tây thay vì Nhật Bản.

Càng về cuối game, khi hệ trang bị đã được nâng cấp tối, sức mạnh được khai thông tất cả, Prince of Persia: The Lost Crown càng cuốn hút một cách lạ thường, tạo thành một động lực thúc đẩy người chơi muốn “no damage” mọi đối thủ. Con trùm ấn tượng nhất hẳn phải là Vua Darius, một sự kết hợp đầy cảm hứng từ Nameless King, Artorias và Yorm the Giant từ dòng game Dark Souls.

Prince of Persia: The Lost Crown

Còn với những game thủ từng mê đắm phiên bản Warrior Within hay The Two Thrones, Prince of Persia: The Lost Crown cũng không khỏi khiến người viết bồi hồi xúc động khi chứng kiến những pha chiến đấu quen thuộc. Từ tư thế đỡ đòn, đòn kết liễu hoa mỹ, đến động tác chạy tường, bay nhảy lả lướt… cứ như được lấy lại từ phiên bản năm nào.

hệ thống chiến đấu mà đặc biệt là đấu trùm của Prince of Persia: The Lost Crown quá tuyệt, mãn nhãn và thực sự đã tay!

BẠN SẼ GHÉT

Prince of Persia: The Lost Crown

VẪN CÒN ĐÓ CHÚT NUỐI TIẾC

Prince of Persia: The Lost Crown thực sự ấn tượng là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên hơi đáng tiếc, Ubisoft vẫn là Ubisoft khi chưa thể nhào nặn phiên bản này thành một tuyệt phẩm hoàn hảo!

Điểm đáng tiếc đầu tiên chính là cốt truyện. Tuy rằng được thiết kế cách kể rất gần gũi và dễ hiểu bởi sự tuyến tính của nó, song nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì tình tiết đôi khi có nhiều sự nhập nhằn, mà cho đến cuối game những câu hỏi đó vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Game có quá nhiều nhân vật phụ, tuy mỗi người đều góp công đem đến một mảnh ghép cho cốt truyện chính, song nhà sản xuất không thể xây dựng một động cơ có chiều sâu cho toàn bộ những nhân vật đấy, để rồi “làm ngơ” luôn cái kết của họ và buộc người chơi phải chấp nhận sự ra đi “vắng mặt” của họ.

Prince of Persia: The Lost Crown

Sự phát triển không đủ chiều sâu này của cốt truyện cũng vô tình khiến cho các trường đoạn cảm động trong game chưa đủ chín, không thể lay động cảm xúc của người chơi, cũng như không đem đến một lý do đủ để bạn phải đồng cảm với nhân vật chính.

Hệ thống chiến đấu của game tuy rằng cực sướng tay và mãn nhãn với vô vàn các đoạn cắt cảnh cực “xi-nê”, song mảng âm thanh mà đặc biệt là nhạc nền lại vô cùng nhạt nhòa. Còn đâu những giai điệu mang âm hưởng Trung Á cổ trong The Two Thrones, hay những bản rock metal mạnh mẽ trong Warrior Within? Prince of Persia: The Lost Crown không có nổi một giai điệu chủ đề đủ cuốn hút, cũng chẳng có một bản nhạc nền có giai điệu bắt tai nào khiến người chơi phải nhớ lấy sau khi hoàn thành game. 

Nếu được chăm chút tốt hơn như những phiên bản năm xưa, có lẽ Prince of Persia: The Lost Crown đã có thể chạm đến mức tuyệt phẩm!

Sự phát triển không đủ chiều sâu này của cốt truyện cũng vô tình khiến cho các trường đoạn cảm động trong game chưa đủ chín, không thể lay động cảm xúc của người chơi

Bạc 8.5

Prince of Persia: The Lost Crown đã thực sự bước ra khỏi cái bóng quá lớn của các phiên bản cũ, đem đến cho người hâm mộ một hy vọng mới đầy hứa hẹn khi Ubisoft có lẽ đã biết họ cần làm gì để hồi sinh dòng game huyền thoại này.

Prince of Persia: The Lost Crown cũng là một lời nhắc nhở cho chính Ubisoft rằng hãy cố mà làm cho tốt phiên bản Prince of Persia: The Sand of Time Remake, bởi sự kỳ vọng của game thủ sau khi chơi Prince of Persia: The Lost Crown chắc chắn sẽ không hề nhỏ một chút nào.

Còn với game thủ, trong lúc chờ đợi những thông tin mới nhất từ nhà sản xuất, hãy để Prince of Persia: The Lost Crown đưa bạn “một chiếc vé về tuổi thơ” cực đáng giá!