Skip to content

Assassin’s Creed Syndicate – Đánh Giá Game

Creed Syndicate

Assassin’s Creed Syndicate – Năm 1868, London, cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ bước vào thời kỳ hoàng kim, đó là kỷ nguyên vàng của thời đại đã cho ra đời những sáng chế và thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử của loài người.

Quả là thời khắc tuyệt vời trong đời người.

Thế nhưng, sâu thẳm bên trong đó là sự ngăn cách vô bờ giữa hai tầng lớp mà trong đó một bên là tập hợp của những con quỷ dữ đang hàng giờ rút ruộc vương quốc trù phú này, bên còn lại là tầng lớp lao động khắc khổ cống hiến mồ hôi và xương máu trong công cuộc gây dựng nên đế chế này không mảy may nhận ra gồng xích đang giữ lấy đôi chân họ.

Chúng ta đấu tranh để giành lấy những gì mà không thể đơn thuần lấy đi được, điều đó nằm trong bản năng của con người. Chúng ta không mang lại thứ gì cho thế giới này, vậy nên chúng ta không có quyền lấy đi bất kỳ thứ gì thuộc về nó.

– Sir David Brewster & trích đoạn Kinh Thánh 1 Timothy 6:7.

Cường quyền sẽ phải đi đến hồi kết.


BẠN SẼ THÍCH

LONDON – THIÊN ĐƯỜNG CỦA NHỮNG “GIẤC MƠ”

Khát vọng của bạn là gì? Ngồi trên một núi tiền và phủi chúng đi như những lá bài, sở hữu quyền lực tuyệt đối, hay làm bất cứ điều gì mà mình thích?

Đối với cặp song sinh sát thủ Jacob và Evie Frye, mục tiêu của họ không chỉ “nhỏ bé” đến thế: trả lại tự do cho tầng lớp lao động dưới chủ nghĩa tư bản đang bị sa lầy bởi bàn tay của Hội Templar tại London.

Đúng vậy, Assassin’s Creed Syndicate không phải lại là một tựa game nói về hận thù, rửa hận hay “niềm tin” như những bản hùng ca về Ezio Auditore hay Edward Kenway mà chúng ta từng yêu thích và ngưỡng mộ, mà cuộc hành trình của hai chị em nhà Frye xoay quanh một mối thù chính trị đậm chất… cá nhân và cũng không thiếu phần hóm hỉnh.

Đằng một câu chuyện rất điển hình nói về sự xung đột giữa hai tầng lớp là sự khắc họa khéo léo của phong cách “kẻ tung, người hứng” giữa hai nhân vật chính.

Evie là hiện thân của mọi tố chất cần có của một sát thủ: cứng cỏi, không bao giờ để việc riêng ảnh hưởng đến mục tiêu mà mình đề ra (mặc dù điều này chỉ đúng… một phần), nhưng cũng là một con người đầy tình cảm và luôn nghĩ đến người khác.

Trong khi đó, Jacob giống như một cậu bé con, rất sừng sỏ và thiếu nghiêm túc.

Có thể Jacob và Evie không phải là những nhân vật phức tạp nhất trong Assassin’s Creed, nhưng những khoảnh khắc thể hiện cái sự “thẳng trớn” rất tự nhiên của hai nhân vật này, như khi Evie luôn gật đầu “cái rụp” trước mọi lời yêu cầu giúp đỡ, hay khi Jacob đùa cợt về việc Evie tin vào ma quỷ, khiến cho người viết càng cảm thấy gần gũi với họ hơn mặc cho cái sự “sến súa” như một vở kịch opera hiện diện trong từng câu thoại.

Thật kỳ quặc, bởi trong một câu chuyện sở hữu những kẻ phản diện không “điên” thì cũng chả bình thường, không “máu lạnh” thì cũng tàn độc, thì cái tông điệu đầy sức sống và “hồn nhiên” khi mọi sự tập trung lại hướng về Jacob và Evie, giống như một nốt cao trong bản giao hưởng đầy u buồn và thê lương vậy.

Nhưng không chỉ vậy, London đầy diễm lệ trong Assassin’s Creed Syndicate còn có thể được coi như là đoạn điệp khúc khiến con tim của thính giả loạn nhịp.

Một thành phố với nhiều dáng vẻ và đầy muôn màu. Đó là sự nghèo đói, khốn cùng, bóng dáng của những người ăn xin rảo quanh trên những con phố tại Whitechapel, sự nhộn nhịp giữa hàng người đông đúc thương thảo bên trong Southwark, hay tận hưởng ánh bình minh tinh mơ sạch bóng dáng khói bụi ở Lambeth, đúng như bất kỳ mộng tưởng nào về London.

cuộc hành trình của hai chị em nhà Frye xoay quanh một mối thù chính trị đậm chất… cá nhân và cũng không thiếu phần hóm hỉnh

Cái khoảnh khắc khi mà người viết nhận ra rằng, mình đã “lỡ” thầm thương trộm nhớ London mất rồi.

Đó là khi cái sức sống của vương quốc này đã ăn sâu vào trí nhớ của mình, đó là khi người viết dạo quanh sông Thames và bắt gặp một người đàn ông cất lời ca “Leave Her, Johnny” đầy cảm xúc từ thuở nào, đó là khi người viết vô tình chứng kiến một người đàn ông kể lại bài thơ “Jabberwocky” cho những đứa trẻ nghe rồi nhận ra rằng, đó chính là nhà văn Lewis Carroll, người đã tạo nên thế giới thần tiên của Alice

Đó là khi Jacob “gõ đầu” một đứa trẻ khi bắt gặp nó thó lấy túi tiền của một người đàn ông, đó là khi những gã chính trị gia om sòm chả khác gì một cái chợ, đó là khi hai ông lão gặp mặt nhau và trò chuyện khi rảo bước trên cây cầu Westminger như những người tri kỉ…


“MÙA GIÁNG SINH CỦA ASSASSIN”

Lại đến thời điểm đó trong năm khi chúng ta được dịp tiếp tục “mổ xẻ” lối chơi của phiên bản Assassin’s Creed.

Với Assassin’s Creed Unity ra mắt vào năm ngoái, Ubisoft đã mạnh dạn “bó hẹp” quy mô của trò chơi và cải tiến nhiều khía cạnh khác nhau trong lối chơi chính, đáng kể nhất là cơ chế chiến đấu trở nên thử thách hơn và hành động bí mật có nhiều đất diễn hơn.

Assassin’s Creed Syndicate không ngần ngại phân tách rạch ròi giữa hai phong cách chơi cơ bản là “rambo” và hành động bí mật nhưng lại đặt ra rất ít hạn chế.

Một trong những cải tiến sáng giá đầu tiên của Assassin’s Creed Syndicate là sự xuất hiện của chiếc móc câu (grappling hook). 

Bởi vì giờ đây nhà cửa không hề “dính” sát sạt nhau như trước kia mà được chia cách bởi hàng chục con phố và quãng đường, thế nên chiếc móc câu là công cụ cực kỳ hữu hiệu trong rất nhiều tình huống.

Nó có thể hỗ trợ bạn di chuyển chóng vánh qua những dãy nhà, nhanh chóng thoát khỏi sự vây hãm của kẻ thù bằng cách “bay” lên nóc nhà, hỗ trợ ám sát từ trên không (air assassination) hay nếu “xì tin” hơn nữa là rượt đuổi mục tiêu và đáp gọn lên trên nóc xe ngựa của địch thủ.

Jacob và Evie đều sở hữu những món “đồ chơi” mới, tuy không “khủng bố” về số lượng, song chúng đều rất hữu hiệu trong bất kỳ tình huống nào.

Những con dao thay thế cho Phantom Blade là vũ khí tầm xa đắc lực, và khi kết hợp linh hoạt với súng lục và bom điện (cảm ơn Alexander Bell nhiều!) thì chiến đấu trong game sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều.

Assassin’s Creed Syndicate không ngần ngại phân tách rạch ròi giữa hai phong cách chơi cơ bản là “rambo” và hành động bí mật nhưng lại đặt ra rất ít hạn chế

Assassin’s Creed Syndicate không hề thiếu những cuộc truy đuổi vốn là một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của loạt game này, thế nhưng rượt nhau trên đôi chân trần thì… thường quá, bám đuôi trên tàu như trong Asssassin’s Creed IV: Black Flag thì dễ làm người chơi… chửi thề vì quá khó điều khiển.

Vậy đến với London, chúng ta rượt đuổi nhau như thế nào cho đáng mặt quý ông và quý bà?

Những chiếc xe ngựa.

Xe ngựa trong Assassin’s Creed Syndicate lại là một điểm đánh dấu cái sự… thiếu nghiêm túc của trò chơi.

Bạn có thể thúc chiếc xe sang hai bên để chèn ép địch thủ theo phong cách Mad Max, bạn có thể trèo lên nóc xe và nhảy thẳng sang những chiếc xe khác theo phong cách Sleeping Dogs, và dĩ nhiên bạn cũng có thể lấy súng và cho một viên vào đầu tài xế xe khác theo phong cách Grand Theft Auto.

Những pha rượt đuổi trên xe ngựa hỗn loạn đến mức vô lý khi bạn phá tan một góc London, cán bẹp hàng tá người dân, cột điện, cây cối… nó hỗn loạn một cách kịch tính, và cái cách mà trò chơi thực sự khuyến khích người chơi tàn phá càng nhiều càng tốt càng thể hiện tôn chỉ chính của trò chơi: “Quẩy lên đê!

“Cụm từ “Syndicate” không chỉ được thể hiện trong mỗi cái tên và câu chuyện của Assassin’s Creed Syndicate, mà nó còn được lồng ghép khá khéo léo vào trò chơi.

Băng nhóm The Rooks do Jacob Frye bất ngờ thay, cũng sở hữu những nhánh “kỹ năng” hỗ trợ hai nhân vật chính trong quá chơi, và là sự trợ giúp đắc lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bạn có thể kéo theo 5 hoặc 6 tên “đệ tử”, nhào vào các khu vực do Blighters (băng nhóm đối lập được điều hành bởi Templar) nắm giữ và “ăn thua đủ” với chúng.

Với những nhiệm vụ buộc bạn phải hạ sát các Templar đầu sỏ (Templar Hunt), các thành viên của The Rooks có thể đánh lạc hướng giúp bạn bí mật lẻn vào và hạ thủ mục tiêu nhanh gọn, với các nhiệm vụ bắt bớ mục tiêu (Bounty Hunt), thay vì mạo hiểm đối đầu với hàng tá Blighter trong khu vực thì bạn có thể ra lệnh cho The Rooks “mài võ”, trong khi mình đưa mục tiêu đi trên xe ngựa.

Thậm chí, nếu như cảm thấy như thế vẫn là chưa đủ, bạn còn có thể kêu gọi “đệ tử” nhảy lên chiếc xe ngựa và tham gia vào các cuộc truy đuổi không thể nào đậm chất đường phố hơn.

Một số nâng cấp còn cho phép cảnh sát lờ đi những hành động ngoài vòng pháp luật của bạn, trẻ em sẽ cung cấp cho bạn trang bị cần thiết hay xe ngựa vững chãi hơn…

Lựa chọn phát triển băng nhóm và “đầu tư” vào các nhánh hỗ trợ này đều tùy thuộc vào người chơi, bạn có thể hoàn toàn lờ chúng đi và “tự tung tự tác”, nhưng yếu tố này thật sự ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm của người chơi khi giờ đây, bạn càng có thêm nhiều lựa chọn trong việc để lại dấu ấn của mình khắp London.


BẠN SẼ GHÉT
Creed Syndicate

CHIẾN ĐẤU NHÀM CHÁN, ĐIỀU KHIỂN THÔ KỆCH

Mặc dù lối chơi chính của Assassin’s Creed Syndicate khá “ổn”, số lượng nội dung tuy nhiều nhưng không khiến người chơi cảm thấy “nặng nề” như các phiên bản trước, song có một số thay đổi lại “gây hại nhiều hơn là lợi”.

Có lẽ nên đi từ khía cạnh ít ảnh hưởng lối chơi nhất vậy.

Assassin’s Creed Syndicate giới thiệu đến cơ chế phát triển nhân vật theo phong cách game nhập vai, trong đó Jacob và Evie đều sở hữu cấp độ, điểm kinh nghiệm, số tiền và 3 cây kỹ năng (skill tree) riêng biệt.

Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như các kỹ năng này khá là… tầm thường, chúng chỉ dừng lại ở mức độ Jacob có thể kéo dài chuỗi “combo” khi chiến đấu lâu hơn, máu “trâu” hơn, còn Evie thì đáp từ trên cao xuống nhẹ nhàng hơn, mang theo nhiều dao hơn, khó bị phát hiện hơn…

Chúng khá thiếu tính sáng tạo và lượng Token dùng để “mở khóa” các kỹ năng này khá dồi dào, khiến cho người viết cảm thấy các kỹ năng này giống như được đưa vào chỉ để “cho có”, chỉ có vũ khí và trang phục mới thật sự ảnh hưởng đến các chỉ số (tấn công, phòng thủ, gây choáng) của hai nhân vật chính.

Khá kỳ quặc khi mà các kỹ năng phụ trợ từ băng nhóm lại đa dạng và hữu ích hơn nhiều.

Khuyết điểm tiếp theo cũng là điều mà người viết cứ liên tục… mở mồm chửi mỗi khi nhắc đến bất kỳ phiên bản Assassin’s Creed nào cho tới năm ngoái, đó là cơ chế chiến đấu.

Như đã nói ở trên, Assassin’s Creed Unity đã đặt ra hướng đi khá tốt khi khiến người chơi dễ “ăn đòn” hơn, hài hòa rất tốt giữa độ khó và cách tiếp cận mục tiêu khi chiến đấu.

Nó không hoàn hảo, nhưng nó tạo dựng nên một tiền đề khá tốt cho cơ chế chiến đấu trong Assassin’s Creed.

Creed Syndicate

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Assassin’s Creed Syndicate lại thụt lùi ở gần như toàn bộ mọi khía cạnh trong cơ chế chiến đấu.

Nó quá dễ dãi!

Thật vậy, trong suốt hơn 20 tiếng đồng hồ chu du tại London, người viết mới chỉ tử nạn đúng… 3 lần, nhưng đó là khi mình “hổ báo” và chơi 1 chấp 10 trong khu vực mà toàn bộ địch thủ cách mình đến tận 3 cấp độ!

Công thức để bạn gần như nắm chắc phần thắng, đó chính là: “Spam” nút chuột trái, thỉnh thoảng nhớ nhấn Space để “stun” (gây choáng) kẻ địch (vì A.I có thể ăn gian bằng cách tấn công nhanh đến mức mà bạn không thể phản đòn được).

Bạn không thể lăn người để né đòn như trong Assassin’s Creed Unity, bởi vì chỉ cần thuần thục kỹ năng nhấn E để phản đòn, nhấn Space để phá thế thủ và nhấn F để nghiêng người né đạn như Neo trong Matrix là bạn gần như bất tử tuyệt đối!

Không hề có tí ti thử thách nào trong chiến đấu cả, bởi vì Jacob và Evie gần như đã thuần thục kỹ năng chiến đấu ngay trong giây phút đầu tiên của Assassin’s Creed Syndicate.

Thỉnh thoảng bạn có thể thực hiện các pha “multi kill” khi có từ 2 đến 4 địch thủ ở trong tình trạng “Near Death” (đã bị rút cạn máu, chỉ cần chờ người chơi “xử đẹp”) ở xung quanh, hay Jacob và Evie có thể thực hiện các đòn kết liễu khá là… rợn người và đẹp mắt vào một địch thủ nếu ở đúng nơi.

Nhưng nếu đây là thứ đánh đổi cho một cơ chế chiến đấu có chiều sâu thì thú vị hơn, thì thật sự người viết cảm thấy không đáng.

không hiểu vì lý do gì mà Assassin’s Creed Syndicate lại thụt lùi ở gần như toàn bộ mọi khía cạnh trong cơ chế chiến đấu

Cũng bởi vì cơ chế chiến đấu tệ hại này mà người viết càng cảm thấy chán chường mỗi khi các trận “Gang War” thư hùng diễn ra.

Từ những đoạn trailer của trò chơi, người viết đã tưởng rằng chúng sẽ mang lại các trường đoạn “choảng nhau” cực hoành tráng và đầy hỗn loạn, hệt như mở đầu của bộ phim Gangs of New York khi hai băng nhóm của cha sứ Vallon và Bill “The Butcher” Cutting tham gia vào một cuộc đấu “một mất, một còn”.

Trong Assassin’s Creed Syndicate thì sao?

15 chọi 15 thì hơi nhiều quá, thôi cho 8 chọi 8 và một đống khán giả đứng ở đằng sau vỗ tay tán thưởng như đang xem thể thao cho nó “phản ánh đúng thực trạng của London”.

Dù gì thì cũng chỉ mất chưa tới… 2 phút là cuộc đấu kết thúc thôi.

Và cuối cùng, cơ chế di chuyển tự do (free-running), tại sao, tại sao Ubisoft lại có thể phá hỏng cơ chế được coi là dấu ấn của cả loạt game cơ chứ?

Lại một lần nữa người viết phải thuật lại Assassin’s Creed Unity khi trau chuốt cử động nhân vật phải nói là gần như hoàn hảo, cùng với độ chính xác trong từng hành động tuyệt đối.

Đến với Assassin’s Creed Syndicate, người viết có cảm tưởng như game không hề muốn mình hụt bất kỳ cú nhảy nào, bởi vì trò chơi có thói quen hoàn toàn “phớt lờ” hành động của người chơi.

Bạn đang đứng cạnh mép trên đỉnh của một tòa nhà. Trước mặt bạn là một tòa nhà khác và khoảng cách giữa cả hai là khá xa, nhưng có một gờ tường trên tòa nhà kia nằm ngay vị trí mà bạn “nghĩ” là bạn có thể bám được vào nó.

Thử một phen chăng?

Chúc may mắn, bởi vì mặc cho bạn có giữ nút Shift và gõ nút Space như thế nào đi chăng nữa thì Assassin’s Creed Syndicate hoàn toàn không cho phép bạn thực hiện cú nhảy đó, đơn giản là vì game không cho phép, thế thôi.

Bạn chỉ có thể sử dụng chức năng Parkour Down để leo xuống mà thôi.

Những khoảnh khắc như thế này khiến cho người viết có cảm giác như Assassin’s Creed Syndicate chơi quá “an toàn”.

Game “sợ” người chơi thất bại vì hành động của chính mình, sợ hiện lên màn hình dòng chữ “Desynchonization” khi người chơi cắm… răng xuống đất, và để ngăn chặn điều đó, Assassin’s Creed Syndicate “tạm thời” tước đi sự tự do trong quyền điều khiển của người chơi.

Thậm chí, parkour trong Assassin’s Creed Syndicate còn không có được sự mượt mà như trong Assassin’s Creed Unity nữa, thỉnh thoảng đầu của nhân vật xuyên qua bước tường phía trước mặt trước khi nhân vật leo lên, tạo nên một khoảng ngắt quãng cực kỳ khó chịu…


Creed Syndicate

MỘT CÁI KẾT CHƯNG HỬNG…

Và đây chính là khoảnh khắc “giọt nước tràn ly”.

Mặc kệ mọi khuyết điểm trong lối chơi, từ chiến đấu kém cỏi, điều khiển khó chịu, người viết thật sự không hề tiếc nuối quãng thời gian mà mình bỏ ra trong Assassin’s Creed Syndicate, không hề tiếc sau mỗi lần cùng The Rooks chinh chiến sau mỗi trận “thư hùng” với Blighters, không hề tiếc sau những phi vụ “bắt ma” do Charles Dickens đề ra…

Và rồi khi cái kết của Assassin’s Creed Syndicate hiện ra, nó giống như có một ai đó mò đến nhà bạn, tìm lấy bộ đĩa game yêu thích của bạn từ nhỏ, bẻ gãy nó làm đôi rồi cười ha hả vào mặt bạn vậy.

Đó chính là cảm giác “tức tưởi” của người viết sau khi hoàn thành cốt truyện chính của trò chơi.

Crawford Starrick là một nhân vật phản diện được khắc họa trên cả tuyệt vời, một Templar đầy mưu đồ thể hiện sự nguy hiểm của mình trong từng hành động và lời nói, vậy mà không hiểu sao cho đến khi đoạn… “đấu trùm hạng B” ở cuối game bắt đầu, hắn lại trở thành một gã bước ra từ bộ phim… siêu nhân cho con nít vậy!

Một đoạn kết lười biếng, không cảm xúc, thậm chí còn không có một bản nhạc bi tráng nào song hành với toàn bộ những gì đang diễn ra

Tương tự với Jacob và Evie, ai cũng biết đoàn kết là sức mạnh, nhưng cái cách mà họ đoàn kết để chống lại Starrick chỉ có thể được gọi bằng hai từ: sến súa.

Nó khiến người viết phải nhíu lông mày, nó không hề hài hước như bất kỳ khoảnh khắc nào trước đó, nó gượng ép một cách thô bỉ, giống như một ngón tay giữa thẳng mặt người chơi.

Một đoạn kết lười biếng, không cảm xúc, thậm chí còn không có một bản nhạc bi tráng nào song hành với toàn bộ những gì đang diễn ra.

Chưa hết, một tuyến truyện phụ liên quan đến hai trong số những nhân vật chính có dính líu tới… a hèm, “tương lai” của hai người.

Cái kết của mạch truyện phụ này giống như nó là một tập “fan-fiction” được viết bởi một cô bé 15 tuổi vậy, nó quá vô lý và vớ vẩn bởi vì mối quan hệ của hai nhân vật đó quá ư là mờ nhạt trong toàn bộ câu chuyện của trò chơi để rồi cuối cùng, nó góp phần đánh đổ luôn hình tượng của một nhân vật mà người viết ưa thích và ngưỡng mộ trong suốt cuộc hành trình.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft Quebec
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 19/11/2015
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 SP1 / Windows 8.1 / Windows 10 (64bit)
  • CPU: Intel Core i5 2400s @ 2.5 GHz / AMD FX 6350 @ 3.9 GHz
  • RAM: 6 GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 660 / AMD Radeon R9 270 (2GB VRAM w/ Shader Model 5.0)
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
  • RAM: 16GB
  • VGA: ASUS ROG STRIX RX 570 4GB
  • SSD: 960GB

BÀI VIẾT SỬ DỤNG GAME ĐƯỢC UBISOFT HỖ TRỢ

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


7.5

Nếu phải trả lời câu hỏi thích-ghét về Assassin's Creed Syndicate, thì nó chả khác nào đưa cho người viết một khẩu súng lục và chơi trò "cò quay Nga" (Russian Roulette) vậy.



Thành phố London đầy diễm lệ có lẽ là một trong số những địa điểm đầy chân thực nhất trong toàn bộ loạt game từ trước đến giờ, những cải tiến và thêm thắt khác nhau giúp cho trò chơi trở nên hấp dẫn hơn và giảm thiểu "độ ngấy" như trong các phiên bản trước. Nhưng bù lại, Assassin's Creed Syndicate thủ sẵn "gáo nước lạnh" nằm trong cơ chế chiến đấu, điều khiển và một cái kết... xúc phạm người chơi!



Dù cho thế nào đi chăng nữa, người viết không muốn đây là lần cuối cùng mình được gặp lại chị em nhà Frye, nhưng hãy hy vọng rằng, Ubisoft có thể làm tốt hơn nữa trong những hậu bản sắp tới.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận