Razer DeathAdder V3 Pro – Còn nhớ hồi những năm 2000, Razer có thể xem hãng sản xuất phụ kiện đầu tiên dành cho game thủ đã đưa ra khái niệm chuột chơi game với nhiều tiêu chuẩn, thiết lập nên những chuẩn mực cho ngành công nghiệp triệu đô này cho đến tận ngày nay.
Mặc dù khởi đầu bằng mẫu chuột Boomslang, tiếp theo đó là các dòng chuột Diamondback và Viper, thế nhưng đem lại thành công cho Razer lại chính là dòng chuột chơi game Razer DeathAdder bởi thiết kế hình học mang đậm màu sắc công thái học, chất liệu bề mặt cao cấp cùng hàng loạt các trang bị tiên tiến nhưng vẫn giữ một mức giá vô cùng hợp lý.
Trải qua gần 20 năm, dù cho rất nhiều dòng sản phẩm chuột chơi game khác của “nhà rắn xanh” đều bị cho vào quên lãng, thế nhưng Razer DeathAdder vẫn là dòng chuột được chăm chút với các bản cập nhật, nâng cấp công nghệ qua từng thời kỳ và vẫn luôn là sản phẩm chủ lực của Razer cho thị trường game thủ phổ thông.
Hồi cuối năm 2023 vừa qua, hãng đã nâng cấp mẫu chuột chơi game của mình lên phiên bản Razer DeathAdder V3 Pro với kết nối không dây tốc độ siêu cao 8000Hz, đứng hàng đầu trong những mẫu chuột chơi game không dây trên thị trường hiện nay.
Với sự hỗ trợ của Razer Việt Nam, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm mẫu chuột chơi game “quốc dân” này. Liệu những cải thiện mà Razer đem lại cho phiên bản mới này có thật sự sáng giá?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
RAZER DEATHADDER V3 PRO – NHỮNG CẢI TIẾN NHỎ, NHƯNG “CHẤT”!
Razer DeathAdder V3 Pro xuất hiện với phương thức đóng gói mang đậm “chất Razer” với hai màu đen – xanh lá, tương tự những sản phẩm khác của hãng ra mắt trong thời gian gần đây như Razer Kishi V2 PRO hay Razer Kitsune cùng phong cách “nhồi nhét” càng nhiều thông tin vào trên vỏ hộp như thường gặp.
Thế nên bạn có thể dễ dàng nhận ra rất nhiều điểm nổi bật mà Razer muốn quảng bá đến người dùng, trong đó đặc biệt nhất là adapter nhận tín hiệu cho phép truyền tải tín hiệu đến 8000Hz.
Đây là một bước tiến bộ vô cùng ấn tượng trong công nghệ truyền dẫn tín hiệu không dây, phải biết rằng mức tần số quét tín hiệu 8000Hz cách đây vài năm chỉ xuất hiện với các phụ kiện chơi game kết nối dây cáp, thậm chí một số mẫu chuột chơi game thế hệ mới ra mắt gần đây như Corsair M75 Wireless Lightweight RGB cũng chỉ sở hữu mức tốc độ quét tín hiệu 2000Hz mà thôi.
Đến với “món chính” trong bài đánh giá này, mẫu chuột Razer DeathAdder V3 Pro đã được thiết kế lại với một thiết kế hoàn toàn mới, tách biệt khỏi phiên bản V2 vẫn mang nhiều dấu ấn của mẫu DeathAdder nguyên bản ra mắt hồi năm 2007.
Thoạt nhìn, hình dáng mới của mẫu chuột dòng DeathAdder thế hệ mới có vẻ ngoài tương tự với Logitech G Pro hay Ninjutso Sora với phần hai nút chuột được ôm lại gọn gàng hơn với phần khung vỏ có kích thước lớn bao trọn hai nút bấm chuột tách rời thân chuột cùng chất liệu nhựa đặc thù, không quá trơn cũng không quá sần sùi, và đặc biệt hơn là lớp cao su chống trượt ở mặt bên đã được loại bỏ hoàn toàn.
Đây là chi tiết mà người viết thích nhất trên phiên bản mới ra mắt này, bởi lẽ lớp cao su là bộ phận dễ xuống cấp nhất sau thời gian sử dụng.
Thế nhưng đi vào chi tiết, thiết kế của Razer DeathAdder V3 Pro vẫn “chất” hơn hai mẫu chuột đã được đề cập ở trên với những yếu tố nhỏ, nhưng vô cùng tinh tế.
Chẳng hạn như phần mũi hai nút chuột trái – phải vẫn hơi bè ra đôi chút theo đúng phong cách DeathAdder, hay mặt chuột có độ nghiêng nhẹ từ trái sang phải đem đến tư thế nắm chuột nhẹ nhàng và tự nhiên hơn cho người thuận tay phải.
Những yếu tố này tuy nhỏ nhưng trên thực tế đem lại sự thoải mái cho người dùng, đặc biệt là khi bạn phải sử dụng chuột trong thời gian dài.
Chuột có thể kết nối với máy tính thông qua cáp nối USB Type C thông thường hay với adapter phát sóng 2.4GHz HyperPolling Wireless Dongle đi kèm để kết nối không dây đầy đủ băng thông.
Khi cầm trên tay, Razer DeathAdder V3 Pro có vẻ như đằm hơn đôi chút so với Ninjutso Sora dù có thông số kỹ thuật tương đương nhau.
Sự khác biệt này có lẽ chủ yếu đến từ cách xếp đặt linh kiện khiến trọng tâm chuột hơi lệch nhẹ về phía sau một chút. Dù không đáng kể, thế nhưng chi tiết này giúp cho động tác nhấc chuột có cảm giác dễ dàng và tự nhiên hơn một mẫu chuột đặt trọng tâm nghiêng về phía trước hay chính giữa.
Khi cầm trên tay, Razer DeathAdder V3 Pro có vẻ như đằm hơn đôi chút so với Ninjutso Sora dù có thông số kỹ thuật tương đương nhau.
Khi sử dụng chuột để chơi các tựa game hành động, dễ thấy các trang bị hàng đầu như mắt cảm biến quang học Razer Focus Pro 30K hay đầu thu phát tín hiệu tần số 8000Hz đều là những thông số thuộc loại “overkill”, vượt xa rất nhiều nhu cầu của người dùng phổ thông.
Do đó, khi kết hợp với thiết kế công thái học vô cùng ấn tượng của mình, mẫu chuột mới ra mắt của Razer mang đến một trải nghiệm tuyệt vời và trơn tru nhất trong thế giới chuột chơi game không dây ngày nay.
Về mặt thời lượng pin, mặc dù không thể kiểm chứng mức 90 giờ hoạt động mà Razer công bố, thế nhưng thời lượng pin thử nghiệm trong một lần sạc đầy vượt qua một tuần sử dụng toàn thời gian (mỗi ngày hơn 10 giờ), đủ cho người dùng không phải suy nghĩ về chuyện sạc pin trong một khoảng thời gian dài.
Nhìn chung, Razer DeathAdder V3 Pro là một mẫu chuột chơi game tốt trong cả thiết kế lẫn tính năng. Bạn hoàn toàn có thể phát huy đầy đủ năng lực của mình, dù cho bạn có là tuyển thủ thể thao điện tử với những yêu cầu cực cao đối với thiết bị.
BẠN SẼ GHÉT
RAZER DEATHADDER V3 PRO – TÍNH DI ĐỘNG THẤP, MỘT SỐ TÍNH NĂNG “LÀM MÀU”
Mặc dù gần như thể hiện hoàn hảo trong vai trò một mẫu chuột chơi game không dây siêu nhẹ, thế nhưng Razer DeathAdder V3 Pro vẫn có những vấn đề nhỏ của riêng mình.
Trước hết, thiết bị thu nhận tín hiệu (dongle) của chuột có kích thước khá lớn, chỉ có thể kết nối với thiết bị qua cáp USB Type C làm giảm đáng kể khả năng di động của chuột.
Bạn sẽ không thể đơn giản chỉ mang theo chuột trên người với dongle nằm gọn trong lòng chuột như một vài mẫu chuột không dây khác, mà bạn sẽ cần mang theo cả thiết bị thu phát và cáp USB Type C theo cùng.
Tiếp đến, rất nhiều tính năng mạnh mẽ được trang bị cho Razer DeathAdder V3 Pro không thực tế với điều kiện chơi game thông thường.
Chẳng hạn như cảm biến “xịn sò” Razer Focus Pro 30K có tốc độ di chuột tối đa đến 30,000dpi, tương đương chiều ngang của 8 màn hình độ phân giải 4K xếp nối tiếp nhau chỉ trong khoảng cách rê chuột 1 inch (2.51cm), một con số khá phi lý trong điều kiện chơi game thực tế.
Hay tốc độ quét tín hiệu 8000Hz, có thể giảm thời gian nhận tín hiệu từ mức 1ms trên các mẫu chuột chơi game thông thường xuống mức 0.125ms. Nghe thì có vẻ ấn tượng, nhưng với hầu hết các mẫu chuột chơi game cao cấp, mức 2000Hz là tương đối đủ bởi lẽ sự khác biệt giữa 0.5ms và 0.125ms là hầu như không thể nhận biết được.
Đã thế, tốc độ quét tín hiệu 8000Hz còn làm suy giảm thời gian sử dụng pin đến 4 lần, vì thế mà trên thực tế, bạn sẽ rất ít dùng tới mức thông số cao nhất này.
Dĩ nhiên là, với những tính năng và thông số cao cấp, mức giá của Razer DeathAdder V3 Pro chẳng hề rẻ một chút nào nếu so sánh với mặt bằng chung chuột chơi game không dây trên thị trường hiện nay.
Chính vì thế, nếu bạn không có hầu bao rủng rẻng và lòng yêu thích những tính năng mạnh nhất thì hãy cân nhắc thêm trước khi quyết định xuống tiền.
rất nhiều tính năng mạnh mẽ được trang bị cho Razer DeathAdder V3 Pro không thực tế với điều kiện chơi game thông thường
GIÁ THAM KHẢO
4,300,000đ