Razer Huntsman V2 – Razer là một tên tuổi lớn trong ngành sản xuất phụ kiện dành cho game thủ bởi họ đã “khởi xướng” cho rất nhiều xu hướng phụ kiện khác nhau dành cho game thủ, trong đó, đáng chú ý nhất có thể kể đến các mẫu chuột chơi game chuyên dụng với tốc độ quét tín hiệu cao hồi cuối thập niên 90 với mẫu chuột Razer Boomslang, và sau đó nữa là các mẫu bàn phím cơ chơi game với các mẫu bàn phím Razer Blackwidow sử dụng các nút công tắc (switch) Cherry MX Blue đến từ nhà sản xuất Cherry MX lừng danh.
Đây là hình mẫu điển hình cho các thế hệ bàn phím cơ chơi game vào thời bấy giờ, khiến cho không ít các hãng sản xuất phải “học tập theo”, khiến cho trong suốt một thời gian dài, các mẫu bàn phím dùng switch Blue của Cherry MX hay các hãng sản xuất làm nhái khác trở thành xu hướng chủ đạo của thị trường bàn phím chơi game.
Riêng về phần Razer, hãng cũng đã có nhiều thử nghiệm táo bạo nhằm tự chủ thiết kế, sản xuất các dòng bàn phím cơ chơi game của mình nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các game thủ cao cấp với nhiều biến thể switch do hãng thiết kế riêng biệt.
Thậm chí đến năm 2018, hãng tiếp tục cho ra mắt dòng sản phẩm bàn phím chơi game dòng Huntsman với việc ứng dụng switch quang học (optical) đem đến tốc độ “nhận lệnh” cao hơn nữa, phục vụ cho các giải đấu thể thao điện tử eSports chuyên nghiệp, nơi mà các hành động của tuyển thủ “tranh cướp” nhau lấy từng mili giây một.
Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi về chất liệu và loại switch sử dụng, dòng bàn phím này vẫn chịu rất nhiều ảnh hưởng từ phong cách thiết kế các dòng bàn phím cơ chơi game truyền thống.
Thế nên vừa qua, Razer đã tiến hành một lần nâng cấp lớn cho dòng bàn phím Huntsman với phiên bản Razer Huntsman V2 với một vài yếu tố nâng cấp vay mượn từ các sản phẩm bàn phím cơ tự thửa (custom) để hình thành nên dòng bàn phím chơi game cao cấp, đắt đỏ nhất của Razer trên thị trường hiện nay.
Được sự hỗ trợ từ Razer, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm mẫu bàn phím này để có thể đem đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết về mẫu bàn phím cơ chơi game cao cấp này.
Liệu những nâng cấp này có xứng đáng với mức giá cao ngất ngưỡng trên thị trường bàn phím cơ chơi game hiện nay?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
RAZER HUNTSMAN V2 – SỰ TINH TẾ TRONG TỪNG CHI TIẾT NHỎ
Về tổng thế, Razer Huntsman V2 được đóng gói mang đậm đặc trưng các mẫu sản phẩm Razer với lớp vỏ màu đen viền xanh lá vô cùng quen thuộc với các fan nhà “rắn ba đầu” với chất lượng in vô cùng tốt và sắc sảo, cho hình ảnh rõ nét và ấn tượng về mẫu bàn phím thế hệ mới của Razer.
Về tổng thể, từ hình dáng minh hoạ ban đầu ở bề mặt vỏ hộp, có thể thấy phiên bản này không khác biệt nhiều lắm so với phiên bản Razer Huntsman Elite ra đời cách đây ba năm, ngoại trừ kê tay và núm vặn âm lượng được thiết kế nhẹ lại đôi chút.
Trong khi đó, mặt sau là những thông tin về các công nghệ chủ chốt được trang bị trên mẫu bàn phím này, đáng chú ý nhất là lớp giảm ồn tích hợp và công nghệ switch quang học thế hệ thứ 2 được hứa hẹn giảm thiểu tối đa tiếng ồn so với thế hệ trước đó.
Tiến hành đập hộp, có thể thấy Razer Huntsman V2 được hoàn thiện với độ tỉ mỉ cao với nhiều yếu tố nhỏ được chăm chút cho thấy sự tinh tế của nhà sản xuất.
Đầu tiên, dễ thấy nhất là sự cứng cáp về tổng thể của mẫu bàn phím này khi sở hữu lớp vỏ nhựa ngoài chắc chắn, tấm nền bàn phím bằng kim loại đem đến độ nặng và đằm nhất định, đồng thời bảo vệ được bảng mạch và chân switch phía bên trong.
Khu vực chân đế có thể điều chỉnh được với hai nấc độ cao khác nhau, đảm bảo cho người dùng tìm được vị trí gác tay thoải mái nhất, trong khi đó, các chân đế cao su được thiết kế lại để có thể bám chắc vào mặt bàn hơn, khó bị xô lệch hơn khi tác động lực theo phương ngang như phiên bản thế hệ trước đó.
Ở mặt trên, hệ thống mũ phím cũng được chế tạo bằng chất liệu nhựa PBT dày dặn với công nghệ đúc Double Shot, giúp đảm bảo chất lượng ký tự được bền đẹp dù sử dụng trong thời gian dài, không gây bóng phím, hay dễ gây trượt tay với những người bị chứng ra mồ hôi tay.
Việc nâng cấp mũ phím lên chất liệu nhựa PBT cũng là một điểm cộng đáng khích lệ khi hầu hết các đối thủ trên thị trường hiện nay của Razer đã bắt đầu “phổ cập” mũ phím PBT chất lượng cao cho các sản phẩm bàn phím cơ chơi game dòng cao cấp, thậm chí đến một số mẫu bàn phím dòng tầm trung cũng được trang bị mũ phím chất liệu này, khiến cho các sản phẩm vẫn sử dụng chất liệu ABS trở nên “kém sang” hơn hẳn.
Mặc dù sở hữu một hệ thống switch quang học tách biệt, thế nhưng các switch trên Razer Huntsman V2 đều tương thích với mũ phím chuẩn Cherry MX, thế nên người dùng hoàn toàn có thể “độ” các phiên bản mũ phím theo ý thích, kể cả các mũ phím nghệ thuật dòng artisan được làm thủ công hoàn toàn với mức giá đắt đỏ.
Nói thêm một chút về mẫu switch quang học được Razer trang bị cho mẫu bàn phím này.
Mẫu switch này được các kỹ sư của Razer thiết kế riêng với kết cấu khá đặc biệt so với các switch quang học được làm theo “chuẩn Cherry MX” thông thường với hành trình phím ngắn, khả năng đáp ứng siêu nhanh với độ bền (theo Razer quảng cáo) lên đến 100 triệu lần nhấn.
Ngoài kết cấu thanh chữ thập theo chuẩn Cherry MX, Razer mở rộng khung nâng đỡ của switch ra rộng hơn, có phần tiếp xúc với mũ phím rộng hơn, nhằm tạo ra độ cân bằng cao hơn cho phím bấm thao tác nhanh, tương tự như các mẫu switch Romer G được trang bị cho bàn phím Logitech G hay switch Topre của RealForce.
Mặc dù sở hữu một hệ thống switch quang học tách biệt, thế nhưng các switch trên Razer Huntsman V2 đều tương thích với mũ phím chuẩn Cherry MX
Thậm chí Razer còn trang bị thêm một thanh cân bằng nhỏ bên trong, đảm bảo cho phím chỉ có thể chuyển động tịnh tiến theo chiều dọc mà thôi, không bị tình trạng bấm trượt, lệch phím trong những pha “nháy phím” quá nhanh.
Kết cấu này rất hiệu quả và nhanh chóng đối với các thao tác nhanh của tuyển thủ tham dự eSports, thế nhưng với kết cấu nhiều linh kiện khá cồng kềnh khiến cho giá thành chế tạo trở nên đắt đỏ, đó là chưa kể đến tiếng ồn mà các switch của Razer phát ra luôn vượt trội các mẫu switch do Cherry MX sản xuất khiến cho nhiều game thủ phải phàn nàn về độ ồn vận hành của bàn phím.
Thế nên Razer đã tiến hành cải tiến mẫu switch quang học trên Razer Huntsman V2 lên thế hệ thứ hai với các linh kiện tốt hơn, được bôi trơn (lube) kỹ lưỡng hơn đem đến hoạt động có phần êm ái hơn thế hệ đầu tiên.
Razer còn tích hợp vào tấm nền một tấm đệm tiêu âm bằng chất liệu foam giúp triệt tiêu rung động và tiếng ồn đến mức tối đa.
Điều này khiến cho Razer Huntsman V2 phát ra độ ồn ở mức vô cùng thấp, thậm chí thấp hơn xa một số mẫu bàn phím sử dụng cơ chế vòm cao su (rubber dome), gần như trở thành một “hố đen” về tiếng động.
Đây là một điểm nhấn vô cùng ấn tượng của mẫu bàn phím này bởi lẽ tiếng ồn của bàn phím cơ chơi game luôn là vấn đề gây đau đầu với nhiều game thủ khi phải sử dụng bàn phím trong môi trường đông người hay nhà có người già, trẻ nhỏ, mà các biện pháp sử dụng vòng đệm cao sư dạng chữ O có thể giải quyết được một phần tiếng ồn, nhưng lại không đem đến cảm giác nhấn phím hết hành trình.
Do đó, cảm giác gõ phím, dù là chơi game hay soạn thảo văn bản là vô cùng đã tay với độ phản hồi nhanh, sự chính xác của phím cơ, nhưng vẫn giữ được độ ồn ở mức tối thiểu.
Ngoài ra, kê tay cũng được thiết kế nhẹ lại với phần đệm bọc da PU “tràn viền” với khả năng kết nối cùng bàn phím nhờ vào lực hút của nam châm, loại bỏ kết nối cấp điện rườm rà và đèn viền quanh kê tay trên thế hệ trước vốn dĩ không mấy cần thiết, giúp thu gọn một sợi cáp USB cấp điện, cũng như mọi thao tác lắp đặt và hoạt động trở nên dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.
Đây là một chi tiết khá nhỏ nhưng cho thấy sự chăm chút tỉ mỉ và tinh tế của Razer đối với mẫu bàn phím chơi game thế hệ mới của mình khi mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dùng.
Khi kết nối bàn phím với PC, bộ nhớ tích hợp trong bàn phím sẽ “gợi ý” cho người dùng tải trình điều khiển Razer Synapse để có thể khai thác tối đa các tính năng của bàn phím.
Qua đó, người dùng có thể điều khiển hiệu ứng đèn nền chuyên sâu đến từng nút ở các mức độ sáng khác nhau, tạo và lưu trữ các tổ hợp phím bấm vào bộ nhớ, một tính năng chỉ tồn tại trên các dòng bàn phím cao cấp trên thị trường hiện nay.
Các phím điều khiển nội dung đa phương tiện được thiết kế theo quy củ ở góc trên bên phải, giúp người dùng dễ dàng điều khiển âm lượng, qua bài, ngừng/phát nhạc theo cách thuận tiện nhất.
Về tổng thể, ngoài việc kế thừa những ưu điểm đã có trên dòng sản phẩm Huntsman thế hệ đầu tiên, Razer đã rất chịu lắng nghe phản hồi từ phía người dùng để đem đến những cải thiện, tuy nhỏ, nhưng vô cùng hữu ích cho Razer Huntsman V2, giúp mẫu bàn phím này có thể thoả mãn yêu cầu của cả những người dùng khó tính nhất.
BẠN SẼ GHÉT
RAZER HUNTSMAN V2 – MỘT VÀI VẤN ĐỀ CẦN CÂN NHẮC
Là một mẫu bàn phím cơ chơi game chất lượng cao với nhiều yếu tố được Razer chăm chút tỉ mỉ, thế nhưng vẫn còn một vài yếu tố mà bạn cần cân nhắc trước khi “xuống tiền” cho mẫu bàn phím Razer Huntsman V2 này.
Trước hết, mặc dù sở hữu kết cấu switch khá tương đồng, có thể thay thế đồng dạng với các mũ phím sản xuất dành cho chuẩn Cherry MX, thế nhưng với một số phím nhất định sử dụng thiết kế thanh cân bằng (stabilizer) hai bên như phím Space Bar, phím Enter … đều có khác biệt so với thiết kế chuẩn thông thường.
Thế nên nếu bạn muốn thay đổi mũ phím cho mẫu bàn phím cơ chơi game này, chắc chắn là việc tìm kiếm thay thế cho các phím có kích thước lớn này là vô cùng khó khăn, nếu không, bạn sẽ phải giữ lại chúng để sử dụng cùng với các mũ phím mới để có thể đảm bảo về công năng cho bàn phím.
Tuy vậy, các mũ phím “zin” của Razer đã có chất lượng rất tốt nên người dùng có thể trực tiếp sử dụng mà không cần phải để tâm “nâng cấp” như đối với thế hệ trước đó.
một số phím nhất định sử dụng thiết kế thanh cân bằng (stabilizer) hai bên như phím Space Bar, phím Enter … đều có khác biệt so với thiết kế chuẩn thông thường
Thứ đến, mức giá bán của Razer Huntsman V2 hiện nay đang cao gấp rưỡi phiên bản Razer Huntsman Elite của thế hệ trước, khiến các fan trung thành của Razer cũng phải “chùn tay”.
Những tính năng được trang bị mang hơi hớm “vô cùng cao cấp” như tốc độ quét tín hiệu lên đến 8000Hz, gấp 8 lần các mẫu bàn phím chơi game thông thường lại rất khó cảm nhận được trong bối cảnh switch quang học của Razer có tốc độ đáp ứng siêu nhanh, khiến cho những tính năng “đạt đỉnh” của Razer trở thành những “nâng cấp nhỏ”, không đem đến quá nhiều khác biệt trong mắt người dùng so với mức giá cao ngất ngưỡng của sản phẩm.
Dù rằng thiết kế khử ồn cho phím cơ của mẫu bàn phím này vô cùng độc đáo, đem đến một trải nghiệm gõ phím mới mẻ, đầy tiện ích cho những người sử dụng bàn phím ở nơi đông người, hay gia đình chật chội có người già và trẻ nhỏ, thế nhưng với các fan “gộc” của “team rắn ba đầu” thì độ ồn của phím mới là đặc trưng cố hữu.
Điều này khiến cho mẫu bàn phím này có vẻ như được chế tạo để trở thành một sản phẩm hướng đến nhóm người dùng mới nhiều hơn là nhóm fan kỳ cựu của Razer, tuy nhiên, với những người dùng mới toanh thì mức giá này là khá cao để bắt đầu làm quen với bàn phím cơ chơi game.
Thêm vào đó, dù được trang bị dây cáp USB bọc vải dù chống cắt và mạ vàng, thế nhưng Razer vẫn nhất quán với cáp nối liền cũng làm cho mẫu bàn phím nay mất đi ít nhiều vẻ “thời thượng”, hay cùng với việc “cắt xén” cáp USB phụ để cấp điện cho đèn nền thì Razer cũng bỏ luôn cổng kết nối tiện lợi trang bị ở mặt hông bàn phim cho các ổ cừng USB flash khi cần truy cập nhanh.
Tuy vậy, điểm trừ này rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của người dùng đối với sản phẩm.