Skip to content

Razer Viper V3 Pro Faker Edition – Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Razer Viper V3 Pro Faker Edition – Những năm gần đây, các nhà sản xuất nhỏ lẻ, ít tên tuổi dần đạt được những bước tiến đáng kể về mặt công nghệ và cho ra mắt nhiều mẫu chuột chơi game tính năng cao với mức giá vô cùng dễ chấp nhận.

Điều này tạo ra một sức ép vô cùng lớn cho các tên tuổi sản xuất phụ kiện chơi game truyền thống, khiến họ phải tiến hành các nghiên cứu sâu hơn, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Trong bối cảnh đó, Razer, nhà tiên phong trong lĩnh vực sản xuất chuột cũng đã có những bước đi dài trong quá trình phát triển chuột chơi game của mình, không chỉ đơn thuần là trang bị cho sản phẩm phần cứng cao cấp, mà còn kết hợp chặt chẽ với nhà sản xuất linh kiện Pixart Imaging để cho ra mắt dòng cảm biến quang học riêng biệt dành cho chuột chơi game RAZER Focus Pro Optical Sensor.

Gần đây nhất, phiên bản RAZER Focus Pro 35K Optical Sensor Gen-2 ra mắt và được trang bị trên chuột chơi game Razer Viper V3 Pro.

Không chỉ dừng lại đó, Razer tung ra phiên bản Razer Viper V3 Pro Faker Edition với những cập nhật mới, tăng cường tính năng cho sản phẩm, biến mẫu chuột này trở thành sản phẩm có khả năng tuỳ biến hàng đầu trong làng chuột thi đấu hiện nay.

Những tính năng kết hợp giữa phần cứng và phần mềm này là gì và có tác động đến game thủ ra sao? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!

CÔNG NGHỆ

Razer Viper V3 Pro Faker Edition - Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Razer Viper V3 Pro Faker Edition – Khả năng tuỳ chỉnh phần cứng

Phải nói rằng RAZER Focus Pro 35K Optical Sensor Gen-2 trang bị trên Razer Viper V3 Pro Faker Edition là mẫu cảm biến quang học vô cùng đặc biệt mà Pixart Imaging sản xuất với khả năng tuỳ biến vô cùng cao trong thế giới cảm biến chuột ngày nay, không chỉ trong các yếu tố như tốc độ tính bằng DPI, tần số lấy mẫu Polling Rate như thường thấy trên các mẫu chuột chơi game cao cấp trước đây.

Yếu tố đầu tiên có thể kể đến là Khoảng cách ngừng (Asymmetric Cut-off) có thể tuỳ biến được.

Razer Viper V3 Pro Faker Edition - Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Khoảng cách ngừng là khoảng cách tối đa mà cảm biến quang học có thể bắt được tín hiệu phản hồi từ bề mặt rê chuột. Thông thường thì đối với hầu hết các cảm biến quang học, khoảng cách này là một con số cố định, khiến người dùng, đặc biệt là các game thủ chuyên nghiệp phải “nương” theo chuột trong quá trình thao tác.

Điều này là rất bất cập vì trên thực tế, các tuyển thủ thể thao điện tử có nhu cầu và thói quen khác nhau rất lớn.

Razer Viper V3 Pro Faker Edition - Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Với tốc độ di chuột nhanh, các tuyển thủ rất dễ dàng đẩy chuột quá tầm tay và cần phải hồi chuột về vị trí thuận tiện. Động tác nhấc chuột cao có thể tiêu tốn thêm chút ít thời gian (dù chỉ tính bằng mili giây) trong quá trình thao tác cực nhanh cũng có thể đem lại một số bất lợi nhỏ cho tuyển thủ. Một số tuyển thủ khác lại có thói quen nhấc chuột một khoảng cách nhỏ nhưng cảm biến quang học vẫn đủ sức “bám bàn” để có thể có những thao tác cực nhanh không ma sát với mặt bàn.

Chính vì lý do đó mà cảm biến RAZER Focus Pro 35K Optical Sensor Gen-2 trang bị trên Razer Viper V3 Pro Faker Edition có khả năng tuỳ chỉnh Khoảng cách ngừng theo ý thích của người dùng. Bạn có thể căn cứ theo thói quen của mình mà điều chỉnh khoảng cách này với 26 cấp độ phục vụ cho các thói quen di chuột khác nhau. Chẳng hạn như với người phải nhấc chuột nhiều thì bạn có thể chỉnh mức này xuống 0.7mm để có thể hồi chuột nhanh nhất có thể, hay với người thích ghìm tâm ngắm không ma sát thì bạn hoàn toàn có thể nâng mức này lên 2mm trong trình điều khiển tuỳ theo ý thích của mình.

Razer Viper V3 Pro Faker Edition - Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Yếu tố thứ hai chính là khả năng thích ứng với bề mặt rê chuột.

Có một thực tế mà ít người quan tâm, thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến, đó chính là lót chuột có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với hiệu suất sử dụng chuột, nhất là khi các bề mặt khác nhau có thể tạo ra các thay đổi nhỏ trong cách mắt chuộn nhận thông tin, từ đó ảnh hưởng đến thể hiện của người chơi. Thử tưởng tượng mà xem, nếu ngắm bắn nhanh đối thủ ở khoảng cách xa, chỉ cần tâm ngắm lệch đi một vài điểm ảnh (pixel) trong tích tắc thì kết quả thu nhận được cũng hoàn toàn khác biệt.

Chính vì thế mà mẫu chuột Razer Viper V3 Pro Faker Edition sở hữu khả năng tự cân chỉnh (auto calibration) để đảm bảo thao tác người dùng luôn chính xác với các bề mặt bàn rê chuột khác nhau.

Razer Viper V3 Pro Faker Edition - Những cải tiến trong làng chuột thi đấu

Không chỉ có vậy, tính năng này mạnh đến độ cảm biến RAZER Focus Pro 35K Optical Sensor Gen-2 còn có khả năng hoạt động trên bề mặt kính, vốn là một bề mặt cực kì khó nhằn đối với cảm biến quang học do khả năng phản xạ quá mạnh và độ trơn nhẵn cao của bề mặt này.

Cuối cùng, tính năng Motion Sync, là tính năng gây tranh cãi với những người chơi đã quá quen với cách di chuyển có phần nhấp nháy của chuột chơi game, nhưng đây cũng là một tính năng đặc biệt mà RazerPixart Imaging phát triển để cải thiện khả năng di chuyển cho mẫu chuột thi đấu của mình.

Đối với đại đa số chuột trên thị trường hiện nay, con trỏ chuột không đơn giản là di chuyển theo chuyển động của tay người dùng mà cơ chế hoạt động phức tạp hơn nhiều. Tín hiệu từ mắt đọc sẽ được xử lý thành một chuỗi các toạ độ hiển thị trên máy tính để vẽ lại di chuyển con trò từ điểm ban đầu sang điểm kế tiếp. Điều này khiến cho đường đi của chuột gần như là… dịch chuyển tức thời từ điểm này sang điểm khác. Các điểm này thường không chính xác hoàn toàn vị trí mà người dùng muốn hướng đến mà có mức độ chênh lệch nhất định.

Version 1.0.0

Một trong những giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong một vài năm vừa qua đó chính là tăng tần số quét tín hiệu (polling rate) lên mức 8000Hz để thu nhỏ “khu vực dịch chuyển tức thời” của chuột nhằm tạo ra đường di chuyển mượt mà hơn, tương tự như cách các tập tin âm thanh tăng tần số lấy mẫu (sampling rate) lên để cho ra âm thanh đạt gần tới mức chất lượng âm thanh tương tự (analog) hơn.

Razer thậm chí còn đẩy khả năng chuyển động con trỏ chuột mượt mà hơn bằng cách sử dụng sức mạnh xử lý tính toán nhằm dự đoán chính xác hơn các “điểm rơi” của con trỏ chuột thông qua tính năng Motion Sync, tạo ra các chuyển động mượt mà và tự nhiên hơn, sát với chuyển động của tay người dùng hơn.

Tất nhiên là với những người đã quá quen thuộc với “điểm rơi” trỏ chuột theo cách truyền thống, tính năng này sẽ khiến bạn có ảo giác con trỏ chuột bị “trôi”, nên bạn hoàn toàn có thể tắt tính năng này theo ý muốn.

Razer Viper V3 Pro Faker Edition – Những tính năng hiệu chỉnh chuyển động

Không chỉ các tính năng phần cứng có thể tuỳ biến, Razer còn nghiên cứu và tăng cường thêm cho mẫu chuột chơi game của mình các tính năng hiệu chỉnh chuyển động dựa trên những nghiên cứu khoa học đối với cách game thủ, đặc biệt là các tuyển thủ thể thao điện tử sử dụng chuột trong các trận thi đấu.

Đáng chú ý nhất là tính năng thay đổi tốc độ động (Dynamic Sensitivity).

Tính năng thay đổi tốc độ chuột tính bằng DPI qua một nút bấm đã được tích hợp vào chuột chơi game từ lâu, nhưng trên thực tế, người chơi thường có khuynh hướng gắn liền với một mức tốc độ cố định nào đó, bởi lẽ thao tác thay đổi tốc độ ngay giữa lúc chơi là hoàn toàn không thực tế một chút nào.

Corsair cũng từng thử nghiệm trang bị cho một số mẫu chuột như Corsair M65 RGB Ultra Wireless nút bấm Sniper (bắn tỉa) để nhanh chóng đưa chuột về mức tốc độ chậm hơn cho những lúc cần độ tỉ mỉ và chính xác, thế nhưng cách làm này cũng không còn được ứng dụng trong các sản phẩm ra mắt gần đây do một số bất tiện nhất định.

Razer có cách tiếp cận khác hơn khi đưa tính năng thay đổi tốc độ động vào trình điều khiển của Razer Viper V3 Pro Faker Edition.

Với các dữ liệu gia tốc, người dùng có thể lập ra các đường cong thay đổi DPI động dựa trên thói quen và sở thích của mình. Chẳng hạn như ở các thao tác cần độ chính xác và tỉ mỉ hoàn toàn có thể được thực hiện ở mức DPI thấp, nhưng ngay sau đó có thể chuyển sang mức DPI cao khi người dùng tăng tốc độ tay lên cho những pha hành động nhanh chóng bắt kịp theo tốc độ tay của người dùng.

Bên cạnh đó tính năng điều chỉnh góc xoay chuột (Rotation Tool).

Bất kể là các mẫu chuột được thiết kế theo dạng công thái học ôm tay hay các mẫu chuột được thiết kế dưới dạng chuột đối xứng, tư thế cầm chuột của người dùng luôn có khuynh hướng ngả vào trong, khiến cho chuột luôn hoạt động ở tư thế hơi xoay xéo so với trục thẳng hướng của mặt chuột. Không chỉ có thế mà hoạt động của tay cũng làm cho các thao tác theo phương ngang có khuynh hướng lệch về một phía tuỳ theo bạn đặt điểm tì ở cổ tay hay khuỷu tay.

Chính vì thế mà Razer đưa ra tính năng Rotation Tool để giúp bạn điều chỉnh lại điều này. Tất cả những gì bạn cần làm là cân lại (calibration) bằng ứng dụng tích hợp của Razer, sau đó điều chỉnh lại góc nghiêng theo gợi ý để đạt được khả năng di chuyển phương ngang tốt nhất.

Cuối cùng, Razer cũng cho phép người dùng lưu trữ tất cả các thiết lập này và “chuyển giao” cho chuột mới. Tính năng này cho phép các tuyển thủ có thể nhanh chóng đổi chuột ngay lập tức nếu “lỡ tay đập chuột” hay có bất kỳ hỏng hóc nào phát sinh giữa trận đấu.

KẾT LUẬN

Với nhiều tính năng tiên tiến, Razer Viper V3 Pro Faker Edition đang là một trong những mẫu chuột có thể tuỳ biến tốt nhất trên thị trường dành cho tuyển thủ thể thao điện tử, để người dùng có thể tạo ra cho mình một mẫu chuột có thể “đo ni đóng giày” cho bản thân mình.

Đây cũng là một bước đi khéo léo của Razer để tạo ra những mẫu chuột chơi game tốt nhất trên thị trường hiện nay, đủ sức tạo ra dấu ấn riêng cho các sản phẩm của mình.