Realms of Ancient War – Ra mắt khi cơn sốt Diablo 3 đã đi qua đỉnh điểm, Torchlight 2 cũng đã nằm lại phía sau và mảng game nhập vai hành động đang cần một chất “xúc tác” mới để thỏa “cơn khát” của giới mộ điệu, lẽ ra Realms of Ancient War phải biết nắm lấy thời cơ của mình nhưng sự “non tay” của hãng phát triển WizarBox (Arx Fatalis, Risen 1 & 2, Venetica) đã phá hỏng mọi thứ, dù rằng kinh nghiệm làm game nhập vai của hãng là không thiếu…
BẠN SẼ GHÉT
Kịch bản hời hợt
Realms of Ancient War có bối cảnh game xoay quanh cuộc xung đột trường kỳ của bốn vương quốc: người lùn, tiên nhân và con người (chia thành hai vương quốc ở phía Bắc và phía Nam).
Kết cuộc đã làm cho các bên kiệt quệ và suy tàn. Nhân cơ hội này, một thế lực đen tối trỗi dậy, đe dọa tiêu diệt tất cả.
Để ngăn chặn mối hiểm nguy, mỗi vương quốc đã cử ra người anh hùng tài giỏi nhất của mình và gửi gắm họ vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú đầy thử thách…
với Realms of Ancient War, sự thiếu chiều sâu về cốt truyện, tiểu sử các nhân vật cũng như những truyền thuyết, huyền thoại các kiểu đã làm cho mọi thứ trôi tuột luốt như chưa hề tồn tại
Nội dung thì đơn giản đấy, cũng phải, game nhập vai hành động thì đa phần người chơi họ quan tâm quái gì đến cốt truyện?
Ngay cả “siêu phẩm” Diablo 3 được đầu tư nội dung kỹ lưỡng, chi tiết mà còn có khối người “làm lơ” nữa là!
Nhưng ít ra, với Diablo 3, ngay khi kết thúc game người chơi còn biết mặt mũi quỷ vương ra sao, tổng lãnh thiên thần là cái chi chi, còn với Realms of Ancient War, sự thiếu chiều sâu về cốt truyện, tiểu sử các nhân vật cũng như những truyền thuyết, huyền thoại các kiểu đã làm cho mọi thứ trôi tuột luốt như chưa hề tồn tại!
“Đơn giản” hay “đang giỡn”?
Thuộc mô-típ “chặt và chém” (hack’n’slash) tương tự Diablo, Torchlight, v.v. lối chơi của Realms of Ancient War có thể nói được giản lược đi khá nhiều so với “tiêu chuẩn” vốn cũng đã đơn giản của thể loại nhập vai hành động.
Và cũng chính cái sự giản đơn này, có lẽ do “lạm dụng” quá mức, đã “triệt” luôn trò chơi tự lúc nào không hay.
Game đã mạnh dạn loại bỏ những thứ gọi là “căn bản” của thể loại nhập vai hành động.
Bản đồ màn chơi là “nạn nhân” đầu tiên!
Người chơi sẽ không thể biết được hình dạng méo tròn, các ngóc ngách cần thiết của màn chơi như trong những game cùng loại.
Thay vào đó là một mũi tên chỉ đường vô cùng chung chung (nhiều khi chỉ bậy nữa chứ!).
Cũng nhân tiện nói về việc khám phá màn chơi, nếu như các game cùng loại thường mang đến những bản đồ to, rộng và “nhét” trong đó nhiều màn bí ẩn hoặc sự kiện ngẫu nhiên để thôi thúc người chơi tìm tòi, thì Realms of Ancient War lại mang đến sự chật hẹp với những đường đi tuyến tính, thiếu vắng các sự kiện hấp dẫn cần phải có.
Chưa kể, màn chơi của Realms of Ancient War thuộc dạng “đi cảnh”, nghĩa là qua màn rồi thì không bao giờ trở lại!
Chung số phận với việc loại bỏ bản đồ là hiển thị thanh máu của quái vật.
Chỉ những con trùm mới được “đặc ân” là: có thanh máu! Thật không hiểu nổi khi ta đánh một con quái mà không biết khi nào nó “ngỏm” trong một game nhập vai là quá ư phi lý!
Game đã mạnh dạn loại bỏ những thứ gọi là “căn bản” của thể loại nhập vai hành động
Hệ thống kỹ năng, chỉ số nhân vật là cái “sướng” kế tiếp của việc giản lược hóa. Game không cho phép ta nâng chỉ số nhân vật (sức mạnh, nhanh nhẹn, v.v.) mà chỉ có thể tăng thông qua mặc đồ.
Cũng được thôi, nhưng qua tới hệ thống kỹ năng (skill) là không thể chấp nhận được.
Mỗi khi lên một cấp, người chơi sẽ được thưởng… một điểm kỹ năng để dùng cho một bảng kỹ năng cũng “đơn giản” nốt với số lượng tuyệt chiêu chỉ tầm chục cái (và thật sự “xài được” chỉ vài chiêu đếm trên một bàn tay).
Mỗi tuyệt chiêu có tối đa ba nấc với những chú thích hết sức mơ hồ và chung chung, đại loại như “cấp một gây sát thương trung bình, cấp hai gây sát thương nhiều hơn”.
Nhiều hơn là nhiều bao nhiêu? Và có cần thiết quá “keo kiệt” khi chỉ cho người chơi một điểm kỹ năng mỗi khi lên cấp?
Hiển nhiên, với một hệ thống được đầu tư hời hợt, thiếu sự phong phú như vậy, chả trách sao sự háo hức tìm hiểu và nghiên cứu lại không hiện diện ở những người chơi Realms of Ancient War.
Các chú thích đâu chỉ “hành” hệ thống kỹ năng, chúng còn “hạ” cả các món vật dụng.
Chẳng hạn, bạn lượm được cái hộp và khi rê chuột vào mong muốn tìm hiểu công năng của nó thì lại nhận được dòng chú giải hết sức “vô duyên”: cái hộp!
Và có rất nhiều món đồ vô nghĩa lẫn vô dụng như thế mà người chơi vô tình hay cố ý lượm được xuyên suốt hành trình của game.
Bàn về vật dụng tất không thể không đề cập đến việc lựa đồ và độ đồ.
Ở vế lựa đồ, Realms of Ancient War làm khá tốt khi phân loại rõ ràng bằng cấp độ màu sắc và cho thấy sự so sánh với đồ đang dùng thông qua chỉ số tăng giảm khá rõ ràng.
Nhưng ở việc độ đồ thì game lại tiếp tục “sa lầy” vào vấn đề đơn giản khi chỉ cho người chơi vài cục nguyên tố (sét, lửa, độc) và chỉ việc quăng chúng vào bất kỳ món đồ nào mà bạn cảm thấy ưng ý nhất mà không xét đến các yếu tố như chúng có lỗ để khảm nạm không?
Nên dùng cho vũ khí hay phục trang?
Một sự lược giản thiếu đầu tư và tôn trọng người chơi!
“Ngoại hình” kém thu hút
Phần đồ họa tổng thể của game không tạo được “thiện cảm” lắm với người chơi.
Hơn nửa thời lượng game là những quang cảnh thiếu độ chi tiết, sắc nét, thiết kế nhân vật (và cả quái vật) thì thiếu đi sự cuốn hút và bạn biết rồi đấy, ở cái thời mà “ăn ngon mặc đẹp” đang trở thành mốt thì khẩu vị của những ngày “ăn chắc mặc bền” đâu còn chỗ đứng nữa.
Vậy nên, Realms of Ancient War dễ dàng mất điểm ở phần tạo ấn tượng ban đầu cho người chơi và việc bỏ game ở khâu này rất lẹ, vì những người trót “mê cái đẹp” sẽ khó mà trụ được.
Phần đồ họa tổng thể của game không tạo được “thiện cảm” lắm với người chơi. Hơn nửa thời lượng game là những quang cảnh thiếu độ chi tiết, sắc nét
BẠN SẼ THÍCH
Nhạc nền “bốc”, chiến đấu đã tay!
Có hai phần của Realms of Ancient War “trông” được: nhạc nền và chiến đấu.
Phần nghe, tuy thất bại ở mảng âm hỗ trợ vì quá đơn điệu nhưng bù lại, nhạc nền khá “bốc” và tạo được hứng thú “tả xung hữu đột” nơi người chơi!
Còn mặt chiến đấu, Realms of Ancient War đi theo phong cách “chặt chém” của ngày xa xưa, thời kỳ nhấp chuột “điên loạn” mà Diablo là một đại diện tiêu biểu.
Thêm vào đó, các diễn hoạt nhân vật khi hạ gục quái cùng hiệu ứng đi kèm cũng “ép phê” không kém, nhờ vậy mà những trận chiến tuy căng thẳng, mỏi tay nhưng lại khá đã!
Thế còn độ khó? Ngoài việc áp đảo người chơi bằng số lượng quái hung hãn, Realms of Ancient War còn “ép” ta bằng tính năng “đá hồi sinh” (Soulstone)… hết sức nhảm nhí!
Realms of Ancient War đi theo phong cách “chặt chém” của ngày xa xưa, thời kỳ nhấp chuột “điên loạn” mà Diablo là một đại diện tiêu biểu
Cái sự nhảm nhí ở chỗ khi ta chết, một viên đá sẽ hồi sinh ta ở điểm lưu tạm (checkpoint) gần nhất mà ở những game cùng loại thì việc làm này là “miễn phí”.
Ác nghiệt hơn nữa là một màn chơi chỉ cho vài viên đá trong khi tìm kiếm chúng lại rất khó, hiểm nguy thì luôn trực chờ xung quanh.
Chỉ cần sơ sẩy vài lần, bao công sức khám phá màn chơi sẽ “đổ sông, đổ biển” và bắt đầu lại từ đầu!