Skip to content

Remaster, Remake, Reboot: Thuật ngữ game cho “bình minh mới”

Thuật ngữ game

Thuật ngữ game – Ba thuật ngữ game khá nổi tiếng: Reboot, Remake và Remaster, chắc chắn bạn đã nghe qua ít nhiều trong thế giới game.

Thế nhưng bạn có rõ về ý nghĩa của chúng?

Tại sao phiên bản làm lại cho PC của những game như Final Fantasy XFinal Fantasy X-2Okami HD lại được gọi là Remaster?

Tại sao Resident Evil 2 (2019) lại là bản Remake?

Tại sao Tomb Raider (2013) lại được gọi là Reboot của dòng game Tomb Raider?

Mặc dù cả ba thuật ngữ game này đều ít nhiều mang nghĩa là “làm lại”, nhưng chúng thật sự rất khác nhau.

Sau đây, Vietgame.asia xin làm rõ ý nghĩa từng thuật ngữ ấy cho bạn nhé!

“REMASTER”: VỎ MỚI RUỘT CŨ

Final Fantasy VIII Remastered

Remaster nhìn chung là hình thức làm mới đơn giản và ít tốn công sức nhất.

Đại đa số các tựa game ra mắt thời console PlayStation 1, PlayStation 2 và thậm chí ở PlayStation 3 chắc chắn không có các độ phân giải như 4K hay thậm chí Full HD ở mức 30 FPS.

Do vậy, để cải tiến tựa game, nhà sản xuất làm có thể tinh chỉnh rất đơn giản như tăng độ phân giải lên chút xíu, thêm tí họa tiết, sửa tỉ lệ khung hình từ 4:3 sang 16:9… và phiên bản game mới đó có thể gọi đó là bản Remaster được rồi.

Nôm na, thuật ngữ game Remaster chỉ đơn giản là từ mã nguồn gốc và tài nguyên vốn có của một tựa game, nhà sản xuất thay đổi, nâng cấp chúng một chút để tạo ra phiên bản “xịn” hơn của game đó.

Command & Conquer Remastered

Thường yếu tố dễ phản ánh thời đại nhất, đập ngay vào mắt người chơi và cũng không quá khó để nhà sản xuất sửa đổi chính là đồ họa.

Bởi vậy, hầu hết các bản Remaster thường mang tới cải tiến về độ phân giải, và được gán mác “HD” để thể hiện điều này. Đương nhiên trong thực tế còn nhiều vấn đề khác hơn là chỉ làm đẹp.

Ví dụ vấn đề nan giải là một tựa game vốn được làm ra cho console, khi chuyển hệ (port) lên PC có thể sẽ gặp vô số lỗi vặt (điển hình như Batman: Arkham Knight chẳng hạn).

Thế nên một bản Remaster không những cần phải có một số cải tiến so với bản gốc, mà nó còn phải… chạy được.

Do sử dụng lại phần lớn mã nguồn cũ nên ưu điểm của việc xây dựng một bản Remaster là nó tốn không quá nhiều công sức của nhà sản xuất, và đem lại một trải nghiệm trung thành với bản gốc cho người chơi.

Thế nên các bản game Remaster rất “ăn khách” với những ai có hứng thú với game cổ điển.

dmc-devil-may-cry-definitive-edition (1)

Thế nhưng việc sử dụng lại phần lớn mã nguồn cũ cũng sẽ đem tới hai điểm trừ.

Thứ nhất, các cấu trúc, tính năng trụ cột của game sẽ không thay đổi.

Như trong Onimusha: Warlords hay Devil May Cry HD Collection, cả hai đều có những game ra mắt từ thời PlayStation đầu tiên, và chứa cách thiết kế camera… không thể ngửi nổi.

Không có một game nào thời hiện đại sử dụng cách thiết kế camera này nữa.

Tuy nhiên nhà sản xuất không thể thay đổi mã nguồn hay tái xây dựng cách chiếu camera để thiết kế ra một kiểu góc nhìn mới được.

Làm vậy sẽ tốn rất rất nhiều công sức, ảnh hưởng lớn tới mã nguồn của game, và chắc chắn là trải nghiệm bạn có được sẽ là “một trời, một vực” so với game gốc.

Thứ hai, “HD” có nghĩa là “Độ phân giải cao”, nhưng không có nghĩa là “đẹp”.

Một cái bàn khi được “HD hóa” sẽ chỉ đơn giản là rõ nét hơn thôi, chứ không tự dưng mọc ra các họa tiết, các đường chạm trổ.

Do vậy, các bản Remaster chỉ có thể làm hình ảnh nét hơn, nhưng không thể làm cho chúng quá nổi bật và chi tiết.

Hơn thế nữa, các hiệu ứng ánh sáng, thời tiết, lửa, mảnh vụn… đẹp tuyệt hảo trong nhưng game AAA chắc chắn không thể tự dưng “mọc ra” nhờ phóng to lên được.

Nói tóm lại, HD Remaster sẽ chắc chắn sẽ cải thiện đồ họa, nhưng chỉ tới một mức độ nào đó mà thôi.

Bên cạnh việc sửa mã nguồn, công nghệ cực kì tân tiến như sử dụng trí thông minh nhân tạo cũng đã được tích hợp vào việc cải tiến đồ họa.

Tuy kết quả có thể nói rất đáng khích lệ và chú ý, nhưng chắc chắn rằng muốn tạo ra một phiên bản thực sự thay đổi, hợp thời đại của một tựa game nào đó, nhà sản xuất không thể Remaster được.

Họ phải Remake chúng!


Thuật ngữ game

“REMAKE”: LÀM LẠI TỪ ĐẦU

Thuật ngữ game Remake cũng để chỉ việc “phục sinh” một tựa game nào đó từ quá khứ tới tương lai, nhưng thay vì “trùng tu” như Remaster, Remake có nghĩa “xây mới hoàn toàn”.

Khi nhà sản xuất dùng thuật ngữ game Remake cho một trò chơi nào đó, họ có ý quảng bá rằng phiên bản game này được tạo ra từ con số 0, sử dụng công nghệ mới nhất, không phụ thuộc vào mã nguồn hay tài nguyên cũ.

Đơn cử bạn có thể nhìn vào Resident Evil 2Resident Evil 2 (2019).

Chúng khác nhau từ công cụ làm game.

Resident Evil 2 được làm nên từ công cụ làm game cổ điển của Capcom, trong khi Resident Evil 2 (2019) được làm từ RE Engine, công cụ đã tạo nên Resident Evil 7.

Về bản chất, hai tựa game này đã khác nhau rồi, và sự khác nhau ấy còn kéo dài cho tới thiết kế game, nhân vật, đồ họa, lối chơi… Nhưng Resident Evil 2 (2019) được xây dựng dựa theo một số khuôn mẫu mà bản Resident Evil 2 đã đặt ra, như cốt truyện chẳng hạn.

Do vậy, Resident Evil 2 (2019) được gọi là bản Remake.

Một tựa game Remake đáng chú ý khác nữa là Final Fantasy VII Remake, và nó sẽ khác phiên bản gốc tới cả cách chơi luôn.

Tóm lại, bạn có thể hiểu một tựa game Remake là sản phẩm khác bản gốc của nó rồi, nhưng có thừa kế một số nét tương đồng nhất định về cốt truyện và nội dung.

Final Fantasy VII Remake

Ưu điểm của cách làm này thì ai cũng thấy rõ: một tựa game mới gần như hoàn toàn với công nghệ tân tiến, đồ họa sắc nét hiện đại thì chắc chắn đem lại một trải nghiệm tuyệt vời cho người chơi rồi.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách làm này là vì nó là tạo ra một tựa game mới nên chắc chắn sẽ mất không ít thời gian và tiền bạc.

Một tựa game Remaster thường được giảm giá mạnh, thậm chí bán gộp cùng các game khác cho xôm, nhưng một tựa game Remake chắc chắn sẽ được bạn riêng lẻ, bởi dù gì đó cũng là một game mới mà.


Tomb Raider (2013)

“REBOOT”: MỘT BÌNH MINH MỚI

Cuối cùng là thuật ngữ game: Reboot.

Để minh họa cho thuật ngữ này, hãy lấy ví dụ về dòng game Tomb Raider.

Trước phiên bản Tomb Raider 2013, dòng game Tomb Raider có tồn tại không?

Có chứ!

Nhưng điểm liên kết mật thiết các phiên bản Tomb Raider trước với Tomb Raider 2013 chỉ là: có nhân vật tên là Lara Croft – một nữ bá tước với sở thích cướp lăng mộ…

Hết!

Cốt truyện không giống, lối chơi không giống, và đồ họa thì… đừng hỏi.

Như vậy, thuật ngữ game Reboot cũng là “làm lại”, nhưng “làm lại” ở mức độ rộng nhất.

Không chỉ sửa lại mã nguồn, không chỉ xây lại một tựa game, một sản phẩm Reboot sẽ ảnh hưởng tới cả cấp… dòng game luôn.

Game Reboot có thể đưa dòng game vào một bối cảnh mới, một vũ trụ mới, sang một hướng phát triển mới, thậm chí theo một thể loại game mới.

Mắt xích duy nhất kết nối một game Reboot với những sản phẩm trước đó nhiều khi chỉ là cái tên thương hiệu hay tên nhân vật mà thôi.

Đồng thời, thường khi Reboot một dòng game nào thì cái tên ấy đã phải “im hơi lặng tiếng” một khoảng thời gian khá lâu rồi.

Thuật ngữ game

Do Reboot là làm mới tới cả cấp “nền móng”, có thể bỏ qua tất cả những gì bạn đã biết về một dòng game nào đó nên đây là một bước đi khá mạo hiểm và luôn có sự so sánh ít nhiều.

Nếu làm đúng, nhà sản xuất có thể chiều lòng cộng đồng người hâm mộ, thổi hồn cho một loạt game mới, ví dụ như sau Tomb Raider 2013 có Rise of The Tomb Raider và Shadow of the Tomb Raider.

Còn nếu làm sai, nhà sản xuất sẽ “đủ gạch xây nhà”, điển hình là DmC: Devil May Cry.

Mặc dù game đưa người chơi gặp lại Dante, cơ mà đó không phải là một Dante mà game thù kì cựu từng yêu quý.

Nhưng dù gì sai lầm này cũng không phải quá tệ, vì chính sự thất bại này đã phần nào tạo động lực cho Capcom mang tới Devil May Cry 5.

Hi vọng bài viết sau đã cung cấp cho bạn đủ thông tin về ba thuật ngữ khá phổ biến, để các bạn có thêm kiến thức và tự tin “chém gió” sau này!


BÀI MỚI NHẤT