Resident Evil 2 – Một ngày sau khi hoàn thành cả hai tuyến Leon A và Claire B trong Resident Evil 2, người viết thử qua Resident Evil 6 để tận mắt chứng kiến xem dòng game này đã “tiến hóa” như thế nào trong thế hệ console thứ 7.
45 phút là lượng thời gian mà người viết “cố trụ” trong trò chơi này, trong đó có lẽ khoảng 35 phút là phim cắt cảnh và những phân đoạn đẩy cò trái để nhân vật tiến lên phía trước để… xem tiếp phim cắt cảnh tiếp theo, còn trong khoảng thời gian hiếm hoi được chơi Resident Evil 6 một cách chính đáng, Leon không ngần ngại trổ tài đạp banh đầu một con zombie chỉ bằng hai cú nhấn RT.
Và đó là thời khắc Resident Evil 6 bị trừ khử khỏi ổ cứng.
Theo lẽ tự nhiên, chúng ta muốn chứng kiến những người anh hùng của mình trầy trật khởi bước rồi dần dày dặn kinh nghiệm hơn theo năm tháng để đối đầu với cái ác ở cuối con đường, đơn giản bởi vì nó là một phần không thể thiếu trong khuôn mẫu thuật truyện đầy điển hình mang tên “Hero’s Journey“.
Nhưng, Resident Evil 7 trước đây, và lần này là Resident Evil 2, đã cho thấy rằng có lẽ dòng game này sẽ khá khẩm hơn nếu không được thêu dệt theo đúng bản mẫu đó.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
DÉJÀ VU
Gọi Resident Evil 2 bằng cụm từ “làm lại” (remake) của phiên bản 1998 có lẽ là xem nhẹ quá đáng những nỗ lực của các nhà làm game tại Capcom.
Nó có thể tái hiện tinh thần và cấu trúc của tựa game gốc, nhưng sự thay đổi góc nhìn không phải là thứ duy nhất được tạo dựng để phù hợp với bộ “khung sườn” mới, nhưng lại giữ vững khí chất cũ. Resident Evil chưa bao giờ là kiểu game kinh dị khoái hù dọa đến mức khiến người chơi nhảy cẫng khỏi ghế, mà nó chủ yếu dựa vào tính chất căng thẳng gói gọn trong nhịp độ và quãng đường mà người chơi kinh qua.
Nếu như căn biệt thự trong Resident Evil 0 khơi gợi lên vẻ ngoài gothic cổ kính với hoa văn tuyệt mỹ bên dưới đường nét ánh sáng cô đọng, thì sở cảnh sát thành phố Raccoon trong Resident Evil 2 giấu nhẹm hình thái đó bằng những cảnh vật thân thuộc hơn vào ban đầu như bàn giấy, văn phòng, thư viện. Công nghệ đồ họa tối tân với khả năng tái tạo bóng tối chân thực và sự ưu tiên về chi tiết mỹ quan giúp cho Capcom tái hiện xuất sắc những khung cảnh… tầm thường về mặt kiến trúc nhất có thể, cho đến khi bạn càng đào sâu hơn và càng nhận ra những căn phòng đầy khác người cũng là kết tinh từ việc một bảo tàng nghệ thuật biến tướng thành sở cảnh sát.
Những khu vực trong Resident Evil 2 có thể được mô tả một cách tương đồng với các màn chơi trong Hitman: những chiếc hộp lớn với mê cung chằng chịt vật cản, cả tĩnh lẫn động, yêu cầu người chơi tìm ra phương thức đối phó để mở ra cánh cửa tiếp theo.
Một căn phòng chứa đựng chìa khóa để mở toang một căn phòng khác – đó là khái niệm… chặn đường người chơi được trải dài trong gần như 100% nội dung của Resident Evil 2 và được thực hiện đầy khôn khéo với nhịp độ tự nhiên.
Dây xích sắt chặn cửa yêu cầu kềm lớn để cắt, đường đi dẫn tới tháp đồng hồ bị ngắt quãng buộc phải tìm dụng cụ để giúp tạo nên lối đi mới, một căn phòng thiếu vài công tắc mở cửa có thể được tìm thấy trong một căn phòng khác cách đó chẳng gần lắm… nó không khỏi toát lên sự duyên dáng khó cưỡng của những tựa game cổ điển, khi mà những người anh hùng cứu thế của chúng ta phải thực hiện các công việc siêu… tầm thường để hoàn thành trọng trách lớn, và vô tình cũng tạo nên một vòng lặp lối chơi đơn giản, dễ hiểu và cũng đầy thuyết phục.
[su_quote]Gọi Resident Evil 2 bằng cụm từ “làm lại (remake) của phiên bản 1998” có lẽ là xem nhẹ quá đáng những nỗ lực của các nhà làm game tại Capcom[/su_quote]Thời lượng chỉ khoảng từ 6 tới 8 tiếng đồng hồ cho một phần chơi của Resident Evil 2 không chừa chỗ cho bất kỳ thứ gì có thể làm lãng phí thời gian của người chơi, và kết quả mà chúng ta nhận được là một tựa game với đầy tiểu tiết, cùng lối thiết kế màn chơi chặt chẽ.
Cảm giác ngột ngạt bên trong những hành lanh kín mít vẫn còn đó, và làm quen với bố cục của nơi chốn mà mình đang bước chân qua gần như là yêu cầu tối thiểu với mức độ ưu tiên cao dành cho người chơi.
Bạn không thể tóm lấy bất kỳ vật phẩm nào mà mình bắt gặp trên đường đi bởi túi đồ hạn chế chỗ trống, rồi bạn sẽ nhớ vị trí của nó để lần sau tiện tay “cuỗm” nó đi khi quay trở lại (và game cũng tinh ý đánh dấu chúng trên bản đồ). Bạn ngừng chạy hối hả qua những hành lang, thay vào đó là nhẹ nhàng đẩy cửa để nghe xem có con Licker nào đang ngọ nguậy khuất hướng nhìn của mình hay không. Bạn ngừng xả đạn không ngớt và nhận ra rằng cố gắng diệt hết kẻ thù là một công việc vô nghĩa.
Và cứ như thế, Resident Evil 2 khiến cho người chơi lặp lại vô số thói quen đầy hữu ích dẫu cho với thời lượng ngắn so với mặt bằng chung của mình, và việc gần như không bao giờ dẫn dắt (guide) cụ thể càng cho thấy rõ lối chỉ dẫn (direct) bậc thầy của trò chơi.
Giữa tận dụng gợi ý thị giác như ánh sáng thu hút sự chú ý của người chơi đến đường đi, hay như các câu đố luôn luôn được trình bày với vật dụng đang bị thiếu mấu chốt xuất hiện trước tiên để người chơi hiểu mình đang cần tìm thứ gì thay vì ngược lại (bạn luôn luôn tìm thấy một cánh cửa bị khóa và hiểu rằng mình cần tìm chìa khóa, chứ không phải tìm được chìa khóa trước rồi lân la dò xem nó mở được thứ gì).
“Dậm chân tại chỗ” không nằm trong từ điển của Resident Evil 2, đơn giản là vì nó tôn trọng cả trí giác lẫn sự chú ý của người chơi, chứ không phải cố gắng đưa đẩy ra thử thách một cách vô hướng.
Đối phó với kẻ địch trong Resident Evil 2 cũng chẳng kém phần mạch lạc. Quy luật đầu tiên mà bất kỳ ai đặt chân vào trò chơi này trước tiên đều phải biết, đó là một con zombie có thể nhai tới 10 viên đạn 9mm mà vẫn có thể lết về phía bạn y hệt như fan K-Pop bám đuôi thần tượng.
Bước qua một dãy hành lang quen thuộc lần thứ 7 và bạn tưởng rằng mình đang một thân một cõi, cho tới khi một con xác sống đột ngột ôm chân bạn dẫu cho bạn vừa cho nó đo đất chỉ 15 phút trước. Chỉ một cảnh tượng nho nhỏ cũng đủ để Resident Evil 2 gián tiếp rỉ tai người chơi rằng một nơi chỉ an toàn khi mà nó không có xác người.
Thế nhưng, bấy nhiêu đó là chưa đủ, phải làm sao để người chơi cảm thấy căng thẳng hơn nữa? Đơn giản thôi, đó là… “nerf” thật mạnh nhân vật chính.
Cả Leon và Claire không có khả năng tung quyền cước như cao thủ võ lâm điệu nghệ, cũng chẳng sở hữu túi quần không đáy chứa vài trăm viên đạn cho vũ khí tối thượng của mình. Nếu như bạn để zombie áp sát mình, đó là lỗi của bạn và Leon/Claire sẽ ăn đủ.
Không có một nút bấm QTE vớ vẩn nào để bạn thoát khỏi vòng vây địch một cách dễ dãi hay đơn giản là đạp vỡ đầu zombie như đạp bong bóng nước, hoặc di chuyển thông minh, hoặc tận dụng vũ khí thông minh, còn không thì hãy “sấp mặt” toàn phần.
Resident Evil 2 còn chẳng có một nút hạ sát lén lút từ sau lưng, cũng như con dao có độ bền và sẽ bị hỏng hoàn toàn sau số lần cắm vào người zombie nhất định, cũng là minh chứng cho thấy rằng nó mệt mỏi với những trò lố ngớ ngẩn của các “siêu anh hùng” trong những phiên bản Resident Evil hậu bối, và nói rõ cho người chơi biết rằng nếu bạn cố chơi Resident Evil 2 theo phong cách của Resident Evil 5 hay 6 thì cũng chẳng khác gì “tự viết di chúc” cho mình, và đó là một điều hoàn toàn đáng được hoan nghênh.
Resident Evil: Revelations 2, Resident Evil 7, và cho tới nay là Resident Evil 2 là những tựa game thấm màu ảm đạm với cái chất “melodrama” của Nhật Bản không còn hiện hữu như trước.
Chúng ta đang nói về một dòng game sở hữu những khoảnh khắc vàng như hai từ “Jill Sandwich” bất hủ hay Chris Redfield đấm một tảng đá không thể nào bạo lực hơn, thế nên việc được chứng kiến thêm một tựa game không chừa lại bất kỳ cảnh tượng hài hước “vô tình” dễ bị mỉa mai nào khiến cho người viết nửa bất ngờ, nửa hài lòng.
Đề tài thế giới hậu tận thế bị xâm lăng bởi xác sống từ trước đến giờ được các nhà làm game phương Tây đón đầu bằng hai cách, hoặc biến nó thành một gánh xiếc máu me, hoặc biến nó thành một vở kịch nghệ về sự tha hóa của nhân tính. Trong khi đó, Resident Evil chẳng ngả về hướng nào, là một dòng game có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi cho ra đời cả phim Hollywood lẫn… nhạc kịch, song luôn bị chính hội đồng kiểm duyệt tại quê nhà tuýt còi bởi mức độ bạo lực quá trớn, và mang trong mình những nhân vật đầu tàu được người hâm mộ yêu mến hết mực, khiến họ dường như luôn có “giáp kịch bản” siêu dày – đối lập một cách kỳ lạ với bối cảnh mà trong đó, tính mạng con người như ngàn cân treo sợi tóc.
Thế nhưng Resident Evil 2 có lẽ là tựa game đầu tiên cho thấy rõ sự mảnh mai của họ, không chỉ trong thể chất mà cả ý chí.
Điều đó, kết hợp với lồng tiếng gần như “chuẩn bài” đến 90%, dường như là lý do mà nội dung của Resident Evil 2 trở nên không những gần gũi mà thậm chí còn đáng tin hơn trước đây rất nhiều, kể cả với những đoạn hội thoại được viết một cách tẻ nhạt.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỮNG DÒNG THỜI GIAN LẪN LỘN
Resident Evil 2 là một tựa game ưu tiên giá trị chơi lại, thế nhưng dường như cơ chế hoán đổi trường hợp bị nhét xó vào đâu đó cuối danh sách ưu tiên của Capcom.
Đại khái là bạn có thể bắt đầu phần chơi A với một trong hai nhân vật chính, và sau khi hoàn thành, bạn sẽ được tiếp tục phần chơi B của nhân vật còn lại với mốc thời gian diễn ra trong cùng thời điểm. Vấn đề ở đây đó là những sự thay đổi giữa phần chơi A và B có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Người viết thật sự ngạc nhiên sau khi hoàn thành Leon Route A và tiếp tục Claire Route B rồi nhận ra đến tận 90% mấu chốt trong sắp đặt kịch bản và màn chơi là không đổi, và chúng gây nên một sự mâu thuẫn logic sắp đặt cực kỳ lớn do game rõ ràng nhấn mạnh rằng hai phần chơi này xảy ra trong cùng thời điểm.
Cả hai kinh qua những phân đoạn tương tự nhau, đánh cùng con trùm, giải cùng câu đố chỉ với đôi khi thay đổi một vài bước rất nhỏ. Hành động của nhân vật gây nên từ Route A cũng không để lại điểm gì khác biệt cho phần chơi Route B, đa phần thay đổi màn chơi lớn nhất nằm ở hai phân đoạn điều khiển Ada Wong và Sherry vốn chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút để “đổi gió” là chính.
Người viết không rõ cơ chế này hoạt động ra sao trong phiên bản gốc 1998, nhưng cách thức mà nó hoạt động trong Resident Evil 2 kỳ này thực sự là một tiềm năng bị lãng phí khá lớn.
[su_quote]Resident Evil 2 là một tựa game ưu tiên giá trị chơi lại, thế nhưng dường như cơ chế hoán đổi trường hợp bị nhét xó vào đâu đó cuối danh sách ưu tiên của Capcom[/su_quote]Cuối cùng, một đối thủ đáng gờm trong Resident Evil 2 quay trở lại – Tyrant, hay còn được gọi là Mr. X. Hắn đuổi theo bạn bằng những tiếng dậm chân nảy lửa, và sẽ luôn đấm vêu mồm bạn nếu ở trong tầm với. Và hẳn nhiên với việc không có đạn dược nào có thể hạ hắn vĩnh viễn. Lựa chọn duy nhất của bạn chỉ là… chạy!
Mr. X xuất hiện khi mà người chơi đã quen thuộc với cách thức đối phó với zombie căn bản, giúp tạo nên một nguồn “tra tấn tinh thần” mới để người chơi không cảm thấy quá thoải mái trong lúc chu du giữa sở cảnh sát.
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để người viết nhận ra sự hiện diện của Mr. X không khác gì… một tay đòi nợ thuê cứ lẽo đẽo bám đuôi mình rồi lâu lâu chọc lét một phát, chứ không phải khiến người chơi thật sự khiếp đảm. Lý do là bởi cách thức né tránh hắn cực kỳ đơn giản, hắn dễ bị dắt mũi hơn cả cừu non và người chơi cũng không nhận được phần thưởng nào sau khi tạm thời hạ hắn. Thách thức duy nhất mà hắn mang lại chỉ là khiến người chơi lòng vòng lâu hơn đôi chút, cùng lắm là dụ “gà mờ” vào khu vực có Licker mà thôi.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Capcom
- Phát hành: Capcom
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 25/1/2018
- Hệ máy: PC, PS4 , Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: WINDOWS® 7, 8.1, 10 (64-BIT)
- CPU: Intel® Core™ i5-4460 or AMD FX™-6300
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA® GeForce® GTX 760 hoặc AMD Radeon™ R7 260x with 2GB Video RAM
- HDD: 26 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: i3 4170 3.6Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: ASUS ROG Strix RX 570 4GB
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CAPCOM
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Asus tổ chức sự kiện ROG Day Season 3 – Where TrueFans Rise – Tin Gaming Gear
- ROG Ally X và Legion Go: Đâu mới là máy chơi game cầm tay tốt nhất? – Công nghệ
- Nier: Automata đã vượt mốc 9 triệu bản tiêu thụ! – Tin Game
- Hermen Hulst muốn “hồi sinh” những dòng game cũ của PlayStation! – Tin Game
- Elgato tổ chức workshop “Chỉnh màu Ảnh – Video với StreamDeck” – Tin Gadgets
- Dòng Halo bất ngờ bị lộ 90GB dữ liệu! – Tin Game