Revelations 2 Episode 1 – Với tuổi đời thuộc vào hàng “bô lão” và lần đầu xuất hiện vào năm 1996, dòng game Resident Evil đã trở thành những “công thần lập quốc”, gây dựng nên đế chế game kinh dị mạnh mẽ như ngày nay.
Từ quá khứ đến hiện tại, trải qua 6 phiên bản chính thức cùng các phiên bản con và những lần làm lại (gần đây nhất là Resident Evil | Biohazard HD Remaster) với “đỉnh cao” là Resident Evil 4 và “vực thẳm” là Resident Evil: Operation Raccoon City, có thể nói, vinh quang – vực thẳm, cay đắng – ngọt bùi, dòng game này đều nếm đủ.
Đánh dấu bước chuyển mình lớn là vậy nhưng vô tình kể từ sau phiên bản Resident Evil 4, toàn bộ dòng game lệch sang hướng hành động mà phải đến khi phiên bản Resident Evil: Revelations ra mắt, chất hành động và kinh dị mới trở về đúng vị trí của nó giống như “người anh mang áo số 4” trước kia.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ phiên bản Resident Evil: Revelations trong bối cảnh doanh thu bết bát của Resident Evil 6, Capcom quyết định thực hiện Resident Evil: Revelations 2, nhằm biến thương hiệu này trở thành một nhánh riêng song song với phiên bản chính.
Hãy cùng Vietgame.asia khám phá xem liệu chương đầu tiên của Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 có thể đánh dấu cho sự khởi đầu mang tích “cách mạng” của trò chơi được hứa hẹn là sẽ vực dậy loạt game này thoát khỏi “u tối”, giống như game tiền nhiệm đã từng làm?
BẠN SẼ THÍCH
Vẫn hấp dẫn như ngày nào!
Lối chơi của Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 không chỉ tương đồng với phiên bản đầu tiên, mà còn tập hợp rất nhiều “tinh hoa” đã tạo nên phần 4 và những phần sau này.
Những gì mà người chơi biết về Resident Evil vẫn còn đó: từ phiên bản đầu tiên đến nay và dĩ nhiên là cả sự hấp dẫn đậm “chất” Resident Evil nữa.
Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 tiếp tục “bắt chẹt” người chơi vào những hành lang âm u với khung cảnh tranh tối, tranh sáng và khả năng xoay trở thấp cùng những con zombie luôn “chầu chực” xung quanh.
Màn chơi trong chương đầu của Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 được thiết kế rất hợp lý với nhiều nơi cất giấu vật phẩm, đạn dược.
Tuy nhiên, đừng quá chủ quan rằng đạn dược sẽ thông thả như các phiên bản gần đây, mà chúng xuất hiện với số lượng ít ỏi.
Thế nên tiết kiệm và sử dụng chúng một cách hiệu quả là tiêu chí hàng đầu.
Lối chơi của Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 không chỉ tương đồng với phiên bản đầu tiên, mà còn tập hợp rất nhiều “tinh hoa” đã tạo nên phần 4 và những phần sau này
Đạn dược thiếu thốn, trang bị cũng không nhiều mà phiên bản lần này còn bổ sung vào yếu tố… “chảy máu” khi dính đòn, nên việc sử dụng thảo dược (herb – dùng để hồi máu) đúng lúc, đúng nơi lại tăng thêm phần quan trọng.
Song song với đó, kẻ thù cũng đã trở lại dáng vẻ lạnh lùng, đáng sợ như ngày nào.
Bắn vào điểm yếu trên cơ thể rồi sử dụng cận chiến (hoặc dao) để kết liễu kẻ địch gần như trở thành “công thức” chính áp dụng cho mọi lần đụng độ.
Xen lẫn trong đó là những cái bẫy chết người, những câu đố, cùng các đoạn văn bản ngắn giúp người chơi hiểu thêm về bối cảnh cũng như đem đến mẩu câu chuyện nhỏ về những sự kiện diễn ra nơi đây.
Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 cũng giữ lại hệ thống nâng cấp súng theo từng phần như phiên bản đầu và nay thêm phần thú vị khi mỗi bộ phận nâng cấp nếu không được giấu kỹ thì cũng yêu cầu người chơi thực hiện một “minigame” nhỏ.
Cuối cùng, quan trọng nhất đó là cái “hồn” của cả dòng game vẫn được giữ lại: đó là áp lực không khí nghẹt thở, u ám vẫn tràn ngập trong từng ngóc ngách ngõ hẽm, hay ẩn nấp trong góc khuất là một con zombie chờ đợi sẵn và đem đến vài phen “giật mình”…
Lối chơi thú vị!
Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 không phải là phiên bản đầu tiên áp dụng cơ chế sát cánh cùng đồng đội, nhưng lại mang đến “nút thắt” mới khi cho phép người chơi linh hoạt sử dụng cả hai để tương trợ lẫn nhau.
Có hai cặp đôi mà người chơi được điểu khiển đó là cặp Claire – Moira và Barry – Natalie, cả hai điều được thiết kế theo kiểu “kẻ công người hỗ trợ”.
Nếu như Clarie đảm nhiệm tấn công, thì Moira với cây đèn pin có thể làm lóa mắt kẻ thù, cũng như chỉ điểm các vật dụng ẩn trong màn chơi.
Tương tự như vậy với cặp đôi còn lại, Barry với hỏa lực mạnh sẽ là mũi “công” chính, còn Natalie với năng lực đặc biệt vừa phát hiện vị trí kẻ địch vừa chỉ điểm.
Người chơi có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại các nhân vật chỉ với một nút bấm, nhân vật còn lại sẽ do A.I (trí thông minh nhân tạo) đảm nhiệm.
Rất may, “thảm họa” Sheva năm nào không lặp lại khi đồng đội máy tuy yếu ớt nhưng không đến nỗi “vô dụng” và cũng không sử dụng đồ tùy tiện, lẫn đâm đầu vào chỗ chết.
lần đầu tiên dòng game này áp dụng yếu tố nhập vai vào, với cả một bảng kỹ năng đúng nghĩa
Đây cũng lần đầu tiên dòng game này áp dụng yếu tố nhập vai vào, với cả một bảng kỹ năng đúng nghĩa.
Được chia làm đôi với với một bên là công và một bên là hỗ trợ.
Người chơi sẽ có những lựa chọn như tăng tác dụng của bình thảo dược, tăng sát thương vũ khí, tăng tầm định vị của Natalie hoặc tăng công suất của đèn pin trên tay Moira…
BẠN SẼ GHÉT
Hình ảnh kém tầm!
Nếu như âm thanh là một trong những thứ tạo nên áp lực dồn ép trong lồng ngực và được thực hiện kỹ lưỡng thì ngạc nhiên thay, đồ họa đi cùng lại như kẻ “cục súc” đứng bên cạnh nàng “công chúa”!
Đừng để bất kì đoạn trailer nào “đánh lừa” bạn vì khi vào game, hẳn bạn sẽ nhận ra rằng… mọi thứ đều không được như “mơ”.
Chưa xét đến Resident Evil 6, ngay cả phần nhìn của phiên bản thứ năm từ 6 năm trước vẫn còn trội hơn Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 vài phần.
Vân phủ bề mặt cực kì thô kệch từ cảnh nền đến nhân vật, răng cưa thì đầy rẫy, đã thế các lỗi như xuyên vật thể, mô hình nhân vật trôi trên mặt đất, kẻ thù bước đi trên không khí… xuất hiện với tần suất cũng không ít!
Duy chỉ có ngoại cảnh thì tương đối khá nhưng trong phần lớn thời gian, người chơi lại phải lần mò trong những khu vực tăm tối, hiếm khi thấy ánh sáng mặt trời, nên cũng không thể cho là “điểm sáng”.
Thậm chí, đối với nhiều máy tính có cấu hình thuộc dạng trung bình-khá hay vừa đủ yêu cầu sẽ dễ xảy ra tình trạng giật, lag rất khó chịu ở những phút đầu vào game. Đó là chưa kể khi lâu lâu “lag” lại kéo theo hung thần “crash” xuất hiện, khiến người chơi phải bực dọc tức tối.
Khó có thể tin rằng một dòng game lớn như Resident Evil mà lại có màn trình diễn đồ họa “tệ lậu” đến như vậy, có lẽ đây là “thảm họa” đồ họa thứ hai của dòng game này sau Resident Evil: Operation Raccoon City.
âm thanh là một trong những thứ tạo nên áp lực dồn ép trong lồng ngực và được thực hiện kỹ lưỡng thì ngạc nhiên thay, đồ họa đi cùng lại như kẻ “cục súc” đứng bên cạnh nàng “công chúa”!
Quá nhiều sạn…
Tạm gác qua đồ họa, bất kì ai đụng vào Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 hẳn cũng nhận ra cả rổ “sạn” mà chỉ cần chơi khoảng 2 giờ đồng hồ của chương đầu là thấy hết.
Yếu tố lén lút được đưa vào Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 và không phải cái “đầu tiên” nào cũng thành công.
Nếu lén lút thì nên áp dụng nhiều hơn vào Claire khi đạn dược vũ khí yếu ớt, còn đằng này suốt thời lượng trong game lại “kết đôi” với ông Barry tay lăm lăm khẩu súng máy, nên chẳng cần lén lút… chi cho mệt!
Chưa kể các đòn kết liễu cũng được thực hiện qua loa với vài nhát chém “bịch bịch” rồi xong!
Chẳng để lại ấn tượng gì mà chỉ thấy mất thời gian!
bất kì ai đụng vào Resident Evil: Revelations 2 Episode 1 hẳn cũng nhận ra cả rổ “sạn” mà chỉ cần chơi khoảng 2 giờ đồng hồ là thấy hết
Mang tiếng là game năm 2015 nhưng mỗi lần bước qua một cách cửa nào đó, màn hình đen lại để nạp game trong khoảng 1 giây mới trở lại bình thường.
Không lẽ hãng phát triển muốn tái hiện cảm giác của những phiên bản trên PS1 từ thời “thuở đó” chăng?
Các cánh cửa này không biết vô tình hay cố ý trở thành những bức “tường đồng vách sắt” với kẻ thù.
Đôi lúc sau khi chạy qua và cánh cửa đóng lại, người viết chuẩn bị kĩ càng cho màn xả đạn với bất kì tên zombie nào bén mảng bước qua, nhưng chờ hoài cũng chẳng ma nào tới!
Quay lại thì thấy… chúng đã bỏ đi.
Vậy mà lắm lúc chủ quan không phòng bị, kẻ thù lại nối đuôi nhau vô tư tràn qua và kết cục… chắc ai cũng biết!
THÔNG TIN
- Sản xuất: CAPCOM Co., Ltd.
- Phát hành: CAPCOM Co., Ltd.
- Thể loại: Hành động |Phiêu lưu
- Ngày ra mắt: 24/02/2015
- Hệ máy: PC | PS3 | PS4 | Xbox 360 | Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows® 7 / Windows® 8
- CPU: Intel® Core™ 2 Quad 2.7 GHz, AMD Phenom™ II X4 3.0 GHz
- RAM: 4 GB
- VGA: NVIDIA® GeForce® GTX 560, AMD Radeon HD 6950
- HDD: 23 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: i3 4170 3.6Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: ASUS ROG Strix RX 570 4GB
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CAPCOM ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PC