Skip to content

Rise Eterna – Đánh Giá Game

Rise Eterna

Rise Eterna – Trong lịch sử dài hơn 40 năm của ngành game, có rất nhiều thể loại game ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu của giới game thủ.

Tuy vậy, nếu xét về tính lâu đời, có chiều sâu, cũng như sở hữu “tệp khách hàng” cộm cán nhất, thì có thể nói không ai qua mặt được hai “anh đại” là game nhập vai và game chiến thuật.

Với những đặc thù riêng biệt cùng vô số “biến chủng”, game nhập vai và game chiến thuật thu hút người chơi ở các khoảng “cày cuốc”, “cân não”, những pha tính toán nhanh hơn máy tính và giá trị chơi lại cực cao.

Không dừng lại ở đó, khi mà độ “lầy” của các hãng game còn tạo ra trạng thái “dung hợp” giữa hai dòng game này, tạo thành S-RPG với đại diện là những cái tên lẫy lừng như Fire Emblem, Langrisser, Brigandine, Final Fantasy Tactics

Đặc biệt với dòng Fire Emblem, vốn được biết ở Việt Nam với cái tên “Mộc Đế”.

Qua rất nhiều phiên bản từ 2D đến 3D trải dài qua các hệ máy SNES, GBA, 3DS cho đến Switch; không thể phủ nhận sức hút ở Fire Emblem là cực lớn – không chỉ với người chơi mà còn với các hãng làm game khác.

Không ít hãng cố gắng mô phỏng theo thành công của Fire Emblem, nhưng thật sự là hiếm ai làm được điều này.

Gần đây nhất có thể kể đến là tựa game Rise Eterna vừa ra mắt đầu tháng 5.2021 trên hệ máy Nintendo Switch (bản PC vẫn chưa có ngày phát hành chính thức).

Thoạt nhìn qua, Rise Eterna chinh phục được người chơi bởi những hình ảnh khá ấn tượng và được trau chuốt khá kỹ lưỡng.

Nhưng ông bà ta có câu rất hay là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – game đẹp chưa chắc đã hay.

Vậy thì Rise Eterna thuộc về trường hợp nào? Nó có thể trở thành người kế thừa xứng đáng của “đàn anh” Fire Emblem hay không?

Mời bạn đọc tìm hiểu cùng Vietgame.asia qua bài viết sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Đồ họa ấn tượng!

Rise Eterna chinh phục người chơi từ cái nhìn đầu tiên bởi nền tảng đồ họa thật sự ấn tượng!

Tuy chỉ là những hình vẽ 2D, thế nhưng sự đầu tư hợp lý và “mạnh tay” vào phần thiết kế nhân vật, phục trang, bối cảnh… đã tạo nên cho Rise Eterna những lợi thế không nhỏ, khi nó biết cách thu hút sự chú ý của người chơi chỉ từ những ấn tượng đầu tiên.

Lấy bối cảnh thời Trung Cổ pha một chút chất huyễn mộng, Rise Eterna đưa người chơi vào một thế giới chiến loạn nơi các vương quốc đang sục sôi trước các mưu đồ quyền lực, chiến tranh toàn cục lẫn các nước cờ chính trị.

Đan xen trong bối cảnh loạn lạc đó là các thôn làng hẻo lánh, hoàn toàn bất lực trước nanh vuốt của các băng cướp khát máu và tàn nhẫn.

Khác với các dòng game S-RPG khác khi người chơi có rất nhiều lựa chọn khi thu thập nhân vật lẫn sắp xếp quân đội cho riêng mình, thì Rise Eterna chỉ gói gọn người chơi với 14 nhân vật có thể thu thập dần xuyên suốt chiều dài của game.

Điều này cho Rise Eterna cái lợi thế là có thể tập trung mạnh vào phần kiến tạo nhân vật từ ngoại hình, biểu cảm, tính cách… cho đến lối chơi và diễn hoạt đặc thù riêng cho từng người.

Các trận đánh trong Rise Eterna thì lại diễn ra y như Fire Emblem, khi các mô hình thu nhỏ của nhân vật phe ta và kẻ địch rải rác trên một bản đồ chiến thuật gồm nhiều ô vuông.

Rise Eterna chinh phục người chơi từ cái nhìn đầu tiên bởi nền tảng đồ họa thật sự ấn tượng

Chỗ thú vị là nếu như giao diện chính, các trình đơn (menu) và ảnh đại diện của nhân vật đều được vẽ ở độ chi tiết và phân giải cao – thì khi giao chiến, các phân cảnh chiến đấu lại thể hiện họ ở dạng pixel, gợi nhớ đến các phiên bản Fire Emblem thời đầu trên SNES và GBA.

Cần lưu ý là thủ pháp dùng nhiều phong cách đồ họa trong một tựa game không phải hiếm.

Có thể nhắc đến Battle Chasers: Nightwar – một siêu phẩm RPG phương Tây, có đến 4 phong cách đồ họa: các đoạn cắt cảnh thì vẽ như truyện tranh comic, di chuyển trên bản đồ thế giới thì là mô hình 2D chibi, phiêu lưu trong các hầm ngục thì lại là 2.5D “isometric”, còn khi chiến đấu lại là góc nhìn ngang 2D với các mô hình 3D.


BẠN SẼ GHÉT

Rise Eterna

Thiết kế game yếu kém!

“Chiếc áo không làm nên thầy tu” – và câu nói này không thể đúng hơn nữa trong trường hợp của Rise Eterna, khi mà game sở hữu lớp vỏ ngoài rất khá, rất ấn tượng.

Tuy vậy, cái cốt lõi của một tựa game S-RPG phải nằm ở phần lối chơi và các tính năng – riêng ở khoản này thì Rise Eterna lại làm rất tệ.

Người viết chỉ có thể nói là cảm giác như người thiết kế Rise Eterna muốn tránh cái tiếng “bắt chước Fire Emblem” khi làm khác đi rất nhiều giá trị cốt lõi đã mang lại thành công cho dòng “game gốc”, và tiếc thay là nước đi này quá dở!

Đầu tiên có thể nói đến một cơ chế khá là… quái dị, khi trong Rise Eterna nhân vật không có thanh EXP (kinh nghiệm) cũng như không hề… thăng cấp sau khi đánh hạ kẻ địch/qua màn!

Muốn phát triển nhân vật trong Rise Eterna thì người chơi chỉ có thể tăng điểm vào các nội tại (qua mỗi nhiệm vụ thì được thêm… 1 điểm, chơi lại thì không có), gắn các viên ngọc chỉ số (tìm được trong màn chơi hoặc đánh hạ các kẻ địch cấp cao).

Đây không phải là một vấn đề gì to tát, nếu Rise Eterna không đặt người chơi vào một màn với rất, rất nhiều kẻ địch – mà việc tiêu diệt chúng không hề đem lại một giá trị thiết thực nào hữu hình cả.

Rise Eterna

Với đặc thù phải “cày” rất nhiều của dòng S-RPG, mà người chơi tiêu tốn quá nhiều thời gian để thấy nhân vật của mình chẳng hề mạnh lên, thì rõ ràng hứng thú đi tiếp đã tụt đi ít nhiều.

Kế đến, là tính cân bằng về chỉ số/sát thương trong Rise Eterna rất tệ.

Còn nhớ với các phiên bản Fire Emblem, đầu game người chơi lúc nào cũng được cho các bình máu mà chả mấy khi xài, trừ phi chơi ở cấp độ Hard/Lunatic – bởi lẽ ở các màn đầu thì kẻ địch về số lượng hay chỉ số đều không quá áp đảo, để người chơi có thể tiếp cận game một cách từ tốn và dễ dàng.

cái cốt lõi của một tựa game S-RPG phải nằm ở phần lối chơi và các tính năng – riêng ở khoản này thì Rise Eterna lại làm rất tệ

Với Rise Eterna thì mọi chuyện không như thế, khi mà chỉ ngay màn đầu tiên, người viết phải “nướng” sạch 10 bình máu (5 bình mỗi nhân vật) mà game cung cấp, và cũng chỉ kết thúc màn ở mức độ “dặt dẹo” do số lượng kẻ địch quá đông và sát thương/phòng thủ/tỉ lệ né tránh của các nhân vật quá “sida”, khiến cho pha đấu tay đôi nào cũng là đổi máu.

Vấn đề bên trên lại càng trầm trọng hơn khi mà vì lý do gì đó, Rise Eterna tước đi khả năng tự động đánh trả của các nhân vật lẫn kẻ địch.

Việc làm này khiến các pha chiến đấu trở nên dài lê thê, và thật sự trở nên vô nghĩa khi mà người chơi không có lý do gì để chọn chỗ đứng, hoặc tính toán các lượt tấn công/đánh trả sao cho có lợi nhất cả.

Và dĩ nhiên, với cách thiết kế này thì chuyện cận chiến hay đánh xa cũng chẳng có ý nghĩa gì ráo.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Forever Entertainment
  • Phát hành: Forever Entertainment
  • Thể loại: Nhập vai, Chiến thuật
  • Ngày ra mắt: 12/02/2021
  • Hệ máy: PS4, PC, Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 8
  • CPU: Dual core 2.8 GHz
  • RAM: 4 GB
  • VGA: nVidia 320M, Radeon 7000, Intel HD 3000
  • HDD: 3 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI FOREVER ENTERTAINMENT CHƠI TRÊN HỆ MÁY NINTENDO SWITCH

6.0

Nhìn chung, Rise Eterna là một phiên bản "nhái" chất lượng thấp của dòng game Fire Emblem huyền thoại.
Vì để tránh tiếng “hàng fake” nên hãng game làm Rise Eterna đã sửa rất nhiều những tính năng gốc của Fire Emblem, nhưng vô tình qua đó cũng phá hủy luôn những thứ vốn tạo nên thành công của nó.
Tuy mảng đồ họa xuất sắc của Rise Eterna là một điểm cộng lớn, nhưng nó không đủ để giữ người chơi ở lại lâu bền – vì đặc thù của S-RPG là cần một lối chơi vững chải cùng các tầng lớp giá trị chiến thuật sâu sắc hơn là một cái vỏ ngoài hào nhoáng.