Rising Lords – Có một sự thật là thể loại game Chiến thuật theo lượt (Turn-based Strategy) ngày càng trở nên phức tạp hơn, lý do chính là vì các dòng game lâu đời phải chứng tỏ sự độc đáo của mình nhằm vượt qua ánh mắt như “cú mèo” và những cái đầu “đầy sạn” của các fan hâm mộ của dòng game, dễ thấy nhất là tựa game Sid Meier’s Civilization VI trở nên rất “khó nhằn” với người mới làm quen với dòng game này, dẫn đến việc mức doanh thu khó lòng “đột phá” được như nhiều nhà phát triển game kỳ vọng.
Chính vì thế mà đã có rất nhiều nỗ lực để làm cho thể loại game này trở nên đơn giản, dễ tiếp cận hơn với các game thủ trẻ, những người mới chơi, chẳng hạn như tựa game Civilization Revolution đại diện cho dòng game Civilization ra mắt trên các hệ máy console, hay một số nhà phát triển game độc lập cũng cho ra mắt một vài tựa game có cấu trúc đơn giản, nhưng lấy ý tưởng và bối cảnh mới lạ như Before We Leave.
Cũng dựa theo mô hình này này, Rising Lords của Argonwood cũng là một tựa game chiến thuật theo lượt độc lập, được phát triển theo phương thức tương tự lấy bối cảnh châu Âu thời Trung cổ, đã được đón nhận khá tích cực với nhiều phản hồi cho đội ngũ phát triển trong suốt giai đoạn vận hành thử nghiệm Early Access, tiến tới mở rộng ra phát hành cả trên các hệ máy console để dễ dàng tiếp cận với phần đông game thủ.
Liệu Argonwood có cân bằng được giữa sự đơn giản và độ thu hút của một tựa game chiến thuật theo lượt?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Đơn giản, nhưng vẫn có sức hút!
Triết lý đơn giản của Rising Lords thể hiện trong rất nhiều mặt, mà ấn tượng đầu tiên của người viết đối với tựa game này là dung lượng thuộc loại “bé hạt tiêu” chưa từng có, chỉ tầm khoảng 600MB, thậm chí đủ để nhét vừa một chiếc đĩa CD cổ lỗ sĩ, trái ngược hẳn với thực trạng các tựa game ngày càng phình to với dung lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm GB như ngày nay.
Để đạt được mức dung lượng vô cùng “đáng nể” này, nền tảng đồ hoạ đã đóng góp một phần không hề nhỏ.
Thật vậy, đội ngũ làm game tại Argonwood đã sử dụng các hình họa hai chiều khá đơn giản, nhưng cũng nhiều màu sắc theo cách vẽ minh hoạ trên các quyển sách thời kỳ trung cổ, có phần tương tự với tựa game Pentiment, nhưng theo một phong cách có phần nghiêm túc hơn nhưng cũng không kém về độ nghệ thuật và đẹp mắt.
Mặc dù chỉ là hình họa 2D, thế nhưng đội ngũ họa sĩ đã chăm chút vô cùng kỹ lưỡng và cẩn thận ở tất cả các khía cạnh, từ môi trường, đến các đơn vị lính hay các nhân vật đặc biệt, thậm chí các chuyển động của mô hình dù sử dụng rất ít khung hình tạo ra cảm giác có phần cứng nhắc nhưng lại mang theo mỹ cảm của các câu chuyện cổ được kể bằng những con rối giấy thường thấy trong các tác phẩm thời Trung cổ.
Thoạt tiên khi được giới thiệu vào năm 2020, tưởng chừng như Rising Lords là một tựa game phức tạp khi cất chứa trong mình rất nhiều những yếu tố đến từ các thể loại game khác, chẳng hạn như nhập vai, thẻ bài… song song với phần “khung xương” chiến thuật theo lượt với hai bản đồ chiến thuật và chiến trận khác nhau khiến cho mọi người e ngại, thậm chí đội ngũ phát triển game còn phải tạo ra phần chơi hướng dẫn (Tutorial) và buộc người chơi phải hoàn thành trước khi bắt tay vào phần chơi chính.
Thế nhưng khi bắt đầu “thực chiến”, người viết nhận ra rằng lối chơi này lại khá đơn giản, dễ làm quen, thậm chí có đôi chút “phảng phất” phong cách của các tựa game Heroes of Might and Magic đầu tiên với cơ chế quản lý kinh tế không có nhiều yếu tố cần quan tâm, các “anh hùng” sở hữu cơ chế riêng trong khi các lá bài lại mang hơi hướng của các phép thuật.
Phần chơi hướng dẫn của Rising Lords được xây dựng vô cùng kỹ lưỡng, giúp người chơi, kể cả những người mới làm quen với thể loại này hay các game thủ trẻ tuổi chơi game trên các hệ máy console.
Tất cả những yếu tố trong lối chơi này được xâu chuỗi bằng một cốt truyện có tính dẫn dắt xuyên suốt toàn bộ màn chơi.
Bạn sẽ bắt đầu mỗi màn chơi ở bản đồ chiến lược (world map) được chia thành từng ô lục giác theo kiểu dòng game Sid Meier’s Civilization và giành phần lớn thời gian của nửa đầu game để quản lý tài nguyên, sản xuất vũ khí và giải quyết các vấn đề phát sinh như gấu tấn công làng… đồng thời tích luỹ tiền bạc và nuôi dưỡng dân số để xây dựng quân đội cho mình.
Phần chơi hướng dẫn của Rising Lords được xây dựng vô cùng kỹ lưỡng
Trong khi đó, phần lớn thời gian của nửa sau màn chơi sẽ dành cho quân đội và các cuộc chinh phạt.
Do lấy bối cảnh thời kỳ Trung cổ ở châu Âu, không sở hữu nhiều chủng tộc và các đơn vị với tính năng khác nhau như trong dòng game Heroes of Might and Magic, Rising Lords đi theo cơ chế phát triển trang bị và vũ khí để tạo thành quân đội, có phần tương tự như tựa game chiến thuật thời gian thực Stronghold.
Sự chênh lệch không quá lớn giữa các chủng loại quân cùng cơ chế khắc chế theo kiểu “kéo-búa-bao” và các ưu thế địa hình khác biệt cũng khiến cho các trận chiến trở nên cân bằng hơn, không đơn thuần là “lấy thịt đè người” như một số dòng game chiến thuật theo lượt khác.
Thậm chí, sự cân bằng này đôi lúc còn dẫn đến những bế tắc trong phòng thủ và tấn công, điều đó dẫn đến không gian phát triển cho các thẻ bài có thể giúp san bằng ưu thế về địa hình, giúp tăng tinh thần chiến đấu của phe ta hay làm đối thủ phải khiếp sợ… từ đó đem đến phá vỡ thế bế tắc của trận đấu.
Khi lãnh địa của bạn mở rộng với nhiều thành trì hơn, bạn phải bỏ nhiều thời gian hơn để quản lý sản lượng tài nguyên, lương thực, công cụ và vũ khí… ở các thành trì riêng biệt nhằm điều tiết và chuyên môn hoá sản xuất sao cho phù hợp với địa hình. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể “nhờ” máy giúp đỡ nếu không muốn quá mất thời gian chăm chút, khiến cho trải nghiệm của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Gần như trong game không có bất kỳ cơ chế nào thừa thãi nhờ vào các mắt xích liên kết nhịp nhàng với nhau, buộc người chơi phải sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ này để vượt qua thử thách của trò chơi mà không bị thiên lệch bất kỳ yếu tố nào trong đó như cách một số các tựa game chiến thuật theo lượt hiện đại thường hay sử dụng để tạo điểm nhấn cho riêng mình.
Về tổng thể, sự đơn giản trong đồ hoạ, lối chơi, nhưng vẫn không kém phần chặt chẽ của Rising Lords đã tạo ra sức hút cho tựa game này không chỉ cho người mới chơi, mà còn cả những game thủ đã quen với sự phức tạp của thể loại game này.
BẠN SẼ GHÉT
Cốt truyện “ôm đồm”, lối chơi có phần “nhàm” trong các giai đoạn sau!
Dĩ nhiên là với một tựa game chiến thuật theo lượt, Rising Lords không chỉ đơn giản bị giới hạn trong việc phát triển kinh tế và các trận chiến, có rất nhiều yếu tố khác như quan hệ giữa các nhân vật hay các sự kiện xảy ra đều được tích hợp khéo léo vào trong cốt truyện.
Dễ dàng là vậy, trên thực tế, gần như bạn sẽ gặp phải các sự kiện được thiết kế sẵn cho mỗi lượt chơi, có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng hoặc giảm thu nhập cho bạn, tạo ra “công ăn việc làm” cho bạn để tránh những khoảng thời gian rảnh rỗi chỉ biết qua lượt trong game.
Thế nhưng vô hình trung, cách thiết kế này của Rising Lords lại khiến cho cốt truyện “ôm đồm” quá nhiều, thậm chí có phần gây ngộp cho người chơi và gây sao nhãng đi cốt truyện chính.
Đó là chưa kể đến việc “nhồi nhét” quá nhiều các yếu tố, sự kiện cũng phần nào làm loãng cốt truyện, khiến người chơi khó lòng theo dõi diễn biến của mạch truyện, nhất là khi tất cả đều được thể hiện thông qua hình thức của một cuốn sách với… rất nhiều chữ.
Bên cạnh đó, với rất nhiều nội dung có phần lặp đi, lặp lại hết màn này sang màn khác cũng có thể khiến người chơi cảm thấy nhàm chán. Nhất là khi nhịp điệu của game khá chậm rãi cũng đủ làm người chơi có phần mất kiên nhẫn.
Khi kết hợp với một cốt truyện “ôm đồm” như đã đề cập ở trên, bạn sẽ phát hiện ra mình rất dễ “lạc lối” trong suốt quá trình chơi, điều này cũng làm giảm đi phần nào trải nghiệm cuốn hút mà lối chơi và thiết kế đơn giản của tựa game đem lại.
cách thiết kế này của Rising Lords lại khiến cho cốt truyện “ôm đồm” quá nhiều, thậm chí có phần gây ngộp cho người chơi