Robothorium – Từ trước đến nay, “robot” vẫn luôn là một đề tài thú vị với nhiều khía cạnh gây tranh cãi, dù là từ những bộ phim giả tưởng như Gundam, Transformers… hay cho đến những cỗ máy tự động ngoài đời thực.
Vấn đề được thảo luận nhiều nhất vẫn luôn xoay quanh “trí thông minh nhân tạo”, khả năng sở hữu cảm xúc, khả năng tự học hỏi – tiến hóa… của những cỗ máy này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu robot biết tư duy, biết bộc lộ cái tôi?
Liệu chúng sẽ trở thành mối đe dọa hủy diệt loài người như trong Terminator hay Matrix không?
Đến từ Goblinz Studio, một hãng game nhỏ không mấy tên tuổi, Robothorium có lẽ là một trong số rất ít các tựa game khai thác vào đề tài này.
Lấy bối cảnh tương lai rất xa khi mà con người chế tạo đủ loại robot để thay thế mình trong hầu hết các lĩnh vực (lao động, quân sự, sản xuất, giải trí…), và công nghệ robot đủ tân tiến đến mức chúng hầu như có tư duy riêng và cá tính riêng – Robothorium đã tái lập lại chính xác câu hỏi bên trên, rằng khi nhân loại cảm thấy rằng mình đang bị robot đe dọa, họ sẽ làm gì?
Cốt truyện trong Robothorium xoay quanh mối xung đột giữa loài người thuộc phái cực đoan, phe robot đòi được đối xử công bằng, và những cyborg Robothorium (nửa người, nửa máy) vẫn chưa tìm được một chỗ đứng trong cả hai xã hội kia.
Nếu đã từng chơi qua siêu phẩm Darkest Dungeon, hẳn người chơi sẽ không lạ lùng gì khi thoạt nhìn qua những đoạn trailer giới thiệu về lối chơi của Robothorium.
Với tham vọng to lớn khi sử dụng một cốt truyện đầy tính nhân văn và mâu thuẫn, dung hợp cùng lối chơi từ một tựa game đầy chiều sâu, liệu Robothorium có thể trở thành một hiện tượng lớn trong làng game indie hay không?
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
LỐI CHƠI CHIẾN THUẬT CÓ CHIỀU SÂU
Về cơ bản, Robothorium là một tựa game thuộc dạng mò hầm ngục (dungeon crawler) – trong đó người chơi sẽ điều khiển tổ đội của mình di chuyển qua nhiều căn phòng liên kết với nhau.
Tất nhiên, bố cục của những căn phòng này và các sự kiện trong đó cũng sẽ được bố trí một cách ngẫu nhiên – chẳng hạn như trong phòng có một con robot đi lạc và người chơi có các tùy chọn là hạ nó/hack não/tắt nguồn nó.
Đó cũng có thể bao gồm những sự kiện có lợi cho người chơi, chẳng hạn như hack vào hệ thống thông gió để đầu độc tất cả kẻ địch, hoặc hack vào camera để phát hiện phòng nào có địch – và tất cả sự kiện này đều có tỉ lệ thành công nhất định, với sự trừng phạt khi thất bại là độ khó của màn sẽ tăng lên đáng kể (nhiều cạm bẫy hơn, nhiều kẻ địch hơn, cấp độ địch cao hơn… ).
Nhưng tâm điểm chính của Robothorium lại nằm ở những trận đánh theo lượt đầy tính chiến thuật, mà đa số trường hợp là người chơi phải đối đầu với kẻ địch đông hơn mình.
Robothorium cho người chơi xây dựng một tổ đội với 5 thành viên, được chọn lựa từ 8 loại robot với công năng khác nhau.
Việc chọn trùng loại hay khác loại, đứng hàng trước hoặc hàng sau hoàn toàn do người chơi quyết định theo ý đồ chiến thuật của mình.
Có thể kể đến một số loại robot tương ứng với các chức nghiệp thường thấy trong game nhập vai như R.I.O.T (tank), W.A.R (thuần tấn công), R.E.P.A.I.R (hồi máu, buff)…
tâm điểm chính của Robothorium lại nằm ở những trận đánh theo lượt đầy tính chiến thuật
Cốt lõi của lối chơi trong Robothorium xoay quanh việc khống chế thanh nhiệt lượng của mỗi thành viên robot (cả phe ta lẫn phe địch). Sử dụng bất cứ kỹ năng nào cũng sẽ làm tăng thanh nhiệt, và khi đầy thì robot sẽ rơi vào trạng thái Overheat (quá tải), sẽ bị choáng mất một lượt và trong lúc đó sẽ hoàn toàn sơ hở. Người chơi có thể giảm thanh nhiệt bằng cách dùng kỹ năng đánh thường của từng loại robot – tuy sát thương yếu và hầu như không có hiệu ứng gì, nhưng có thể giảm thanh nhiệt đi đáng kể (30 – 40%). Một số loại robot (như S.O.N.G) còn có kỹ năng tăng nhiệt của hàng loạt đối thủ, khiến chúng mất lượt đồng thời nếu người chơi tính toán chuẩn.
Tất cả đơn vị trong Robothorium dù là phe ta hay phe địch đều có một thanh máu và một lớp khiên ảo – hầu hết trường hợp phải đánh hết khiên mới đánh vào máu được, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài kỹ năng đánh thẳng vào máu mà bỏ qua giáp. Robothorium cũng có một điểm tương đồng với một vài tựa game nhập vai đặc thù như Darkest Dungeon hay Battle Chasers: Nightwar, đó là game xoay quanh các loại buff và debuff để tấn công/ phòng thủ, chứ không lệ thuộc nhiều vào sát thương trực tiếp. Vì vậy tính chiến thuật trong Robothorium thật sự rất cao khi mà người chơi phải suy nghĩ rất nhiều về việc làm gì trong lượt của mình, chứ không phải chỉ “cố sống cố chết” tung ra những chiêu có sát thương cao nhất.
BẠN SẼ GHÉT
CHUYỂN THỂ – TỐI ƯU “KÉM SẮC”
Robothorium vốn được phát hành đa nền, và dường như đích đến chính của game là hệ PC – bởi lẽ Robothorium có giao diện chính yếu dành cho việc thao tác bằng chuột: từ cách bố trí các điểm tương tác khá tản mát cho đến thao tác gắp – thả trang bị từ thùng đồ lên người các nhân vật.
Đây cũng chẳng phải vấn đề gì to tát, nếu mọi thứ đều thuận tiện như vậy.
Với hệ máy Nintendo Switch, mọi thứ lại được điều khiển bằng gamepad, thì yếu điểm của Robothorium mới bộc lộ ra hết sức rõ ràng: game bê nguyên xi mọi thứ từ bản PC sang, từ giao diện UI, bố cục tương tác, cho đến cả… con trỏ chuột (dù người chơi có thể di chuyển trỏ chuyện bằng cần Analog phải hoặc bằng cách chạm màn hình, nhưng không thể tương tác bằng cách chạm vào biểu tượng được).
Giao diện điều khiển đã “chuối hột” như vậy, nhưng nó vẫn chẳng là gì nếu so sánh với sự tối ưu cực kỳ tệ hại của Robothorium.
Là một tựa game 2D với dung lượng rất nhẹ, thế nhưng mỗi lần chuyển cửa sổ trong game, dù chỉ là đóng – mở một cửa sổ trình đơn (Menu), Robothorium cũng… khựng mất vài giây.
Với hệ máy Nintendo Switch thì yếu điểm của Robothorium mới bộc lộ ra hết sức rõ ràng: game bê nguyên xi mọi thứ từ bản PC sang
Hiện tượng này xảy ra thường xuyên và đều đặn đến mức người viết cho rằng đây là một… tính năng chứ không phải là lỗi.
Người viết vẫn chưa có dịp chơi thử Robothorium trên PC để biết được rằng đây là sự yếu kém trong khâu chuyển thể hay là thiết kế có chủ đích, nhưng đọc sơ qua các đánh giá trên Steam thì dường như bản PC không hề gặp phải vấn đề này.
“CÔNG LỰC” NON NỚT, THIẾU SỨC BỀN
Kế đến, đó là tuy Robothorium sở hữu một cơ chế cốt lõi khá thú vị và đầy tiềm năng, thế nhưng Goblinz Studio lại không tận dụng hết được điều đó.
Lối chơi trong Robothorium bắt đầu trở nên nhàm chán từ khoảng giữa game trở đi, khi mà dù người chơi đã nâng cấp trang bị/cấp độ đội ngũ của mình lên đáng kể nhưng vẫn không cảm nhận được nhiều về sự thay đổi trong sức mạnh.
Những trận đánh vẫn diễn ra hết sức dai dẳng và tuyến tính: vẫn chỉ là những cuộc đua thử sức bền giữa buff/ debuff, có chăng thỉnh thoảng đan xen vào những “tuyệt chiêu cuối” có thời gian chờ đến những… 12 lượt!
Mức độ trừng phạt khá cao của Robothorium cũng không giúp tình hình khá hơn, khi chỉ cần sơ sảy để chết một con robot là hầu như người chơi chỉ còn cách… thoát màn, bỏ tiền sửa chữa và chơi lại, chứ không hề có chọn lựa thay thế nào khác.
Ngoài ra, tuy sở hữu một cốt truyện đầy nội lực và lối dẫn truyện rất thu hút, thế nhưng Robothorium lại rất biết cách làm “tụt mood” người chơi khi đưa ra một cái kết hết sức… nhạt nhẽo.
Khi người chơi đánh bại được tổ chức hắc ám âm mưu thống trị cả thế giới, thì chuyện gì xảy ra sau đó?
Người viết không biết, và chắc là cả hãng game cũng không biết – bởi lẽ họ đã cho mọi chuyện kết thúc ngay sau đó.
Không một lời giải thích, không một kết cục thỏa đáng. Chẳng ai biết phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của phe robot có kết quả thế nào, phe cực đoan bài xích robot còn tàn dư hay không, phe cyborg chọn đứng về phía nào… Mọi chuyện cứ thế mà chấm dứt một cách hụt hẫng, y như cái kết nhạt hơn nước ốc của Mass Effect 3 vậy.
[su_quote]sở hữu một cốt truyện đầy nội lực và lối dẫn truyện rất thu hút, thế nhưng Robothorium lại rất biết cách làm “tụt mood” người chơi khi đưa ra một cái kết hết sức… nhạt nhẽo[/su_quote]
- Sản xuất: Goblinz Studio
- Phát hành: WhisperGames
- Thể loại: Nhập vai
- Ngày ra mắt: 31/1/2019
- Hệ máy: PC | Nintendo Switch
[su_divider]