Từ xưa đến nay, chiến tranh vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn và thú vị, dù nó có bị xào đi nấu lại đến bao nhiêu lần đi chăng nữa.
Từ những trận chiến xa xưa thời Chiến Quốc nơi người ta đánh nhau kiểu lấy thịt đè người, cho đến chiến tranh thời Tùy Đường với nhiều nhân tố mới lạ như binh chủng/ địa hình, hoặc chiến tranh hiện đại với các loại siêu vũ khí và hỏa lực – mỗi thứ đều có sức hút riêng của mình.
Dường như lịch sử của nhân loại luôn luôn gắn liền với chiến tranh, dù đó chỉ đơn giản là tranh giành tài nguyên, đất đai, hay phức tạp hơn là sự xung đột giữa lý tưởng và tôn giáo.
Trong dòng chảy lịch sử ngàn năm của nhân loại, vô vàn vĩ nhân, danh tướng đã xuất hiện và để lại dấu ấn của mình trong vô vàn những trận chiến kinh điển. Bạch Khởi, Gia Cát Lượng, Napoleon, Hannibal… là những tên tuổi lẫy lừng mà ngày nay người ta vẫn còn ca ngợi, cả về chiến lược thần kỳ hay sự dũng mãnh vô song trên chiến trường của họ.
Vì vậy, game lấy đề tài chiến tranh không bao giờ là lỗi thời cả – chỉ cần thay đổi một chút về đồ họa, luật chơi, và một số thứ linh tinh khác, là chúng ta sẽ có vô số biến thể từ chiến thuật thời gian thực nhịp độ cao như StarCraft, điều binh quy mô khủng khiếp như Total War, hay thậm chí là thống lĩnh bốn phương bằng các đế chế như dòng Civilization.
Nhằm tạo ra một luồng gió mới với chủ đề khá cũ kỹ này, một tựa game “thú vị” đã được SEGA phát hành hồi năm 2011 với một chủ đề chiến thuật không mới nhưng chẳng bao giờ lỗi thời: “ném đá hội nghị” cùng Rock of Ages.
Vâng, với sự thành công khó hiểu của mình, Rock of Ages đã đón nhận phiên bản thứ hai hồi năm 2017 trên hệ PC, và bản chuyển thể lên Nintendo Switch trong tháng 5.2019 vừa mới đây.
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia cùng tìm hiểu những chiến thuật “bách chiến bách thắng” mà một… hòn đá có thể mang lại qua bài đánh giá sau cho phiên bản vừa “lăn” lên Switch nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
Ý TƯỞNG – LỐI CHƠI “SIÊU BỰA”
Về cơ bản, Rock of Ages 2: Bigger & Boulder là một tựa game chiến thuật – thủ trụ có kết hợp cả hai yếu tố thời gian thực lẫn theo lượt.
Nhiệm vụ của người chơi trong hầu hết các màn chơi của Rock of Ages 2: Bigger & Boulder là làm sao hạ được thành lũy của địch trước khi bị chúng nó “làm cỏ”.
Và để làm được điều đó, chẳng có điều gì hay ho hơn là… lăn nguyên một tảng đá bự chà bá thẳng vào nhà/thành/ngai vàng của địch cả. Nếu năm xưa Napoleon hay Thành Cát Tư Hãn nghĩ ra được chiến thuật vi diệu này thì không chừng lịch sử nhân loại phải viết lại mất!
Trong lượt của mình, việc người chơi cần làm là điều khiển một hòn đá (hình dạng/ màu sắc có thể thay đổi theo màn chơi và các nâng cấp khác) sao cho nó… tông một cái ầm vào nhà của địch là thành công.
Lưu ý rằng các nhân tố về địa hình như gờ, dốc, tường chặn, tháp canh… sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều khiển. Do đó, người chơi Rock of Ages 2: Bigger & Boulder phải có một cái nhìn toàn cục về bản đồ màn chơi trước khi bắt tay vào thể hiện độ “lụa” của tay lái.
[su_quote]Nhiệm vụ của người chơi trong hầu hết các màn chơi của Rock of Ages 2: Bigger & Boulder là làm sao hạ được thành lũy của địch trước khi bị chúng nó “làm cỏ”[/su_quote]
Khi lượt tấn công của phe ta kết thúc, người chơi có tùy chọn bố trí phòng thủ trước khi bị đối thủ đáp trả lại bằng một tảng đá khác cũng… to không kém vào mồm!
Ban đầu, người chơi chỉ có một số lựa chọn cơ bản như xây tường thành để cản đá hoặc xây trụ để bắn và giảm bớt đà lăn của đá. Càng về sau, người chơi sẽ càng có nhiều phương tiện phòng thủ cao diệu hơn, thậm chí là có thể thay đổi cả địa hình để khiến đường đi của kẻ địch thêm trắc trở.
ĐỒ HỌA SÁNG TẠO
Đối với những khán giả khó tính, đồ họa trong Rock of Ages 2: Bigger & Boulder khó có thể gọi là “đẹp” được.
Tuy nhiên, đó chỉ là khi chúng ta phán xét đồ họa của một tựa game qua “lăng kính” được sản xuất bởi Square Enix mà thôi.
Với bản chất “củ bựa” của mình, Rock of Ages 2: Bigger & Boulder dĩ nhiên phải tìm kiếm một phong cách đồ họa tương xứng, chứ không lẽ tô vẽ các nam thanh nữ tú cho lộng lẫy quằn quại rồi nhét vào một thế giới “bựa” từ đầu đến chân?
Không cần phải học giỏi lịch sử cho lắm để thấy các nhân vật trong Rock of Ages 2: Bigger & Boulder được vay mượn rất nhiều từ các tác phẩm hội họa thời Phục Hưng hoàng kim, với nhiều bức chân dung nổi tiếng của David, Napoleon, Cleopatra… Chúng được phục dựng lại vừa đủ để người ta nhận ra, nhưng lại được diễn hoạt theo một cung cách vô cùng hài hước và… khó đỡ, tô điểm nên phong cách không giống ai của Rock of Ages 2: Bigger & Boulder.
[su_quote]không cần phải học giỏi lịch sử cho lắm để thấy các nhân vật trong Rock of Ages 2: Bigger & Boulder được vay mượn rất nhiều từ các tác phẩm hội họa thời hoàng kim[/su_quote]
Trong khi các hình nhân vật là những hình vẽ 2D, thì môi trường và vật thể trong Rock of Ages 2: Bigger & Boulder lại được thể hiện theo phong cách 3D hoàn chỉnh.
Tuy không thật sự được “mông má” cho trau chuốt, nhưng hầu hết mọi thứ trong một màn chơi của Rock of Ages 2: Bigger & Boulder đều thể hiện được tính chất và mục đích của mình.
Đặc biệt, ở một số màn chơi về sau, phong cách tạo hình tổng thể với những tông màu đặc biệt tạo nên những hiệu ứng thị giác thú vị, mang nhiều hơi hướng vừa siêu thực, vừa trừu tượng.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
KHÔNG DÀNH CHO MỌI ĐỐI TƯỢNG
Mặc dù sở hữu lối chơi khá nhộn và bựa cùng phong cách đồ họa khá thú vị (ít ra là từ góc nhìn của người viết), nhưng công tâm mà nói, Rock of Ages 2: Bigger & Boulder không phải là một tựa game dành cho tất cả mọi người.
Có nhiều nguyên nhân, mà trước nhất có thể nói đến rằng từ bản chất, Rock of Ages 2: Bigger & Boulder vốn được tạo ra nhằm mục đích gây cười, và bối cảnh của nó động chạm đến khá nhiều danh nhân thế giới.
Có thể ở Âu – Mỹ, chuyện đem tổng thống một nước, hay thậm chí là Giáo Hoàng ra giễu cợt được xem là bình thường, nhưng không hẳn là ở đâu cũng vậy.
Một số người hơi nghiêm túc sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi thấy Van Gogh phát biểu những câu nói ngớ ngẩn, hay danh tướng Hannibal tỏ ra bị “thiếu i-ốt” trong những tình huống xàm xí.
Bản thân người viết khá thoáng trong tư tưởng, nhưng cũng cảm thấy hơi “sượng” vài lần trong quá trình chơi Rock of Ages 2: Bigger & Boulder.
[su_quote]Có thể ở Âu – Mỹ, chuyện đem tổng thống một nước, hay thậm chí là Giáo Hoàng ra giễu cợt được xem là bình thường, nhưng không hẳn là ở đâu cũng vậy[/su_quote]
Kế tiếp, bản thân game tồn đọng một số vấn đề liên quan đến thiết kế góc. Việc điều khiển một hòn đá tròn lăn trên địa hình tỏ ra không hề dễ dàng, đặc biệt khi di chuyển qua những chỗ hẹp hoặc tránh những hào chiến sự.
Đồng thời trong nhiều màn, A.I của kẻ địch tỏ ra hơi bị “thông minh” quá đáng, đến mức tiệm cận với việc chơi ăn gian.
Việc bố trí chướng ngại vật và trụ của người chơi tỏ ra không mấy hiệu quả khi kẻ địch luôn có cách để vượt qua và gây sát thương đáng kể lên thành của người chơi.
Sau cùng, đó là vấn đề về đồ họa của Rock of Ages 2: Bigger & Boulder. Như đã nói bên trên, nếu người chơi dễ tính và chỉ đơn giản muốn “xả xì chét” thì đồ họa trong game cũng có thể gọi là chấp nhận được.
Tuy nhiên, với những ai đã quen với việc thưởng thức những siêu phẩm đồ họa AAA cực đỉnh, thì những mô hình và cảnh trí trong Rock of Ages 2: Bigger & Boulder có thể coi là hơi bị “đau mắt”.
Các vật thể và môi trường khi nhìn gần đều tỏ ra có chất lượng khá kém với tạo hình thô sơ với vân bề mặt mờ nhạt, thiếu sức hút.
THÔNG TIN
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI ATLUS
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ NINTENDO SWITCH