Roots Of Insanity – Chạy, trốn, né, giải đố rồi đi từ A đến B trong một không gian tăm tối, cô lập.
Đây là những “nguyên liệu” hoàn hảo để làm nên một tựa game kinh dị điển hình, với chất kết dính là cốt truyện và diễn xuất. Thế nhưng Cronia Games – một hãng game indie kiêm vị trí sản xuất lẫn phát hành – đã vô tình thêm vài “nguyên liệu” khác vào hỗn hợp… sao chép, thiếu đầu tư và nhàm chán!
Thế là Roots Of Insanity đã ra đời từ đấy – với màn ra mắt lẫn thời lượng chơi không thể… nhạt nhẽo hơn – cùng cái giá không hề tương xứng với chất lượng mà người chơi được trải nghiệm.
Chính vì thế mà hôm nay, Vietgame.asia sẽ cho các bạn thấy những “hạt sạn” đã khiến game bị giảm chất lượng một cách đáng tiếc.
BẠN SẼ GHÉT
CÓ CỐ GẮNG, NHƯNG VẪN CHƯA ĐỦ
“Tôi bị mất trí nhớ và tỉnh dậy tại một nơi hoang vắng”, “Tôi đang chuẩn bị đi làm / đi về thì kẹt”, “Bệnh viện tôi đang làm việc che giấu những bí mật về thử nghiệm trái phép”, … là các kiểu cốt truyện dễ đoán và dễ… ngán nhất mà các hãng game nên tránh khi làm game kinh dị.
Dù cũng mắc phải kiểu cốt truyện trên, có lẽ Roots Of Insanity phần nào vớt vát chút đỉnh với một vài điểm nhấn về nhân vật chính: Riley McClein là một bác sĩ làm việc chung với bố tại một bệnh viện, nơi mà những biến cố kì lạ bắt đầu diễn ra kể từ lúc mẹ anh mất. Sự việc còn tệ hơn khi bản thân anh bị chứng… động kinh vì một lí do nào đấy, khiến anh đôi lúc nhìn thấy những hình ảnh ma mị trước mắt.
Trong vai một vị bác sĩ chữa bệnh đang… mắc bệnh, người chơi phải tìm hiểu tận nguồn của những biến cố đang xảy ra trong từng ngóc ngách tại đây, với hàng lớp xác chết ngổn ngang, bệnh nhân lẫn bác sĩ trở thành sinh vật dị dạng, và môi trường xung quanh luôn lộn xộn và nhuốm màu siro đặc sệt nhằm góp phần cho khung cảnh tối tăm và luôn tỏ vẻ đáng sợ.
Với một cốt truyện phần nào đấy tạm được, người viết đã mong rằng game sẽ mang đến một không khí kinh dị với sự sợ hãi đằng sau những góc phòng, sự hồi hộp khi ánh đèn pin không thể rọi tỏa toàn bộ phía trước, hay những giây phút trầm mình dưới ánh đèn vàng mập mờ nhằm chuẩn bị hòa mình vào bóng tối trở lại… Cốt truyện về sau cũng cần phải tạo nên sự tò mò nhằm dẫn dắt người chơi bước vào nỗi sợ hãi, rùng mình khi ngày càng khám phá được bí mật ẩn sâu trong bệnh viện ấy.
Tiếc thay, những mặt tốt đẹp ấy đã không hề xuất hiện trong Roots Of Insanity, bởi những giây phút sau của game đã tự dìm mất điểm sáng của mình một cách đáng tiếc.
Điểm trừ đầu tiên của Roots Of Insanity nằm ở mặt cốt truyện đầy hứa… lèo của mình: màn mở đầu phần nào tạm được lại dẫn dắt câu chuyện một cách rỗng tuếch và chóng vánh về sau, với những nút thắt có thể đoán trước và chứa không ít màn cố gắng hù dọa người chơi qua những lần nhân vật lên cơn động kinh lãng nhách, khiến cho mạch truyện game càng buồn cười về sau hơn là kinh dị.
Mặc cho tựa đề game nói về sự điên loạn và mất trí, thế nhưng những gì nhân vật Riley thể hiện trong game trông chả khác một con robot với khả năng cận chiến và cố gắng biểu cảm trong vô vọng trước mạch truyện thiếu chiều sâu.
Có lẽ điều an ủi duy nhất cho game lẫn người chơi là bạn sẽ không phải chịu sự tra tấn này quá lâu, vì toàn bộ cốt truyện của game chỉ gói gọn trong vòng… một tiếng đồng hồ – thậm chí có thể ít hơn nếu bạn chỉ lo làm nhiệm vụ mà không màng đến kẻ thù luẩn quẩn xung quanh.
Thế nhưng điều tồi tệ nhất của game vẫn đang chờ đón bạn ở mảng lối chơi “lạ mà quen” của mình.
những mặt tốt đẹp ấy đã không hề xuất hiện trong Roots Of Insanity, bởi những giây phút sau của game đã tự dìm mất điểm sáng của mình một cách đáng tiếc
BẢN ALPHA TEST… THẤT BẠI CỦA OUTLAST!
Trong kinh doanh có một thuật ngữ mang tên “knock-off” nhằm ám chỉ các sản phẩm “nhái” các sản phẩm từ thương hiệu khác, ví như một con iPhone mình “Mĩ… Tho” ruột “Tàu” sẽ có giá “bèo” nếu mua tại Nhật Tảo hay ngoài đường; hay bạn có thể sở hữu đôi tai nghe chụp đầu (Headphones) đình đám từ Beats tại các tiệm… tin học bình dân với thiết kế sao chép hàng gốc gần giống 100%. Game cũng không là ngoại lệ.
Với mảng cốt truyện gây “tụt mood” của mình, liệu Roots Of Insanity còn có thể làm gì khác tệ hơn không? Câu trả lời nằm ở lối chơi của game: Một camera trên tay, môi trường tối đến mức… kính cận cũng vô dụng và chạy khắp nơi trong vòng vây kẻ thù để tìm đồ vật và giải đố. Nếu nghe đến đây khiến bạn nhớ lại tựa game Outlast, bạn đã không lầm: Roots Of Insanity chính là phiên bản “knock-off” không hơn kém của nó, với một vài chi tiết khác nhất định.
Điểm đầu tiên phải kể đến chính là mảng chiến đấu thừa thãi của game, với ba kiểu đánh gồm quẹt dao và đá kẻ thù trong góc nhìn người thứ nhất, còn sử dụng súng sẽ đưa người chơi vào góc nhìn người thứ ba – điểm mà người viết đến giờ vẫn không hiểu nhà sản xuất cho vào để làm gì khi mọi hành động từ giải đố đến tấn công đều hoạt động tốt ở góc nhìn đầu.
Mà tấn công để làm gì khi bản thân kẻ thù – những hình nhân không-phải-là-zombie-mà-chỉ-hơi-giống – chỉ có khả năng đứng một góc và… lắc qua lại, chờ chực người chơi chạy đến để vung tay đánh trả cho có lệ trước khi lãnh vài nhát dao hay kẹo đồng? Với AI vô dụng, khả năng chịu sát thương kém và đánh như mèo quào, việc game cho phép người chơi tấn công chúng lại khiến cho người viết ước gì chỉ có thể chạy và ẩn nấp như Outlast, thế nhưng làm vậy thì còn đâu nét đặc trưng cho tựa game này?
Vậy ít ra mảng giải đố sẽ phần nào tốt hơn chứ?
Rất tiếc là không, khi mọi nhiệm vụ, câu đố lẫn cốt truyện đều đã được Roots Of Insanity “nhắc bài” cực kì kĩ lưỡng qua những mẩu giấy ghi nhiệm vụ – đồng thời chú thích những việc bạn cần làm chi tiết đến… cạn lời! Nếu Outlast đã được đầu tư kĩ ở mảng giải đố pha trộn yếu tố chạy trốn và ẩn nấp trong môi trường tối vừa đủ, thì Roots Of Insanity mang một bước tiến lùi khi thiết kế của mọi màn chơi đều tuyến tính và tối đến mức… hại mắt, trong khi đồ vật cần phải tìm gần như chỉ cách vài bước chân mà không phải đổ mồ hôi tìm kiếm – và như đã nói, bạn có muốn tự kiếm thì game cũng đã… chỉ hết cho bạn rồi.
mọi nhiệm vụ, câu đố lẫn cốt truyện đều đã được Roots Of Insanity “nhắc bài” cực kì kĩ lưỡng qua những mẩu giấy ghi nhiệm vụ – đồng thời chú thích những việc bạn cần làm chi tiết đến… cạn lời
Môi trường trong game cũng thuộc hạng “nửa mùa” với những hành lang và căn phòng tăm tối nhưng trống rỗng, cùng lượng đồ vật để tương tác ít đến mức bạn sẽ mở tủ nhiều hơn đi nhặt đồ.
Thiết kế màn chơi thì mang kiểu quá tuyến tính và rập khuôn với các game kinh dị đại trà: góc phòng đổ nát + bàn ghế lộn xộn + sirô lẫn kẻ thù và xác chết rải rác dày đặc – không khí kinh dị = gần như toàn bộ màn chơi trong Roots Of Insanity.
Có lẽ thứ kinh dị mà người chơi sẽ gặp nhiều nhất là độ sáng… ngược của game, với khả năng khiến cho chiếc camera trên tay – thứ mà lẽ ra chiếc đèn pin đã có thể làm tốt hơn – trở nên gần như vô dụng, dù có cả chế độ nhìn trong đêm; độ sáng “tuyệt vời” này không chỉ khiến cho việc di chuyển và đụng độ với kẻ thù trong game khó hơn, nó còn khiến cho mỗi màn chơi trở nên khó chịu khi mắt của bạn phải cố gắng nhíu lại chỉ để nhìn rõ mình đang bắn hay đánh thứ gì trước mặt.
BẠN SẼ THÍCH
CÒN GÌ THẬT SỰ ĐỂ THÍCH?
Đây có lẽ là câu hỏi duy nhất cho Roots Of Insanity sau gần… một tiếng đồng hồ di chuyển trong đêm và đôi lúc đáp trả kẻ thù cho vui: Sau màn trình diễn đầy thất vọng của mình, liệu còn có gì để cứu vát tựa game này không?
Nếu không tính đến phần mở đầu tạm được của mình, ít ra với sự giúp sức từ Unreal Engine 4, mảng đồ họa của Roots Of Insanity tạm chấp nhận được ở mức khá ưa nhìn, tuy nhiên vì game gần như không hỗ trợ thanh chỉnh độ sáng cho người chơi hiệu chỉnh, bạn sẽ chỉ có thể ngắm vẻ đẹp ấy đa phần từ… chiếc camera trên tay là chủ yếu.
Điểm cộng cuối cùng cho Roots Of Insanity nằm ở tính… thực dụng, khi chỉ với một tiếng đồng hồ để hoàn thành toàn bộ game, người chơi có thể dùng tựa game này để “giết” chút thời gian hay sưu tầm… Trading card và lên cấp trên Steam – thế nhưng với giá gần 10 USD, bạn nên chờ và mua game vào thời điểm Giáng Sinh hoặc Black Friday để tiết kiệm tiền bạc, vì như đã nói từ đầu – chất lượng của tựa game này không thật sự đáng với giá tiền của nó, trừ phi bạn chưa từng chơi qua tựa game nào sử dụng camera thay cho đèn pin nhìn trong đêm, hay bất cứ game kinh dị nào mang chủ đề bệnh viện.
ít ra với sự giúp sức từ Unreal Engine 4, mảng đồ họa của Roots Of Insanity tạm chấp nhận được ở mức khá ưa nhìn