Sakuna: Of Rice and Ruin – Từ ngàn xưa, nghề nông luôn luôn là một nghề nghiệp cao quý, gắn liền với giá trị sinh tồn của con người dù bất kể văn minh phát triển như thế nào đi nữa.
Tuy vậy, người ta thường hình dung về nghề nông như là một trong các nghề nghiệp khổ cực nhất trên đời, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn…
Nhằm mang đến cho các game thủ một trải nghiệm làm nông vui vẻ, thân thiện, từ trước đến nay dòng game Harvest Moon (hay Story of Seasons) và Rune Factory đều là những cái tên “cộm cán”; với lối chơi cốt lõi hướng vào mảng trồng trọt, thu hoạch, chăn nuôi… – những công việc mà hoá ra khi lên game lại cũng… “mệt não” chẳng kém “mần ruộng” ngoài đời thực là mấy (mỗi cái cực một kiểu).
Tuy vậy, các tựa game nói trên chủ yếu là “làm nông kiểu phương Tây”, với các quy trình được tinh giản khá nhiều và càng về sau thì càng “khoẻ” nhờ sự trợ giúp của các chú lùn hoặc máy móc tân tiến.
Để người chơi có trải nghiệm thực tế hơn với nghệ thuật “trồng lúa nước”, hãng Edelweiss đã sáng tạo ra Sakuna: Of Rice and Ruin – một tựa game có thể nói là “nâng tầm nghệ thuật” của tiết mục “mần ruộng” lên tới đỉnh điểm.
Nhận được khá nhiều đánh giá tích cực, vậy thì Sakuna: Of Rice and Ruin với trải nghiệm cày sâu cuốc bẫm đặc thù của mình đã chinh phục được người chơi nhờ vào những gì?
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi “lầy lội” đúng nghĩa đen!
Cốt truyện trong Sakuna: Of Rice and Ruin cũng khá là “dị hợm”, khi dẫn dắt người chơi vào một thế giới đậm chất tâm linh của Nhật Bản thời cổ.
Tại đây, thế giới phân chia thành hai “cõi” chính: của Thần và của người.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày lễ hội mùa màng, ngày mà cả con người lẫn thần linh đều phải dâng cống phẩm lúa gạo lên Đại nữ thần.
Nhân vật chính, Sakuna, là con của thần Chiến tranh và nữ thần Mùa màng, vì vậy chẳng có gì kỳ lạ khi cô nàng cực kỳ đỏng đảnh, chảnh choẹ và chẳng coi ai ra gì.
Một sự kiện kỳ lạ nào đó khiến một đám người dân tị nạn đi vào được cõi Thần, và trong cơn đói họ đã lẻn vào ăn vụng gạo trong kho của Sakuna.
Vừa xỉn, vừa quạu, vừa hoảng, Sakuna vô tình… thiêu trụi cả kho gạo, khiến Đại nữ thần thịnh nộ, đày cô phải đến đảo Hinoe nhằm dẹp loạn yêu quái vốn tự dưng sinh sôi rất mạnh gần đây.
Dù bất đắc dĩ, Sakuna vẫn phải cùng đám người phàm “khăn gói quả mướp” lên đảo quỷ, và từ đây hành trình kỳ thú của cô bắt đầu.
Về cơ bản, trong Sakuna: Of Rice and Ruin người chơi chỉ trồng đúng một thứ là… lúa nước.
Tuy vậy chớ có vội xem thường, vì game đưa quy trình trồng lúa thực tế từ ngoài đời vào trong game, “sao y bản chính”.
Từ một nhúm lúa giống “làm vốn” ban đầu, người chơi phải chờ lúc nảy mầm, rồi gieo mạ – gieo quá gần cũng dở mà xa quá cũng không hay, sau đó phải tháo nước vào ruộng – canh mực nước vừa đủ.
Trong lúc chờ lúa trổ bông, lên đòng thì lại phải canh nhổ cỏ dại, chăm bón phân (vâng, là phân chuồng chính gốc đấy ạ).
Khoảnh khắc những bông lúa chín vàng trên khắp cánh đồng ngoài đem lại niềm vui nô nức, cũng lại mang đến một chuỗi phiền toái đi theo sau: từ gặt lúa, phơi khô, tuốt lúa, giã trấu, ươm hạt… người chơi sẽ trải qua một quy trình hoàn mỹ để có được những hạt gạo trắng trong, thơm tròn trên bàn ăn của mình.
Quả thật, chỉ cần chơi qua một mùa trong Sakuna: Of Rice and Ruin, người chơi sẽ có trải nghiệm sâu sắc về những nỗi nhọc nhằn của ông bà ta khi bao đời làm ruộng để có được hạt lúa thơm.
Nhưng nếu chỉ có vậy, thì hoá ra Sakuna: Of Rice and Ruin là game “Farming Simulator ver 2020” à?
Nên nhớ rằng sứ mệnh chính của Sakuna khi đến đảo Hinoe này là để trừ yêu, trồng lúa chẳng qua để giải quyết vấn đề sống còn trước mắt mà thôi.
Cơ chế chiến đấu của Sakuna: Of Rice and Ruin là dạng góc nhìn ngang “đi cảnh”, với một ít yếu tố leo trèo nhảy nhót.
Người chơi sẽ luân phiên giữa các đòn đánh thường và đánh mạnh để tiêu diệt kẻ địch.
Không những “mở rộng” sự phong phú trong cách chơi, hãng phát triển còn tạo thêm chiều sâu cho sự phong phú này bằng việc đưa vào những đặc tính đặc trưng của từng nhân vật, cũng như giới thiệu các yếu tố đặc biệt cho mỗi kỹ năng nhân vật mỗi khi người chơi nâng cấp chúng lên một mức độ nhất định.
Điều này cho phép một đòn thế ở nhân vật của người chơi này khi thi triển sẽ khác hoàn toàn với đòn thế của nhân vật người chơi khác, tùy theo sở thích của họ.
Nên nhớ rằng sứ mệnh chính của Sakuna khi đến đảo Hinoe này là để trừ yêu, trồng lúa chẳng qua để giải quyết vấn đề sống còn trước mắt mà thôi
Đan xen vào các chuỗi combo đó là các kỹ năng sẽ được mở khoá dần trong quá trình chơi.
Số lượng kỹ năng trong Sakuna: Of Rice and Ruin không quá nhiều, nhưng hầu hết chúng đều rất hữu dụng cho từng trường hợp đặc thù, ví dụ như đối không hoặc với kẻ địch giáp dày.
Dải khăn ma thuật của Sakuna cũng là một công cụ đắc lực giúp cô nhảy cao, đổi hướng giữa không trung hoặc trói kẻ địch, tạo nên những chuỗi combo đẹp mắt và “đã tay”!
Hai yếu tố “trồng trọt” và “chiến đấu” trong Sakuna: Of Rice and Ruin có thể ví như hai mặt của một đồng xu, chúng liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau một cách mượt mà, tinh tế.
Cụ thể là chất lượng lúa và các bữa ăn sẽ quyết định sức mạnh của Sakuna, trong khi đó việc Sakuna đủ mạnh để tiêu diệt các loại quái nào sẽ quyết định cô thu thập được những loại nguyên liệu phụ nào để chế đồ, xây dựng và nấu ăn.
Đồ họa độc đáo, chất lượng!
Nhắc đến Sakuna: Of Rice and Ruin mà bỏ qua phần đồ họa xuất sắc của game thì quả là một thiếu sót to lớn, hệt như ăn phở bò mà không có giá trụng vậy.
Từ trước đến nay, Edelweiss vốn tạo được ấn tượng khá tốt với người chơi nhờ mảng đồ hoạ khá chắc tay (ví dụ như trong Astebreed), nhưng rõ ràng với Sakuna: Of Rice and Ruin thì hãng đã nâng mọi thứ lên một tầm cỡ khác.
Sakuna: Of Rice and Ruin lấy bối cảnh nước Nhật thời cổ, nhưng không hẳn là chính xác hoàn toàn, mà game đan xen vào đó những nét huyễn hoặc chấm phá của riêng mình.
Vì vậy tuy các phục trang, tạo hình nhân vật hay kiến trúc, nhà cửa trong game nhìn khá dễ chịu và thân thuộc, nó vẫn có những điểm nhấn nhá thú vị tạo nên cái chất rất riêng của mình.
Tạo hình các nhân vật trong game, mà cụ thể là “hội anh em bạn dì” phàm nhân đi cùng Sakuna, thoạt nhìn thì cảm thấy khá là “chìm”, nếu không muốn nói là tầm thường.
Tuy vậy, qua cách dẫn dắt cốt truyện cùng những đoạn thoại hé mở về ký ức của mỗi người, chúng ta lại càng cảm thấy những thiết kế đó vô cùng phù hợp với họ, dù là xét từ vẻ mặt, tóc tai cho đến quần áo, các món đồ trên người.
tuy các phục trang, tạo hình nhân vật hay kiến trúc, nhà cửa trong game nhìn khá dễ chịu và thân thuộc, nó vẫn có những điểm nhấn nhá thú vị tạo nên cái chất rất riêng của mình
Bản thân Sakuna vốn là một nữ thần nhí vốn được nuông chiều quá cỡ, nên dù khoát lên người bộ xiêm y thần thánh hay bộ áo bó nhà nông, cô nàng vẫn toát ra được cái vẻ lấc cấc, khó ưa vô cùng đặc trưng.
Tuy vậy, càng chơi sâu vào game, càng hiểu về sự khác biệt giữa hai “cõi” và những thứ Sakuna phải trải qua cạnh những phàm nhân, người chơi lại càng dễ đồng cảm và yêu mến cô hơn.
Về cảnh quan môi trường thì Sakuna: Of Rice and Ruin chia hòn đảo Hinoe ra thành các “mảng” lớn với đặc thù địa hình riêng biệt: vùng bờ biển, vùng bìa rừng, vùng hang đá, vùng đầm lầy… Trong đó, mỗi vùng lại chia thành từng khu vực nhỏ, tuy sử dụng cùng một dạng cảnh sắc, môi trường nhưng chúng đều có thiết kế và kết cấu hoàn toàn khác nhau.
Và nhìn chung thì các màn chơi trong Sakuna: Of Rice and Ruin đều được chăm chút khá tỉ mỉ cả về mặt chất liệu, ánh sáng hay những chi tiết lặt vặt.
BẠN SẼ GHÉT
Nhiều “hạt sạn” không đáng có!
Sakuna: Of Rice and Ruin sẽ là một tựa game xuất sắc, đủ tầm cỡ sánh vai cùng các siêu phẩm AAA khác, nếu không mắc phải một số chi tiết khó chịu – dù nhỏ nhưng lại khá là dễ bắt gặp.
Đầu tiên phải nói đến cơ chế chiến đấu của game, tuy được làm khá ổn thoả, nhưng lại có những chỗ “sượng” khó hiểu.
Có thể diễn đạt điều này bằng cách nói rằng giữa những đòn đánh, hoặc khi chuyển mục tiêu, game lại xuất hiện những chỗ “khựng” tuy rất nhẹ, nhưng đủ khiến cảm giác “phê” của người chơi bị “nấc cụt”.
Kế đến, là cách mà game “hướng đạo” cho người chơi.
Sakuna: Of Rice and Ruin là một tựa game khá lớn với nhiều cơ chế đan xen vào nhau, tạo nên chiều sâu đáng kể.
Điều này khiến cho những ai có kiểu chơi vội vã, nhanh chóng… sẽ sớm bị “chững” lại do… đi trước cả thời đại, chơi đến những chỗ mà game chưa giải thích tới!
Ngoài ra, A.I (trí thông minh nhân tạo) trong game cũng là một vấn đề không nhỏ.
Kẻ địch trong Sakuna: Of Rice and Ruin thường xuất hiện rất đông và đa dạng về chủng loại, tuy nhiên cách hành xử, cũng như độ biến hoá về cách đánh của chúng lại rất… nghèo nàn!
Không ít lần người viết bắt gặp cái cảnh kẻ địch chỉ đứng cách Sakuna có một con suối nhỏ, nhưng thay vì nhảy qua tấn công thì chúng lại chỉ đứng đó “quơ quào” một cách máy móc!
Sau cùng, đó là thiết kế giao diện của Sakuna: Of Rice and Ruin có phần hơi kém chỉn chu, “kém sắc” rõ rệt nếu so với tổng thể về đồ họa và thế giới quá sức đẹp mắt của mình.
Các chỉ số thông tin và nhiệm vụ bên ngoài từng khu vực được hiển thị rất “chơ vơ” trên cảnh nền, chẳng hề có khung hay viền gì để liên kết chúng lại, và đôi khi font chữ tạo cảm giác “Nhật cổ” trong game cũng tạo ra cảm giác hơi khó đọc, đặc biệt khi chữ đặt cạnh với số.
thiết kế giao diện của Sakuna: Of Rice and Ruin có phần hơi kém chỉn chu, “kém sắc” rõ rệt nếu so với tổng thể về đồ hoạ và thế giới quá sức đẹp mắt của mình
THÔNG TIN
- Sản xuất: Edelweiss
- Phát hành: XSEED Games, Marvelous USA, Inc.
- Thể loại: Hành động / Nhập vai
- Ngày ra mắt: 11/11/2020
- Hệ máy: PC, PS4, Nintendo Switch
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 8.1/10
- CPU: Intel Core i5-7500
- RAM: 6 GB RAM
- VGA: NVIDIA GTX 750 Ti
- HDD: 7 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI MARVELOUS – CHƠI TRÊN HỆ PC