Samsung Odyssey 27G5 – Samsung có thể coi là một trong những “ông lớn” hàng đầu trong lĩnh vực màn hình và hiển thị hiện nay khi các sản phẩm của hãng liên tục “bao sân” và đánh bại hầu hết các đối thủ sừng sỏ trên thế giới ở trong rất nhiều hạng mục bằng những sản phẩm đa dạng, chất lượng nhưng với mức giá vô cùng dễ chấp nhật, thế nhưng có một lĩnh vực mà gần như các sản phẩm của “đại gia xứ kim chi” trở nên mờ nhạt trước hàng loạt đối thủ đến từ Đài Loan, từ Trung Quốc, và thậm chí đến từ cả người “đồng hương” Hàn Quốc LG của mình, đó chính là các sản phẩm màn hình dành cho game thủ.
Lý do thì cũng có rất nhiều, có thể kể đến việc Samsung vẫn luôn “cổ suý” cho các tấm nền VA thuộc diện “cây nhà lá vườn” với màu sắc không quá nịnh mắt, hay hãng vẫn tập trung vào chuẩn kết nối HDMI có phần thua sút đôi chút so với chuẩn DisplayPort hiện hành… nhưng quan trọng hơn cả, trong một thời gian rất dài, Samsung vẫn thiếu vắng một chiến lược trọng điểm và một thương hiệu nền tảng để game thủ có thể nhận diện dễ dàng, tương tự như Strix và TUF của ASUS, AORUS của Gigabyte, Optix của MSI, hay Argon của AOC thay vì một… chuỗi mã hàng bắt đầu bằng 2 ký tự LC như trước đây.
Chính vì thế mà trong sự kiện CES 2020, hãng đã cho ra mắt thương hiệu sản phẩm màn hình Odyssey với ba dòng sản phẩm chính là G5, G7 và G9 với đặc trưng … cong lên đến 1000R vô cùng đặc trưng mà các mẫu màn hình cong trên thị trường khác khó có thể so sánh được.
Mặc dù ra mắt từ giữa năm nay tại thị trường Việt Nam, thế nhưng đến tận đầu tháng 11 vừa rồi, nhóm thử nghiệm của Vietgame.asia mới được tận tay “sờ” vào phiên bản có mức giá “mềm” nhất trong dòng sản phẩm Odyssey với tên gọi Samsung Odyssey 27G5 để giới thiệu đến bạn đọc đánh giá chi tiết nhất.
Liệu “chất cong” của dòng màn hình Odyssey có thể thoả mãn được các game thủ “hạng nặng”?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
SAMSUNG ODYSSEY 27G5 – CHẤT LƯỢNG TỪ NGOÀI VÀO TRONG
Trong một vài năm gần đây, Samsung có thể xem là hãng đi đầu trong việc sử dụng các vật liệu tái chế bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc làm vỏ hộp các sản phẩm TV và màn hình, thế nên từ cái nhìn đầu tiên, chắc chắn không ít người dùng phải thất vọng trước thiết kế vỏ hộp khá gọn gàng và thậm chí có phần quá… tầm thường của Samsung Odyssey 27G5 với chất liệu giấy các tông thông thường và các hoạ tiết, chữ viết đều được in trắng đen chứ không “màu mè” như các vỏ hộp “đồ sộ” của màn hình chơi game đến từ sản phẩm “đồng cấp” MSI Optix MAG271CQR.
Thông tin trên vỏ hộp cũng được in bằng một kiểu chữ đơn giản, rõ ràng, nhưng không được sắc nét cho lắm, giới thiệu một số tính năng đáng chú ý của sản phẩm như độ cong 1000R, độ phân giải WQHD, tốc độ quét hình 144Hz, hỗ trợ tính năng chống xé hình AMD FreeSync cũng như có khả năng thể hiện nội dung HDR, một tính năng khá “thời thượng” trong những năm gần đây.
Tiến hành mở hộp, dễ dàng thấy được mẫu màn hình chơi game thế hệ mới của Samsung được thiết kế với ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ với chân đế chữ V, phần hiển thị có độ cong mạnh về phía trước với ba cạnh viền mỏng. Cạnh dưới dày với hai gờ nhỏ trang trí theo phong cách nhất quán của dòng sản phẩm Odyssey, gợi nhớ hình ảnh các họng lấy gió trên máy bay phản lực.
Trên thực tế, trào lưu màn hình cong là không hề mới một chút nào, thậm chí có thể lần ngược lại các sản phẩm tiên phong dành cho game thủ từ năm 2015, thế nhưng phải nói rằng độ cong của Samsung Odyssey 27G5 lên đến 1000R là vô cùng lớn, vượt hẳn mức 1800R của các màn cong đời đầu và mức 1500R của hầu hết các màn hình chơi game hiện nay.
[su_quote] độ cong của Samsung Odyssey 27G5 lên đến 1000R là vô cùng lớn, vượt hẳn mức 1800R của các màn cong đời đầu và mức 1500R của hầu hết các màn hình chơi game hiện nay[/su_quote]Thế nên khác với các màn hình có cùng kích thước 27 inch khác, mẫu màn hình Odyssey của chúng ta có bề ngang tương đối hẹp hơn, nhưng bề sâu lại lớn hơn, đem đến một “ảo giác” rằng màn hình có kích thước nhỏ hơn các màn hình có cùng kích thước đường chéo khác trên thị trường.
Mặt sau của màn hình được thiết kế theo ngôn ngữ chung của dòng sản phẩm Odyssey với một khung tròn đặt ngay trung tâm, chứa đựng các cổng kết nối chính với các đường vân toả ra các hướng khác nhau, tăng thêm tính “khoa học viễn tưởng” cho màn hình.
Điểm khác biệt lớn nhất của các dòng sản phẩm Odyssey cũng có thể thấy rất rõ ràng ở khu vực này. Với dòng sản phẩm G5, bạn sẽ chỉ có một chân đế cố định, không sở hữu chân đế linh động và đèn trang trí “lung linh” như trên các phiên bản G7 hay G9.
Khác với nhiều mẫu màn hình ra đời một vài năm trước đó, bên cạnh cổng HDMI 2.0 “chủ lực” được hãng quảng bá trên các màn hình chơi game của mình, Samsung cũng đã “chịu khó” tích hợp thêm cho màn hình một cổng DisplayPort 1.2 với khả năng hỗ trợ vừa đủ cho độ phân giải 1440p ở 144Hz của Samsung Odyssey 27G5 thay vì “chơi lớn”, cung cấp luôn phiên bản 1.4 như rất nhiều màn hình chơi game hiện đại khác.
Phải nói thêm rằng sự khác biệt lớn nhất giữa chuẩn DisplayPort 1.4 và chuẩn 1.2 chính là khả năng hỗ trợ tốc độ quét hình cao ở độ phân giải lên đến 4K cũng như truyền tải các dữ liệu HDR “động” (Dynamic Metadata) thay vì chỉ dữ liệu HDR “tĩnh” (Static Metadata), từ đó có thể hiển thị được những chuẩn màu sắc điện ảnh phức tạp như HDR10+ hay Dolby Vision tiên tiến.
Ngoài ra màn hình cũng sở hữu cổng kết nối nguồn điện từ adapter 19V tương tự như các mẫu màn hình trước đây của hãng, thậm chí bạn có thể sử dụng các mẫu adapter cũ cho mẫu màn hình mới này.
“Lên đèn” thử nghiệm thực tế với màn hình và ấn tượng đầu tiên chắc chắn đến từ chính độ cong 1000R của màn hình chơi game dòng Odyssey này. Phải thú thật rằng, người viết cũng phải mất một khoảng thời gian để “tập làm quen” với độ cong thuộc hàng “siêu gắt” của mẫu màn hình này, thế nhưng khi đã quen thuộc, dễ thấy rằng đây có lẽ là độ cong tốt nhất cho người dùng máy tính thông thường, tốt hơn cả các độ cong 1800R hay 1500R trước đây bởi lẽ khi ngồi trong phạm vi 1m trước màn hình, gần như mọi điểm hiển thị đều có khoảng cách bằng nhau.
Điều này khiến cho người dùng, đặc biệt là các game thủ dễ dàng bao quát các chi tiết ở góc hơn nhiều so với màn hình phẳng, đặc biệt là với các game eSports như League of Legends hay Counter Strike Global Offensive với các bản đồ thường hay được bố trí ở góc bên trái.
Thử nghiệm trên nền tối cho thấy Samsung đã kiểm soát chất lượng sản xuất vô cùng tốt đối với Samsung Odyssey 27G5 khi gần như giải quyết triệt để được hiện tượng hở sáng viền trên các dòng màn hình cong dù đây là một mẫu màn hình có độ cong lớn để thể hiện được màu đen sâu và độ đồng nhất màu sắc ở mức tốt nhất, tốt hơn cả mẫu màn hình cong MSI Optix MAG322CQRV từng được người viết đánh giá cao với độ hở sáng ở mức tối thiểu.
Người viết chỉ nhận thấy một điểm hở sáng vô cùng nhỏ ở chếch góc trên bên phải, khó có thể nhận thấy trong điều kiện ánh sáng bên ngoài mạnh mà chỉ “bộc lộ” ra khi người viết thử nghiệm với một số bài test hở sáng có phần “khó nhằn” trong môi trường bóng tối.
Chất lượng hình ảnh thể hiện cũng ở mức khá tốt ở độ phân giải 1440p với kích thước điểm ảnh nhỏ, màu sắc ở mức tương đối chấp nhận được chứ không quá xuất sắc, chủ yếu là do Samsung đã lựa chọn một tấm nền VA để trang bị cho sản phẩm của mình, tương tự như trên các TV phổ thông kích thước lớn mà hãng vẫn đang bán trên thị trường hiện nay.
Tấm nền VA có đặc điểm cho màu đen sâu, đem đến độ tương phản khá lớn, nhưng bù lại sở hữu góc nhìn khá hẹp so với tấm nền IPS cũng như để lại bóng mờ (ghosting) nhiều hơn tấm nền TN dù đã được “bù đắp” bằng tốc độ quét hình ở mức 144Hz, thế nên nếu các bạn có yêu cầu cao về màu sắc và góc nhìn, hay là một fan “try hard” của các game thể thao điện tử thì các màn hình sử dụng tấm nền này sẽ khó lòng thoả mãn cho các nhu cầu chuyên nghiệp của bạn.
Bên cạnh đó, để “khai thác” tối đa khả năng thể hiện khung cảnh trong tối của tấm nền VA, Samsung đã trang bị cho mẫu màn hình của mình tính năng Black Equalizer tương tự như nhiều màn hình chơi game hiện nay để tăng khả năng hiển thị của dải màu xám, giúp người dùng dễ phân biệt các chi tiết môi trường và cả kẻ thù trong bóng tối. Bù lại, tính năng này sẽ làm cho màu sắc bị bết lại với nhau nhiều hơn.
Khả năng thể hiện hình ảnh dải sáng động HDR (High Dynamic Range) khá mờ nhạt với độ sáng ở mức cao nhất (peak brightness) không quá ấn tượng, không vượt qua được mức 300nits, thậm chí “kém sắc” hơn một vài mẫu màn hình khác cũng đạt chuẩn “HDR-Ready” như BenQ EW3270U có thể đạt mức 350nits hay cao cấp hơn đôi chút như ASUS TUF GAMING VG32VQ chứ không nói đến những mẫu màn hình đạt chuẩn HDR400 của VESA như ASUS Strix XG279Q.
Về chất lượng hình ảnh tổng thể, Samsung Odyssey 27G5 thua sút đôi chút về độ chính xác của màu sắc so với mẫu màn hình Gigabyte G27QC cũng sử dụng tấm nền VA đã được Vietgame.asia giới thiệu gần đây ở cùng mức giá, nhưng vượt trội hơn ở độ đồng nhất về màu sắc và khả năng kiểm soát độ hở sáng đạt được mức vô cùng ấn tượng, nhưng tựu chung không đạt được khả năng cuốn hút ánh mắt của người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Tính năng FreeSync và G-Sync Compatible hoạt động ổn định, đem lại những khung hình trơn tru với cả những card màn hình đến từ “đội xanh” mà không gặp hiện tượng chớp hình (flickering) như với một vài mẫu màn hình G-Sync Compatible khác trên thị trường hiện nay khi bật tính năng này lên.
Nhìn chung, Samsung Odyssey 27G5 sở hữu một thiết kế ổn thoả, màu sắc ở mức chấp nhật được và những tính năng cần thiết đem lại một trải nghiệm nhẹ nhàng và mượt mà dành cho game thủ. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến độ hở sáng được kiểm soát vô cùng lý tưởng, đi đầu trong các màn hình cong trên thị trường hiện nay.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
SAMSUNG ODYSSEY 27G5 – THIẾU VẮNG NHIỀU TÍNH NĂNG THUẬN TIỆN
Là một mẫu màn hình chơi game có mức giá xấp xỉ 10 triệu đồng đến từ một hãng sản xuất danh tiếng, thế nhưng Samsung Odyssey 27G5 lại thiếu vắng một vài tính năng thời thượng vô cùng thuận tiện trên nhiều mẫu màn hình được ra mắt trong thời gian gần đây.
Chẳng hạn như, màn hình thiếu vắng một bộ chân đế linh hoạt có khả năng điều chỉnh chiều cao phần hiển thị được trang bị trên rất nhiều mẫu màn hình chơi game ở tầm giá này, chẳng hạn như mẫu Gigabyte M27F hay Gigabyte G27QC đã đề cập ở trên.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải “mò mẫm” trên các menu ngữ cảnh thông qua một nút bấm 5 chiều khá nhỏ tích hợp bên cạnh dưới màn hình để điều chỉnh các thiết lập, thông số nhất định, trong khi rất nhiều mẫu màn hình hiện đại đều có các phần mềm cho phép điều khiển các tính năng này trực tiếp bằng bàn phím và chuột ngay trên màn hình.
Cuối cùng, màn hình cũng không được căn chỉnh màu sắc cẩn thận từ khi xuất xưởng ở mức tốt nhất như nhiều màn hình ra mắt gần đây, thế nên nếu muốn đạt được độ chính xác màu tương khả dĩ cho các tác vụ đồ hoạ, bạn sẽ phải mày mò tinh chỉnh khá nhiều và mất thời gian, kể cả khi bạn sở hữu thiết bị căn chỉnh chuyên nghiệp.
GIÁ THAM KHẢO
9,490,000đ
BÀI MỚI NHẤT
- Ubisoft âm thầm ra mắt Captain Laserhawk: The GAME, một game NFT! – Tin Game
- MSI cho ra mắt hai mẫu laptop AI Prestige 13 & Prestige 16 AI+ Evo tại Việt Nam – Tin Gaming Gear
- GSC Game World sẽ cập nhật 3 phần STALKER gốc! – Tin Game
- Team Fortress 2 ra tập truyện cuối cùng… sau gần 8 năm! – Tin Game
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear