SD Gundam G Generation Cross Rays – Là tựa game mới nhất nằm trong loạt game SD Gundam G Generation – cái tên mà tới nay đã có một bề dày lịch sử dài hơi gần 21 năm (từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 1998).
Tuy cùng là game chiến thuật và cùng nằm dưới trướng Bandai Namco nhưng khác với Super Robot Wars thường tự tạo cho mình một cốt truyện riêng biệt, thế giới của SD Gundam G Generation tập trung nhiều hơn về việc khai thác những sự kiện, cốt truyện xoay quanh thế giới hoạt hình và truyện tranh về Gundam.
Và không nằm ngoài “truyền thống” SD Gundam G Generation Cross Rays sở hữu cho mình hơn 31 phần phim/truyện khác nhau về Gundam, trải dài từ Mobile Suit Gundam Wing cho đến Mobile Suit Gundam: Iron-Blooded Orphans…
Vậy với số lượng đầu truyện khổng lồ cùng kinh nghiệm từ những người đi trước, SD Gundam G Generation Cross Rays liệu có thể vượt mặt những đàn anh của mình hay không?
Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết sau.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
“BẢN TÌNH CA” CỦA DÒNG GAME CHIẾN THUẬT CỔ ĐIỂN
SD Gundam G Generation Cross Rays không phải tựa game duy nhất lấy đề tài Gundam, trên thực tế thì những người máy chiến đấu khổng lồ tới từ nước Nhật đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tựa game khác nhau từ thuần hành động/chiến đấu như dòng Gundam VS, chế tạo/giả lập như Gundam Breaker, đối kháng như Gundam Versus…
Và tuy được thay thế bằng nhiều cái tên khác, nhiều thể loại “bớt nhàm chán” hơn nhưng dòng game chiến thuật cổ điển về Gundam vẫn có một chỗ đứng dành riêng cho mình.
Thế nhưng tuy cùng là thể loại chiến thuật thì Super Robot Wars đúng nghĩa bắt bạn “try hard” đến chết với một mớ chiến lược cực kỳ rối rắm, thì SD Gundam G Generation Cross Rays so ra lại dễ thở hơn rất nhiều.
Điều đầu tiên mà sẽ khiến bạn choáng ngợp khi mới bắt đầu gia nhập thế giới SD Gundam G Generation chính là khối lượng nhân vật cực kỳ khổng lồ của dòng game.
À phải, chúng ta đang nói đến “nhân vật” chứ không phải Gundam nhé, mỗi nhân vật lại có chỉ số, kỹ năng và hàng trăm thứ khác nhau nữa phù hợp cho từng nhiệm vụ khác nhau và đấy là chưa kể đến việc bạn có thể tự tạo những nhân vật mới cho riêng mình và khi hoàn thành các nhiệm vụ cốt truyện, bạn còn có thể chiêu mộ những nhân vật từ dòng phim/truyện đó vào đội của mình.
Tính năng tạo nhân vật tuy không làm đến mức kiểu bạn có thể di chuyển từng cái lông mày của nhân vật mà chỉ dừng lại ở việc chọn những mẫu nhân vật có sẵn.
Thế nhưng những lựa chọn ở trong việc tạo nhân vật như ngày sinh, nhóm máu, thói quen… sẽ ảnh hưởng tới chỉ số và kỹ năng của nhân vật đó, đôi khi bạn sẽ tạo ra một siêu chiến binh bằng cách bốc ngẫu nhiên đấy!
Và tuy nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì các chỉ số của một nhân vật khá là lằng nhằng.
Nhìn chung thì chúng chúng ta có thể phân chia ra hai nhóm là các chỉ số ảnh hưởng đến Warship (tàu chiến) bao gồm Auxiliary, Comunication, Navigation, Maintenance, Charisma.
Nhóm thứ hai là nhóm chỉ số ảnh hưởng đến Gundam bao gồm Command, Ranged, Melee, Defense, Reaction, Awaken.
Ngoài cách “cổ điển” là lên cấp, bạn có thể thay đổi các chỉ số của nhân vật bằng việc tiêu tốn CAP (tiền tệ trong game), thường thì công việc này sẽ tốn của bạn một con số không nhỏ đâu.
Các nhân vật được chiêu mộ (Scout) thường sẽ sở hữu thêm các thuộc tính cá nhân đặc biệt của riêng họ, các thuộc tính cá nhân này sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới chỉ số hoặc phương tiện mà nhân vật đó sử dụng.
[su_quote]Điều đầu tiên mà sẽ khiến bạn choáng ngợp khi mới bắt đầu gia nhập thế giới SD Gundam G Generation chính là khối lượng nhân vật cực kỳ khổng lồ của dòng game[/su_quote]Và nếu bạn nghĩ việc xây dựng nhân vật đã khiến bạn nhức đầu? Tối ưu hóa một con Gundam sẽ giúp bạn suy nghĩ lại điều đó.
Tuy không có chức năng chế tạo và phối Gundam như Break nhưng với hơn 31 ấn phẩm được đưa vào game, SD Gundam G Generation Cross Rays cũng sở hữu cho mình một khối lượng Gundam, vũ khí quân dụng, tàu chiến… lên tới hàng nghìn.
Mỗi Gundam lại sở hữu những đặc tính riêng biệt khác nhau, khi lên cấp, bạn sẽ nhận được một số điểm (gọi là point) để nâng chỉ số cho Gundam.
Khi đạt cấp độ cần thiết, bạn có thể chuyển hóa Gundam sang các mẫu khác hoặc nâng cấp chúng (Develop). Bạn cũng có thể phân rã các Gundam thành các mẫu cấp thấp, kết hợp các loại khác nhau để tạo ra bản vẽ Gundam mới…
Khi thất bại trong trận chiến thì bạn vẫn sẽ giữ được pilot (phi công) nhưng Gundam sẽ bị phá hủy hoàn toàn, bạn có thể mua lại chúng bằng CAP trong mục Produce.
Các Gundam, tàu chiến hoặc vũ khí quân dụng… có thể được “độ” bằng các vật phẩm đặc biệt (modify), tùy từng mức độ mà các vật phẩm này có thể có giá trị ngang với một con Gundam cao cấp.
Nhóm của bạn sẽ được chia ra làm hai dạng, tổ đội tàu chiến và tổ đội đơn, tổng cộng 4 nhóm tất cả.
Nhóm tàu chiến sẽ có “đặc quyền” là được thêm một tàu mẹ tham gia tấn công, tàu mẹ sẽ sỡ hữu những kĩ năng đặc biệt và có thể hỗ trợ cho tổ đội bằng các buff hoặc gây sát thương phụ.
Nhóm đơn lại có lợi thế hơn về độc lập tác chiến, các nhân vật trong tổ đội đơn có thể tự do kết hợp các chiêu thức tấn công với nhau (miễn nằm trong phạm vi tấn công).
Tổ đội đơn còn sở hữu kỹ năng đặc biệt gọi là Raid Link, có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc (số lượng mục tiêu dựa trên số lượng thành viên và càng nhiều mục tiêu được chọn thì sát thương càng giảm).
Cả hai loại hình tổ đội đều có những ưu nhược khác nhau, ví dụ như điểm yếu của nhóm tàu chiến là các thành viên phải phụ thuộc khá nhiều vào tàu mẹ và không thể kết hợp tấn công/phòng thủ nếu không có các kỹ năng, vũ khí tương đồng.
Thế nhưng các thành viên có thể hy sinh 1 lượt đánh để quay về tàu hồi lại máu và năng lượng cũng như hưởng lợi từ các buff từ tàu mẹ.
Trong khi đó thì tổ đội đơn gặp khó khăn lớn nếu không thể gây đủ sát thương để hit and run (chạy và đánh), nếu bạn đứng quá xa các thành viên khác trong đội hoặc tính sai số năng lượng còn lại của đồng đội thì cái giá phải trả có khi sẽ là con Gundam đắt đỏ của bạn.
Khi các thành viên trong tổ đội đơn đứng gần nhau sẽ hồi lại một lượng máu nhưng bù lại sẽ ảnh hưởng tới năng lượng hồi phục.
Các nhân vật có thể tự do “luân chuyển công tác” tùy thuộc vào chiến thuật mà bạn muốn sử dụng.
Các màn chơi cũng được phân ra các độ khó khác nhau bao gồm Normal, Hard và Extra.
Các độ khó khác nhau sẽ có các phần thưởng khác nhau, khi hạ gục trùm hoặc trùm phụ trong màn chơi, bạn sẽ nhận được các kỹ năng bị động của nhân vật đó, trong trường hợp các NPC hạ gục trùm hoặc bạn không muốn nhận kỹ năng thì nó sẽ được đưa vào kho, bạn phải bỏ CAP ra để chuộc lại những kỹ năng đó.
Việc xây một bảng kỹ năng nội tại hoàn chỉnh cho một nhân vật sẽ tốn khá nhiều chất xám của bạn, thường thì hãy cố gắng hạ hết bọn lâu la trước và cho nhân vật bạn muốn kết liễu tên trùm.
Các kỹ năng cùng loại có thể cộng dồn với nhau (ví dụ như marksmanship lv.1, marksmanship lv.2…) thế nhưng cùng tên thì không (bạn không thể học 2 lần marksmanship lv.1).
Tất nhiên là bạn sẽ chả phải nhân vật trung tâm trong màn chơi mà sẽ như một tổ đội đánh thuê hỗ trợ các nhân vật chính, điều này sẽ giúp cốt truyện không bị loãng hay thay đổi.
Các nhân vật chính sẽ xuất hiện dưới dạng NPC và tuy sở hữu sức mạnh hơn hẳn một nhân vật thường nhưng nếu để họ chết thì bạn phải chơi lại màn đấy.
Tính năng Dispatch cũng đặc biệt quan trọng, với tính năng này thì bạn có thể… cắm máy cho nhân vật tự cày cuốc, giúp ích khá nhiều nếu bạn không đủ thời gian cày chay ngày đêm.
Sẽ có nhiều loại phần thưởng khác nhau trong Dispatch ngoại trừ kinh nghiệm và CAP thì còn có vật phẩm Modify, Gundam, kĩ năng bị động, vũ khí…
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
TẬN DỤNG ĐẾN CÙNG CỰC…
Dẫu biết là anh em cùng nhà nhưng giao diện của SD Gundam G Generation Cross Rays thật ra chẳng khác quái gì Super Robot Wars T ra mắt vào đầu năm nay.
Và tất nhiên, không chỉ giao diện, đến cả bối cảnh, các đoạn phim cắt cảnh, các mẫu nhân vật… của Super Robot Wars T cũng được bê nguyên xi qua cho người em cùng cha khác họ (được một điểm khen là cái phông chữ “cục súc” đã được thay đổi cho thanh thoát hơn và logo bự chảng khi chụp màn hình cũng được thu lại ở góc).
Cốt truyện của game cũng gặp vấn đề (mà chắc chắn không thể khắc phục được) đó là cốt truyện bị nén lại để tua nhanh qua các màn chiến đấu, những gì mà phim cần tới 5 tập để giải quyết thì game dồn lại thành một chương và một đống chữ chạy trong 30 phút.
Lấy ví dụ như người viết cực thích cách phim xây dựng cảnh những cậu thiếu niên CGS hy sinh trong Mobile suit Gundam: Iron-blooded orphans mà nhất là trường đoạn người đồng đội khóc thương cho sự hy sinh của Danji thì trong game nó chỉ được nhắc trong vòng… 5 giây và một dòng chữ vô cảm.
[su_quote]Dẫu biết là anh em cùng nhà nhưng giao diện của SD Gundam G Generation Cross Rays thật ra chẳng khác quái gì Super Robot Wars T ra mắt vào đầu năm nay.[/su_quote]Bên cạnh đó, mục Gallery của game cũng được thiết kế khá… ngu si, ví dụ như khi bạn đang cực kỳ muốn biết cách lấy một con Gundam nhưng thay vì làm theo dạng danh sách thì game bắt bạn phải nhớ con Gundam đấy đích xác nằm ở dòng phim nào thì… mới chịu mở lên cho bạn xem.
Một lỗi xảy ra với người viết (không biết là do game hay là do PS4) đó là khi mở Spotify song song với SD Gundam G Generation Cross Rays thì game rất hay bị văng ra ngoài hoặc nạp (load) màn rất chậm, trong khi với các game khác thì lại bình thường.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Bandai Namco
- Phát hành: Bandai Namco
- Thể loại: Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 29/11/2019
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4, Nintendo Switch
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- SSD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4