Senua’s Saga: Hellblade 2 – Có lịch sử làm game gần 25 năm với kinh nghiệm dày dặn tích góp trong gần chục tựa game lớn nhỏ, nhưng có lẽ khái niệm “thành công” đối với Ninja Theory mà nói, chỉ thực sự đến khi “phép màu” Hellblade: Senua’s Sacrifice gặt hái thành công vào năm 2017.
Lựa chọn một đề tài tâm lý vừa độc đáo, vừa “kén” người chơi, lại dám thiết kế một lối chơi nặng tính kể chuyện thay vì tập trung vào thể loại “chặt chém” như các sản phẩm đi trước, Ninja Theory và Hellblade: Senua’s Sacrifice đã xuất sắc ẵm về tổng cộng 16 giải thưởng lớn nhỏ trên khắp thế giới, trong đó có đến 3 giải của The Game Award 2017 cho một tựa game indie.
Khỏi phải nói, những “tiềm năng” năm nào đã thực sự được game mang về “trái ngọt”, truyển tải được những cảm xúc vỡ òa cho game thủ và mở ra một tương lai cực sáng lạng cho phần hai mang tên: Senua’s Saga: Hellblade 2, nhiều tham vọng đột phá hơn nữa.
Với một cái kết có thể nói là khá trọn vẹn của phần tiền nhiệm, thì liệu 7 năm ròng cho phần tiếp theo liệu sẽ tiếp tục mang về thành công cho Ninja Theory và làm “nở mày, nở mặt” Microsoft một lần nữa hay không?
Vietgame.asia sẽ cùng bạn đến với Senua’s Saga: Hellblade 2 qua bài đánh giá ngay sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
THỰC SỰ CHOÁNG NGỢP!
Mặc dù đã ra mắt cách đây gần 7 năm, song phải nhận định rằng việc trải nghiệm Hellblade: Senua’s Sacrifice ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không hề “lỗi thời”, nhờ chất lượng hình ảnh và âm thanh đỉnh cao của nó. Đây cũng là hai ưu điểm giành được nhiều giải thưởng nhất mà đến hậu bản Senua’s Saga: Hellblade 2 tiếp tục được Ninja Theory nâng lên một tầm cao mới.
“Choáng ngợp” không phải là một mỹ từ để mô tả cái đẹp nhưng có lẽ chỉ có nó mới đủ để mô tả cho những ấn tượng vượt bậc mà người viết có khi trải nghiệm game.
Senua’s Saga: Hellblade 2 đẹp đến từng khung hình, đẹp từng tia nắng, đẹp đến từng chi tiết nhỏ nhất trên mô hình nhân vật, từ cành cây ngọn cỏ, hay cả diễn hoạt của từng diễn viên.
Senua trên hành trình tại vùng đất mới với môi trường đa dạng hơn những tưởng sẽ “làm khó” cho việc thiết kế bố cảnh, nhưng không, những khó khăn này lại mới là dịp để các chuyên viên đồ họa của Ninja Theory được dịp thể hiện trình độ thượng thường của mình. Sức mạnh của Unreal Engine 5 có thể là một bài toán khó với nhiều nhà phát triển “non tay” nhưng với Ninja Theory thì lại cực kỳ “ngoan” trong Senua’s Saga: Hellblade 2.
Mô hình nhân vật với chất lượng đa giác mật độ cực cao, cùng độ trau chuốt tỉ mỉ đến từng chi tiết trên tất cả nhân vật kể cả kẻ thù đều được Ninja Theory thể hiện cực kỳ xuất sắc.
Ở những góc camera cận cảnh, không chỉ những nếp nhăn, những sợ lông được “vẽ” sắc nét mà còn cả những dòng mồ hôi chảy dài trên cổ nhân vật, từng giọt mưa nhỏ trên má rồi rơi xuống cằm, hay cả những lớp vôi, lớp tro được phết lên mặt Senua đều vô cùng chân thực.
Còn về phần bối cảnh tại Iceland thì phải nói là: miễn bàn!
Senua’s Saga: Hellblade 2 không hề tham chi tiết mà tiết chế và hướng người chơi vào cái không khí u uất, chết chóc nặng sắp đặt hơn. Từ bờ biển với những rặng đá và sóng gầm trong cơn bão, lấp ló từng ánh dương le lói cho một hy vọng của những nô lệ xấu số; hay cảnh một buổi hiến tế man rợ trong đêm, với tiếng trống dồn dập và những ngọn lửa bập bùng ngập trong cảm giác ma quái, để rồi cơn ác mộng sinh tử qua đi khi ánh bình minh ló dạng mang đến sự ấm áp cứu rỗi lấy người chơi.
Những đại cảnh kỳ vĩ nhất với góc nhìn cực rộng vừa phá tan sự ngột ngạt, vừa “nhá” cho người chơi về những nguy hiểm tiềm ẩn mà thế giới khắc nghiệt ngoài kia đang chờ đợi Senua, một thứ gì đấy to lớn và khủng khiếp hơn nữa.
Cùng với đó, chính nhờ nặng sắp đặt và màn chơi cực tuyến tính mà khả năng kể chuyện chỉ bằng bối cảnh của Senua’s Saga: Hellblade 2 lại phải nói là quá hiệu quả! Nhà sản xuất còn kỹ lưỡng cung cấp luôn cho game thủ một hệ thống Photo Mode phải nói là xịn xò bậc nhất hiện nay, mà không cần dùng đến “phần mềm bên thứ 3”.
Photo Mode của game cung cấp đủ mọi công cụ cần thiết từ thiết lập camera tự do, hiệu ứng hình ảnh, các loại ống kính, điều chỉnh trạng thái nhân vật, hay cho đến cả cho phép game thủ tự tay đặt đèn thiết lập ánh sáng cho khung cảnh mà mình muốn chụp. Với bằng ấy công cụ, người chơi thừa sức kể lại luôn được câu chuyện của Senua’s Saga: Hellblade 2 chỉ với bằng những tấm hình chụp màn hình (screenshot) cực nghệ.
Riêng người viết phải thú thật rằng bản thân đã… tiêu gấp đôi thời gian thực tế để “phá đảo” game vì cứ đi được vài bước lại phải dừng game để ngồi vọc Photo Mode liên tù tì. Mà có khi, người chơi chỉ cần tùy tiện chụp một tấm trong quá trình trải nghiệm Senua’s Saga: Hellblade 2 cũng đủ để có một tấm hình nền desktop đẹp mắt rồi!
Đáng ngạc nhiên hơn cả là dù cho chất lượng đồ họa của Senua’s Saga: Hellblade 2 là cực cao, nhưng gần như trải nghiệm của người viết lại vô cùng mượt mà, nhẹ nhàng mà lại chẳng hề gặp bất cứ lỗi kỹ thuật đồ họa nào. Thử nghiệm ở mức thiết lập cao nhất ở 1080p với cấu hình i7 13700K à RTX 3060 Ti bật DLSS Quality thì game vẫn cho khung hình cực ổn định trong mức 45-65FPS, hiện tượng trồi sụt rất ít và những trường đoạn hành động cần sự mượt mà hoàn toàn có thể giữ ở mức trên 50FPS.
Tuy nhiên nếu bạn muốn chơi Senua’s Saga: Hellblade 2 ở độ phân giải 4K HDR với mức thiết lập cao nhất (DLSS Native) thì kể kể cả RTX 3090 Ti hay RTX 4070 Ti đều có phần hơi “đuối” với mức FPS chỉ khoảng loanh quanh 35-45 mà thôi. Trong trường hợp này, DLSS Performance có lẽ là một “cứu cánh” khi có thể kéo hiệu suất tới tận hơn 50% (trên 60FPS).
Đây chắc chắn là một điểm cộng lớn, bởi dù là một sản phẩm có định hướng hơi “kén” người chơi, xong việc tiếp cận game thủ bằng một nền đồ họa xuất sắc với mức cấu hình yêu cầu nhẹ là điều hiếm thấy trong thời điểm hiện tại. Phải công nhận rằng khả năng “đánh bóng” và tối ưu của Ninja Theory sẽ phải khiến cho nhiều nhà phát triển game lớn hiện nay hổ thẹn đấy!
Song hành cùng nền đồ họa hảo hạng thì mọi phương diện của phần âm thanh của game cũng phải gọi là… miễn bàn. Tốt nhất người chơi nên chuẩn bị cho mình một chiếc tai nghe chất lượng cao để có thể nhập tâm nhất vào Senua, cảm nhận nội tâm đầy tổn thương một cách sâu sắc hơn.
Nhịp độ và nhịp điệu mỗi khi những bản nhạc nền mang âm hưởng Bắc Âu lúc thì du dương đưa người chơi chìm vào sự bình yên của Iceland, lúc thì dồn dập như đè cả tấn áp lực của sự cộng với những tiếng gào góc thảm thiết đan xen như muốn xé toạc cảm xúc của người chơi vậy.
Iceland của Senua’s Saga: Hellblade 2 dưới sự kết hợp của âm thanh và hình ảnh hiện lên vô cùng mê ly nhưng cũng cực kỳ đáng sợ, một nỗi sợ thấm nhiều yếu tố tâm linh ám ảnh người chơi hơn cả những gì đã trải nghiệm ở phần một.
chất lượng đồ họa của Senua’s Saga: Hellblade 2 là cực cao, nhưng gần như trải nghiệm của người viết lại vô cùng mượt mà, nhẹ nhàng mà lại chẳng hề gặp bất cứ lỗi kỹ thuật đồ họa nào
VƯƠN TẦM ĐIỆN ẢNH
Có thể thấy một xu hướng đang lên trong thời điểm vài năm trở lại đây khi ngành điện ảnh và ngành game đang có một lối đi chung: “chuyển thể”.
Rất nhiều tựa game thành công sau khi được mang lên màn ảnh rộng/nhỏ, đem về rất nhiều hiệu quả về mặt doanh thu lẫn tiếp thị thương hiệu. Cũng rất nhiều tựa game mà yếu tố điện ảnh được đề cao, thay vì quá tập trung vào khả năng “gồng” lên bằng lối chơi phức tạp.
Ngay từ đầu, Ninja Theory đã định hướng Senua’s Saga: Hellblade 2 sẽ là một tựa game mang nặng yếu tố “xi-nê” nhất có thể, khung hình sẽ mặc định luôn ở tỉ lệ 21:9 và cũng không có tùy chọn tùy chỉnh về các tỉ lệ khác (ngoài chế độ Photo Mode).
Ban đầu, người viết cảm thấy khá khó chịu nhất khi trải nghiệm Senua’s Saga: Hellblade 2 ở một màn hình 16:9, với hai viền đen cực lớn ở cả trên và dưới, nhưng chỉ sau 15 phút trải nghiệm người viết đã phải gật gù bởi chính yếu tố này khiến game trở nên khác biệt với thứ mà người viết từng tưởng tượng trước khi bấm “Play”.
Bạn hoàn toàn có thể thoải mái “chill” trên chiếc ghế bành êm ái để tận hưởng Senua’s Saga: Hellblade 2 như một bộ phim hành động hấp dẫn, vừa trải nghiệm nhẹ nhàng lối chơi mà không phải quá chú tâm đến việc đòi hỏi kỹ năng điều khiển.
Game cũng không “cầm tay chỉ việc” cho người chơi phải làm những gì mà buộc người chơi phải vận dụng “gamesense” của mình để chơi. Mọi thứ đều diễn ra một cách liên tục, trường đoạn này nối tiếp trường đoạn khác tự nhiên mà không có một sự vấp váp nào.
Sự liền mạch này được cân bằng rất tốt giữa trường đoạn “kể” và trường đoạn “chơi” nên người chơi cũng không hề cảm thấy quá khó chịu khi phải chuyển đổi trạng thái “chill” (thư giãn) và chơi liên tục.
Về phần diễn xuất, nữ diễn viên Melina Juergens vẫn tiếp tục tỏa sáng với màn hóa thân xuất chúng hơn trước đây khi không chỉ khả năng mô tả cảm xúc của nhân vật đã được nâng cấp, mà mọi chi tiết như nếp nhăn, những dòng mồ hôi đổ xuống cằm, hay từng sợi lông tơ trên gò má… càng tăng sự chân thật đến mức gần như xóa nhòa được ranh giới giữa thực và ảo.
Người viết dám cá là bạn đọc có thể sẽ “sốc” khi thiết lập Senua’s Saga: Hellblade 2 ở tùy chỉnh độ họa cao nhất và chứng kiến màn hóa thân ấn tượng của Melina Juergens.
Đặc biệt là ở những trường đoạn hành động nghẹt thở, mà điển hình nhất là cuộc đi săn người khổng lồ của Senua và “đồng bọn”. Những cuộc chiến trong game được sắp đặt và có nhịp độ rất hấp dẫn, chia thành các phân đoạn có các kịch bản khác nhau diễn ra theo trình tự cực “mướt”.
Khi kết hợp cả phần âm nhạc tuyệt hảo, nó ấn tượng và cảm xúc đến nỗi như bạn đang ngồi trong rạp và thưởng thức bom tấn hành động “one-take” đầy nghẹt thở vậy!
Đồng hành cùng Senua giờ đây không chỉ có hai nhân cách đối lập trong đầu cô nữa, mà nay câu chuyện của Senua’s Saga: Hellblade 2 sẽ có thêm sự góp mặt của nhiều nhân vật phụ hơn, cũng được hóa thân bởi những diễn viên thực lực.
Cũng nhờ thế mà yếu tố “điện ảnh” của game cũng thêm phần ấn tượng, bởi sự chân thực trong diễn xuất nói trên được nhân lên gấp nhiều lần cùng số lượng NPC.
Dĩ nhiên, chất lượng mô hình, diễn xuất, hiệu ứng cho từng NPC đều được Ninja Theory chăm chút tối đa.
Sự liền mạch này được cân bằng rất tốt giữa trường đoạn “kể” và trường đoạn “chơi” nên người chơi cũng không hề cảm thấy quá khó chịu khi phải chuyển đổi trạng thái “chill” (thư giãn) và chơi liên tục
BẠN SẼ GHÉT
7 NĂM CHO… 7 GIỜ CHƠI?
Thật như đùa, trước khi đến với Senua’s Saga: Hellblade 2, người viết đã khá là nghi ngờ khi có thông tin game chỉ dài tầm… 5 tiếng mà thôi. Thực tế trải nghiệm (nếu không tính thời gian “vọc” Photo Mode) thì Senua’s Saga: Hellblade 2 chắc dài lắm cũng chỉ tầm 7 giờ mà thôi.
Với độ dài khiêm tốn của mình, Senua’s Saga: Hellblade 2 có thể xem là một bước lùi, nhưng lại phù hợp một cách hơi kỳ lạ. Bởi lẽ trải nghiệm “chơi” mà game mang lại như đã nói ở trên là không nhiều.
Bản thân người viết với những trải nghiệm trước đó với Hellblade: Senua’s Sacrifice nên sẽ không quá bất ngờ với định hướng phát triển của Senua’s Saga: Hellblade 2. Nhưng nếu bạn đọc chưa chơi phần một mà bắt đầu luôn với phần này thì game chẳng khác gì một game “giả lập đi bộ” nhàm chán và thiếu cuốn hút.
Hellblade: Senua’s Sacrifice vốn đã có một lối chơi cực tối giản, phân chia thành hai trường đoạn hành động – giải đố diễn ra xen kẻ xuyên suốt từ đầu đến cuối, thì đến Senua’s Saga: Hellblade 2 sự tối giản này còn… “cực đoan” hơn khi những tình tiết “chơi” còn được “đì” xuống nhiều hơn rất nhiều, nếu không tính các phân cảnh “đi bộ giải đố”.
Số lần chạm trán kẻ thù không nhiều và chúng thường rất… “quân tử Tàu”, hết tên này đến kẻ khác cứ lần lượt “xếp hàng” nghênh chiến Senua nên về mặt điện ảnh nó rất ấn tượng, nhưng bảo là đủ “phê” hay không thì lại chưa đủ. Đã vậy, cũng như đã nói ở trên, tuy không “cầm tay chỉ việc” nhưng độ khó của Senua’s Saga: Hellblade 2 lại khá dễ một khi đã nắm rõ cơ chế điều khiển, nên nếu đòi hỏi một lối chơi “đã tay” thì hẳn game sẽ khiến bạn thất vọng ít nhiều.
Ngoài ra, một điểm trừ về mặt nội dung của Senua’s Saga: Hellblade 2 và cũng là điều khiến người viết cảm thấy tiếc nuối: khi câu chuyện game đã được mở rộng ra rất nhiều nhưng chưa được xử lý tốt như tiềm năng của nó. Câu chuyện mới sẽ không chỉ là cuộc chiến trong nội tâm sâu thẳm của Senua, mà còn là cuộc chiến của cả dân tộc của cô, của một vùng đất mới với một “văn hóa”, con người và tín ngưỡng mới, thứ mà sẽ lại khiến Senua tiếp tục rơi vào một cuộc chiến nội tâm không có thực khác.
Điều này nghe thì có vẻ rất đồ sộ, nhưng cách nhà sản xuất “gói” vào một trải nghiệm chỉ dài 7 tiếng thì lại quá nhanh. Các tình tiết được xử lý rất cô đọng và thiếu nhịp chuyển biến trung gian cần thiết, đôi khi là quá đơn giản, có đoạn thì lại rất lan man.
Ninja Theory đã quá “tham lam” khi cố truyền tải quá nhiều “góc nhìn” về các sự kiện diễn ra tại Iceland, trong đó sự góp mặt của NPC đại diện cho hiện thực. Để đến khi diễn đạt nó bằng góc nhìn của một bệnh nhân tâm thần phân liệt thì lại có phần quá rối rắm trong diễn đạt nhưng đồng thời lại bị đơn điệu trong tình tiết (nếu so sánh với phiên bản tiền nhiệm).
Các tình tiết được xử lý rất cô đọng và thiếu nhịp chuyển biến trung gian cần thiết, đôi khi là quá đơn giản, có đoạn thì lại rất lan man