Serious Sam: Siberian Mayhem – Với game thủ Việt, làn sóng “bắn súng hoài cổ” hay Boomer Shooter có thể không gây được nhiều tiếng vang như với cộng đồng phương Tây, vì với nhiều người, cái thời mà Doom, Quake, Blood, Duke Nukem… thịnh hành nhất thì hiếm ai có được một chiếc máy tính, huống hồ tới mức có internet để tìm hiểu, tải và chơi game.
Việc chơi game và Internet đến muộn hơn, thế nên với nhiều game thủ Việt Nam chúng ta, “boomer shooter” lại gắn liền với những cái tên sinh sau đẻ muộn hơn như Painkiller, BloodRayne… và đặc biệt là Serious Sam.
Chàng “Sam Nghiêm Túc” cùng lối chơi “chạy lùi bắn quái” trên những bình nguyên bất tận đã trở thành biểu tượng với bao nhiêu anh em game thủ Việt, với nhiều người mua dàn máy “khủng” xong cuối cùng tải… Serious Sam 2 về chơi.
Tuy nhiên, với nhiều người, Serious Sam là thương hiệu game bắn súng hoài cổ tuy dài hơi, nhưng lại có chất lượng đi xuống tương đối rõ rệt, những “cải tiến” và thay đổi của mỗi phần sau dường như khiến cho trải nghiệm game càng rườm rà và thiếu đi cái chất ngộ nghĩnh nhưng thử thách đầy đơn giản của Serious Sam, đặc biệt là sau thất bại ê chề của Serious Sam phần 4.
Thế nên, khi mà Serious Sam: Siberian Mayhem được công bố là một bản mở rộng của một Serious Sam 4 (đầy thất vọng), thì hy vọng của người hâm mộ về game là rất thấp, còn càng thấp hơn khi đây chỉ là một tựa game được phát triển bởi một đội ngũ nghiệp dư bao gồm người hâm mộ và… modder.
Liệu Serious Sam: Siberian Mayhem có tạo được bất ngờ? Liệu người hâm mộ có “hiểu” được Serious Sam hơn đội ngũ phát triển?
Hãy cùng Vietgame.asia cùng anh “Sam Nghiêm Túc” xách súng tới miền Viễn Đông nước Nga để tìm hiểu nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Đừng nhờn với “thanh niên nghiêm túc”!
Không lê thê rườm rà, Serious Sam: Siberian Mayhem thả ngay anh bạn Sam Nghiêm Túc của chúng ta lên một bờ biển tuyết mù trắng xóa, đưa cho anh ta một khẩu shotgun rồi bắt đầu… ném kẻ thù vào Sam ngay lập tức.
Nếu có thể dành một từ cho Serious Sam: Siberian Mayhem – đó là không rườm rà. Vốn là một bản mở rộng độc lập cho Serious Sam 4, đội ngũ Timelock đã nghiên cứu kĩ lưỡng những khuyết điểm của Serious Sam 4, từ đó tận dụng engine hiện đại của phần 4 để tạo nên một phiên bản Serious Sam “thuần chất” hệt như hai tựa game đầu tiên, nhưng cũng thêm vào những cải tiến vô cùng giá trị.
Cụ thể, Serious Sam: Siberian Mayhem là một phiên bản Serious Sam được thiết kế vô cùng chặt chẽ. Ngay cả cơ chế “Serious sprinting” (bứt tốc về phía trước), một cơ chế vốn dĩ là tương đối lạc quẻ với một cái game mà người chơi sẽ dành 99% thời lượng chạy lùi hoặc chạy ngang, cũng được chăm chút kĩ lưỡng.
Việc bứt tốc giờ đây tức thời và nhanh hơn, phù hợp với những màn chơi rộng hơn và đối phó với những kẻ thù linh động hơn khi so với phần 4.
Cách kẻ thù được bố trí cũng như số lượng kẻ thù cũng được tỉ mẩn thiết kế sao cho game không bao giờ quá khó, cũng không quá dễ, vừa tối ưu hóa độ đã tay của cơ chế bắn súng.
Serious Sam: Siberian Mayhem đạt được sự tối ưu này bằng cách luôn thêm cái gì đó “mới” như một vũ khí mới hay một cơ chế chiến đấu nhất định cho mỗi màn chơi, rồi cho người chơi thử ngay trong một môi trường phù hợp với vũ khí hoặc cơ chế mới đó.
Đơn cử, khi người chơi lần đầu cầm lên tay khẩu AK-47, dù chỉ là một phiên bản “thay da” của khẩu M29 trong Serious Sam 4 gốc, nhưng game cũng bắt đầu ném kẻ thù về phía người chơi ở tầm trung với một mức độ vừa phải để người chơi ngay lập tức tận dụng khẩu súng trường chiến đấu đầy sức mạnh này, hay khi về nửa sau của game khi người chơi nhận được khẩu Ray Gun quyền năng, game lập tức ném người chơi vào một đấu trường vô cùng chật chội nhưng lại rất ít chướng ngại vật, rồi để kẻ thù bao vây tứ phía để người chơi có thể thoải mái đã tay đốt trụi bọn chúng.
Các thay đổi và bổ sung mà Serious Sam: Siberian Mayhem mang lại cho các cơ chế chiến đấu của Serious Sam 4 dường như được cân bằng khá cẩn thận và tỉ mẩn, khiến cho bản mở rộng này có cảm giác vô cùng chặt chẽ và không hề có một cảm giác nhàm chán nào.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, đội ngũ Timelock còn cẩn thận thiết kế các nhiệm vụ phụ và đấu trường ẩn đầy hấp dẫn, để cổ vũ người chơi khám phá vùng đất Siberia đầy thú vị mà họ đã dựng nên, chứ không chạy lòng vòng vô định mất thời gian mà chả được gì như trong phần bốn.
Những cải tiến này cho thấy đội ngũ Timelock hiểu rõ những cái tinh túy tạo nên lối chơi của Serious Sam, từ đó sửa những lỗi sai của Serious Sam 4 để tạo nên một phiên bản Serious Sam vừa chặt chẽ, vừa giữ được “chất” của thương hiệu, vừa sáng tạo và vô cùng cá tính.
Những cải tiến này cho thấy đội ngũ Timelock hiểu rõ những cái tinh túy tạo nên lối chơi của Serious Sam, từ đó sửa những lỗi sai của Serious Sam 4
Từ Nước Nga Thân Thương
Không những được thiết kế chặt chẽ hơn, Serious Sam: Siberian Mayhem còn đẹp hơn rất nhiều so với phần bốn.
5 màn chơi được đặt tên theo năm tác phẩm văn học Nga nổi tiếng đều mang những cá tính rất riêng trong thiết kế môi trường, từ nhà máy lọc dầu, nhà máy điện tới bình nguyên tuyết trắng mênh mang bao phủ bởi bão tuyết, từ những cơ sở khoa học hiện đại đến các ngôi làng bỏ hoang, từ những cánh đồng héo úa vì cái lạnh mịt mù đến những thảo nguyên xanh ngát.
Game cũng tận dụng tối ưu những cơ chế chiếu sáng hiện đại của engine Serious Sam 4 để che đi những khuyết điểm trong thiết kế hiệu ứng thời tiết và môi trường, khiến cho miền Viễn đông nước Nga được tái hiện trong game càng trở nên đáng tin và dễ nhập tâm hơn.
Bên cạnh đó, Serious Sam: Siberian Mayhem là một bản mở rộng do một đội ngũ “fan cứng” của thương hiệu Serious Sam thực hiện, nên tình yêu của họ với bản mở rộng này là vô cùng rõ ràng.
Từ việc nhóm nhân vật phụ được chiến đấu cùng Sam được khắc họa dựa theo… nhóm phát triển ngoài đời, đến việc một trong số họ dõng dạc tuyên bố rằng họ là “fan bự nhất” trên đời của Sam.
Serious Sam: Siberian Mayhem thực sự là một món quà tri ân đầy thân thương của đội ngũ Timelock dành cho thương hiệu Serious Sam.
Không dừng lại ở đó, tất cả 5 màn của game đều có 1-2 bí mật nhất định nhắc tới những tình tiết đến từ những bản Serious Sam trước mà phải là “fan cuồng” lắm mới biết!
Dù cho cốt truyện của game có phần đơn điệu, nhưng trải nghiệm mà Siberian Mayhem mang lại cho người hâm mộ là vô cùng đặc biệt và đầy cảm xúc.
Không những được thiết kế chặt chẽ hơn, Serious Sam: Siberian Mayhem còn đẹp hơn rất nhiều so với phần bốn