Civilization VI – Civilization là một trong số ít “thủy tổ” có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của thể loại game chiến thuật 4X (eXplore, eXpand, eXploit, and eXterminate), vài ví dụ điển hình như dòng Endless (Endless Legend, Endless Space 2) của hãng Amplitude Studio, Stellaris của Paradox, v.v. nhưng cũng vì thế mà phong cách chơi của dòng game cũng sớm “định hình”, khó còn chỗ trống cho các phát triển lâu dài khác.
Chính vì vậy từ sau phiên bản Civilization III, Sid Meier – “cha đẻ” của dòng game huyền thoại này, phải tìm kiếm những thay đổi mang tính đột phá để có thể tiếp tục duy trì “lửa” cho dòng game.
Thậm chí yêu cầu này còn đặt ra cho những “lĩnh đội” kế thừa ông như Soren Johnson hay Will Miller và David McDonough, những “đầu lĩnh” của Firaxis sau này một “gánh nặng” vô cùng to lớn.
Hiển nhiên là việc liên tục “đẻ sồn sột” những phiên bản mới đem lại thách thức vô cùng nghiêm trọng của các nhà phát triển game, nhất là khi các hãng vẫn phải tiếp tục cho ra mắt game để có thể “kiếm cơm” và gây quỹ cho các dự án tương lai.
Chính vì thế mà trong suốt một thời gian dài, các phiên bản “spin-off” của dòng game Civilization xuất hiện lấy đủ các thể loại bối cảnh từ mặt đất đến cung trăng (Sid Meier’s Civilization Beyond Earth), nhưng sự “na ná” nhau về cách chơi đã khiến cho các phiên bản này không thật sự đạt được nhiều thành tựu như các phiên bản dòng chính.
Có mất cũng có được, những phiên bản này cũng tích lũy cho nhóm thiết kế của hãng không ít kinh nghiệm cũng như sáng tạo, để rồi khi Ed Beach lên nắm giữ vị trí thiết kế trưởng, dòng game Sid Meier’s Civilization lại tiếp tục tỏa sáng với phiên bản Sid Meier’s Civilization VI khi quay trở lại mạch chơi chính thức!
BẠN SẼ THÍCH
MỘT CHÚT “BIẾN TẤU” HẤP DẪN!
Khi nói đến lối chơi, nhiều game thủ “gạo cội” của dòng game Civilization sẽ bắt đầu tặc lưỡi ngán ngẩm khi rất nhiều “bổn cũ soạn lại” từ phiên bản Civilization III hoàn toàn có thể áp dụng cho những phiên bản tiếp theo, dù cho nhóm thiết kế từ Firaxis đã cố gắng “xào nấu” rất nhiều trong lối chơi, bởi một lẽ đơn giản, “công thức” 4X do Sid Meier lập nên đã quá chắc chắn và rất khó thay đổi!
Thế nhưng khi bắt tay vào với phiên bản Sid Meier’s Civilization VI, Ed Beach đã làm ra được điều khác biệt mang tính cốt lõi.
Không phải “chế” ra những “món ăn chơi” hoàn toàn mới để “lừa bịp” người chơi theo cách mà rất nhiều dòng game “mỳ ăn liền” khác đang áp dụng trên thị trường hiện nay, Ed Beach đã vô cùng nghiêm túc khi “mổ xẻ” lại những cốt lõi cơ bản của lối chơi 4X mà Sid Meier đã lập nên cho dòng game Civilization của mình, để rồi trên những nền tảng thành công nhất mà các game thủ kỳ cựu lẫn các nhà phê bình thường khen ngợi, tạo ra một chút “biến tấu” khác biệt cho Sid Meier’s Civilization VI nhưng vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần của cả dòng game.
Mặc dù không được đánh giá cao bằng phiên bản gốc, các phiên bản “spin-off” vẫn để lại một số gợi ý “sáng giá” cho Ed Beach để hoàn thành Sid Meier’s Civilization VI.
Chẳng hạn như, việc phát triển đơn độc một cây kỹ thuật như các phiên bản truyền thống đã không còn đủ “thử thách” cho các game thủ, mà các yếu tố thêm vào như tùy biến đặc điểm cá nhân (Personality Traits) trong bản mở rộng Rising Tide của Sid Meier’s Civilization: Beyond Earth, có thể tác động rất lớn đến các chiến thuật của người chơi, dù cùng phát triển chung một khuynh hướng kỹ thuật.
Điều này làm cho lối chơi trở nên phong phú, đa dạng hơn và cũng tạo nên nhiều chiến thuật mới, nhưng những thay đổi này chưa đủ “mạnh tay” để có thể làm cho game trở nên đáng…”nghiền ngẫm” như cảm giác của những phiên bản đầu tiên của dòng game dành cho người chơi trước đây.
Thế nên, việc thêm thắt, đan xen sao cho hợp lý trong Sid Meier’s Civilization VI đã trở thành vấn đề cốt lõi nhất.
Lần đầu tiên trong lịch sử của dòng game, các công trình xây dựng, các lựa chọn phát triển, các nguồn tài nguyên tự nhiên, thậm chí là các vĩ nhân đều tạo ra các tác động qua lại, đan xen lẫn nhau, thúc đẩy sự phát triển vô cùng phức tạp.
Ed Beach đã vô cùng nghiêm túc khi “mổ xẻ” lại những cốt lõi cơ bản của lối chơi 4X mà Sid Meier đã lập nên cho dòng game Civilization của mình
Nếu như trước đây bạn chỉ cần giao dịch công nghệ, xây thật nhiều trường học, thư viện thì có thể dễ dàng chiến thắng về mặt kỹ thuật, thì bây giờ những người chơi thích khám phá, xây dựng cũng như chinh phục cũng rất dễ dàng đạt được các ưu đãi về mặt công nghệ thông qua các “technological boost”.
Các điểm đan xen này tuy làm cho trò chơi phức tạp hơn, nhưng nó cũng khiến cho game trở nên cân bằng, ép người chơi đi vào “khuôn khổ” phát triển hài hòa mà không khuyến khích phát triển “lệch vị” như các phiên bản trước.
Điều này khiến cho Sid Meier’s Civilization VI trở nên “khó nhằn” hơn, nhưng cũng đáng chơi hơn, mới mẻ hơn rất nhiều kể cả với các fan lâu năm của dòng game.
HÌNH – ÂM XUẤT SẮC
Nếu như trước đây người viết đã từng rất không hài lòng với đồ họa “chèm bẹp”, thô thiển của Sid Meier’s Civilization: Beyond Earth thì phiên bản Sid Meier’s Civilization VI đã cải thiện rất tốt mảng này khi dựng hình vô cùng chi tiết cả địa hình, nhân vật lẫn các công trình kiến trúc bằng lượng vân bề mặt (texture) khá lớn.
Vì vậy mà game tỏ ra khá nặng nếu so sánh với các dòng game chiến thuật 4X cùng thể loại, vốn ít đòi hỏi cao về mặt đồ họa.
Thật vậy, với card màn hình GTX 1050Ti, trình đánh giá (benchmark) của game chỉ cho mức tốc độ khung hình từ 40fps đến 50fps ở thiết lập cao nhất, khá nặng nếu như người chơi chỉ sở hữu các card đồ họa tầm trung.
Các chuyển động của nhân vật, mô hình và hoạt náo của các lãnh đạo trong game đều được thể hiện vô cùng chi tiết và đặc sắc, điều này làm cho game bớt “cứng” như các phiên bản “dòng chính” trước đây, nhưng cũng không quá “hoạt kê” theo kiểu hoạt hình như trên Civilization Revolution.
Thiên hướng đồ họa trung tính của Sid Meier’s Civilization VI thể hiện vô cùng vừa phải và đúng chỗ, điều này tạo nên một nét hài hòa cho toàn bộ trò chơi như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại, không quá gượng ép theo phong cách lịch sử mà cũng không quá “nhố nhăng” như một bộ phim hoạt hình.
phiên bản Sid Meier’s Civilization VI này đã cải thiện rất tốt mảng này khi dựng hình vô cùng chi tiết cả địa hình, nhân vật lẫn các công trình kiến trúc bằng lượng vân bề mặt (texture) khá lớn
Âm thanh cũng là một điểm nhấn khác trong Sid Meier’s Civilization VI.
Hầu hết các bản nhạc đều được nhà soạn nhạc Christopher Tin, người từng được giải Grammy cho nhạc nền của phiên bản thứ tư của dòng game, đảm nhiệm.
Bài nhạc “Sogno di Volare” trở thành điểm nhấn khá mạnh mẽ của cả tựa game, hào hùng, mạnh mẽ và hoa mỹ không kém gì bài nhạc “Baba Yetu” trước đây, nhất là trong khả năng phối âm hoàn hảo với dàn nhạc giao hưởng cỡ lớn.
Các nền văn minh khác nhau đều sở hữu những bộ nhạc nền riêng biệt.
Điều này khiến cho không khí của Sid Meier’s Civilization VI trở nên bớt nhàm chán, đem đến khoảnh khắc nhẹ nhàng cho người chơi như đọc một cuốn sách hay, hay thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hơn là một trò chơi đơn thuần.
GIAO DIỆN ĐƠN GIẢN – HỢP LÝ
Với lối chơi đã trở nên phức tạp gần gấp đôi so với trước, sẽ là một “thảm họa” nếu như Sid Meier’s Civilization VI không sở hữu một giao diện dễ hiểu, trực quan và khoa học.
Hầu hết các biểu tượng (icon) đều được thiết kế đơn giản, bố trí hợp lý, thể hiện lượng thông tin vừa đủ mà không quá rối rắm, nhất là với thanh ghi chú nằm ở góc tay phải khá giống với thanh ghi chú trên hệ điều hành Android.
Nhờ đó mà bạn không phải “ngộp” trong một “biển thông tin” ngồn ngộn sau mỗi lượt chơi!
Các trình đơn (menu) điều khiển khác cũng được thiết kế theo kiểu nhấn – chọn với mức độ tự động cao.
Hầu hết các biểu tượng (icon) đều được thiết kế đơn giản, bố trí hợp lý, thể hiện lượng thông tin vừa đủ mà không quá rối rắm
Chẳng hạn như các vị trí có thể xây công trình đều được đánh dấu màu xanh, các khu vực có thể chiến đấu sẽ tự động chuyển sang màu đỏ khi xuất hiện tình huống kịch bản hợp lý.
Thậm chí tay “Cố vấn” (Advisor) lắm lời trong các phiên bản khác cũng trở nên “kiệm lời” hơn, nhưng vẫn nói đúng và đầy đủ trọng tâm.
Nhờ vậy mà ngay cả với những người mới tập chơi thì Sid Meier’s Civilization VI vẫn vô cùng đơn giản và thân thiện, giúp bạn thích ứng nhanh với không khí của game.
BẠN SẼ GHÉT
MỘT ÍT “SẠN” KHÔNG ĐÁNG CÓ!
Có thể coi Sid Meier’s Civilization VI là một tựa game khá hoàn thiện, nhưng vẫn có một vài “sạn” nhỏ không đáng có làm cho người chơi cảm thấy có một chút không trọn vẹn khi thưởng thức trò chơi.
Điểm “đáng ghét” đầu tiên nằm ở thời gian nạp màn chơi quá lâu.
Một phần nguyên nhân do hệ thống đồ họa trở nên phức tạp, nhưng một phần khác cũng có thể do engine game mới chưa được tối ưu, khiến cho thời gian nạp màn chơi trở nên khó chấp nhận!
Thậm chí với lần đầu vào chơi, thời gian tạo màn, nạp màn có thể kéo dài lên đến tận… 5 phút, đủ để “mài mòn” sự kiên nhẫn của bất kỳ người chơi nào.
Thêm vào đó, hệ thống A.I (trí thông minh nhân tạo) trong Sid Meier’s Civilization VI vẫn khá kém cỏi như trước, khiến cho cấp chơi thông thường trở nên thiếu thử thách.
Tuy nhiên, ở các mức độ khó cao như King hay Emperor, máy lại… “chơi cheat” một cách trắng trợn để đạt được ưu thế tốc độ và chiến thuật.
Thậm chí với lần đầu vào chơi, thời gian tạo màn, nạp màn có thể kéo dài lên đến tận 5 phút
Điều này làm cho cả những người hâm mộ “gạo cội” cũng gặp phải không ít ức chế.
Điển hình như người viết từng phát hiện ra phe Ấn Độ có thể “spam” hơn 20 voi tấn công chỉ trong 20 lượt khi chơi ở mức độ khó Emperor, một tốc độ “chớp nhoáng” mà chẳng cách nào người chơi thông thường có thể theo kịp!
THÔNG TIN
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 64bit / 8.1 64bit / 10 64bit
- CPU: Intel Core i3 2.5 Ghz / AMD Phenom II 2.6 Ghz or greater
- RAM: 4 GB
- HDD: 12 GB
- VGA: 1 GB DirectX 11
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- CPU: i7 4970 3.6GHz
- RAM: 8 GB
- Graphics: GIGABYTE GEFORCE GTX 1050Ti D5 4GB
- HDD: 1 TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 2K GAMES – CHƠI TRÊN HỆ PC